Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) còn được coi là “ông tổ của nghề báo Việt” nhờ tập ký sự bằng chữ Hán “Thượng kinh ký sự”, với trích đoạn “Vào phủ chúa Trịnh” được giới thiệu trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11. Bên cạnh giá trị hiện thực và văn chương, tác phẩm còn hàm chứa những bài học quý báu, uyên thâm về đạo làm người, đạo dưỡng sinh.

  • Tiếp theo Phần 1 2

Phần 3: Duyên phận dở dang, nghĩa tình trọn vẹn

Một ngày kia, hai lão ni đến chỗ tôi ngụ nói rằng: “Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hóa”. Một ni (cô) nói: “Tôi trụ trì ở chùa núi An Tử”. Một ni (cô) kia nói: “Tôi là con gái của quan Tả thừa ty tỉnh Sơn Nam, quê ở Huê Cầu”. Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ…

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã tái ngộ “cố nhân” đầy bất ngờ giữa kinh thành Thăng Long, trong một hoàn cảnh éo le như vậy đấy.

Hồi nhỏ, gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi cho ông một cô gái, là con gái quan Thừa ty Tham chánh ở Sơn Nam. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn, và về ở luôn Hương Sơn.

Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai nữa…

Người con gái nói rằng: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ, nay còn mặt mũi nào mà lấy chồng khác”. Cô ta thề chung thân ở vậy thôi. Tôi nghe vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: “Vì ta đã bất cẩn trong vụ này, có thủy mà không có chung, khiến cho người mang hận mà ta có tội là người bạc bẽo”.

Người xưa nói: “Tu trăm năm mới ngồi chung thuyền. Tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Có lẽ, duyên phận giữa hai người chưa đủ thành đôi vậy. Nhưng Lê Hữu Trác hoảng hốt khi biết tin người con gái năm xưa vì mình mà ở vậy suốt đời, tự trách lỗi mình, cho thấy ông là người nhân nghĩa. Cái nhân nghĩa của bậc trượng phu tuy muộn màng, cũng đủ làm ấm lòng nữ nhi tiết hạnh.

Đến nay ta gặp lại người ấy, thấy cảnh cô khổ như vậy, chẳng kể hữu tình hay vô tình, việc há chẳng có mầm mối ở ta sao? Cái kế sách ngày nay là bảo dưỡng người ấy đến hết đời mới có thể chuộc cái lỗi trước. Ta còn ở kinh đợi lệnh sai bảo thì việc chu cấp không khó gì, thảng hoặc trở về núi thì giúp đỡ sao được, vì đường sá cách trở. Nếu bà ta thuận về nơi vắng vẻ; ở đó anh ta đã sáng tạo một cái chùa nhỏ, có thể cung cấp đèn nhang, mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo đáp cái cao tiết của bà ta, một nữa là để chuộc cái lỗi của ta.

Ảnh minh họa của Vũ Huyên

***

Trong xã hội Á Đông truyền thống, đạo nghĩa vợ chồng rất thiêng liêng. Mỗi cuộc hôn nhân đều cần được Đất Trời chứng giám, phụ mẫu tác thành. Ngay cả khi hôn lễ chưa thực sự hoàn tất, một người có đạo nghĩa như Hải Thượng Lãn Ông và con gái quan Tả thừa ty đã có thể tự ước thúc mình trong một mối buộc ràng, trách nhiệm. Bà vì ông mà ở vậy suốt đời. Ông vì bà mà nguyện bảo dưỡng bà trọn kiếp.

Hôm nay, ý thức trách nhiệm và đạo nghĩa ấy dường như đã suy thoái lắm rồi. Mỗi năm, Việt Nam có tới khoảng 300.000 ca nạo phá thai được công bố,  60-70% trong đó là sinh viên, học sinh ở độ tuổi 15-19, 20-30% là là phụ nữ chưa kết hôn (1). Đằng sau những con số lạnh người ấy là những sinh linh bé bỏng tội nghiệp bị tước đi mạng sống, những cô gái trẻ đau lòng và lo sợ, những người đàn ông kém tự chủ và thiếu trách nhiệm. Họ đều là nạn nhân đáng thương của một xã hội trống rỗng các giá trị đạo đức truyền thống và bị lấp đầy bởi dục vọng.

Trong tâm trạng day dứt, hối lỗi với người phụ nữ năm xưa, Hải Thượng Lãn Ông đã làm một bài thơ trong đó có hai câu như sau:

“Thử sinh nguyện tác càn huynh muội,

Tái thế ưng đồ tốn khất gia”.

Dịch nghĩa:

Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa,

Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng.

Tin rằng kiếp sau họ sẽ nên duyên vợ chồng, và giữ trọn đạo nghĩa phu thê cho đến cuối cuộc đời.

Khiêm Từ

Chú thích:

(1) Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam. Tham khảo: https://eva.vn/tin-tuc/viet-nam-chi-sau-2-cuong-quoc-dan-so-ve-nao-pha-thai-c73a362296.html

videoinfo__video3.dkn.tv||a6949e53b__