Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) còn được coi là “ông tổ của nghề báo Việt” nhờ tập ký sự bằng chữ Hán “Thượng kinh ký sự”, với trích đoạn “Vào phủ chúa Trịnh” được giới thiệu trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11. Bên cạnh giá trị hiện thực và văn chương, tác phẩm còn hàm chứa những bài học quý báu, uyên thâm về đạo làm người, đạo dưỡng sinh.
- Tiếp theo Phần 1
Phần 2: “Chính khí ở trong mà thắng thì bệnh ở ngoài sẽ tự nó tiêu dần, không trị bệnh mà bệnh sẽ mất”
Hải Thượng Lãn Ông lên kinh đô chuyến này để xem bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, nhưng tiếng lành đồn xa, ông đã coi mạch bốc thuốc cho cả chúa Trịnh Sâm và giới quyền quý ở Thăng Long. Qua đó, ông đã hé lộ cho chúng ta nguyên nhân của bệnh tật và bí quyết dưỡng sinh đơn giản mà hiệu quả.
Sống sung sướng không hẳn là tốt
Nếu như ấn tượng ban đầu về phủ chúa Trịnh là vẻ tôn quý huy hoàng, cảnh đẹp như tiên, thì khi Lãn Ông đến hầu thuốc Thế tử Trịnh Cán, không gian bỗng trở nên u tối, bí bách đến ngột ngạt:
“… chợt thấy một nơi kia màn gấm mở ra, vào bên trong thấy đen tối, không biết đâu là cửa ra, màn trướng thì hết lớp này đến lớp khác, mỗi lớp đều có thắp một ngọn nến để dẫn đường. Đi qua chừng bốn năm lớp trướng gấm thì đến căn nhà rộng, vào trong thấy một vị ngồi giữa chiếc sập thếp vàng, độ năm sáu tuổi, mặc áo lụa hồng, tả hữu có mấy người đứng hầu, một cây nến lớn đốt cháy, cắm trên cây đèn đồng…” (1)
Người nghèo trong dân gian lam lũ khó nhọc, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, có lẽ từng ước ao được sống trong cảnh gấm vóc lụa là, “mưa không đến mặt nắng không đến đầu”. Hải Thượng Lãn Ông khi chẩn bệnh cho Thế tử đã nói một câu:
“Nhưng theo tôi thấy thì vì ở chỗ màn trướng vây bọc, ăn no mặc ấm, phủ tạng mềm yếu, lại thêm mang bệnh đã lâu thì tinh huyết hao kiệt, khô khan, mặt không nhuận sắc, bụng lớn gân xanh, chân tay khẳng khiu…”
Nếu cuộc sống nhàn hạ sung sướng, đầy đủ vật chất giúp con người khoẻ mạnh hơn, thì có lẽ Thế tử Trịnh Cán nên là người khoẻ nhất thiên hạ. Thế nhưng Hải Thượng Lãn Ông lại chỉ ra rằng ngược lại, sống trong nhung lụa khiến người ta “phủ tạng mềm yếu”, thiếu khả năng chống chọi bệnh tật. Trong “Vệ sinh yếu quyết ca”, ông cũng viết:
“Cần lao thân thể khang cường
Tinh thần vui vẻ gân xương chuyển đều (…)
Nhàn cư ủ rũ tinh thần
Nằm nhiều khí huyết kém phần lưu thông”.
Lưỡi dao sắc hại người
Trong thời gian ở kinh thành, Hải Thượng Lãn Ông còn được thỉnh mời chữa bệnh cho quan lớn Tham tụng Tả binh, triệu chứng như sau:
“Đến sát gần người ốm thì thấy khí nóng bốc ra, sờ vào người thì thấy âm ấm, chân lạnh, hơi ợ ra. Hỏi thì đáp rằng như ngồi trong đám khói dày đặc, mắt cay lắm, phải nhắm lại; trong ngực nghe nóng lắm và ợ hơi ra; đại tiện táo kết, tiểu tiện đỏ và rít, không nuốt đồ ăn được”.
Bằng đôi mắt tinh tường của một thầy thuốc, Hải Thượng Lãn Ông nhận định:
“Viên quan ấy tuổi cao, hầu thiếp đầy rẫy trước mặt, người già thì chân âm đã hao, lại luyến ái sắc đẹp để cái tinh khí sút giảm, cho nên âm phải kiệt”.
Vị đại danh y kê một đơn thuốc, giúp bệnh tình của quan Tham tụng Tả binh chuyển biến tốt đẹp. Thế nhưng:
“Mới được hơn một tuần, bệnh lại tái phát, lại vội vã cho người đến mời tôi. Tôi nghe vậy chẳng đoán được việc gì mới dò hỏi. Người đến mời nói rằng: “Đích thị là ngộ phòng” (1). Tôi đến bảo vị quan rằng: “Phàm bệnh nặng dai dẳng thì khí huyết hư nhược, bất cẩn một chút thì bệnh khó mà chữa được; đại quan thân trọng vạn kim, xin nên vạn lự” (2). Vị quan ấy đáp rằng: “Từ nay một lòng nghe theo lời dạy, chẳng dám cưỡng lại”. Tôi lại nghiên cứu cho thuốc điều bổ rồi cáo lui.
Tôi trở lại nhà thì có một người bảo tôi rằng: “Ông quan ấy, cụ dẫu có gắng sức điều trị cũng chẳng được. Nếu bệnh có chữa được tạm yên thì trong thời gian bốn, năm ngày tất có vài ba bận âm cữu (3). Ai cũng nói như vậy”. Tôi cho là vị quan ấy cầm quyền bính trong tay thì những việc ân oán hẳn là có, nhưng không hay biết là những lầm lỗi đã thành thói quen vậy, nên tôi chỉ mỉm cười thôi”.
Quả là đến nước này thì:
“Khanh tướng thôi đành không thuốc chữa
Lòng này thực có quỷ thần hay”.
Thế mới biết, sắc dục là lưỡi dao hại người. Bản thân chữ Sắc 色 (sắc dục) là do một chữ Đao 刀 (nghĩa là con dao) kết hợp với chữ Ba 巴 (tên một loài rắn có thể nuốt được voi) tạo thành. Phải chăng cổ nhân muốn cảnh cáo con người rằng ham mê sắc dục như dao bén làm tổn thương chính mình, lại cũng tai hại như bị rắn độc ăn nuốt?
Có lẽ vì thế mà chúa Trịnh Sâm, vốn là một người trí dũng song toàn, về sau vì ham mê tửu sắc mà nguyên khí hao mòn, bệnh tật đầy mình, bỏ mạng ở tuổi 41.
Bí quyết dưỡng sinh của đệ nhất danh y
Trong “Thượng kinh ký sự” có rất nhiều thuật ngữ Đông y, và còn cả những thang thuốc hoàn chỉnh. Một người không có nền tảng y học cổ truyền chưa chắc hiểu được chúng. Tuy nhiên, trong lần chẩn bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, Hải Thượng Lãn Ông đã tiết lộ bí quyết của dưỡng sinh mà ai ai cũng có thể tiếp thụ:
“Vâng coi thánh thể thấy gầy gò mà mệt nhọc lắm, mạch chạy mau, âm dương sút kém cần phải bồi bổ hai thứ tỳ, thận để củng cố cái căn bản của tiên thiên, bồi bổ cái hóa nguyên của hậu thiên, khiến cái chính khí được đầy đủ ở trong, bệnh tự tiêu ngầm ở ngoài, chẳng trị bệnh mà bệnh khắc hết vậy”.
Bồi bổ chính khí, chẳng trị bệnh mà bệnh tự hết, đây chính là bí quyết dưỡng sinh mà Hải Thượng Lãn Ông qua cả cuộc đời dày công nghiên cứu đã đúc rút ra. Trong “Vệ sinh yếu quyết ca”, ông viết:
“Muốn cho chân khí điều hòa
Sửa mình trong sạch hư vô trong lòng
Tinh thần giữ vững ở trong
Bệnh nào xâm được chẳng phòng cũng an”.
“Chân khí” ở đây cũng là “chính khí”, đối lập với “tà khí”. Nhìn từ một cảnh giới nhất định, tà khí là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Người xưa giảng “Nhất chính áp bách tà”, một khi tâm địa chân chính thì tà ma không thể xâm hại được.
“Chính khí” xác thực có thể áp chế mọi bệnh tật. Năm 1283, Thừa tướng triều Tống là Văn Thiên Tường biết được Hốt Tất Liệt sắp triệu kiến mình để xử tử, thần sắc ông rất bình tĩnh, lấy giấy cùng nghiên mực viết một bài ca mang tên “Chính khí ca”. Lời dẫn của bài thơ như sau:
“Ta bị nhốt ở Bắc Đình, trong một căn nhà bằng đất. Nhà rộng tám thước sâu xuống lòng đất bốn tầm, có mỗi một cánh cửa thấp nhỏ, khoảng trống hẹp, ẩm thấp và tối tăm. Vào ngày hè, các mùi bốc lên nồng nặc, gồm mấy thứ khí hơi nước, khí đất, hơi nóng của mặt trời, hơi lửa, khí của gạo và uế khí, vẫn không bị các bệnh dịch xâm hại đến, và ta sống ở nơi này đã hai năm rồi, không sao cả. Đó là có sự nuôi dưỡng bên trong mới được như vậy, chắc các ngươi cũng chẳng biết nguồn nuôi dưỡng đó từ đâu? Mạnh Tử nói ‘Ta biết bồi bổ hạo khí của ta’. Ở đây có bảy khí, ta có một khí, một địch lại bảy ta còn lo gì nữa. Huống hạo khí là chính khí vậy, nên làm bài Chính khí ca”.
Như vậy, yếu lĩnh của đạo dưỡng sinh không nằm ở hoàn cảnh bên ngoài, mà là ở lòng mình vậy.
Khi tâm trong sạch thanh tịnh, vô dục vô cầu, chẳng tranh chẳng đấu, thì tự nhiên yêu tà (bệnh tật) sẽ không dám xâm hại, đây chính là trọng điểm dưỡng sinh của Đạo gia. Trong xã hội hiện đại, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất ngày càng trói chặt con người, nhiều chứng bệnh hiện đại lần lượt xuất hiện khiến y học phải bó tay. Phải chăng, lối thoát cho con người nằm ở hai chữ “Thanh Tâm” mà các bậc đại sư, đại danh y cổ đại thường nhắc tới?
“Mọi điều vừa phải thì thôi
Muốn gì cũng được chẳng đòi hỏi hơn.
Ăn thường mà vẫn thấy ngon
Mặc gì cũng đẹp vui quen với đời.
Chẳng hề tranh cạnh đua đòi
Mọi người chất phác chẳng nài dưới trên.
Mắt trông chẳng muốn chẳng thèm
Dâm tà đâu dễ quấy phiền lòng ta.
Bất kỳ kẻ khéo người ngu
Ai mà biết giữ chẳng lo sợ gì” (5).
(Còn tiếp…)
Khiêm Từ
Chú thích:
(1) Các đoạn trích “Thượng kinh ký sự” trong bài được lấy từ bản dịch hoàn chỉnh trên trang elib.ictu.edu.vn.
(2) Ngộ phòng: thứ bệnh do sự giao cấu mà sinh ra, cũng nói là phạm phòng.
(3) Vạn lự: lo lắng vạn điều, ý nói phải lo gìn giữ mọi điều.
(4) Âm cữu: cái lỗi về việc gần đàn bà (âm là giống cái, cữu là tội lỗi).
(5) Vệ sinh yếu quyết ca – Hải Thượng Lãn Ông.