Đại Kỷ Nguyên

Một cuộc hôn nhân miễn cưỡng không thể đi hết cả đời! Giữa vợ chồng cần tránh 4 biểu hiện này

Mai và Vũ yêu nhau từ thời đại học. Hai người trải qua bao thăng trầm mưa gió, đã cùng nhau đi qua 22 năm…

Đang lúc Mai nghĩ rằng vợ chồng họ sẽ cùng nắm tay nhau đi hết cuộc đời, thì… bất ngờ Vũ đề cập với cô chuyện ly hôn.

Nhưng lý do đưa ra để ly hôn là cực kỳ vô lý. Vũ nói: “Anh từ lâu đã không còn yêu em nữa. Phần thời gian còn lại, anh muốn quay trở về tuổi thanh xuân, sống thêm một lần nữa”.

Khi này, dù cho Mai có níu kéo Vũ như thế nào, thuyết phục anh ra sao, Vũ vẫn một mực đòi ly hôn, mặc cho Mai không đồng ý.

Hôn nhân không phải là hồi kịch một vai, mà là vở diễn của cả hai người. Nếu một người rời khỏi sân diễn trước, người còn lại chỉ một mình, thì không thể tiếp tục, phải nói lời chào cảm ơn khán giả rồi.

Vậy điều gì khiến một cuộc hôn nhân không đi hết cả đời? Thông thường, có 4 nguyên nhân dưới đây mà người trong cuộc dễ dàng vấp phải.

Không xem hôn nhân là chuyện cả đời

Có người nói, hôn nhân tựa như mua giày, hai chiếc giày phải vừa vặn đôi chân. Nếu như giày không vừa chân, họ không thể dễ dàng đi hết cả một chặng đường dài.

Mai và Vũ đã quen biết nhau nhiều năm như vậy, cũng coi như là hiểu biết nhau rất rõ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân, những cuộc cãi vã và mâu thuẫn vẫn thường xuất hiện, dẫn đến tình yêu bị xói mòn đi một cách nhanh chóng.

Ngay từ 10 năm trước, Vũ đã đề cập chuyện ly hôn với Mai. Nhưng khi đó họ không nỡ nhìn thấy mấy đứa trẻ phải chịu cảnh ba mẹ chia ly, chúng còn quá nhỏ.

Sau nhiều năm chịu đựng như vậy, Mai mới nhận ra rằng: Hôn nhân là chuyện của cả hai người, nếu không thì không cách nào trọn vẹn. Nếu chỉ một người chấp nhận, nhượng bộ sẽ chỉ được thay thế bằng một thói hư xấu khác của người kia.

Cuối cùng những dồn nén này đã biến thành oán hận. Thời gian kéo dài như vậy, để hòa hợp cùng nhau là điều thật khó.

Vậy nên, nếu chỉ coi hôn nhân không phải là chuyện cả đời, một trong hai người chấp nhận buông tay, không còn mong muốn vun vén cho tổ ấm gia đình, thì chia ly là điều dễ thấy.

Người xưa có câu: “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Tình nghĩa vợ chồng đi qua nhiều kiếp mới đến được với nhau. Thế nên, chuyện hôn nhân là chuyện cả một đời, cần cả vợ và chồng vun vén và xây đắp, chớ nên dễ dàng buông tay!

Có lẽ quan hệ vợ chồng là loại sâu sắc nhất trong tất cả các loại duyên phận, trân quý cơ duyên này cũng chính là trân quý bản thân mình vậy. (Ảnh minh họa: 60xw.com)

Phản bội, không tha thứ cho bạn đời

Hôn nhân là một thỏa thuận được thiết lập bởi hai người, chỉ là thỏa thuận này lấy tình yêu làm cơ sở.

Mai và Vũ đã yêu nhau nhiều năm. Sau khi kết hôn, đã hơn 20 năm cùng nhau trải qua bao mưa gió. Nhưng lại không tránh được hai từ “phản bội” này.

Trong khoảnh khắc biết chồng mình lạc lối, Mai chỉ biết gục đầu trên ghế sofa. Cô không nói được gì, nước mắt không ngừng rơi.

Thế nhưng, vì những đứa trẻ, cô vẫn chọn cách tha thứ.

Tuy nhiên, kể từ đó, cô thấy mình không còn cách nào để tin anh nữa, không có cách nào để yêu anh nữa.

Tất cả, mọi thứ đã không còn được như ban đầu. Thế nên, nói là tha thứ nhưng cô dường như không cách nào làm nổi, nỗi oán hận ngày một dồn nén…

Không thể coi mẹ chồng là mẹ ruột, tìm cách giữ khoảng cách

Trong hôn nhân, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là rất quan trọng. Do vậy, để cuộc hôn nhân được trọn vẹn, chúng ta phải cân bằng tốt mối quan hệ này.

Sau khi kết hôn, Mai đã cố gắng hết sức để chăm sóc mẹ chồng. Và để để chăm sóc gia đình tốt hơn, cô từ bỏ công việc lương cao và tập trung ở nhà.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu vẫn không được cải thiện. Dù Mai có cố gắng đến đâu, mẹ chồng cô vẫn không cảm thấy hài lòng.

Theo thời gian, sự bất bình của Mai tựa như những quả bóng tuyết, càng lăn càng lớn. Mai nghĩ: “Lúc đầu, mình coi mẹ chồng như mẹ đẻ, nhưng không ngờ rằng, mẹ chồng sẽ không bao giờ là mẹ ruột”..

Điều này về sau khiến chồng cô rất không hài lòng: “Đó là mẹ tôi, cô không thể thông cảm sao?”

Bởi vậy, một mối quan hệ không tốt giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng chính là một tác động không có lợi cho hôn nhân.

Trong hôn nhân, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là rất quan trọng. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Phụ nữ không yêu quý chính bản thân mình

Yêu bản thân, mới có thể yêu thương người khác. Nếu một người phụ nữ không chăm sóc yêu quý bản thân mình, thì sẽ không thể tiến xa hơn là yêu cầu người khác yêu quý mình.

Sau hơn 20 năm kết hôn, Mai đã cố gắng hết sức để chăm sóc gia đình. Cô cũng là hậu phương kiên cường nhất của chồng.

Cô sẵn sàng không mua sắm quần áo mới cho mình, để dành mọi thứ cho chồng và con.

Theo thời gian, Mai phát hiện ra rằng chồng cô không còn quan tâm đến mình nữa. Ngay cả khi anh về nhà sau giờ làm việc, vẫn ngồi trên ghế sofa và lướt điện thoại di động.

Tiếc ăn, tiếc mặc, không nỡ tiêu tiền, cuối cùng Mai trở thành người phụ nữ thô kệch trong mắt người chồng.

Thậm chí, mỗi khi có một số bệnh nhẹ, cũng miễn cưỡng đi khám, kết quả mắc bệnh nặng.

Vào ngày Mai phải phẫu thuật, cô chợt nhận ra: “Chỉ có sức khỏe là thuộc về chính mình. Phụ nữ nếu không biết yêu quý mình, sẽ không ai yêu bạn”.

Thế nên, là phụ nữ cần nhớ kỹ điều này: Cho dù bạn yêu một người như thế nào, hãy học cách yêu quý chính bản thân mình.

Bởi ngay cả đàn ông, họ cũng không trân trọng những người phụ nữ thậm chí không yêu chính bản thân mình.

***

Đàn ông và phụ nữ trong hôn nhân, như cá và nước. Nước bởi vì có cá bơi trong đó mà không bị tù đọng, còn cá phụ thuộc vào nước để không ngừng thở.

Chỉ có vợ chồng hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, thì cuộc hôn nhân mới trở nên tốt đẹp.

Hôn nhân là một trường tu hành, là một điệu nhảy được phối hợp bởi hai người.

Chỉ có thể hiểu nhau, tôn trọng và bao dung lẫn nhau, con thuyền của hôn nhân mới có thể ổn định và lâu dài.

Vân Hà
Theo Cmoney

Exit mobile version