Đại Kỷ Nguyên

Mối tình bất tử của một cặp vợ chồng sinh ly tử biệt trong chiến loạn

Một cặp vợ chồng sinh ly tử biệt trong chiến loạn. Ảnh: Phong cảnh tuyết rơi thời nhà Minh của Thẩm Sĩ Sung (do Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc cung cấp)

Vào cuối thời nhà Nguyên, ở huyện Hoài An, tỉnh Giang Tô, có một người phụ nữ tên là Lưu Thúy Thúy xuất thân trong gia đình giàu có. Nàng sinh ra đã thông minh, thích xem sách đọc chữ. Cha mẹ nàng thuận theo hứng thú của nàng, cho phép nàng đi học. Trong số các bạn đồng học, có một chàng trai con nhà họ Kim, tên là Kim Định, cùng tuổi với Thúy Thúy, chàng vừa thông minh lại vừa tuấn tú. Các bạn đồng học chế họ với nhau, nói nam nữ cùng tuổi xứng làm phu phụ. Hai người trong thâm tâm cũng tự coi nhau như vợ chồng.

Thời gian trôi qua, Thúy Thúy dần dần lớn lên, không còn đến trường nữa. Khi nàng mười sáu tuổi, bố mẹ đã sắp xếp cho nàng một cuộc hôn nhân, nàng buồn rầu đến mức khóc lóc bỏ ăn. Khi bố mẹ hỏi tại sao, ban đầu nàng không chịu nói, nhưng sau đó mới nói: “Con chỉ có thể làm vợ Kim Định, người hàng xóm phía tây. Nữ nhi trong tâm đã thầm đồng ý với chàng, nếu cha mẹ không đồng ý, con chỉ có cái chết, con thề sẽ không về nhà người khác.” Cha mẹ nàng không biết làm thế nào, chỉ có thể nghe theo lời của nàng.

Tuy nhiên, so sánh hai gia đình, nhà họ Lưu thì giàu, còn nhà họ Kim thì rất nghèo. Con trai nhà họ Kim tuy thông minh tuấn tú, nhưng hai nhà lại không môn đăng hộ đối. Khi bà mối đến nhà Kim, nhà Kim từ chối vì nghèo, không dám nhận. Bà mối nói: “Cô nương nhà họ Lưu nhất định muốn gả cho Kim tiên sinh, cha mẹ cô ấy đã đồng ý. Nếu vì nghèo khó mà từ chối, sẽ xúc phạm đến thành ý của người ta, đánh mất cuộc hôn nhân tốt đẹp này! Thà trả lời như thế này, gia đình tôi tuy nghèo, nhưng cũng biết một chút về thi thư lễ nghĩa. Hiện tại quý phủ đã đến trước cầu thân, làm sao có thể không tuân lệnh? Nhưng nhà tôi bần cùng, nếu cần chuẩn bị lễ vật đính hôn và hôn lễ, e là không cách nào xoay xở được. Đối phương nếu thương con gái, chắc sẽ không tính toán những thứ này.” Nhà họ Kim đồng ý.

Bà mối trở về báo lại với bố mẹ họ Lưu, nhà họ Lưu trả lời đúng như dự đoán: “Quyết định kết hôn dựa vào tiền bạc bao nhiêu là tập tục của những người kém văn minh. Nhà tôi chỉ chọn một người con rể tốt, còn lại không quan trọng. Nhưng nhà cậu ấy không giàu, còn nhà tôi thì có tiền, nếu con gái tôi lấy chồng, cuộc sống của nó sau khi đến nhà cậu ấy sẽ có vấn đề lớn. Chẳng bằng để Kim Định đến nhà chúng tôi ở rể.” Bà mối đến nhà họ Kim chuyển đạt ý nguyện của bên nhà gái, người nhà trai đối với việc này rất vui mừng. Thế là hai gia đình chọn một ngày lành để làm lễ đính hôn, đến lúc xuất giá, những lễ vật như tiền bạc, lụa là, cừu non, ngỗng trời v.v. đều do bên nhà gái tự tay chuẩn bị, sau khi kết hôn, có thể tưởng tượng hai người hạnh phúc mức nào.

Nhưng kết hôn chưa được một năm, anh em Trương Sĩ Thành khởi binh tại Cao Bưu, công chiếm được nhiều châu quận dọc theo sông Hoài Hà, Lưu Thúy Thúy bị tướng quân Lý, bộ hạ của Trương Sĩ Thành bắt đi. Sau này, Trương Sĩ Thành đàm phán hòa bình với nhà Nguyên, những tuyến đường Bắc Nam bắt đầu thông hành, việc đi lại không còn bị cản trở. Vì vậy Kim Định từ biệt cha mẹ ruột và cha mẹ vợ, đi tìm tung tích vợ mình, thề sẽ không quay lại nếu không tìm được nàng.

Khi Kim Định đến Bình Giang, chàng nghe tin tướng quân Lý hiện đang đóng quân ở Thiệu Hưng. Sau khi chàng đến Thiệu Hưng, lại nghe nói họ đã điều binh đến An Phong. Sau khi đến An Phong, tướng Lý lại trở về Hồ Châu đóng quân. Bằng cách này, Kim đi lại giữa hai đất Giang Hoài, trải qua trùng trùng phong hiểm. Mấy mùa đông xuân đã trôi qua, số tiền chàng mang theo khi xa nhà đã dùng hết từ lâu, nhưng quyết tâm đi tìm vợ của chàng vẫn không hề thay đổi. Đến đâu cũng lang bạt, ngủ đường ngủ chợ trong sương giá, phải đi khất thực xin ăn,… cuối cùng chàng cũng đến được Hồ Châu.

Lúc này, tướng quân Lý được triều đình đánh giá cao, danh tiếng lớn đến mức người bình thường khó có thể đến gần. Kim Định đứng ngoài cửa dinh thự của tướng quân Lý, do dự chờ đợi cơ hội. Chàng muốn vào nhưng không thể vào, muốn hỏi nhưng lại không dám. Người gác cổng nhìn thấy cảnh tượng này có chút kỳ lạ, nên hỏi thăm. Kim Định nói: “Tôi là người Hoài An, sau khi động loạn, tôi nghe nói trong phủ có một người em gái của tôi, nên tôi đã lặn lội đến đây để gặp chị ấy.”

Người gác cổng hỏi: “Nhưng, nàng ấy tên là gì? Bao nhiêu tuổi? Hy vọng cậu có thể nói chi tiết cho tôi, tôi sẽ kiểm tra giúp cậu.” Kim Định nói: “Tôi họ Lưu, tên là Kim Định, em gái tôi tên Thúy Thúy, em gái tôi biết chữ, có thể viết văn chương. Năm đó khi thất lạc, nàng mới 17 tuổi. Tính theo năm tháng, hiện tại nàng đã 24 tuổi.” 

Người gác cổng nghe xong nói: “Trong phủ xác thực có một người phụ nữ họ Lưu, nàng ấy là người Hoài An, tuổi tác cũng như cậu nói, có thể đọc chữ, giỏi làm thơ, lại thông minh hiểu sự, đại nhân nhà chúng tôi đối với nàng ấy thập phần sủng ái, tình huống mà cậu nói không giả, tôi sẽ đi vào báo cáo cho cậu, cậu hãy đợi ở đây một chút.” Sau đó người gác cổng tiến vào phòng báo cáo, một lúc sau mới trở ra, dẫn Kim Định bước vào. 

Tướng quân Lý đang ngồi trong đại sảnh, Kim Định liên tục quỳ lạy, đứng dậy nói rõ ý định của mình. Thân là quan võ, tướng quân Lý đương nhiên tin tưởng không nghi ngờ gì. Ông ra lệnh cho người hầu của mình vào trong nói với Thúy Thúy: “Anh trai của nàng từ quê đến thăm, nàng nên ra ngoài gặp anh ấy.”

Thúy Thúy tuân lệnh bước ra, chiểu theo nghi lễ huynh muội để gặp gỡ Kim Định ở sảnh đường. Ngoài việc hỏi thăm tình huống của cha mẹ già, những câu khác một câu cũng không dám nói nhiều, chỉ biết khóc lóc bi thương. Tướng quân nói: “Vì cậu đường xa đến đây, đường dài khiến thân tâm mỏi mệt, tạm thời hãy nghỉ ngơi tại nha môn của ta, ta sẽ tìm việc cho cậu.” Sau đó bảo người hầu lấy y phục mới mặc cho chàng, còn đưa cho chàng một bộ đồ giường để chàng ở tại văn phòng nhỏ phía Tây.

Sau khi an định trở lại, ngày hôm sau tướng quân Lý hỏi Kim Định: “Em gái cậu biết đọc, cậu cũng biết đọc chứ?” Kim Định nói: “Khi tôi ở quê, tôi coi việc học tập thi cử làm nghiệp, phàm là các tác phẩm kinh điển và lịch sử tôi đều đọc, đó là những thứ tôi bình thường vẫn nghiên cứu, không có gì phải nghi ngờ!” 

Tướng quân cao hứng nói: “Ta khi nhỏ không được đi học, sau này nhân lúc động loạn mà quật khởi, ngày nay được trọng dụng, người muốn gặp ta rất nhiều, cả ngày khách khứa đến, mà không có ai thay ta tiếp đãi, giờ đây thư tín chất đống cao như núi, cũng không có ai thay ta trả lời, cậu hãy ở lại bên ta làm việc, đảm nhiệm chức quan thư ký nhé.”

Kim Định là người thông minh, tính tình ôn hòa, lại tài hoa hơn người. Chàng làm việc dưới quyền tướng quân, càng nghiêm túc ước thúc bản thân. Chàng có mối quan hệ hài hòa dung hợp với cả cấp trên và cấp dưới. Chàng thay tướng quân trả lời thư tín, có cách biểu đạt suy nghĩ một cách thấu đáo, tướng quân cũng tin rằng mình đã chọn đúng người, đối đãi với Kim Định rất hậu hĩnh. Tuy nhiên, Kim Định nguyên là muốn đến tìm vợ, sau lần đầu được gặp nàng ở đại sảnh, chàng từ đó không nhìn thấy nàng nữa. Khuê phòng thâm u, cách biệt với bên ngoài, căn bản không có cơ hội nhận được bất kỳ tin tức gì.

Thời gian trôi qua, đã đến lúc chuẩn bị quần áo độn bông cho mùa đông. Buổi tối gió Tây thổi, sương ngưng tụ thành hạt. Kim Định sống một mình trong căn phòng trống, suốt đêm không ngủ được nên đã viết một bài thơ:

Hảo hoa di nhập ngọc lan can, xuân sắc vô duyên đắc tái khán.
Lạc xứ khởi tri sầu xứ khổ, biệt thì tuy dịch kiến thì nan.
Hà niên tắc thượng trọng quy mã? Thử dạ đình trung độc vũ loan.
Vụ các vân song thâm ki hứa? Khả liên cô phụ nguyệt đoàn viên.

Dịch là:

Hoa đẹp ai đặt dưới lan can, xuân sắc vô duyên được tái khán.
Lạc xứ nào hay sầu xứ khổ, biệt ly thời dễ hợp thời nan.
Năm nao phượng quy về chốn cũ? Đêm nay một mình ta múa loan.
Lầu khói song mây sâu mấy độ? Tiếc ai lỡ rồi trăng viên đoàn. 

Bài thơ viết xong chép ra giấy, gấp vào cổ áo khoác bông rồi khâu lại. Chàng đưa cho bộc nhân trong phủ một trăm đồng và nói: “Hiện tại trời lạnh quá, quần áo trên người ta rất mỏng, ngươi có thể đưa chiếc áo bông này cho em gái của ta, nhờ nàng thay ta giặt và vá lại để ta có thể dùng chống rét qua mùa đông này.” Bộc nhân bèn làm theo lời chàng dặn, mang áo vào đưa cho Thúy Thúy.

Sau khi Thúy Thúy nhận bộ quần áo bông, mới hiểu ra ý tứ của chàng. Sau khi mở quần áo ra, nàng tìm thấy bài thơ, đọc xong nàng vô cùng thương cảm, nhưng chỉ có thể nuốt tiếng khóc. Nàng cũng đáp lại bằng một bài thơ, khâu nó vào cổ áo như trước, rồi nhờ bộc nhân mang trả lại cho Kim Định. Bài thơ viết:

Nhất tự hương quan động chiến phong, cựu sầu tân hận kỉ trọng trọng!
Tràng tuy dĩ đoạn tình nan đoạn, sanh bất tương tòng tử diệc tòng.
Trường sử đức ngôn tàng phá kính, chung giáo Tử Kiến phú du long.
Lục châu bích ngọc tâm trung sự, kim nhật thùy tri dã đáo nông!

Dịch là

Quê hương động khói lửa chiến phong, sầu cũ hận mới chất nặng lòng!
Ruột dù đã đứt tình nan đoạn, sống chẳng tương tòng chết nguyện tòng.
Trường sứ Đức Ngôn tàng gương vỡ, dưỡng thành Tử Kiến phú du long.
Lục châu bích ngọc bầu tâm sự, ai biết hôm nay được trải lòng!

[Chú thích: Tử Kiến là tên tự của Tào Thực. Tử Kiến sáng tác bài thơ “Lạc thần phú”, trong đó có câu ‘phiên nhược kinh hồng, uyển nhược du long’ (bay bổng như chim hồng, uyển chuyển như rồng bay)]

Kim Định nhận được bài thơ, biết rằng Thúy Thúy sẽ báo đáp mình bằng cái chết, nghĩ đến kiếp này hai người không còn hy vọng đoàn tụ, chàng u uất phiền muộn, không lâu sau mắc trọng bệnh. Thúy Thúy sau khi biết chuyện, thỉnh cầu Lý tướng quân, mới được tới trước giường nhìn từ xa. Lúc này, bệnh của Kim Định đã vô cùng nghiêm trọng. Thúy Thúy dùng tay đỡ Kim Định ngồi dậy. Với đôi mắt ngấn lệ, chàng ngước nhìn lên, thở dài và chết trong sự tiếc nuối.

Tướng quân thương xót chàng, chôn cất chàng dưới chân núi đạo trường. Thúy Thúy lo xong tang sự, đêm đó liền đổ bệnh, nàng không dùng thuốc trị bệnh, mà nằm trên giường trằn trọc, liên tục như thế trong suốt hai tháng. Đến một ngày, nàng nói với Lý tướng quân: “Thiếp bỏ gia đình đi theo tướng quân đã 8 năm, lưu ly nơi đất khách, không có người thân, chỉ có một mình anh trai thiếp. Hiện tại anh ấy đã chết, bệnh của thiếp nhất định không thể khỏi, hy vọng có thể táng thiếp bên mộ anh trai, để dưới Hoàng Tuyền, vẫn có người nương tựa, không phải trở thành cô hồn dã quỷ phiêu bạt nơi đất khách quê người.” Nàng nói xong liền tắt thở.

Lý tướng quân không làm trái lời nàng, cuối cùng đã chôn cất nàng phía bên trái mộ của Kim Định, để hai người mãi mãi yên nghỉ bên nhau.

Nguồn: “Tiễn đăng tân thoại”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version