Đại Kỷ Nguyên

Mẹ hấp hối nhờ con đào chiếc hòm dưới đất lên, cả nhà xúc động khi nhận ra sự thật

Khi tôi chào đời được hai tháng, cha đột ngột qua đời, một mình mẹ nuôi anh em tôi trưởng thành. Trong mắt người khác, mẹ vừa đáng thương lại đáng nể trọng. Thủ tiết thờ chồng, mẹ một mình nuôi hai con nhỏ khôn lớn tại vùng nông thôn nghèo, những khó khăn khiến mẹ trở nên mạnh mẽ.

Thật khó mà tin nổi, mẹ, người sinh ra trong gia đình nhà Nho, chưa từng phải làm việc đồng áng cho đến lúc lấy chồng lại có thể trồng hàng ngàn cây bạch đàn trên núi. Mẹ học rất nhanh và làm việc rất cẩn thận không quản ngày đêm. Mỗi năm đến kỳ thu hoạch hoa màu, mọi người đều khen mẹ tài giỏi.


Mẹ trồng hàng ngàn cây bạch đàn trên núi. (Ảnh minh họa: internet)

Nhờ đó, mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn. Cả đến khi chúng tôi thành gia lập thất mẹ vẫn chưa chịu nghỉ ngơi và an hưởng tuổi già, mẹ vẫn muốn tiếp tục trồng cây trên khu đất rộng 30 mẫu. Mẹ nói mẹ cả đời làm lụng đã thành quen, giờ không làm nữa mẹ thấy thiếu thứ gì đó.

Cách đây không lâu, mẹ mắc bệnh nặng. Tôi nghĩ, có lẽ mẹ làm việc cả đời vất vả, chỉ suy nhược thân thể chút thôi nhưng tôi và anh trai đều vội vã về thăm. Kỳ thực, bệnh tình của mẹ nặng hơn chúng tôi tưởng, e rằng không thể qua nổi. Bác sĩ nói, mẹ không được làm việc vất vả nữa, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Mẹ tôi vẫn tỏ ra rất kiên cường, bà nói: “Nếu lỡ mẹ có ra đi, không đứa nào được khóc đấy nhé! Có thể nhìn thấy các con trưởng thành, mẹ đã cảm thấy mãn nguyện rồi.”

Tôi và anh trai ngồi cạnh giường mẹ mà không cầm được nước mắt, tình mẹ con cứ tự nhiên dâng trào cảm xúc. Mẹ cả đời vất vả, khó khăn lắm mới nuôi được anh em tôi trưởng thành, vậy mà…

Hai nàng dâu nói kinh tế của chúng tôi còn thiếu thốn, cách tốt nhất là đưa mẹ về nhà để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, thực chất là không muốn mẹ nằm viện phải chi tiêu tốn kém. Nhưng đó không phải sự thật.

Anh em tôi trách mắng hai người vợ, còn mẹ lại bênh các con dâu. Bà nói rằng vợ tôi và chị dâu đều đã gả cho nhà này nên anh em tôi cần phải thương yêu chăm sóc họ cho tốt. Cuối cùng, mẹ nhất quyết đòi xuất viện. Về nhà một thời gian, trước mặt đông đủ các con, mẹ nói: “Dưới nền đất phía sau nhà có một cái hòm, đào nó lên cho mẹ.”  

Tôi hỏi mẹ trong hòm đựng vật gì thì mẹ trả lời rằng đào lên sẽ biết thôi. Tôi và anh trai lấy cuốc và xẻng đào lên, đúng là cái hòm gỗ. Chị dâu và vợ đang rất hồi hộp không biết bên trong chứa đựng bảo bối gì. Đột nhiên chị dâu thốt lên: “Có phải đây là một hòm tiền.” Hai chị em dâu háo hức mong chờ chiếc hòm được mở nắp.


Chiếc hòm tưởng như báu vật. (Ảnh minh họa: internet)

Nhưng khi mở ra, bên trong chỉ có một chiếc hộp sắt nhỏ đựng một cuốn sách và đôi nhẫn cưới. Khi nhìn thấy đồ vật bên trong, chị dâu và vợ không nói thêm lời nào, nụ cười hân hoan chờ đợi bảo vật lúc trước giờ tắt lịm. Còn tôi vẫn chưa hiểu dụng ý mẹ muốn chúng tôi đào chiếc hòm lên để làm gì.

Tôi cùng anh trai đem chiếc hòm đến trước mặt mẹ. Mẹ cười và nói: “Chiếc hòm đã được đào lên rồi hả con? Con mở ra xem bên trong là cái gì?”

Tôi liền trả lời: “Chúng con đã mở hòm rồi mẹ à, bên trong có chiếc hộp nhỏ đựng cặp nhẫn cưới và cuốn sách ‘Giáo Huấn ca’ thưa mẹ.”  

Rồi mẹ vừa nói vừa ho từng cục: “Năm xưa khi mẹ đi lấy chồng, ông ngoại có dặn mẹ, con gái lấy chồng sống nhờ phúc phận nhà chồng, rằng gia đình hòa thuận thì vạn sự mới hưng thịnh, con cháu có hiếu thuận ngoan hiền thì mới đạt được vinh hoa phú quý thật sự.”

Cặp nhẫn là món quà bà nội con tặng cho mẹ ngày mẹ về làm dâu, còn cuốn sách là ông ngoại tặng mẹ khi mẹ bước chân về nhà chồng. Vì thế mẹ đã cất nó và coi như bảo vật suốt bao năm qua. Nó giúp mẹ có thêm nghị lực vượt qua khó khăn lúc nuôi dạy các con trưởng thành khi không có cha con bên cạnh. Nhà chúng ta tuy nghèo nhưng mẹ luôn giữ lễ tiết, chưa để ai phải chê cười bao giờ.


Nhà chúng ta nghèo nhưng mẹ luôn giữ tiết, chưa bao giờ để ai cười chê bao giờ.(Ảnh minh họa: internet)

Vừa nói, mẹ vừa nhìn lên gương mặt từng đứa con thân yêu của mình. Rồi mẹ bảo: “Con đọc cuốn sách này cho mẹ nghe thêm lần nữa đi con.”

Tôi cầm cuốn sách và đọc, những lời dạy không phải là lần đầu tiên tôi được nghe nhưng sao giờ đây tôi lại thấy thấm thía hơn bao giờ hết, nước mắt tự nhiên lăn dài. Anh trai vừa nghe vừa như trầm tư hơn, dường như đang hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua. Chị dâu và vợ tôi bỗng trở nên lặng lẽ, có lẽ họ đã nhận ra rằng có những thứ còn trân quý hơn tiền bạc, rằng mình đối xử với mẹ như thế nào thì ngày sau con mình cũng sẽ đối xử với mình như thế.

Vừa ngưng đọc, nhìn sang mẹ, tôi thấy mẹ đã mỉm cười từ giã cõi đời. Tôi hy vọng, mẹ được ngậm cười nơi chín suối, được về với thế giới thiện lành. Tôi cũng thầm hứa với mẹ, những lời mẹ dạy, anh em tôi sẽ kể lại cho con cháu nghe để chúng luôn là người biết giữ truyền thống gia phong, để không bị người đời cười chê.

San San biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version