Đại Kỷ Nguyên

Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha

“Tôn Sư trọng Đạo” là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống phương Đông. Người thầy lấy Đức và tài mà dạy học trò về đạo, cùng với kỹ năng, tri thức và cách đối nhân xử thế, quy phạm về hành vi mà khiến một đời người thành tựu. Vậy nên người xưa mới nói: “Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha”, trong lịch sử đã để lại rất nhiều câu chuyện cảm động.

Dưới đây là 3 câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử, thể hiện văn hóa “tôn Sư trọng Đạo” của cổ nhân.

Chu Văn Vương dặn con: “Phải đối với thầy như đối với phụ vương”

Những năm cuối triều Thương, Chu Văn Vương, thủ lĩnh bộ tộc Chu, là một mối uy hiếp lớn với nhà Thương. Trái ngược vưới vua Trụ, ông dùng đức cảm hóa dân, thực hiện các chính sách cai trị nhân từ, đồng thời vì luôn khiêm tốn khoản đãi mà người tài tới giúp ông rất nhiều.

Ông luôn đau đáu tìm kiếm những người có đạo đức cao thượng. Trong một lần nghe đến Khương Tử Nha, biết được đó là một người có phẩm hạnh cao quý, học thức uyên bác, sẽ là một đại hiền thần, vì vậy liền chọn ngày xem giờ, tắm rửa sạch sẽ, trai giới, cực kỳ thành khẩn tự mình đến mời Khương Tử Nha.

Trong lúc trò chuyện, Văn Vương thấy Khương Tử Nha là người lòng dạ bao la, tâm mang được cả thiên hạ, có tài cầm quân, lòng mang chí “tế thế an dân”, liền vô cùng cao hứng nói: “Tổ phụ ta lúc còn sinh thời từng nói với ta rằng sau này nhất định sẽ xuất hiện một vị thánh nhân, người đó sẽ giúp ta phò Chu hưng thịnh”.

Văn Vương tiếp lời: “Ngài chắc chắn là vị thánh nhân mà tổ phụ ta nói đến”. Nói dứt lời liền cúi đầu thỉnh Khương Tử Nha cùng mình trở về. Văn Vương mời Khương Tử Nha làm Tể tướng, lại bái ông làm thầy, một lòng hướng thầy xin chỉ dạy phương lược trị quốc, an dân. Cũng từ đây mà Chu quốc ngày cường thịnh, giàu có, phát triển.

Trước khi Văn Vương băng hà, liền đem con trai là Vũ Vương phó thác cho Khương Tử Nha, sau dặn dò con trai: “Phải đối với thầy như đối với phụ vương, hãy quỳ lạy bái người làm thầy, ngày ngày nghe thầy chỉ dạy”.

Vũ Vương nghe mệnh, tôn Khương Tử Nha làm Tướng phụ, ngày đêm cần mẫn học tập. Khương Tử Nha cũng không phụ lòng người, dốc lòng vì nước, phò tác Vũ Vương phạt Trụ, nhất thống thiên hạ.

Chu Văn Vương gặp gỡ Khương Tử Nha bên sông Vị (ảnh: Zhuanlan).

Tử Cống bảo vệ thầy

Đây là cổ sự kể về Tử Cống cùng người thầy của mình, Khổng Tử.

Câu chuyện diễn ra ở thời Xuân Thu, kể về Tử Cống, là môn sinh thân thiết của Khổng Tử, vốn là người thông minh hiếu học, có tính giác ngộ kỷ luật cao, đối với thầy luôn lễ độ cung kính. Ông không chỉ là người truyền bá các tư tưởng Nho gia của Khổng Tử mà còn luôn kiên định bảo vệ thầy, coi chí nguyện của thầy như của mình. Tử Cống dốc lòng hoằng dương đạo đức, nhân nghĩa, thời thời khắc khắc đều luôn cố gắng bảo vệ, gìn giữ tôn nghiêm và danh dự của thầy.

Có một lần, Trần Tử Cầm hỏi Tử Cống: “Học vấn của Khổng Tử là do đâu mà có được? Ông ta đi chu du khắp thiên hạ, hiểu rõ chính sự các nước, đó là do thỉnh cầu người khác nói cho, hay là người ta chủ động kể ra?”.

Tử Cống nghiêm túc trả lời: “Chính sách trị quốc nhân từ của [Chu] Văn Vương, [Chu] Vũ Vương nổi tiếng, lưu truyền thế gian. Người có phẩm đức có thể hiểu được hàm ý trong đó, thiếu đức hạnh thì chỉ nhìn được lớp da lông bên ngoài. Đạo đức, chính nghĩa không nơi nào không có mặt, Phu tử từ đâu mà chả có thể luôn học tập. Ngay cả phương thức hỏi thăm so với người thường cũng khác nhau, Phu tử dựa vào thái độ ôn hòa, thiện lương, kính cẩn, khiêm nhường mà đạt được”.

Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống về phẩm đức, tài năng của Khổng Tử. Tử Cống trả lời ngay: “Phu tử vốn là Thánh nhân, há lại chẳng hiền đức ư?”.

Đại phu nước Lỗ, Thúc Tôn Vũ có lần nói lời phỉ báng Khổng Tử, Tử Cống lời lẽ đanh thép nói: “Làm như vậy thật là vô dụng, Phu tử vốn không phải người có thể nói lời phỉ báng được. Người hiền đức vẫn còn có người hiền đức hơn, nhưng Khổng Phu tử tựa như vầng nhật nguyệt, không cách nào vượt qua. Mặc dù có người muốn từ chối nhật nguyệt, đối với nhật nguyệt thì có gì tổn hại đây? Chẳng qua sẽ chỉ khiến người khác cảm thấy hắn không biết tự lượng sức mình mà thôi”.

Tử Cống có lòng như vậy với Khổng Tử là bởi ông đã lý giải được sâu sắc đạo học của Khổng Tử, nên hiểu rằng theo đuổi chân lý và gìn giữ đạo đức là chuyện mà ai cũng nên làm.

Nhạc Phi không quên ân sư

Đây là câu chuyện kể về đại anh hùng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa, đối với ân nghĩa của thầy, cả đời không dám quên. Nhạc Phi thuở nhỏ mất cha, gia cảnh bần hàn, không thể đi học, nhưng vốn là đứa bé ham học, thông minh lại chăm chỉ, Nhạc Phi luôn đứng ngoài cửa sổ nghe thầy giảng bài. Không có tiền mua sách bút liền lấy cành cây làm bút, lấy đất làm sách viết.

Nhạc Phi học võ với thầy Chu Đồng (Tranh vẽ trên tường trong đền thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu).

Lão sư Chu Đồng vô cùng yêu thích đứa trẻ ngoan ngoãn lại chịu khó này, vì vậy đã thu dạy miễn phí. Ông dạy cậu ta cách làm người, trợ giúp bảo quốc an dân, thực hiện hoài bão kiến công lập nghiệp, mỗi ngày vô cùng nghiêm khắc dạy văn và rèn võ, còn dạy Nhạc Phi tuyệt kỹ bắn cung. Sau này Nhạc Phi nổi tiếng còn bởi tài thiện xạ bách phát bách trúng của mình.

Nhạc Phi cũng không phụ sự chỉ dạy của thầy, chăm học khổ luyện, trở thành một người văn võ song toàn. Sau đó, ông dẫn binh thu phục lại những vùng đất của Đại Tống bị chiếm mất, liên tiếp lập được đại công, trở thành một vị anh hùng lỗi lạc khiến quân Kim chỉ nghe tiếng đã kinh hồn khiếp đảm.

Sau khi Chu Đồng qua đời, Nhạc Phi mặc áo gai, kéo xe tang, thực hiện hiếu lễ của người con, đối Chu Đồng như một người cha. Sau này vào ngày mồng một và ngày rằm, dù là đang ở bên ngoài hành quân hay đang ở quân doanh, đều không quên tế bái lão sư, mỗi lần đều ngậm ngùi khóc lóc, sau đó nhất định cầm lên “Thần cung” nặng 300 cân (150kg) thầy tặng cho mà bắn ba mũi lên trời.

Nhạc Phi từng nói: “Thầy dạy ta đạo nghĩa đối nhân xử thế, đạo lý tinh trung báo quốc, còn đem tuyệt kỹ bắn cung cùng võ nghệ cả đời đều truyền lại cho ta. Ơn thầy lớn như trời, như biển, cả đời cũng không được phép quên”.

Cổ nhân có câu “Tam giáo Thánh nhân, ai không có sư; thiên cổ đế vương, ai không có sư”, ý nói kể cả những bậc Thánh nhân trong tam giáo (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo) hay đế vương tài đức cũng đều phải có thầy. Người bất kính với thầy là người vong ân bội nghĩa, sao có thể thành đạo? Từ xưa tới nay, các vị Thánh hiền đều lấy mình là gương, rất mực khiêm tốn, tôn sư trọng đạo khiến hậu thế noi gương làm theo.

Trâm Anh
Theo Secretchina

Exit mobile version