Tình cảm gia đình suy tàn chắc chắn có nguyên nhân, tình cảm gia đình phát triển cũng là có lý do. Một gia đình thịnh vượng chắc hẳn phải có những đặc điểm của riêng mình.
“Nhà” chứa đựng tất cả những tình cảm thiêng liêng nhất trên đời. Sau thế giới xô bồ, tất bật, những vướng mắc ồn ào thị phi, đó là nơi ấm áp cho chúng ta trở về. “Nhà” chính là nơi sau khi trải qua những khó khăn trong cuộc sống, trái tim ta có một bến cảng nhỏ để dừng lại và dựa vào nghỉ ngơi.
Trong cuốn “Hiếu mục phòng huấn từ” có những lời giáo huấn về gia đình như sau:
Hai chữ đại diện cho gia đình truyền thống là: canh (gắng sức cày cấy) và độc (đọc sách)
Hai chữ đại diện cho gia đình hưng vượng là: kiệm (tiết kiệm) và cần (siêng năng)
Hai chữ đại diện cho gia đình an định là: Nhường và nhẫn.
Hai chữ đại diện cho gia đình hay phòng bị là: Đạo và tặc.
Hai chữ đại diện cho gia đình điêu tàn là: phiêu (ăn chơi) và tiện (rẻ mạt).
Hai chữ đại diện cho gia đình thất bại là: bạo (bạo ngược) và hung (hung ác).
Hai câu cuối đã nêu lên nguyên nhân của gia đình suy tàn. Vậy ngược lai, một gia đình như thế nào mới là hưng thịnh?
Gia đình có gia phong chân chính sẽ tiến được xa
Tính toán trăm bề, chi bằng tích đức hành thiện, đức dày tải vận, đức dày dưỡng gia, điều quan trọng nhất của một gia đình là gia phong tốt. Có câu: “Duy trì đạo đức gia truyền, sẽ được đức 10 đời trở lên, vừa làm ăn chăm chỉ vừa đọc sách thì được kém hơn, chuyên chú kinh thư thì kém hơn chút nữa, để lại phú quý thì cũng chỉ được 3 đời”.
Dù trong thời đại nào đi nữa, gia phong cũng gốc rễ hưng suy của gia đình.
Một gia đình ưu tú, một cặp cha mẹ ưu tú, không phải là được đánh giá dựa trên việc để lại bao nhiêu tiền của, bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu chiếc xe hơi cho con cháu, mà là thông qua lời chỉ dạy và hành động, dạy dỗ truyền lại cho con cháu được bao nhiêu trí tuệ.
Người xưa có câu: “Bé trộm kim, lớn lên trộm vàng”. Từ lời nói hành động và cách cư xử của cha mẹ, nhất cử nhất động đều chuyển thành sự giáo dưỡng và phong khí của một gia đình. Đức dày tải vận, đạo dày dưỡng gia, gia phong chân chính, dù gia cảnh đang nghèo túng thế nào cũng có thể có cơ hội phát tài, nhưng gia phong không chân chính, dù giàu thế nào cũng sẽ suy kiệt, tan tác.
Một gia đình có phong thủy tốt, là một gia đình có gia phong tốt.
Gia đình hòa hợp, vạn sự hưng
Gia đình là chốn nương thân quan trong nhất của con người, là nơi lưu ghi dấu có khi tới 70% cảm xúc của cả cuộc đời chúng ta. Hạnh phúc, phẫn nộ, buồn thương, vui vẻ đều liên quan đến gia đình.
Một gia đình suốt ngày chỉ có tranh chấp, cũng giống như cái hang băng, bước vào cửa sẽ cảm nhận được hơi lạnh toát ra. Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết tội phạm sống trong một gia đình bất hòa từ khi còn nhỏ.
Trong “Lễ ký” có nói: “Cha con chân thành, anh em hòa thuận, vợ chồng hòa hợp, gia đình tốt đẹp”.
Tình cảm giữa cha mẹ và con cái thâm sâu, anh chị em hòa thuận, vợ chồng đồng tâm. Một gia đình như vậy nhất định sẽ có phúc đức viên mãn.
Những người thân trong gia đình chung sống với nhau phải có sự nhân nhượng mới có thể thái bình. Những người sẵn sàng chịu thua, không phải là họ không biết cách tranh cãi, chỉ là họ hiểu được gia đình không phải chiến trường để mà phân thắng bại.
Dạy dỗ nghiêm khắc, con cháu có phúc
Trước đây nghe bạn tôi kể về chuyện ở quê nhà cậu ấy, có một gia đình 3 người, bố mẹ mở một cửa hàng buôn bán nhỏ, con gái đang học đại học. Do sự phát triển của thương mại điện tử, việc kinh doanh của cửa hàng tạp hóa nhỏ rất khó khăn, có lúc hai vợ chồng còn không kiểm đủ tiền để trả tiền thuê nhà, có lúc đi ăn cơm trưa cũng không dám gọi món ăn mặn nào.
Nhưng từ khi con gái đi học đại học, lần đầu tiên được nghỉ về nhà, cô ấy liền đòi bố mẹ mua cho một chiếc điện thoại iPhone, nói điện thoại của mình mất giá, không dám ngẩng mặt lên với bạn bè. Sau đó, bố mẹ cô ấy lấy tiền hàng của cả tháng, mua cho cô một chiếc điện thoại mới.
Nhưng con gái vẫn không cảm thấy đủ, có điện thoại lại muốn có máy tính, có máy tính rồi lại muốn có túi xách hàng hiệu. Dần dần khiến gia đình nợ một khoản lớn, cuối cùng, bố mẹ phải bán nhà mới trả hết nợ.
Những ví dụ như thế này có không ít trong cuộc sống ngày nay. Biết bao nhiêu đứa trẻ bị cha mẹ chiều chuộng quá đà rồi trở thành thứ ký sinh gặm nhấm cốt tủy cha mẹ già. Gia đình như thế thì dù tài sản có nhiều cỡ nào cũng tiêu tan hết.
Trong đời người không có những cực khổ vô ích, cũng không có những con đường đi mà không có đích đến. Bây giờ không để các con tự chịu khổ thì sau này chúng sẽ rất vất vả.
Tình yêu thương con cái đích thực, không phải làm vách ngăn giúp chúng tránh khỏi mưa giông bão tố, mà dạy chúng cách để đương đầu với bão tố mưa giông.
Không ai có thể cả đời như ý muốn, cha mẹ không thể vĩnh viễn chở che cho con cái, để con cái chịu khổ thì chúng mới có sức mạnh để chống lại những khó khăn của cuộc đời.
Làm thế nào để có một gia đình thịnh vượng?
Trong “Hiếu mục phòng huấn từ” có nói: “Bỏ đi trái tim nghi ngờ đố kỵ, bỏ đi việc nghe những lời li gián, bỏ đi những sự tức giận, làm việc mà nghĩ đến lợi ích chung”.
Khoan dung và lượng thứ
Người lớn trong nhà có thể thấu hiểu những cực khổ của con cái, con cái có thể trân quý những gì mà cha mẹ đã bỏ ra. Cha mệt rồi, con vì cha mà pha trà rót nước. Con bệnh rồi, mẹ vì con mà chăm sóc ân cần.
Không có ai là hoàn hảo cả, người nhà cũng vậy, đều có vấn đề này kia, nếu có thể cảm thông cho nhau, hiểu được rằng đối phương cũng không dễ dàng gì mà trải qua những va chạm này, đứng trên lập trường của đối phương thì mâu thuẫn cũng tự nhiên tan biến.
Trò chuyện kịp thời
Trong gia đình, sự trò chuyện là quan trọng nhất. Thấy món ăn quá mặn, nói ra là tốt nhất, lần sau, người nấu sẽ cho ít muối vào. Cảm thấy căn nhà quá bừa bộn, nói ra là tốt nhất, người thân sẽ chú ý dọn dẹp.
Rất nhiều vấn đề chỉ cần nói ra là được, vốn dĩ sự việc chẳng có gì lớn, chỉ sợ không dám nói ra, dẫn đến những mâu thuẫn càng ngày càng lớn. Nhưng nếu nói ra thì hãy chỉ là cung cấp thông tin với tấm lòng vị tha, chứ không phải là cung cấp thêm cả chút gia vị mặn đắng bày tỏ cảm nghĩ bất bình của bản thân.
Nếu những người thân trong gia đình không thể nói chuyện thoải mái và hòa ái với nhau, thì dù có cùng nhau ăn một bức tiệc thịnh soạn, cũng không có mùi vị gì.
Sinh sống trong một gia đình ấm áp, có ái nhân ngọt ngào, có những đứa trẻ đáng yêu, cả gia đình lúc nào cũng hạnh phúc, mỗi ngày đều có thể nhìn thấy nụ cười của những thành viên trong gia đình, nghe được những lời nói ngọt ngào, như vậy là đủ rồi.
Siêng năng và tiết kiệm
Để có một bát cháo, một bát cơm đều là chuyện không dễ dàng, phải vất vả bỏ công sức thì mới có được. Đồ ăn không cần phải quá tốt, có thể ăn no là tốt rồi, quần áo không cần phải mua quá nhiều, đủ mặc là tốt rồi, điện thoại không cần quá đắt, đủ dùng là tốt rồi. Không cần phải so bì với người khác, sống tốt cuộc sống của mình là được rồi.
Cần kiệm không phải là ki bo, không tiêu dùng, mà là không muốn lãng phí, cũng là trân trọng giá trị mà ta và xã hội đã làm ra. Tận dụng mọi thứ một cách tốt nhất, cái gì cần tiêu thì không thể tiết kiệm, nhưng cái gì không cần tiêu thì hãy cố gắng tiết kiệm.
Tích đức hành thiện
“Kinh dịch” có viết: “Những gia đình tích thiện, tất sẽ dư thừa phúc đức. Những gia đình không tích thiện, tất sẽ dư thừa tai ương”. Nhân phẩm là giấy thông hành tốt nhất, con người sống trong đời cần học làm người trước rồi mới học làm việc. Chỉ khi rèn luyện nhân cách tốt rồi thì mới có thể làm việc một cách thành thạo.
Nếu không biết cách làm người, nhân cách tồi tệ, lời nói không chân chính, thì dù có thông minh, có nhiều tiền thì con đường tiền đồ sẽ gặp cản trở, cuộc sống cũng không hanh thông.
Mỗi người sau khi lăn lộn giữa cuộc đời, nếu có thể về bên gia đình, sống trong tình yêu thương của những người thân, đón nhận sự an ủi lặng lẽ không lời, sửa chữa con thuyền tâm hồn đang bị thủng của chính mình, thì sẽ như được nạp thêm năng lượng để bước tiếp. Tại bến cảng nhỏ này, gió yên sóng lặng, không có những sự xốc nổi xa hoa, không có cảnh oanh ca yến hót, chỉ có tình cảm ấm áp, chỉ có sự an lòng. Hãy yêu thương và trân trọng gia đình của mình… Ước mong mỗi người trên thế giới này đều có một gia đình hạnh phúc, đều có một bến cảng ấm áp để dựa vào.
Ngọc Linh
Theo Soundofhope