Tục ngữ nói: “Nhất nhật phu thê bách nhật ân, bách nhật phu thê tự hải thâm” (Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa; trăm ngày vợ chồng tựa biển sâu), ý là một ngày gây dựng mối quan hệ vợ chồng, tình cảm sâu dày mãi không phai. Câu tục ngữ này bắt nguồn điển tích nào?
Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa
Liên quan đến nguồn gốc của câu tục ngữ trên có hai cách nói. Cách nói thứ nhất là bắt nguồn từ màn kịch thứ ba trong kịch bản “Cứu Phong Trần”, tạp kịch của Quan Hán Khanh thời nhà Nguyên, trong đó có câu: “Dù không nói đến ‘nhất nhật phu thê bách dạ ân’. Ông hãy bớt giận lại đi”. Câu chuyện kể về tên vô lại Chu Xá, sau khi lừa gạt nữ tử phong trần Tống Dẫn Chương, hắn đã tiến hành ngược đãi nàng. Chị em kết nghĩa của Tống Dẫn Chương là Triệu Phán Nhi thấy thế đã dũng cảm đứng ra, lập kế cứu thoát nàng…
Cách nói thứ hai đến từ truyền thuyết dân gian kể về Đổng Vĩnh và thất tiên nữ. Tương truyền, nàng tiên thứ bảy của Ngọc Hoàng Đại Đế quyến luyến phàm trần, nảy sinh tình cảm với hiếu tử Đổng Vĩnh, bèn nhờ cây hòe lâu năm làm mai, gả nàng cho Đổng Vĩnh. Đổng Vĩnh nói: “Cái cây sao lại có thể mở miệng nói chuyện được?”. Thất tiên nữ nói: “Đại thụ không nói chuyện, thế thì hai chúng ta chia tay. Còn như đại thụ nói chuyện, điều đó chứng tỏ hôn nhân này là trời tác thành”. Tiếp đó, hai người họ sánh đôi bái lạy, cây hòe lâu năm bởi cảm động mà mở miệng nói chuyện. Không ngờ, cái cây trong lúc xúc động đã nói sai một chữ, nói “trăm năm hòa hợp” thành “trăm ngày hòa hợp”, khiến cho Đổng Vĩnh và thất tiên nữ chỉ có vỏn vẹn trăm ngày duyên phận. Câu tục ngữ “một ngày vợ chồng, trăm ngày nghĩa ân” chính là bắt nguồn từ đây.
Vợ chồng xưa xem trọng ân nghĩa hơn hết thảy
“Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa”. Thời gian từ một ngày đến trăm ngày, nhưng trong đó, “một ngày” là thể hiện cho thời gian ngắn ngủi, “trăm ngày” cũng không phải là ý trăm ngày, mà là biểu thị dài lâu. Bởi vậy thời gian không phải là trọng điểm, dù là vợ chồng ngắn ngủi tạm thời, nhưng ân nghĩa trong đó lại sâu như biển cả. Điều mà người xưa nhấn mạnh chính là “ân nghĩa”.
Thời xưa, cổ nhân giảng mối quan hệ giữa vợ và chồng là tương kính như tân, ân ái yêu thương. Vậy nên vợ chồng thì “ân” đứng trước, yêu thương ở sau. Bởi người xưa biết rằng, mệnh trời không tránh khỏi. Có thể trở thành vợ chồng, ấy là duyên phận trời định, là ban ân của thiên thượng, cũng là ơn huệ của cha mẹ. Hơn nữa có rất nhiều người là đời trước đã nhận ân tình của nhau, nên đời này nguyện làm vợ chồng để báo đáp. Giữa vợ chồng phần nhiều tồn tại ý cảm kích, nếu ân nghĩa là nền tảng, thì yêu thương cũng đã bao hàm cả lý tính, cho nên vợ chồng mới có thể vui vẻ chung sống đến bạc đầu.
Yến Anh một mực thủy chung với vợ già
Yến Anh, còn gọi là Yến Tử, là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Xuân Thu. Vào thời Tề Cảnh Công nắm quyền, Yến Tử rất được Cảnh Công xem trọng.
Một ngày nọ, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Tử làm khách, đang uống đến lúc hăng say, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Tử, bèn hỏi rằng: “Người vừa rồi là vợ của khanh chăng?”.
Yến Tử đáp: “Vâng”.
Cảnh Công cười nói: “Than ôi, sao lại già cả xấu xí thế này! Quả nhân có đứa con gái, trẻ trung xinh đẹp, chi bằng gả nó cho khanh vậy”.
Yến Tử nghe xong, cung kính đứng dậy, rời khỏi bàn tiệc, thi lễ với Cảnh Công rồi nói:
“Muôn tâu Hoàng thượng, vợ thần bây giờ tuy già cả xấu xí, nhưng hạ thần đã chung sống với nàng rất lâu. Tất nhiên từ lúc nàng còn là thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, thần cũng đã từng chứng kiến. Hơn nữa làm vợ người ta, đã đem tuổi thanh xuân gửi gắm cả đời cho đến lúc già, dung mạo xinh đẹp đã gửi gắm cho đến lúc hoa tàn trăng lặn.
Vợ thần khi còn trẻ trung xinh đẹp, đã đem cả đời mình phó thác cho thần, thần cũng đã chấp nhận, đã cùng thần chung sống nhiều năm như vậy. Hoàng thượng bây giờ tuy ban đặc ân, nhưng Yến Anh nào có thể phản bội phó thác của nàng cho được?”.
Thế là, Yến Tử bái lạy tạ ơn, khéo léo từ chối Cảnh Công. Cảnh Công thấy Yến Tử coi trọng đạo nghĩa vợ chồng như vậy, liền không đề cập đến chuyện này nữa.
Lại có một lần, Điền Vô Phương khuyên Yến Tử từ bỏ người vợ già của mình, Yến Tử nói: “Yến Anh nghe nói, ruồng bỏ vợ già gọi là loạn, cưới nạp thiếp trẻ gọi là dâm. Thấy sắc quên nghĩa, có phú quý liền làm trái luân thường gọi là nghịch đạo. Yến Anh sao có thể có hành vi dâm loạn, bất chấp luân lý, làm trái với đạo cổ nhân như vậy được?”.
Vợ chồng với nhau, vốn không phải lúc nào cũng êm đềm hạnh phúc. Tuy nhiên, “sông có khúc, người có lúc”, dù có xảy ra bất cứ chuyện gì cũng phải nên nhẫn nhịn, cư xử với nhau một cách đúng mực.
Vợ chồng phải sống với nhau cả đời, vợ có trách nhiệm của vợ, chồng có cá tính của chồng, nên phải bao dung thì mới có tương dung. Dù vui buồn, sướng khổ, lúc nguy nan, khi túng thiếu thì cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, mới là phải đạo, mới có được một gia đình hòa thuận.
Theo Soundofhope
Thuận An biên dịch