Đại Kỷ Nguyên

Mạn đàm Tam Quốc (P.2): Vì sao Gia Cát Lượng có thể đoán trước được cái chết của chính mình?

Hàng trăm năm qua, “Tam quốc diễn nghĩa” đã luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Á Đông. Câu chuyện ba nước tranh hùng in sâu vào lòng người, cũng khiến các nhà phê bình tốn bao bút mực mà vẫn không sao nghiên cứu thấu tỏ nội hàm. Qua loạt bài này, chúng tôi muốn đứng từ một góc độ khác để đàm luận về thiên anh hùng ca đặc sắc này. 

Công năng có được từ tu luyện

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” điều khiến mọi người tán thán khâm phục nhất đương nhiên là trí huệ của Gia Cát Lượng. Người thời nay đều cho rằng Gia Cát Lượng tinh thông thuật số, kỳ môn độn giáp. Họ cho rằng thần cơ diệu toán của Gia Cát Lượng đến từ chiêm bốc, bói toán, Chu Dịch. Nhưng như ở phần trước chúng tôi đã bàn về việc các ngành nghề trong xã hội xưa đều quán xuyến, thực hành đả tọa, tịnh tâm, nhập định, tu tập. Các bậc thầy Kinh Dịch thời bấy giờ đều có tu dưỡng nên đạo đức cao thượng, bởi vậy mà khai phát ra được công năng siêu thường của bản thân. Nghĩa là trí huệ của họ đến từ việc tu tâm chứ không phải từ một vài thủ pháp kỹ thuật, học vấn thông thường. 

Thiệu Ung thời Tống là bậc thầy về Kinh Dịch, trước tác của ông có “Hoàng Cực Kinh Thế”, “Thiết Bản Thần Số”, “Mai Hoa Dịch Số”… Trong đó, “Mai Hoa Thi” của ông vốn không phải là dự ngôn mà những thầy toán mệnh bình thường có thể làm ra được. Trên bề mặt thì nó đã dự đoán được sự hưng suy và thay đổi triều đại của lịch sử Trung Quốc, nhưng thực chất là vén màn vở diễn chính của lịch sử nhân loại và mục đích thật sự của việc con người đến thế gian này. Siêu năng lực nhìn thấu tỏ thiên địa vạn vật xưa nay đều hiện rõ ra trong đó.

Gia Cát Lượng cũng có “Mã Tiền Khóa”, đưa ra nhiều dự ngôn từ thời Tam Quốc cho đến đại sự lịch sử ngày hôm nay. Cho nên đối với hướng đi của lịch sử, Gia Cát Lượng trên thực tế đã rõ như lòng bàn tay. Điều này có thể giải thích vì sao ngay trong lần đầu cùng Lưu Bị bàn luận đại kế thiên hạ, ông đã tiên đoán chính xác kết cục thiên hạ chia ba. Ông còn lấy ra một tấm địa đồ, khẳng định rằng Lưu Bị ngày sau ắt phải lấy đất Tây Thục lập quốc, cùng Tào Tháo, Tôn Quyền theo thế chân vạc mà chia thiên hạ. 

Trí huệ của họ đến từ việc tu tâm chứ không phải từ một vài thủ pháp kỹ thuật, học vấn thông thường.  Ảnh dẫn theo pinterest.co.uk

Người hiện đại đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” chỉ có thể thán phục trí tuệ và nhãn quan của Gia Cát Lượng. Nhưng họ mãi cũng không nghĩ ra được vì sao một người nông dân vốn cày ruộng ở Long Trung như ông vốn ít giao du mà chưa ra khỏi núi đã biết đại thế thiên hạ. Càng lạ là Khổng Minh thấu tỏ kỹ càng tính cách của mười mấy lộ chư hầu khi ấy, cũng như mối quan hệ giữa các thế lực, từ đó mà tiên đoán chính xác kết cục thế chân vạc của Tam Quốc. Thực ra, người hiểu biết về tu luyện đều biết loại trí tuệ này là vượt xa khỏi cấp độ người thường, đạt đến cảnh giới như lời Lão Tử miêu tả trong “Đạo Đức Kinh” rằng: “Không ra khỏi nhà, cũng biết thiên hạ” (Bất xuất hộ, tri thiên hạ).

Trong rất nhiều tình tiết đấu trí của “Tam quốc diễn nghĩa”, hấp dẫn nhất là đoạn Tôn – Lưu liên hợp kháng Tào, hỏa thiêu Xích Bích. Gia Cát Lượng một mình sang Giang Đông thuyết phục Tôn Quyền cùng hợp sức kháng Tào. Khi trải qua một phen tranh luận và cân nhắc, Tôn Quyền quyết định kháng Tào chứ không chịu đầu hàng, mặc cho đám mưu thần Đông Ngô chủ trương đầu hàng trước sức mạnh trăm vạn hùng binh của Tào Tháo.

Khi đó, Tôn Quyền rút ngay thanh gươm đeo ở mình, chặt xuống góc bàn trước mặt, nói rằng: “Các quan các tướng, ai còn nói hàng Tào sẽ như cái góc bàn này”. Nói xong, Quyền tặng luôn thanh gươm cho Chu Du, phong Chu Du làm Đại đô đốc, Trình Phổ làm phó đô đốc, Lỗ Túc làm tân quân hiệu uý. Nếu văn quan võ tướng, ai không tuân lệnh, thì dùng thanh gươm ấy chém đi.

Lúc mà Chu Du và đám quần thần đều cho rằng Tôn Quyền đã hạ quyết tâm không cần phải thắc mắc thêm gì nữa, Gia Cát Lượng lại có thể nhìn thấu được trong tâm của Tôn Quyền vẫn còn lo lắng. Khi Chu Du về hỏi Khổng Minh kế hay phá giặc Tào, Khổng Minh nói: “Bụng Tôn tướng quân chưa thật ổn, không thể định kế được vội. Vẫn còn có ý sợ quân Tào nhiều, quân mình ít không địch nổi. Tướng quân nên nói rõ quân số để Tôn tướng quân vững dạ thì việc lớn ắt xong”. 

Khi vào thăm Tôn Quyền, Chu Du hỏi: “Ngày mai cất quân, chúa công còn nghi hoặc chút nào không?”. Quả nhiên Tôn Quyền đáp: “Ta chỉ còn lo quân Tào nhiều lắm, sợ không địch nổi thôi”.

Chu Du nói: “Tôi chỉ vì việc ấy mà đến đây, nói rõ để chúa công biết. Chúa công thấy hịch Tào Tháo nói dối có trăm vạn quân, nên sinh lòng nghi sợ, không xét rõ hư thực thế nào. Nay xét ra, hắn huy động quân mã trong nước chẳng qua được mười lăm, mười sáu vạn, mà đã mệt mỏi cả rồi. Số quân thu được của họ Viên cũng độ bảy tám vạn, nhưng đa số vẫn còn nghi ngờ chưa phục. Quân số tuy nhiều cũng không đáng sợ. Tôi chỉ xin năm vạn quân là đủ phá nổi. Chúa công chớ nên áy náy nữa”. 

Quyền vỗ vào lưng Chu Du mà nói rằng: “Công Cẩn nói đến điều ấy, thật gỡ được mối hoài nghi cho ta. Tử Bố không biết gì, ta mất tin cậy. Chỉ có ngươi với Tử Kính là hợp bụng với ta thôi”. 

Đương khi ấy, Chu Du lo liệu mọi việc đều đã xong xuôi nhưng chỉ bởi mùa đông không có gió Đông mà lo lắng đến sinh bệnh, nằm liệt không dậy nổi. Gia Cát Lượng lại biết được tâm ý này của Chu Du, bèn lập đàn cầu phong, mượn được gió Đông, trị khỏi tâm bệnh cho Đại đô đốc Đông Ngô. Nếu Gia Cát Lượng không có “tha tâm thông” (biết hết ý nghĩ của người khác), liệu ông có thể nhìn thấu được suy nghĩ của người khác như thế hay không? “Khổng Minh mượn gió đông”, “Gia Cát giả thần”… đều là những câu chuyện triển hiện ra thần tích của Đạo gia, của người tu luyện vậy. 

Khổng Minh cầu gió Đông dùng hỏa công tiêu diệt 100 vạn quân Tào. Ảnh dẫn theo us.24h.com.vn

Đạo đức cao thượng đến từ tu dưỡng

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng không chỉ biểu hiện nội hàm mưu trí của con người, mà còn thể hiện cảnh giới tu dưỡng đạo đức cao thâm. Gia Cát Lượng tấm lòng thoáng đãng, khoan dung độ lượng, sau khi Chu Du qua đời còn mạo hiểm vượt sông đến viếng tang. Gia Cát Lượng tuy có tài kinh thiên động địa nhưng trước sau không hề đố kỵ hiền tài, còn không ngừng tiến cử anh tài cho Lưu Bị, tiến cử Bàng Thống làm quân sư và nhường cơ hội kiến công lập nghiệp cho Bàng Thống. 

Trong suốt quá trình nam chinh, vì để cho đại vương Mạnh Hoạch thật lòng quy thuận, Khổng Minh đã từng bảy lần bắt bảy lần thả, cuối cùng khiến Mạnh Hoạch cảm động mà thành tâm quy hàng. Mạnh Hoạch cảm niệm đại ân của Gia Cát Lượng, mấy chục năm sau khi mà nước Thục Hán diệt vong còn yêu cầu Tấn Vương đối đãi tốt với Lưu Thiện. 

Gia Cát Lượng đã để lại tấm gương “lấy đức phục nhân” cho người đời sau. Đồng thời, Gia Cát Lượng cũng là hóa thân của chữ “Trung”, sau khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng nắm giữ đại quyền trong tay nhưng không hề có ý định soán ngôi, tranh quyền đoạt lợi giống như những người khác. Ông cũng không cậy thế làm càn, mà là tận hết trách nhiệm, dốc hết tâm huyết, thanh tâm quả dục, không màng danh lợi, chính là “hết lòng tận tụy, đến chết mới thôi“. Dù biết Lưu Thiện là A Đẩu vốn không thể phò trợ được, là người không thể giữ được cơ nghiệp của tiên đế Lưu Bị, nhưng ông vẫn giữ tròn đạo quân thần, hết lòng hết sức, một lòng trung thành mà phò tá Thục chủ.

Gia Cát Lượng là tu đạo xuất thế gian, còn có định lực rất thâm sâu. “Không thành kế” đẩy lui 15 vạn quân Tư Mã Ý chính là một cuộc chiến tâm lý đầy cam go, căng thẳng mà không thiếu tinh tế của Gia Cát Khổng Minh. Khi mà Tư Mã Ý dẫn theo mười mấy vạn đại quân thẳng tới huyện nhỏ Tây Thành, khi mà đại quân chủ lực nước Thục đều đã rời khỏi, giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, Gia Cát Lượng gặp nguy không loạn, trên thành ung dung điềm tĩnh gảy đàn như thường. 

Gia Cát Lương dùng “không thành kế” đẩy lui 15 vạn quân Tư Mã Ý. Ảnh dẫn theo pinterest.co.uk

Mà Tư Mã Ý cũng là dựa vào tiếng đàn để phán đoán thực hư. Tư Mã Ý nghe thấy tiếng đàn của Gia Cát không hề loạn nhịp, âm thanh trong vắt và đã có dự tính trước. Thế là, ông lập tức hoảng sợ rút lui. “Không thành kế” của Gia Cát Lượng là một mưu kế kỳ lạ bậc nhất lịch sử. Tâm thái ung dung, “dĩ bất biến ứng vạn biến” ấy xác thực là điều mà người bình thường rất khó làm được, càng thể hiện ra tâm tính và cảnh giới của một người tu đạo. 

Lịch sử 5000 năm Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, không kể là khởi thủy của nền văn hóa gì, trước hết luôn là có liên hệ với Thần, cũng là có quan hệ mật thiết với tu đạo, “phản bổn quy chân” (bỏ điều sai trở về chân chính). Người hiện đại vốn luôn đứng từ cái nhìn hiện đại để phỏng đoán trạng thái của người xưa, dùng lối tư duy thực dụng ấy để đánh giá hết thảy sáng tác của người xưa. Muốn nghiên cứu rõ được hàm ý thâm sâu của các đại danh tác mà lại đi theo hướng đó thì rõ ràng chỉ là hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước mà thôi. 

Thời đại Tam Quốc là một thời đại đặc thù trong lịch sử, các nhân vật anh hùng lần lượt xuất hiện, đã biểu hiện nội hàm của “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Ác, Xuẩn, Gian… Không kể là “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Phong thần diễn nghĩa” hay “Đông Chu liệt quốc”, “Hán Sở tranh hùng”, nội hàm văn hóa mà nó biểu hiện đều là lưu lại tấm gương cho con người ngày nay tham chiếu. 

(Hết)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Phi Long biên dịch

Xem thêm:

 

 

 

Exit mobile version