Đại Kỷ Nguyên

Mạn đàm “Thượng kinh ký sự” – Hải Thượng Lãn Ông (P.1)

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là một đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học cổ truyền Việt Nam, ngoài ra ông còn tinh thông dịch lý, văn chương và được coi là “ông tổ của nghề báo Việt”. Tập ký sự bằng chữ Hán “Thượng kinh ký sự” của ông “là một thiên phóng sự duy nhất của văn học Việt xưa viết về người thật, việc thật với cách hành văn giản dị, tinh tế và sinh động” (1).

Sách giáo khoa ngữ văn lớp 11 giới thiệu đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” với mục đích giúp các em học sinh “Cảm nhận được giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm và nhân cách thanh cao của tác giả”. Khi đọc toàn văn “Thượng kinh ký sự”, người viết cảm thấy còn có những giá trị to lớn về đạo làm người, đạo dưỡng sinh ẩn chứa trong những dòng nhật ký giản dị mà thanh tao. Giá trị hiện thực của tác phẩm không chỉ nằm ở vẻ quyền quý xa hoa trong phủ chúa Trịnh, mà còn trải khắp núi sông mây nước tú lệ chốn trời Nam.  

Vì vậy, người viết mạo muội trải đôi dòng suy tưởng về “Thượng kinh ký sự”, hy vọng có thể phần nào phủi lớp bụi thời gian che lấp viên ngọc quý trong kho tàng văn học, y học truyền thống Việt Nam.

***

Phần 1: “Than ôi! Giàu sang như đám mây bay. Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế”

“Khanh tướng thôi đành không thuốc chữa

Lòng này thực có quỷ thần hay

Thế gian chỉ có danh thơm quý

Phú quý mây bay giả dối thay”.

Lê Hữu Trác sinh năm 1720 tại hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Dòng tộc ông vốn có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều đỗ Tiến sĩ và làm quan to. Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư.

Thời trẻ, Lê Hữu Trác nổi tiếng hay chữ, lại cũng từng nghiên cứu binh thư và võ nghệ, xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung. Đang ở trong quân ngũ, ông phải về quê ngoại ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) để thay người anh thứ năm phụng dưỡng mẹ già. Tại Hương Sơn, ông mắc phải một chứng bệnh dai dẳng, may nhờ một y sĩ họ Trần cứu chữa. Nhờ duyên phận ấy, ông đã chọn nghề y vì nó không chỉ lợi ích cho mình mà còn cứu giúp người đời.

Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng, lấy hiệu là “Hải Thượng Lãn Ông”. “Hải Thượng” là hai chữ đầu của trấn Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha, cũng là xứ Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn Ông” nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi và quyền thế, tự do nghiên cứu y học và làm bạn với lâm tuyền. Mười năm sau, tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu.

Năm 1782, Hải Thượng Lãn Ông được quan Chính Đường (tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, con chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Chuyến đi này đã giúp Lê Hữu Trác tận mắt nhìn, tận tai nghe và tận tâm cảm nhận được sự vô thường của hết thảy giàu sang phú quý.   

Khu tượng Đại Danh y Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. (Ảnh: baomoi.com)

“Cái giàu sang của nhà vua chẳng phải tầm thường”   

“Áo mũ chỉnh tề, tôi bước lên cáng đến cửa phủ. Lúc ấy dịch mục đi trước hét đường, còn cáng thì đi vùn vụt như thể ngựa chạy. Tôi bị một phen đưa đẩy, sốc sác lấy làm mệt nhọc. Khi đến cửa phủ thì được người dẫn đi qua hai lần cửa nữa rồi rẽ theo đường bên trái mà tiến bước. Tôi ngẩng đầu lên coi thì bốn phương tám mặt, nơi nào cũng cây cối um tùm, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương đưa. Những hành lang, những bao lơn bước bước đều liên lu, nơi nơi đều cân đối. Kẻ gác cửa có việc gì thì truyền báo, kẻ công dịch qua lại như mắc cửi. Tôi thầm nghĩ: “Mình vốn là công gia tử đệ, sinh trưởng ở kinh đô, mọi chốn trong Cấm thành đều thông thuộc; duy sự thể trong phủ chỉ được nghe nói thôi, mới hay cái giàu sang của nhà vua chẳng phải tầm thường vậy”. Tôi ngâm mấy câu để ghi nhớ:

Qua vàng ngàn cửa lính canh đền

Đây chính trời Nam chốn chí tôn

Nguy ngật lâu đài sông Hán khuất

Lung linh liêm mạc ánh vàng xuân

Cung hoa không dứt mùi hương thoảng

Ngự uyển đưa kêu tiếng vẹt dồn

Quê kệch chưa tường nơi vũ nhạc

Tưởng mình đâu lạc tới đào nguyên” (2).

Phong cảnh trong phủ chúa Trịnh thật lộng lẫy kiêu sa, khiến “ông già lười” Hải Thượng ngỡ như mình là người đánh cá trong “Đào hoa nguyên ký” của Đào Tiềm, một hôm chèo thuyền ngược dòng suối bỗng lạc vào cảnh Tiên huyền ảo, thơ mộng. Đến đồ vật nơi đây cũng xa hoa hiếm có:

“Qua dãy hành lang về phía tây thì đi dến một ngôi nhà lớn, vừa cao vừa rộng, hai bên để hai cỗ kiệu ngự, những đồ nghi trượng đều chạm trổ thiếp vàng; ở gian giữa kê cao một cái sập ngự cũng thiếp vàng; trên sập treo một cái võng điều. Trước sập và hai bên sập có kê kỷ án, đồ đạc chẳng thường thấy ở nhân gian. Tôi chỉ liếc mắt trông qua, cúi đầu mà đi. Lại đi qua một cái cửa nách nữa thì đến một cái gác cao rộng. Trong gác những giường cột từ trên xuống dưới đều sơn son”.

Quang cảnh Phủ chúa Trịnh do Samuel Baron vẽ năm 1685. (Ảnh: wikipedia.org)

“Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế”

Trong thời gian lưu tại kinh thành, Hải Thượng Lãn Ông đã tận mắt chứng kiến cuộc sống vinh hoa phú quý tột bậc của nhà chúa, bản thân ông cũng được hậu đãi bằng cao lương mỹ vị, người hầu kẻ hạ. Tuy nhiên, ông chẳng hề ham thích cuộc sống hưởng thụ giàu sang, mà lúc nào cũng tìm cách dứt áo ra đi.

Chúa Trịnh Sâm bị bệnh lâu ngày, tinh khô huyết kiệt, tứ chi mỏi mệt, Hải Thượng Lãn Ông hết lòng chạy chữa nhưng cuối cùng chúa cũng băng hà. Thế tử Trịnh Cán mới 5 tuổi lên nối ngôi, nhưng Trịnh Cán cũng ốm dai dẳng nên khí lực khô kiệt, khó lòng vực dậy được. Lãn Ông lực bất tòng tâm, nhân có người tiến cử một lương y mới, liền lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh. Thơ rằng:

“Khanh tướng thôi đành không thuốc chữa

Lòng này thực có quỷ thần hay

Thế gian chỉ có danh thơm quý

Phú quý mây bay giả dối thay”.

Ông kịp về nhà ngay trước khi xảy ra loạn kiêu binh. Tháng 10 năm 1782, nghĩa là đúng một tháng sau khi chúa Trịnh Sâm mất, và cũng đúng một tháng sau khi Trịnh Cán được đưa lên ngôi chúa, lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Tông. Khi quân Tam phủ (3) nổi dậy, quận Huy ra chống cự nhưng không nổi, bị kiêu binh giết chết. Lính Tam phủ rước Trịnh Tông lên nối nghiệp chúa.

Trịnh Cán bị giáng xuống làm Cung quốc công, rồi hơn tháng sau thì bị bệnh qua đời. Tuyên phi Đặng Thị Huệ bị Thái phi Dương Ngọc Hoan sai người bắt làm tội, đánh đập sỉ nhục vô cùng khổ sở. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết.

Khi biết tin, Hải Thượng Lãn Ông mới cảm thán rằng:

“Than ôi! Giàu sang như đám mây bay. Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế”.

Mới đó, còn cung điện huy hoàng. Mới đó, còn quyền uy tột đỉnh. Thế mà chỉ trong chớp mắt, cả chúa Trịnh Sâm, Huy quận công Hoàng Đình Bảo, Thế tử Trịnh Cán cùng Tuyên phi Đặng Thị Huệ đã thành người thiên cổ! Họ hoặc chết vì bệnh tật, hoặc chết vì binh đao, thuốc độc, đều đau khổ mà không thể mang theo bất kể thứ gì. Đến thế gian tay trắng, ra đi lại hoàn trắng tay.

Điều duy nhất con người có thể mang theo khi rời nhân thế là gì?

Văn hoá truyền thống phương Đông cho rằng con người ta không chỉ sống một đời, mà luân hồi chuyển sinh đời đời kiếp kiếp. Phật gia thì nói về luật Nhân Quả, hành thiện tích đức, hành ác tạo nghiệp. Theo đó, vinh hoa phú quý của gia tộc họ Trịnh là do những kiếp trước đã tích được rất nhiều đức mà thành. Thế nhưng, chúa Trịnh Sâm kiếp này trên thì lập mưu sát hại Thái tử Lê Duy Vĩ, ức hiếp vua Lê, dưới thì phế con trưởng, lập con thứ vì sủng ái Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Trịnh Sâm cũng cậy mình có công đánh dẹp nên sinh kiêu mạn, sống xa hoa hưởng lạc, phúc đức chẳng mấy chốc mà tiêu tan.

Kiếp này, Trịnh Sâm là chúa thượng quyền uy tột đỉnh; kiếp sau, biết sẽ là ai? Điều duy nhất con người có thể mang theo khi rời nhân gian là nghiệp và đức mà mình đã tạo. Một đời hành thiện, tích đức thì đời sau sẽ hưởng phúc phận, có thể thản đãng trút bỏ xác phàm mà không hối tiếc điều gì.

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,

Đời người, bọt nước khác gì đâu.

Sớm còn thắm đỏ đôi gò má.

Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.

Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả.

Cuốc kêu da diết hãy quay đầu,

Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,

Ở thiện trời thương, lọ phải cầu” (4).

(còn tiếp…)

Khiêm Từ

Chú thích:

(1) Theo nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

(2) Các đoạn trích “Thượng kinh ký sự” trong bài được lấy từ bản dịch hoàn chỉnh trên trang elib.ictu.edu.vn.

(3) “Tam phủ” tức là ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia, thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. “Việt Nam sử lược” chép: “Nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê Trung Hưng về sau, đất kinh kỳ chỉ dùng lính Thanh, lính Nghệ gọi là ưu binh để làm quân túc vệ. Những lính ấy thường hay cậy công làm nhiều điều trái phép” (nên gọi là kiêu binh).

(4) Trích “Tây Du Ký”, bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.

Xem thêm:

Exit mobile version