Nhiều trang báo đã đưa tin, một số phụ huynh vì để giáo dục con cái, muốn con đọc sách đã đánh đập hoặc ngược đãi dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Họ mong muốn con họ phải tài giỏi như những thần đồng mà mọi người ca ngợi, nhưng dường như chỉ có tác dụng ngược.
Đã bao giờ chúng ta tự hỏi làm sao các thần đồng biết những thứ họ chưa từng học?
Theo nhận thức của khoa học hiện đại phương Tây, họ nhận thấy những thần đồng có nhiều cảm xúc mạnh mẽ và khả năng nhận thức vượt xa những đứa trẻ thông thường. Trong đó, một số đứa trẻ còn có những kí ức kì lạ về trước khi chúng được sinh ra.
Về mặt này thì văn hóa cổ truyền phương Đông cũng có quan điểm khá tương đồng. Đó là tri thức và học vấn của một người, ngoại trừ tác dụng giáo dục, học tập và cố gắng trong cuộc đời, còn có một bộ phận tương đối lớn do nhân tố siêu thường, không phải chỉ dựa vào sự cố gắng của con người, hoặc dùng cách xử phạt đánh đập là có thể học giỏi.
Tri thức của một người, không chỉ một đời một kiếp là kết thúc, nó giống như sinh mệnh, cũng sẽ đem tất cả những gì học được tích lũy đến đời sau; sẽ có một quá trình tích lũy, lắng đọng, đến đời sau nếu được tiếp xúc cùng loại tri thức, sẽ nắm bắt rất nhanh, học tập xuất sắc hơn nhiều so với người thường.
Giống như trên thế giới có rất nhiều thần đồng âm nhạc, mới vài tuổi đã có thể lên sân khấu biểu diễn, thậm chí chỉ huy dàn nhạc, thật ra chúng ở kiếp trước, hay nhiều kiếp trước đã từng học tập loại tri thức này, kiếp này chúng chỉ là đem tri thức ấy ra dùng mà thôi.
Nếu như đem một đứa trẻ chưa từng tiếp xúc qua âm nhạc ở kiếp trước, lại muốn nó đạt đến tiêu chuẩn của những thần đồng kia, e là đánh chết nó cũng chỉ vô dụng, đây không phải là vấn đề chăm chỉ hay không chăm chỉ.
Câu chuyện Lưu Huy gặp Bạch Cư Dị
Lưu Huy, đậu trạng nguyên năm Kỷ Hợi (1059) – năm thứ bốn đời Tống Nhân Tông, lúc đó ông 30 tuổi.
Ông nội và cha của ông đều là làm ruộng, gia cảnh bần hàn, nhưng Lưu Huy không hề có hứng thú với làm ruộng, mà vô cùng hiếu học. Có đoạn thời gian, ông du học đến Giang Châu (nay là thành phố Cửu Giang tỉnh Giang Tây), ở tại thiền viện Đông Lâm. Trong nội viện có bức vẽ của đại học giả Bạch Cư Dị đời Đường.
Lưu Huy nghĩ thầm, Bạch Cư Dị có tài hoa như vậy, là người có sức ảnh hưởng lớn, nhất định sẽ thành Thần; nên từ đó thường xuyên cúng lên một ít trái cây, thành kính cầu khấn trước bức họa của Bạch Cư Dị nói rằng: “Nếu tôi có thể có được một, hai phần tài hoa của Ngài, xem như là thượng tiên ban đại ân rồi.”
Sau khi Lưu Huy khấn thầm, chậm rãi bước ra bên cạnh một dòng sông nhỏ phía ngoài chùa, bỗng nhiên, ông nhìn thấy có một ông lão ngồi trên tảng đá, dung mạo nho nhã ôn hòa, như một học giả uyên bác, liền chủ động đến chào hỏi. Ông lão cũng không lấy làm lạ, liền đáp lời trò chuyện. Ông lão nghị luận rất sâu sắc, tri thức uyên bác, hiểu biết rất nhiều phương diện, Lưu Huy không chỗ nào là không gật đầu đồng ý, thái độ cũng rất khiêm cung.
Về sau, ông lấy hết can đảm hỏi: “Lão tiên sinh uyên bác như vậy, không gì không biết, đó là vì sao vậy?” Ông lão cười nói: “Nói thật với anh, ta chính là Bạch Cư Dị. Nhận được tình nghĩa của anh, rất hổ thẹn vì không có biện pháp nào khác giúp anh đạt được nguyện vọng, chỉ có thể gặp mặt anh để nói một vài nhận thức của mình.”
Lưu Huy thầm giật mình, lại càng thêm cung kính. Ông lão dừng một chút rồi nói: “Tài năng của một người mấu chốt ở thiên phú, nếu thiên phú cao, có thể làm được cái gọi là “Thanh xuất nhi lam nhi thắng vu lam” (trò giỏi hơn thầy, hậu sinh khả úy). Về phần học vấn, là dựa vào đọc viết ở hậu thiên mà được, có thể thông qua việc tích lũy lâu dài để đạt đến một trình độ cao.
Mọi người hay nói “Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi; nhân thập năng chi, kỷ thiên chi” (Một người làm bằng trăm người; mười người làm bằng ngàn người) chính là loại tình huống này. Tài năng cao thấp của một người, đã là trời sinh, đó đương nhiên là không thể cưỡng cầu được. Nhưng nếu muốn làm một người kiến thức rộng rãi, hạ bút là không gặp cản trở, tựa như đã qua suy nghĩ rất kỹ lưỡng rồi, điểm mấu chốt chính là người đó phải trải qua nhiều kinh nghiệm sinh tử, số lần đầu thai làm người phải nhiều!
Lần ta làm người ở đời Đường Đức Tông (780~804), Thuận Tông (805~820), đã là lần đầu thai làm người thứ 21. Bởi vì có nhiều lần kinh nghiệm, ta đối với chỗ nhìn thấy nghe thấy, không có thứ gì chưa quen thuộc, cho nên động não ghi ra văn thơ, đều nhanh chóng mau lẹ, đều có thể thông hiểu đạo lý như “Cửu Kinh”, như Bách Gia Chư Tử.
Ta dùng kiến thức rộng lớn như thế làm sự nghiệp, lại lấy tinh tế nhất làm thành thơ ca, cho nên dù là miêu tả gió trăng, hay khắc họa thiên nhiên, cũng giống như đã được tính toán rất kỹ lưỡng. Hiện tại, anh mới đầu thai 6 lần, còn không có chỗ đặc biệt vượt qua người thường, nhưng anh cũng có bổng lộc và chức quyền, trong mệnh của anh được định sẽ đỗ đậu rất cao.
Lưu Huy sau khi nghe xong, liên tục bái tạ, lại thỉnh giáo tiếp: “Bổng lộc và chức quyền đã biết rõ, còn về tuổi thọ ngắn dài ra sao, có thể cho tôi biết không?” Ông lão nói: “Điều này đều có quan viên âm phủ ghi chép, ta không biết.” Nói xong, ông lão đứng dậy nhẹ lướt đi, tiến vào rừng trúc rồi mất hút không dấu tích. Về sau, Lưu Huy quả nhiên đậu trạng nguyên.
Loại tri thức được ban tặng: câu chuyện của Hồ Sinh
Ngoài ra, còn có một loại tri thức, không phải thông qua việc học tập cố gắng trong đời mà lấy được, mà là được ban tặng, những điều này xét dưới góc độ hiện đại thì thật huyền hoặc, nhưng trong sử sách thì đều có ghi lại.
Trong “Vân Khê Hữu Nghị” có ghi chép, Liệt Tử (nhà tư tưởng trước giai đoạn Chiến Quốc, là một nhân vật đại biểu cho tư tưởng của Đạo gia kế sau Lão Tử và Trang Tử) năm đó chết ở Trịnh Quốc, phần mộ của ông ở trong bụi cỏ vùng ngoại ô, trở thành di tích lưu lại của danh nhân hiền sĩ, cấm người dân đốn củi nơi này.
Gần đó có một người tên Hồ Sinh, trong nhà rất nghèo khó, lúc tuổi còn trẻ làm nghề lau chùi kính đồng và mạ đinh. Anh ta có hoa quả, trà ngon hay rượu ngon gì đều mang đến cung phụng trước mộ Liệt Tử, khẩn cầu Liệt Tử ban cho anh sự thông minh và học vấn.
Một năm sau, anh mơ thấy một người cầm đao mở bụng anh ra, lấy một quyển sách đặt vào bên trong trái tim của anh, sau khi tỉnh ngủ, anh muốn ngâm thơ, nói gì ra đều là từ ngữ vô cùng mỹ diệu, nhưng lại không phải những điều học được ở thầy hay bạn bè.
Mặc dù có học vấn, nhưng anh vẫn không bỏ nghề lau chùi gương đồng hèn mọn, thật có phong cách ẩn sĩ. Mọi người cũng gọi anh là “Hồ Đinh Giảo”. Thái Thú, quan viên, và một ít nhân vật nổi tiếng đều rất kính nể anh, thường xuyên có một vài tiền bối tới thăm, đưa tặng anh một ít lễ vật, anh hết thảy đều không nhận. Nhưng nếu đưa cho anh trà thơm, hoặc rượu ngon, anh liền vui vẻ nhận lấy.
Bây giờ xin được giới thiệu vài bài thơ của anh, một bài là cao hứng nghênh đón Hàn thiểu phủ huyện Phố Điền đến chơi:
Hốt văn mai phúc lai tương phóng,
Tiếu trứ hà y xuất thảo đường.
Nhi đồng bất quán kiến xa mã.
Tranh nhập lô hoa thâm xử tàng.
Diễn nghĩa:
Bỗng nhiên nhìn thấy mai phúc đến chơi
Miệng cười áo hoa ra khỏi nhà cỏ.
Trẻ em không quen nhìn thấy xe ngựa
Tranh nhau trốn kỹ ở bụi hoa.
Khi nhìn thấy các cô gái nhà họ Thôi ở Trịnh Châu thêu hoa:
Nhật mộ đường tiền hoa nhị kiều,
Tranh niêm tiểu bút thượng sàng miêu.
Tú thành an hướng xuân viên lý,
Dẫn đắc hoàng oanh hạ liễu điều.
Diễn nghĩa:
Nhụy hoa yêu kiều bên đường ở hoàng hôn,
Tranh nhau tô điểm trên giàn thêu.
Thêu thành mùa xuân an lành vạn dặm,
Khiến cho chim hoàng oanh cũng rời khỏi nhành liễu mà xuống.
Có một bài khác tựa đề là “Nhi đồng thả câu bên bờ sông”:
Bồng đầu trĩ tử học thùy luân,
Trắc tọa thương đài thảo ánh thân.
Lộ nhân tá vấn diêu chiêu thủ,
Khủng úy ngư kinh bất ứng nhân.
Diễn nghĩa:
Trẻ con tóc rối học thả câu,
Bóng người ngồi in trên đám rêu xanh biếc.
Người qua đường vẫy tay thăm hỏi từ xa,
Lũ cá hoảng sợ không đáp ứng mong cầu của người câu.
Không chỉ có một, trong sử sách Trung Quốc cũng có ghi lại những chuyện tương tự, có thể thấy những chuyện này không phải giả dối.
Câu chuyện Vương Xử Nột tinh thông tướng số
Theo “Tống sử” ghi lại, Vương Xử Nột (915~82), người Lạc Dương Hà Nam, thời Ngũ Đại mạt, là nhà thiên văn thuật số đầu nhà Tống, tinh thông số tử vi, lịch sổ, thiên mệnh và học vấn, thời Bắc Hán từng làm ở Tư Thiên Giam. Lúc Vương Xử Nột còn thiếu niên, có một ông lão đi vào chỗ ở của ông, lấy đá trong sông Lạc Hà nấu thành giống như bột, lại để Vương Xư Nột ăn hết, cũng nói: “Ngươi bẩm sinh thông minh, sau này sẽ làm thầy người ta.”
Về sau lại từng mơ thấy một người cầm một chiếc kính lớn, che kín cả tinh tú, người nọ xé bụng của ông ra, cất chiếc kính vào trong, sau khi ông tỉnh lại mồ hôi đầm đìa, qua hơn một tháng, vẫn cảm giác thấy đau đớn ở ngực. Từ đó về sau, ông liền có được những học vấn và sự nghiên cứu sâu sắc nhất định về tinh tượng, lịch số, thiên mệnh và dự đoán hung cát.
Có thể thấy được, học vấn một người, cũng có rất nhiều là trực tiếp đến từ yếu tố siêu thường, không phải từ giáo dục, học tập hay cố gắng trong đời mà có được.
Biên dịch: Bình Minh, biên tập: Tuệ Minh
Xem thêm: