Mỗi khi quốc gia phát sinh thiên tai nhân họa, chính quyền đứng trước nguy nan, Hoàng đế của các triều đại đều sẽ tắm gội trai giới, tế bái trời đất cùng chư Thần, tự phản tỉnh “trách tội mình”, sám hối về những sai lầm và thiếu sót của bản thân, có những lúc còn sẽ ban bố “chiếu thư tự trách tội mình” với khắp thiên hạ.
Con người vốn không phải Thánh hiền, dù là bậc đế vương cũng khó tránh khỏi sai lầm. Nhưng trong gần một nửa “chiếu thư tự trách tội mình” được ghi chép trong sử sách, nguyên nhân khiến các bậc quân vương tự trách tội bản thân thì lại đều là bởi thiên tai chứ không phải họa do con người gây ra. Đây đều là điều mà những người tin theo thuyết vô Thần thời nay khó mà lý giải cho được, nhưng nó lại chính là một bộ phận quan trọng trong văn hóa truyền thống bác đại tinh thâm.
Người xưa giảng thiên nhân cảm ứng, quan sát thiên đạo để hiểu những sự việc nơi cõi người. Thiên tai chính là lời cảnh tỉnh trách phạt của ông trời, nguyên nhân căn bản là bởi thi hành chính trị sai sót hoặc nhân tâm bại hoại dẫn đến. Vậy nên khi bốn mùa đảo lộn, có thiên thạch rơi, hạn hán lũ lụt liên tiếp phát sinh, ôn dịch hoành hành, đây cũng chính là lúc mọi người đều nên phản tỉnh lại những thiếu sót và tiêu chuẩn đạo đức của bản thân mình.
Thời xưa, các Hoàng đế được gọi là thiên tử, cha là trời, đất là mẹ, được Thần trao cho sứ mệnh, vậy nên được gọi là thiên tử. Do chịu chế ước của đạo Trời, vậy nên bậc đế vương dù là cửu ngũ chí tôn cũng không dám đặt mình ngang với Trời. Mỗi khi Trời giáng thiên tai, thiên tử đều phải nghiêm túc tự xét lại bản thân, hạ chiếu trách tội mình. Đây không chỉ là thừa nhận lỗi lầm với muôn dân thiên hạ và hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm, mà điều quan trọng hơn cả là bản thân đế vương thành tâm sám hối với Trời mong nhận được sự tha thứ của thiên thượng, tránh việc trời giáng tai họa liên lụy đến muôn dân.
“Vương” (王), giữa ba nét ngang thêm một nét sổ, ba nét ngang chính là tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân (tức là trời, đất và con người). Bên trên là trời, bên dưới là đất, phần giữa chính là người dân cùng vạn vật. “Vương” chính là người có thể kết nối cùng trời đất.
Đại Vũ thấy người phạm tội mà tự trách bản thân
Sử sách ghi chép lại rằng sau khi Đại Vũ đăng đế vị, một lần nhìn thấy người phạm tội, ông đã khóc, than rằng: “Dưới thời của vua Nghiêu vua Thuấn, người dân thiên hạ đều đồng lòng với quân vương, nay ta thân là quân vương, có người lại không đồng lòng cùng ta, mà lại ngang nhiên phạm tội. Vũ ta vì điều này mà cảm thấy day dứt đau lòng, tự trách bản thân không làm tốt người đứng đầu của muôn dân”. Nói rồi, Đại Vũ xuống xe khóc lóc tạ tội cùng trời đất.
Vua Thang nhà Thương: Thà mình ta chịu tội, quyết không muốn liên lụy muôn dân
Thời vua Thành Thang nhà Thương, gặp năm hạn hán, ngũ cốc không thu hoạch được, quan dân hoang mang lo sợ. Thành Thang vạn phần lo lắng, đã nhiều lần đích thân tế lễ cầu mưa, nhưng đều không hiệu quả. Người gieo quẻ nói tằng: “Từ kết quả quẻ tượng cho thấy, nếu muốn trời giáng mưa, cần phải dùng một người sống để tế bái để tỏ rõ lòng thành”.
Vua Thang không nỡ hy sinh tính mạng của người khác, quyết định lấy mình làm tế phẩm cầu mưa. Để tỏ rõ lòng thành, ông đã tắm gội trai giới, cắt bỏ mái tóc cùng móng tay, mặc lên mình áo vải thô màu trắng, quấn cỏ lau quanh người, rồi tự mình đánh xe đến ngoài cổng rừng dâu. Vua Thang quỳ ở đài tế thần cầu nguyện, tự trách rằng: “Phải chăng là bởi quả nhân không trị lý quốc gia được tốt? Phải chăng là quả nhân tin dùng sai người? Phải chăng là do quả nhân xây dựng cung thất tốn của nhọc dân? Hay là do quả nhân quá nghe lời đàn bà? Hay là quan viên hủ bại mưu lợi riêng? Hay là quả nhân tin theo những lời sàm tấu vu oan cho người? Nếu thật sự là vì những điều này, đó đều là lỗi của mình quả nhân, thiên thượng cứ trách phạt, xin đừng liên lụy đến muôn dân. Cúi xin trời cao đừng lấy thiếu sót của mình trẫm mà tổn hại đến tính mệnh của muôn dân”.
Sau đó, ông lệnh người chất củi khô thành đống, không chút do dự ngồi trên đống củi, lệnh người châm lửa, lấy bản thân để tế Trời. Thành ý của vua Thang cuối cùng đã cảm động trời xanh, trời đã giáng mưa, kết thúc hạn hán đã kéo dài suốt mấy năm liền.
Hán Văn Đế: Thiện hạ rối ren đều là lỗi của mình trẫm
Hán Văn Đế lên ngôi, hai năm liên tiếp xuất hiện nhật thực. Văn Đế ban bố chiếu thư tự trách lỗi mình với thiên hạ, nói rằng nếu như Hoàng đế không thi hành nền chính trị nhân đức, triều đình và dân gian có sự bất công, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo quá lớn, thế thì ông trời sẽ triển hiện dị tượng để cảnh tỉnh thiếu sót của Hoàng đế. “Trẫm không mang đến cuộc sống ấm no cho dân chúng, khiến dân chúng cho rằng trời cao không có mắt, đức hạnh của trẫm thật sự quá kém rồi”. Ông chủ động gánh chịu trách nhiệm, nói rằng: “Thiên hạ rối ren, tất cả đều là lỗi của mình trẫm”. Văn Đế cho rằng bản thân mình vô đức, lệnh cho quần thần liệt kê ra những thiếu sót của Hoàng đế, tiến cử hiền tài, giảm sưu thuế lao dịch để hóa giải tai nạn liên tiếp phát sinh.
Hán Vũ Đế: Chính sách sai lầm, khiến trẫm nghĩ lại mà không khỏi ân hận
Hán Vũ Đế vào những năm cuối đời đã gặp phải một loạt các biến cố, trong đó vụ thảm án Vu cổ để lại hệ lụy sâu rộng nhất, Vệ hoàng hậu và Thái tử đều mất mạng. Những việc này đã khiến Hán Vũ Đế tự xét lại mình. Không lâu sau, Hán Vũ Đế tra rõ Thái tử vô tội, bèn xây dựng “Tư Tử Cung’ (cung điện tưởng nhớ con), tự trách hối lỗi.
Khi nhóm đại thần quản lý tài chính Tang Hoằng Dương đưa ra kiến nghị thực hành đồn điền ở Luân Đài (huyện Luân Đài, Tân Cương ngày nay), để đảm bảo cho thực lực của quân đội nhà Hán ở Tây Vực, đã bị Hán Vũ Đế phủ quyết. Hán Vũ Đế quyết định “bỏ đất Luân Đài, rồi ban bố “Luân Đài – chiếu thư trách tội mình”, đưa ra nghiêm cấm chính trị hà khắc, xem trọng nông nghiệp, không được gia tăng gánh nặng cho người, để cho dân được nghỉ ngơi dưỡng sức.
Năm 89, Hán Vũ Đế lên núi Thái Sơn tế bái trời đất, ông thành khẩn nói rằng: “Từ lúc trẫm lên ngôi đến nay, bản thân đã tự mình thúc đẩy chính sách dụng binh khắp nơi, khiến người dân theo đó mà chịu khổ, nghĩ lại mà không khỏi ân hận. Từ nay về sau phàm là những việc tổn hại đến lợi ích của người dân, hao tổn nguồn tài nguyên của quốc gia, nhất loạt đều ngưng lại”. Từ đó, quốc sách của Hán triều đã có chuyển biến căn bản.
Đường Đức Tông: Bá tánh bất an, quốc gia rơi vào nội loạn, ấy đều là lỗi của trẫm
Năm 738, Trường An thất thủ, Đường Đức Tông vội vàng trốn chạy, quân phản loạn một mạch truy sát. Mùa xuân năm sau, Đức Tông ban chiếu thư đại xá và tự trách tội mình: “Trẫm sống trong thời bình mà quên mất những lúc nguy nan, không biết đến những sự vất vả khó nhọc của việc đồng áng, không dõi theo khổ cực của quân sĩ đóng trú nơi quan ải. Sự tình vẫn chưa tra rõ thực hư đã vội lấy giả làm thật. Những việc làm của trẫm đã khiến cho người dân bất an, đẩy quốc gia rơi vào nội loạn, tất cả trách nhiệm đều ở trẫm, không thể đẩy cho người khác. Trẫm sẽ loại bỏ sưu cao thuế nặng trước đây, ngoài kẻ đầu sỏ cầm đầu quân tạo phản ra, với những ai đã từng gia nhập hùa theo quân tạo phản sẽ miễn truy cứu”. Đức Tông còn tuyên bố miễn xá mọi tội danh cho nhóm người của Tiết độ sứ Lý Hy Liệt, “khôi phục tước vị, đối đãi như ban đầu”.
Đồng thời, Đức Tông còn đổi niên hiệu thành năm Trinh Nguyên, bày tỏ ý muốn cùng muôn dân làm lại từ đầu, hết thảy đều bắt đầu lại mới. Chiếu thư vừa được ban ra, bá tánh đều cảm phục trước sự chân thành của Hoàng đế. Lòng dân vui mừng, quân sĩ cảm kích, không ít quân phản loạn đã quy thuận triều đình, không lâu sau bạo loạn đã được dẹp yên, nội loạn cũng được khống chế.
Đường Thái Tông: Trẫm chỉ mong ông trời giáng hết mọi tai ương lên mình trẫm
Thời Đường Thái Tông, đại tướng quân Đảng Nhân Hoằng bởi tham ô lượng lớn tài sản mà bị tuyên án tử hình. Nhưng, Đường Thái Tông nể trọng Đảng Nhân Hoằng, cho rằng ông là nhân tài hiếm có đã lập nhiều công trạng cho triều đình, bèn hạ chiếu chỉ sửa tội tử hình thành lưu đày ra biên cương.
Sau sự việc này, Đường Thái Tông nhận ra bản thân vì xuất phát từ tình riêng mà làm trái pháp lệnh, thành ra ăn ngủ không yên. Thái Tông cho mời các quan đại thần đến và nói: “Pháp lệnh của quốc gia, Hoàng đế nên phải là người dẫn đầu chấp hành, nhưng trẫm lại bao che cho Đảng Nhân Hoằng, thật đúng là đã dùng tình riêng làm loạn quốc pháp”. Sau đó Thái Tông đã ban bố “chiếu thư tự trách mình”, nói bản thân trong quá trình xử lý vụ việc của Đảng Nhân Hoằng đã mắc phải 3 sai lầm lớn: một là không biết rõ người, dùng sai Đảng Nhân Hoằng; hai là lấy tình riêng làm loạn kỷ cương bao che Đảng Nhân Hoằng; ba là thưởng phạt không rõ, xử lý không công chính.
Năm Trinh Quán thứ hai, Trường An hạn hán lớn, châu chấu hoành hành ngang ngược. Đường Thái Tông thị sát thiên tai, nhìn thấy rất nhiều châu chấu, liền bắt lấy mấy con châu chấu trong tay, nói với chúng rằng: “Bách tính sống nhờ lương thực, các ngươi lại đi ăn mất lương thực của muôn dân, các người chính là loài sâu bọ gây hại của dân chúng! Người dân nào có tội tình gì, tất cả đều là lỗi của mình cá nhân ta. Nếu các ngươi, những con sâu gây hại này có linh tính, thì hãy ăn gan ruột ta, đừng gây hại cho bá tánh!”. Nói xong liền muốn nuốt mấy con châu chấu, tả hữu đều ra sức khuyên can Thái Tông đừng nên ăn, nói châu chấu không sạch sẽ, ăn rồi e rằng sẽ mắc bệnh. Đường Thái Tông nói: “Đây chính là điều trẫm muốn, trẫm chỉ mong ông trời có thể giáng họa lên thân mỗi mình trẫm. Sao trẫm lại phải sợ mắc bệnh chứ?”. Nói rồi không màng đến tả hữu ra sức ngăn cản, liền nuốt con châu chấu. Cùng năm, nạn châu chấu liền biến mất.
Hoàng đế Sùng Trinh: Để mặc cho giặc phanh thây, chỉ mong đừng hại đến dân chúng
Hoàng đế Sùng Trinh là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Minh. Dưới thời của ông loạn trong giặc ngoài, ông đã hơn 5 lần ban chiếu tự trách tội mình, bao gồm giảm thiểu tiêu chuẩn ăn uống, dừng các hoạt động vui chơi, đồng cam cộng khổ với tướng sĩ ngoài biên ải, hoãn lệnh thi hành án 3 năm khắp cả nước, tìm cầu những bậc hiền tài dám nói lời can gián, miễn trừ sưu thuế cho những vùng khó khăn, v.v.
Cuối cùng Hoàng đế Sùng Trinh treo cổ tự vẫn, để lại di chiếu nói rằng: “Trẫm đức mỏng phận hèn, bị trời quở phạt, dẫn tới nghịch tặc kéo thẳng vào kinh sư, đều do các bề tôi hại trẫm. Trẫm chết, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông, tự vứt bỏ mũ áo, lấy tóc che mặt, để mặc cho giặc phanh thây, chỉ mong không tổn hại tới dân chúng”.
Tống Thái Tông: Nguyện hỏa thiêu để đáp lại trách phạt của thiên thượng
Năm 991, ngày Kỷ Tỵ tháng 3 năm thứ 2 niên hiệu Thuần Hóa, Hoàng đế Đại Tống là Triệu Quang Nghĩa bởi vì hạn hán đã lâu, nạn châu chấu hoành hành, nhiều ngày cầu mưa không được, ông đã đích thân viết chiếu thư cho tể tướng Lã Mông Chính, muốn hỏa thiêu bản thân, nguyện lấy cái chết để đáp lại trách phạt của thiên thượng. Chiếu thư đại ý là: Muôn dân rốt cuộc có tội tình gì đâu! Ông trời sao lại nỡ trách phạt họ như vậy, đây đều là trẫm thất đức mà nên. Các khanh hãy dựng một cái đài cao trước điện Văn Đức, cho ta lên trên đó. Nếu trong 3 ngày mà trời không mưa, các người hãy thiêu sống ta, để đáp lại trách phạt của thiên thượng.
Ngày hôm sau, kỳ tích quả nhiên xuất hiện, thành tâm của Hoàng đế đã cảm động trời cao, “Tống Sử” có chép: “Ngày hôm sau trời mưa to, châu chấu chết hết cả”.
Hoàng đế Thuận Trị: Liệt kê ra 40 tội trạng của bản thân
Sau khi Hoàng đế Thuận Trị lên nắm quyền, lũ lụt hạn hán, động đất liên tục phát sinh, thiên tượng biến đổi, mùa đông có sấm chớp, mùa xuân có tuyết rơi, còn có mưa thiên thạch. Thuận Trị cho rằng hết thảy những điều này đều là bởi bản thân “thất đức” mà nên. Đây là thiên thượng quở phạt, ông không ngừng phản tỉnh, nhiều lần hạ chiếu thư trách tội mình.
Lúc lâm chung, Hoàng đế Thuận Trị đã để lại di chiếu trách tội mình, ông đã liệt kê ra một loạt những tội trạng của mình, bao gồm kỷ cương pháp lệnh không bằng được Thái Tổ, Thái Tông, chưa tròn đạo hiếu với hoàng thái hậu, chưa tạo được tình cảm gắn kết với các vương hầu, bản tính cao ngạo tự đại không thể khiêm tốn, dùng người bất tài, không trọng dụng những người hiền đức, thấy điều xấu xa mà không loại trừ, bản tính ham thích an nhàn, thường cầu an dật, tự cho mình thông minh mà không nghe lọt tai những lời can gián. v.v.
Hoàng đế Khang Hy: Bản thân không đủ tài đức, trị nước chưa thỏa đáng
Năm 1679, Bắc Kinh phát sinh động đất 8 độ richter, đứng trước thiên tai to lớn, Hoàng đế Khang hy đã ban bố “chiếu thư tự trách lỗi mình”: Từ lúc trẫm lên ngôi đến giờ, cần mẫn việc triều chính, chỉ mong trên hợp với lòng trời, dưới vỗ yên lòng dân… bỗng xảy ra động đất lớn, đều là bởi trẫm công đức chưa đủ, trị nước chưa thỏa đáng. Ông bố cáo cho các quan: bản thân trẫm không đủ tài đức, trị nước chưa thỏa đáng, dẫn đến động đất để cảnh tỉnh nhắc nhở trẫm. Ông cho rằng nguyên nhân của động đất là trong quan lại có tồn tại 6 điều “tai hại”, bèn ông lệnh cho các quan bàn bạc, giao cho Lại bộ lập pháp nghiêm minh, trừ dứt hết tệ nạn tồn đọng lâu ngày.
Nếu trời quở trách mà không tự ngộ, dân oán mà không tự biết, triều đại ắt diệt vong
Chiếu thư tự trách lỗi mình, phần nhiều đều là đế vương tự sám hối kiểm điểm. Tín ngưỡng vào đạo trời là nền tảng đạo đức trong văn hóa truyền thống, cũng là nền tảng để các bậc đế vương cai trị đất nước. Hoàng đế thời xưa kính trời tín Thần, từ nhỏ đã đọc thuộc làu “tứ thư ngũ kinh” của Nho gia, tuân theo lời dạy của tổ tiên, kính sợ lòng dân. Họ hiểu rõ rằng, nếu không thể vâng theo mệnh trời mà tuân theo quy luật vận hành của trời đất, trên hợp đạo trời, dưới an định muôn dân, thì trời sẽ giáng thiên tai khiển trách. Và khi đứng trước thiên tai nhân họa, nếu vẫn không biết phản tỉnh quy chính, thì khó tránh khỏi đại kiếp.
Trong cuốn “Thuyết văn giải tự”, chữ “Vương” (王), giữa ba nét ngang thêm một nét sổ, ba nét ngang chính là tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân (tức là trời, đất và con người). Bên trên là trời, bên dưới là đất, phần giữa chính là người dân cùng vạn vật. “Vương” chính là người câu thông cùng trời đất. Thân là đế vương, nếu trời quở trách mà không tự ngộ, dân oán mà không tự biết, trời đất sẽ không bảo hộ, lòng dân không hướng đến, triều đại như thế ắt sẽ diệt vong.
Theo Tôn Thư Hương, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch