Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ Việt Nam ngày nay vẫn chịu áp lực từ xã hội và gia đình là phải có con trai. Người con dâu chỉ được nhà chồng coi trọng khi có thể sinh con trai, và một người phụ nữ không có con trai bị coi là “không biết đẻ” – quan niệm này vẫn không hiếm trong xã hội hiện đại.
Nhiều cặp vợ chồng áp dụng các phương pháp phương Tây lẫn phương Đông để sinh con trai theo ý muốn. Khi kết quả vẫn là một bé gái, không ít cặp vợ chồng đã quyết định phá thai. Bi kịch của các sinh linh bé nhỏ, của những người phụ nữ và gia đình Việt phải chăng do văn hóa truyền thống mang lại?
Trong văn hóa truyền thống, người đàn ông được coi là trụ cột gia đình, gánh vác trách nhiệm với quốc gia và dòng họ. Cha mẹ về già sẽ sống với con trai trưởng. Bởi thế, sinh con trai không chỉ để “nối dõi tông đường” mà còn có thể công thành danh toại, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Ngược lại, trong dân gian lưu truyền câu nói: “Con gái là con người ta/ Con dâu mới thực mẹ cha rước về”.
Tuy nhiên, ngày nay với xu hướng sinh ít con, đặc biệt là ở thành thị, nỗi ám ảnh có con trai đã mang đến những hệ lụy đau lòng. Có người phá thai khi thai đã lớn chỉ vì đó là một bé gái. Liệu có thể đổ lỗi cho “văn hóa truyền thống” hay không?
Để trả lời câu hỏi này, ta cần hiểu thế nào là văn hóa truyền thống chân chính. Từ “văn hóa” có nguồn gốc từ trong cụm từ “Văn trị giáo hóa”, sử dụng lần đầu tiên bởi Lưu Hướng (77 TCN – 6 TCN), một nhà chính trị thời Tây Hán:
“Phàm vũ chi hưng, vị bất phục dã. Văn hóa bất cải, nhiên hậu gia tru”.
(Dịch nghĩa: Thường dùng đến vũ lực là do có người không quy phục. Khi dùng văn mà giáo hóa không được thì sau đó tiến hành trừng phạt).
Như vậy, người xưa coi văn hóa chính là dùng “văn”, dùng cái đẹp, cái thiện để thay đổi, cải tạo tâm hồn con người, giúp họ trở về với cội gốc của mình.
Văn hóa truyền thống phương Đông được đặt định trên nền tảng của Nho gia, Phật gia và Đạo gia. Nho gia giảng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trong đó “Nhân” chỉ lòng nhân từ, từ thiện. Trong “Luận ngữ” có chép chuyện về Khổng Tử như sau:
“Từ triều về nhà, nghe tin chuồng ngựa cháy, Khổng Tử nói, “Có ai bị thương không?” Ông không hề hỏi về Ngựa.”
Ở thời ông, một con ngựa có thể đắt gấp 10 lần một nô lệ. Khi không hỏi tới ngựa, Khổng Tử thể hiện sự quan tâm lớn nhất của mình: con người.
Phật gia giảng từ bi, nhân quả báo ứng, vì thế nên khuyên bảo con người “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (Không làm các việc ác, thường làm các việc lành). Theo giáo lý nhà Phật, chủ tâm nạo phá thai không khác gì giết chết một mạng người. Hài nhi ấy sẽ vất vưởng trong đói khát, lạnh lẽo và cực kỳ thương tâm ở một không gian khác vì phải chờ rất lâu sau mới được đầu thai. Vì người chủ tâm nạo phá thai đã gây ra nỗi thống khổ này của sinh linh vô tội, người đó chắc chắn bị báo ứng về sau.
Đạo gia “nhấn mạnh về “vô vi”, hết thảy đều “tùy kỳ tự nhiên”. Lão Tử nói:
“Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (Tạm dịch: Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên).
Tạo Hóa sinh ra đã có trời và đất, thiên địa, âm dương, nam nữ, đây là lẽ tự nhiên. Hoa cỏ cây cối là không thể ly khai khỏi mặt đất, chính như em bé cũng không thể rời xa khỏi mẹ.
Như vậy, văn hóa truyền thống chân chính dạy ta phải biết kính Trời hiểu mệnh, có lòng nhân từ và quý trọng sinh mệnh. Tuy vai trò của nam nữ có khác nhau, nhưng đó là quan hệ tương hỗ, thuận theo tự nhiên, góp phần duy trì hài hòa trong gia đình và xã hội.
Một sinh mệnh đến thế gian này đều do Thiên Ý an bài, rất có thể là nhờ nhân duyên sâu nặng với người mẹ. Một người thấu hiểu văn hóa truyền thống, làm theo lời dạy của cổ nhân tuyệt đối sẽ không cố ý truy cầu con trai, con gái, lại càng không thể tạo nghiệp sát sinh.
“Văn hóa truyền thống” đã chịu không ít hàm oan, đến bao giờ chúng ta mới trả lại địa vị tôn quý cho văn hóa truyền thống?
Mã Lương