Người phúc mỏng thường sống cay nghiệt; càng cay nghiệt, độc đoán sẽ càng tản phước, bạc phận. Người mang hậu phúc thường giàu lòng nhân ái khoan dung, càng khoan dung, đôn hậu phúc phận càng thêm đong đầy.
Tiểu thuyết quái ký là một bộ phận quan trọng trong văn học Trung Quốc cổ đại, đồng thời cũng mang lại nhiều giá trị to lớn xuyên suốt lịch sử văn học Trung Quốc. Thông qua vận dụng hình thức tự thuật, tập trung vào chủ đề thần thoại kỳ quái, dạng tiểu thuyết này xoay quanh nội dung chí dị, nhấn mạnh những hiện tượng siêu nhiên. Những câu chuyện này thường giàu trí tưởng tượng, mang theo nhiều tình tiết ly kỳ cùng sự huyễn hoặc, đề cập đến những hiện tượng thần bí khác nhau, qua đó khơi dậy trí tò mò, thôi thúc bản năng khám phá của con người đối với những câu chuyện bí ẩn và lực lượng siêu nhiên, đồng thời nó dung nhập và bổ trợ cho sự truyền thừa văn hóa ngày càng phong phú. Nội dung thường bao hàm những bài học giáo huấn về đạo đức hoặc biểu trưng cho một tầng ý nghĩa nào đó, đây cũng là phương thức giúp mọi người truyền đạt niềm tin vào tín ngưỡng cũng như truyền bá giá trị quan của mình. Thể loại và nội dung của tiểu thuyết quái ký vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết và yếu tố giả tưởng. Sau đây xin giới thiệu tới độc giả một bài viết trong tuyển tập truyện ngắn thời nhà Thanh “Thính vũ hiên bút ký “, do đạo sĩ Thanh Lương chấp bút.
“Chu Dịch – Quẻ Khôn – Văn ngôn” có nói rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương.” Đại ý thuyết rằng: Gia đình nào tích đức hành thiện ắt nhận nhiều phúc báo, gia đình nào bất thiện sẽ dư thừa tai ương. Người phúc mỏng thường sống cay nghiệt; càng cay nghiệt, độc đoán sẽ càng tản phước, cạn đức; người mang hậu phúc thường giàu lòng nhân ái khoan dung, càng khoan dung, đôn hậu phúc phận càng thêm đong đầy.
Vào thời nhà Thanh, ở phía tây huyện Thặng, tỉnh Chiết Giang có một người đàn ông tên là Cố Nhĩ Ngôn, được sinh ra trong một gia tộc danh giá qua nhiều thế hệ. Cha của ông là Cố Mỗ, tên tự là Đạm Hiên, sau quá trình tham gia ứng thí đã đỗ đạt, đảm nhận một chức quan huyện trưởng trong tỉnh Thiểm Tây, khi về già, ông rời chốn quan trường trở về quê hương an dưỡng. Cố Mỗ có hai người con trai, con trai trưởng mang tên Cố Nhĩ Ngôn, là con của ông với người vợ đầu tiên. Sau đó, ông kết hôn với Mạnh thị và sinh thêm được người con thứ hai là Cố Nhĩ Hành. Người con trai trưởng Cố Nhĩ Ngôn tuy tuổi còn trẻ nhưng rất thông minh nhanh nhẹn, đam mê đọc sách, chưa đầy hai mươi tuổi đã thi đỗ tú tài. Con trai thứ Cố Nhĩ Hành được kế mẫu hết lòng chiều chuộng, tính tình cố chấp và độc đoán, thường xuyên coi thường anh, song huynh trưởng luôn cư xử khoan dung, không hề để bụng.
Một ngày nọ, Cố Đạm Hiên không may trúng gió rồi đột ngột qua đời, chưa kịp phân chia gia sản cho hai người con trai. Người vợ lẽ Mạnh thị đã cất giấu hàng nghìn vàng tiền tiết kiệm mà ông để lại khi còn làm quan, mượn cớ cần lo việc hậu sự nên không thể tùy tiện đem ra sử dụng. Những mảnh ruộng màu mỡ trong nhà tuy lấy danh nghĩa đã được bán cho mẫu thân của bà ta, nhưng trên thực tế chúng vẫn thuộc toàn quyền sở hữu của bà. Hơn một năm sau khi phân chia tài sản, Cố Nhĩ Ngôn chỉ vẻn vẹn có hơn mười mẫu đất cằn cỗi và vài gian phòng đổ nát ở phía đông ngôi nhà.
Con trai của Cố Nhĩ Ngôn là người có học thức, cậu luôn cảm thấy bất bình vì việc này; hơn nữa nhiều họ hàng thân quyến và dân làng cũng bàn tán xôn xao thể hiện sự bất mãn. Cố Nhĩ Ngôn nhẹ nhàng giải thích với họ: “Đây là quyết định của mẫu thân, không thể làm trái được, ví như chúng ta sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thậm chí đến một mảnh ruộng cằn cỗi và một căn nhà cũ nát mà tổ tiên cũng không thể lưu lại cho hậu nhân. Vậy thì con cháu có thể có cơm ăn và chỗ ở nữa không? Hãy cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên”.
Không lâu sau đó, Cố Nhĩ Hành đã dùng dây thừng trói một thanh niên và đánh anh ta tới mức thập tử nhất sinh, gia đình nạn nhân phẫn nộ tột cùng, bèn khiêng người bị thương đặt ở trước cửa nhà Cố Nhĩ Hành, đồng thời đe dọa sẽ kiện lên quan phủ. Cố Nhĩ Ngôn đành phải ra mặt dốc sức thu xếp mọi chuyện ổn thỏa, khuyên Cố Nhĩ Hành bồi thường tiền thuốc men chữa trị, gia đình nọ mới bằng lòng đưa cậu thanh niên kia rời đi. Nhưng Cố Nhĩ Hành ngược lại còn vu cáo anh trai cấu kết với người ngoài, khiến mình bị tổn thất mấy vạn quan tiền, bèn giả bộ uống say mà mượn cớ chửi mắng lung tung, Cố Nhĩ Ngôn bỏ ngoài tai hết thảy, không hề so đo với em trai.
Sau đó, tình cảnh gia đình Cố Nhĩ Ngôn ngày càng túng quẫn, anh có ý định bán mảnh ruộng của gia đình mình, nhưng vì những thửa ruộng này nằm trên cùng một mảnh đất với gia đình Cố Nhĩ Hành nên không ai chịu mua. Vì vậy mà anh đành phải cầu cạnh Cố Nhĩ Hành, song Cố Nhĩ Hành cố tình gây khó dễ và chèn ép để mua nó với cái giá rất thấp.
Một đêm nọ, Mạnh thị chợt nằm mộng thấy chồng mình hiện về quở trách rằng bà đã đối xử tệ bạc với Cố Nhĩ Ngôn, đồng thời cảnh báo nếu bản thân không biết sửa sai và hối cải, ông sẽ khiến Cố Nhĩ Hành trở nên nghèo khó, hơn nữa còn không có chốn dung thân. Sau khi Mạnh Thị tỉnh dậy, bà đã đem câu chuyện này kể lại với mọi người, còn châm biếm thêm rằng: “Tại sao một người đã chết rồi lại có thể nói ra những lời như vậy, biến chuyện không thể nào xảy ra thành sự thật được ư?” Rồi bà ta đến trước bài vị của Cố Đạm Hiên mà trỏ tay chửi rủa. Cố Nhĩ Ngôn đành phải quỳ xuống khóc lóc van xin. Rất lâu sau đó Mạnh thị mới bằng lòng bỏ đi.
Vài ngày sau, Cố Nhĩ Hành nghe thấy tiếng vật cứng va đập vào nhau liên tục trong tủ cất giấu vàng bạc, cậu vừa mở cửa tủ ra xem thì thấy hơn mười con bạch điểu tung cánh bay đi, theo sau là hàng trăm con chim nhỏ hơn, tất cả theo hướng cửa sổ phía trước đại sảnh rồi bay về phía đông.
Anh ta cẩn thận kiểm tra lại số vàng bạc giấu trong tủ nhưng chợt phát hiện ra rằng tất cả đã biến mất. Trong lúc hoảng hồn kinh ngạc, Cố Nhĩ Hành còn thấy những đồng tiền tích cóp còn sót lại bỗng rung lên nhè nhẹ, sau đó chúng biến thành những con bướm vàng, vẫy đôi cánh lật lên lật xuống va chạm vào nhau tạo ra tiếng kêu leng keng, rồi bay ra ngoài cửa sổ, như một cơn mưa rào, tất cả đều theo hướng đông mà bay đi.
Cố Nhĩ Hành vội vàng nằm sấp xuống, muốn dùng thân mình để che chắn số tiền cuối cùng còn sót lại, đúng lúc này có vài con cự xà từ trong đống tiền đó chậm rãi bò ra. Anh ta hoảng sợ đứng dậy và nhìn khắp lượt xung quanh, tất cả những đồng tiền tích lũy được đều đã biến mất, chỉ còn lại vài sợi dây xâu tiền bị đứt còn vương lại trên mặt đất.
Cố Nhĩ Ngôn sống trong ngôi nhà ở phía đông, ngày hôm đó, bỗng nhiên anh nghe thấy thanh âm giống như có thứ gì đó từ trên không trung rơi xuống trước thềm nhà, liền vội vã bước ra ngoài xem xét, thì ra là rất nhiều bạch ngân với kích cỡ to nhỏ khác nhau, ước chừng hơn một ngàn quan tiền, anh bèn gọi gia nhân thu lại và cất giữ. Đột nhiên, một trận mưa bất chợt ập đến, rơi thẳng lên đầu và mặt của mọi người, cơn mưa nặng hạt khiến mọi người cảm thấy vô cùng đau rát phải tháo chạy vào trong nhà tránh né, quay đầu nhìn ra ngoài sân thì ra cơn mưa khi nãy chính là những đồng tiền, hơn nữa độ dày lên đến hai xích.
Cố Nhĩ Hành trông thấy tiền bạc đều bay về phía đông nên đi ra ngoài xem xét. Vừa bước vào nhà huynh trưởng, liền thấy trong sân đầy bạch ngân và kim tiền, vội vàng hét lớn: “Chỗ tiền bạc này đều là của tôi, chúng vừa bay ra khỏi nhà tôi, mau trả lại chúng cho tôi!” Hàng xóm cảm thấy rất ngạc nhiên về điều này, liền lũ lượt kéo tới, nhiều người tập trung lại khiến thanh âm càng thêm huyên náo, xa gần đều có thể nghe thấy.
Lúc này huyện lệnh vừa bận chuyện công sự ở một địa phương lân cận, đúng lúc ghé qua thôn trang này, thấy mọi người tập trung đông đúc ồn ào liền phái cử hạ nhân đến hỏi rõ sự tình. Cố Nhĩ Hành hối hả tiến đến trước mặt huyện lệnh và tố cáo rằng huynh trưởng đã ăn cắp tiền của mình. Những hàng xóm láng giềng xung quanh từ trước đến nay vốn đều biết rõ những hành vi ti tiện của Cố Nhĩ Hành, nay nghe thấy anh ta tố cáo như vậy, tất cả mọi người đều đồng thanh phản đối, rồi tự thuật lại hết thảy mọi việc đã phát sinh từ trước đến nay cho huyện lệnh nghe, từ chuyện phân chia tài sản ngày trước không công bằng ra sao, huynh trưởng thường chịu ủy khuất thế nào, còn thuật lại cảnh tượng tài vật đã bay từ nhà Cố Nhĩ Hành sang nhà Cố Nhĩ Ngôn, v.v…
Huyện lệnh bước vào sân nhà của Cố Nhĩ Ngôn, tận mắt trông thấy rất nhiều tiền bạc xếp chồng lên nhau, trên cửa nhà còn có nhiều tiền lẻ chưa rơi xuống mặt đất, trong lòng chợt hiểu ra mọi việc, liền quay người lại phán định rằng: “Chuyện xưa không cần nhắc lại, tiền đã ở trong nhà của Nhĩ Ngôn, vậy tức là thuộc quyền sở hữu của Nhĩ Ngôn rồi, Nhĩ Hành ngươi chớ tranh giành nữa, bản thân ngươi vu cáo huynh trưởng trộm đồ, vốn nên bị trị tội, nhưng Thiên lý đã làm điều đó rồi, nên chuyện hôm nay tạm thời sẽ không truy cứu”.
Huyện lệnh trách mắng Cố Nhĩ Hành và lệnh cho anh ta rời đi. Ông nhận thấy Cố Nhĩ Ngôn là người hiếu thảo lại khiêm cung, trong thâm tâm vô cùng kính trọng, thường bày tỏ sự tôn kính đối với Cố Nhĩ Ngôn.
Kể từ khi tài sản mọc cánh bay đi, tính cách của Cố Nhĩ Hành ngày càng trở nên tiêu cực và chán chường, gia sản kếch xù ngày xưa hiện giờ lại thuộc về huynh trưởng. Cố Nhĩ Ngôn đã chia cho em trai một phần tài sản đáng kể và thường xuyên giúp đỡ gia đình Cố Nhĩ Hành trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Mạnh thị từ trước đến nay vẫn luôn ở cùng với Cố Nhĩ Hành, bà thường cự tuyệt sự giúp đỡ của Nhĩ Ngôn, Cố Nhĩ Ngôn từng nhiều lần thỉnh cầu song bà vẫn một mực từ chối. Cuối cùng Cố Nhĩ Ngôn đành quỳ xuống than khóc van nài, bà mới miễn cưỡng đồng ý.
Cố Nhĩ Ngôn luôn dốc hết khả năng để tỏ lòng hiếu thuận với kế mẫu, tận tâm phụng dưỡng đến cuối đời. Vào thời điểm đó, hoàng đế hạ chiếu dụ cho các địa phương tiến cử những sĩ phu có đạo đức và phẩm hạnh đoan chính, huyện lệnh liền cật lực tiến cử Cố Nhĩ Ngôn. Cuối cùng, Cố Nhĩ Ngôn trở thành cống sinh, đảm nhận việc dạy học cho một quận thị. Con trai của ông cũng thi đỗ kì thi hương và đạt được học vị cử nhân, sau này giữ một chức quan không nhỏ trong triều.
- Xem trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times
Quang Toàn biên dịch