Vào thời nhà Thanh, Trần Tướng Quốc người Hải Ninh, tinh thông đủ loại học vấn, cũng giỏi xem tinh tượng. Khi còn trẻ, ông từng toán mệnh, biết bản thân nên được làm một vị tam công tể phụ, trọng thần của triều đình, vì thế ông muốn tìm một người phụ nữ có quý mệnh để cưới làm vợ, nhưng đã rất lâu mà tìm không thấy.
Năm hai mươi tuổi, ông đỗ thi hương, sau đó đến kinh đô ứng thí. Khi thuyền đến Tùng Lăng, gặp phải một trận bão tuyết lớn, ông bị mắc kẹt trên thuyền, cảm thấy tiền đồ sao mà hiu quạnh cô đơn. Lúc này, người phu thuyền nói với ông, ở đây có một phú hộ họ Từ, có một đình vườn, trong đó đủ loại cây cối hoa cỏ rất đẹp, chủ nhân rất hiếu khách, sao công không đi du ngoạn một chút?
Trần công tính cách táo bạo, nên đã lập tức viết một bức thiếp, bảo người đi thông báo. Từ phu nhân dò hỏi, thì biết ông là cử nhân tân khoa, nên ăn mặc chỉnh tề rồi bước ra đón khách vào. Trần công nói với Từ phu nhân lý do đến thăm, Từ phu nhân mỉm cười gật đầu, sai người hầu dọn tuyết trong vườn, đi du lãm cùng khách khứa.
Khi bước vào đình vườn, ông nhìn thấy những tảng đá kỳ lạ bao quanh, đình đài thâm u, xung quanh đình trồng hàng chục cây hoa mai, nhị hoa lạnh lẽo nở ra những bông hoa nhẹ nhàng, hương thơm ngào ngạt. Một lúc sau, người hầu bỏ than vào chậu, than cháy hừng hực, bày lên trên đầy những món ăn ngon. Chủ nhà đích thân phục vụ rượu cho khách, chiêu đãi họ rất chu đáo.
Trong lúc trò chuyện, Từ phu nhân được biết Trần công vẫn chưa kết hôn, nên thầm muốn ông làm con rể, nhưng bà không thể nói ra một cách hấp tấp. Sau đó, biết ông thông thạo thuật bát tự tử bình nên nói: Tôi có hai cô con gái, cả hai đều đang đợi xuất giá, không biết sau này có lấy được quý nhân không? Thỉnh công hãy toán giúp tôi. Trần công đồng ý, tiếp tục uống rượu cho đến khi mặt trời lặn, say khướt mới quay lại thuyền. Sau đó, ông tính toán tử vi của hai cô con gái của Từ phu nhân, cô con gái lớn mười chín tuổi, cô con gái thứ hai mười bảy tuổi đều là mệnh nhất phẩm phu nhân, Trần công thập phần kinh ngạc. Duy chỉ có cô con gái thứ hai trong mệnh có trăm ngày đào hoa, là một vết nhơ trong mỹ ngọc.
Sáng hôm sau, Trần công trả lời Từ phu nhân: “Cả hai cô nương nhà mình đều có mệnh đại quý, có thể làm huy hoàng gia môn”. Bà Từ nói: “Với tài cán và tài khí của công, đắc được quan chức chỉ giống như lượm hạt cải, nếu công không ngại, ta hy vọng có thể gả con gái cho công, công có thể lựa chọn cô chị hay cô em.” Trần Cung vui mừng khôn xiết, liền xin cưới cô chị, tặng cho nàng món quà đính hôn rồi rời đi.
Vào năm này, Trần Công thi đỗ tiến sĩ, bước vào vườn hàn lâm. Sau đó ông xin nghỉ phép về quê cưới vợ, rồi cùng vợ lên kinh đô nhậm chức. Những năm sau đó, cô con gái thứ hai của Từ phu nhân vẫn chưa lấy chồng. Một đêm nọ, một nhóm đạo tặc đột nhập vào nhà họ Từ, lục soát khắp nơi, khi mở phòng của cô con gái thứ hai, nhìn thấy vẻ đẹp của cô, nên chúng cướp cả cô đi cùng với tài sản.
Vợ chồng họ Từ quẫn trí đâm đơn kiện lên quan phủ, quan phủ tróc nã nhóm đạo tặc rất gắt gao, chúng sợ liên lụy vì cô gái này, nên bán cô lên Dương Châu, trở thành nữ linh (diễn viên trong đoàn kinh kịch). Vừa lúc Trần công cùng những người khác đến phương nam, trên đường qua Dương Châu, quan viên ở đó tổ chức tiệc chiêu đãi Trần công, mời một đoàn kinh kịch đến biểu diễn. Phu nhân của Trần công từ phía sau tấm màn quan sát, thấy một nữ diễn viên trông rất giống em gái mình, liền mời cô ấy vào hỏi thăm riêng. Quả nhiên là vậy, hai người ôm nhau khóc.
Thế là cô bàn bạc với chồng, giả vờ em gái là người thân thất lạc, chuộc em gái ra khỏi đoàn kịch rồi đưa về nhà. Trần công tính toán, từ ngày em vợ bị cướp đến ngày nàng được chuộc lại, chính là một trăm ngày. Sau này Trần công chọn hôn phối cho nàng, gả nàng cho một vị tổng nhung (một chức chỉ huy quân đội) nào đó. Trần công cuối cùng làm quan đến đại học sĩ, còn tổng nhung thăng lên chức đề đốc. Hai chị em đều được phong hàm phu nhân nhất phẩm.
Dưới đây xin kể một câu chuyện khác về
“Thừa tướng Hoàng Bá xem tướng mới lấy vợ
Khi Hoàng Bá nhà Hán làm một tiểu sứ (một chức quan nhỏ) đi tuần ở trấn Dương Hạ, một ngày nọ, ông đồng hành với một người rất giỏi tướng thuật, trên đường đi, lại gặp một người phụ nữ khoảng mười bảy, mười tám tuổi.
Thầy tướng chỉ vào người phụ nữ nói: “Nữ nhân sau này nhất định sẽ đại phú đại quý, trở thành phu nhân của công hầu.” Hoàng Bá dừng xe, quan sát kỹ lưỡng cô gái. Thầy tướng nói: “Nếu người phụ nữ này tương lai không phú quý, từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ xem tướng cho ai nữa”.
Hoàng Bá hỏi thăm về người phụ nữ, được biết cô là con gái của một gia đình vu thuật ở làng gần đó. Ngày hôm đó, Hoàng Bá cưới người phụ nữ đó làm vợ. Sau này, Hoàng Bá quả nhiên đại phú đại quý, một mạch thăng đến chức thừa tướng, được phong làm liệt hầu, vợ ông đương nhiên thành phu nhân công hầu đại phú đại quý.
Nguồn: “Hương ẩm lâu tân đàm”, “Luận hành”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch