Đại Kỷ Nguyên

Một ngày vợ chồng trăm ngày nghĩa, trăm ngày vợ chồng ân tựa biển sâu

Thường nghe câu: Vợ chồng đến với nhau là vì ‘duyên’, con cái sinh ra là phước nhưng cũng lại là ‘nợ’.

Cho nên, có những đứa con vừa sinh ra đã giúp cha mẹ được nở mặt nở mày, nhưng lại có những đứa trẻ khiến mẹ cha phải tiêu tốn bạc tiền, thậm chí vì chạy chữa cho con mà khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà. Đây chính khi con trẻ đến là để đòi nợ.

Nhưng trong bài viết của tác giả Vương Thiện Nhân dưới đây, chúng tôi không nói về nợ mạng hay nợ tiền, mà là “nợ tình”.

Nhân quả giữa vợ và chồng

Người ta vẫn thường hỏi: Đàn ông và phụ nữ đến thế gian này là để làm gì? Thực ra chính là để kết thúc nhân duyên mà đến. Tất cả đều bởi một chữ “Duyên”. Con người ta, nếu không có duyên sẽ không thể ở cùng, không có nợ cũng chẳng đến sánh đôi.

Với phụ nữ, phần nhiều đều oán hận chồng, người không oán hận chồng thật sự rất ít. Người đàn ông có lẽ sẽ nói: “Vợ tôi còn căm hận tôi ư? Thế mà tôi không biết cơ đấy”. Tôi xin nói với chư vị rằng, yêu càng sâu đậm bao nhiêu thì oán hận sẽ càng sâu sắc bấy nhiêu.

Vì sao phụ nữ lại oán giận nhiều đến vậy?

Bởi ngay từ thời khắc gả cho chồng mình, người phụ nữ đã trao gửi toàn bộ thân tâm cho người đàn ông ấy. Sau khi thành gia lập thất rồi, người phụ nữ luôn trân quý gia đình, hết lòng yêu chồng thương con, vì gia đình mà cố gắng làm việc. Nhưng mà, chồng cô lại không biết nói năng. Có những người đàn ông cả một đời không nói được một câu ra hồn, trước nay chưa từng nói với vợ: “Vợ yêu, thật vất vả cho em quá!”.

Thậm chí có những người phụ nữ làm việc vất vả cả ngày trời, chỉ muốn làm bộ “than vãn” với chồng một chút để nhận được mấy câu an ủi mủi lòng. Cô liền làm nũng với chồng rằng: “Ái dà, ông xã ơi, hôm nay em làm không ít việc, giờ thấy mình mẩy tê nhức quá”.

Kết quả anh ta nói thế nào? Anh chồng lớn giọng quát ngay: “Cô nói như đùa vậy? Có ai không phải làm việc chứ? Lẽ nào chỉ có mình cô mệt, người khác không mệt chắc?”. Một câu nói khiến cho người phụ nữ tổn thương, nước mắt giàn giụa, cảm thấy tủi thân cực độ. Về đến phòng cứ nước mắt lăn dài trên má, trong lòng thầm trách: “Thật là tức quá mà, sao mình lại lấy phải một khúc gỗ như vậy cơ chứ? Ngay đến cả một lời tử tế cũng không biết nói! Mình chỉ muốn có được mấy lời an ủi, không nhận được thì thôi, đằng này lại bị chọc tức như vậy”.

Gả cho một người đàn ông không biết nói năng, hoặc một người đàn ông quá gia trưởng, hoặc một người chỉ biết ăn chơi trác táng, nếu thế người phụ nữ tránh sao khỏi ấm ức trong lòng? Này các chị em, hôm nay nghe câu chuyện này xong, có lẽ bạn cũng hiểu được rằng đây là đạo lý gì.

Trong gia đình phụ nữ thường là người chịu ấm ức. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Bởi vì, các chị em phụ nữ, là đời trước bạn đã thiếu nợ anh ta, nên đời này mới được gả cho anh ta, nếu không sao bạn không gả cho người nào khác, mà lại gả cho anh ta? Bởi đời trước bạn đã thiếu nợ nên đời này mới làm vợ anh ta, nên mới nói, không nợ nần thì cũng chẳng đến với nhau, không duyên phận sao ở chung mái nhà được?

Có người than vãn: “Thầy ơi, thầy đừng nói thế, nếu bảo là con thiếu nợ chồng con, chồng con vốn dĩ đã đối xử không tốt với con, nếu anh ta biết được đời trước con thiếu nợ anh ta, thể nào về nhà cũng sẽ đánh mắng con cho mà xem”.

Lại có người nói: “Con không thiếu nợ anh ấy, vì anh ấy đối xử với con rất tốt mà”. Đơn giản là bởi người đàn ông cũng sẽ thiếu nợ người phụ nữ, không nợ nần, sẽ không tổ thành một gia đình được.

Cũng có người đàn ông hứa hẹn với cô gái của mình rằng: “Em hãy gả cho anh nhé, mọi việc trong nhà sau này, nào là giặt giũ, nấu cơm, quét nhà, anh đều làm hết, em không cần phải làm gì cả. Chỉ cần em có thể gả cho anh, mọi chuyện anh đều bằng lòng hết”.

Có những phụ nữ sau khi kết hôn rồi lại đi theo người khác. Sau này, người chồng vẫn muốn cô ta quay về. Đây không phải là thiếu nợ người ta hay sao, chỉ là phần lớn phụ nữ đều là thiếu nợ đàn ông. Vậy thì, cần phải trả thế nào đây?

Một người vợ mắng chồng mình rằng: “Sao tôi lại gả cho cái thứ đồ vô dụng như anh chứ? Chuyện gì cũng không biết, chuyện gì cũng làm không xong!”. Nhìn sang bên hàng xóm liền chê trách chồng mình, nhìn thấy bạn học cũng chê trách chồng mình, nói chồng mình thật sự quá vô dụng, đều là bản thân mình vất vả cả trong lẫn ngoài.

Các chị em đọc đến đây rồi, hẳn sẽ không còn chê trách chồng mình nữa chứ? Nếu bạn thật sự gả cho một kẻ bất tài vô dụng, đó là đời trước anh ta đã hy sinh cho bạn quá nhiều, nên đời này bạn cần bù đắp. Đây không phải là xui xẻo, mà là cái nhân bạn đã gieo từ đời trước, đời này kết thành quả. Hết thảy nghiệp lực một tay bạn gây nên từ đời trước, thì đời này bạn đều phải gánh chịu. Có người an ủi: “Chấp nhận đi thôi! Chấp nhận đi thôi!”. Nhẫn chịu, chính là có thể kết thúc cái nghiệp này, sau khi bạn về nhà rồi hãy tâm bình khí hòa mà nhẫn chịu vậy. Bắt đầu từ hôm nay, đừng nên oán hận anh ta nữa, bởi đời trước bạn đã nợ anh ta quá nhiều, vậy nên đời này phải gánh chịu vậy.

Có người mắng chửi nửa kia của mình hơn cả nửa đời, thậm chí đến cả tổ tông người ta cũng chửi, giờ đây còn bị nhức đầu không biết là vì duyên cớ gì. Cả ngày uống thuốc, bản thân cũng sắp trở thành cái ấm thuốc mất rồi. Tôi nhìn thử thì thấy vong linh của tổ tông đang ở trên đầu nàng ta, thử hỏi nàng ta có khỏi được không? Dù có uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi được.

Thực ra vợ chồng đến được với nhau đều là do nhân duyên nợ nghiệp tác thành, tất nhiên sẽ không theo ý muốn của mình. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Sau khi nghe xong nhân quả rồi, bạn có còn muốn mắng chửi người ta nữa hay không? Gả cho người chồng thế nào, đó đều là mệnh số của bạn. Người bạn gặp được hôm nay, đều là định sẵn trong số mệnh của bạn rồi, đều là cái nhân đã gieo trồng từ đời trước, hôm nay mới kết ra quả như vậy. Hãy cố trả cho hết khoản nợ này, bởi không nợ nần thì chẳng thể đến với nhau, không duyên phận thì chẳng thể ở một nhà.

Đàn ông cũng vậy, bạn cũng là từ trên kia xuống đây, đừng nên vì bản thân là nam giới, mà chỉ tay năm ngón với phụ nữ. Các chị em cũng như vậy, cũng cần xét lại mình, phải rõ ràng bản thân mình là ai. Đời trước đã mắc nợ người ta, nên đời này mới gả cho anh ta. Nếu chồng đối xử với bạn quá tốt, bạn cho rằng bạn không mắc nợ anh ta, thế thì rất có thể bạn thiếu nợ mẹ anh ta. Mẹ chồng nàng dâu đời này thấy mặt liền bất hòa, đây đều là chủ nợ oan gia đời trước nay gặp lại nhau. Có mẹ chồng không hiểu, nói: “Tôi đã bỏ ra nhiều tiền như vậy, mới cưới cô ta về đây, kết quả cô ta lại đối xử tệ bạc với tôi, thật khiến tôi tức chết mà! Thật là xúi quẩy quá mà!”. Không phải là xúi quẩy, đó là bạn bỏ tiền để mua oan gia chủ nợ này về nhà. Nếu bạn đời trước không có nhân quả với nàng ta, thì nàng ta cũng không thể gả đến nhà bạn được. Nàng ta chọc tức bạn, ấy là cái nhân bạn đã gieo, đời này mới gặt phải cái quả này.

Có biết bao nhiêu anh chị em ruột trở mặt thành thù? Đều là quan hệ nhân quả. Không có nợ nần thì chẳng đến với nhau, không phải oan gia thì không chạm mặt. Vì sao có những gia tộc suốt mấy thế hệ chung sống hòa thuận, nói năng từ tốn nhẹ nhàng? Bởi họ là thiện duyên, họ cũng là đến để liễu kết nhân duyên này.

Những người đến bên cạnh chúng ta, có người là đến để đòi nợ, có người là đến để trả nợ, có người thì trả ân, có người thì báo oán, đều là duyên nợ với ta cả.

Nhân quả giữa cha mẹ và con cái

Có đứa trẻ từ nhỏ đã ốm đau bệnh tật, hoặc khiến mẹ cha khuynh gia bại sản, hoặc là ngỗ nghịch bất đạo, đánh mắng cha mẹ. Con cái như vậy đều là oan gia chủ nợ đời trước, đời này là đến để đòi nợ bạn.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng là duyên nợ, dẫu là thiện duyên hay ác duyên chúng ta hãy cứ bình thản đón nhận. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Nếu đời trước bạn dối gạt tiền tài của người ta quá nhiều, đời này họ ắt sẽ chuyển sinh đến nhà làm con cái của bạn để đòi nợ. Có những đứa trẻ ngay từ lúc nhỏ phải thường xuyên đến bệnh viện khám bệnh, bao nhiêu tiền của trong nhà đều tiêu sạch vì nó, ấy vậy mà sau khi lớn lên nó lại không biết hiếu thuận cha mẹ. Những đứa con như vậy, bạn chớ nên căm hận chúng, cũng không thể oán trách chúng, mà chỉ có thể dùng tình yêu thương để đối đãi chúng, bởi đời trước bạn đã thiếu nợ chúng quá nhiều. Tuyệt đối đừng mắng chửi chúng thêm nữa, nếu làm như vậy, nợ nghiệp đời trước còn chưa trả xong, giờ lại cộng thêm oán hận của đời này. Nợ cũ nghiệp mới như vậy, chính là nghiệp cũ chưa trả xong, lại cộng thêm nghiệp mới. Một đời này bạn không chịu trả, theo luật nhân quả thì đến đời sau sẽ phải hoàn trả nặng nề hơn gấp bội.

Hãy cố gắng liễu kết duyên nợ của chính mình, oán duyên chưa hóa giải được thì sau khi trở về rồi hãy đi hóa giải. Hãy thiện đãi mỗi từng người bên cạnh mình, bởi họ đều là đến để kết thúc duyên nợ. Đức Phật giảng rằng: Chúng sinh là bình đẳng. Chồng vốn không phải là tài sản sở hữu của riêng bạn, chỉ là đời trước có một mối nhân duyên, đời này theo bạn đến để kết thúc đoạn nhân duyên này. Con cái cũng không phải là tài sản sở hữu riêng của bạn, họ cũng là chúng sinh, chẳng qua là, đời trước chúng thiếu nợ bạn nên giờ đến để báo ân, cũng có thể đời trước bạn thiếu nợ chúng, nên đời này chúng đến để báo oán. Nói chung mọi thứ đều là nhân duyên dẫn động.

Nói tóm lại thì, con người đều là vì nhân duyên mà đến, đều là vì duyên nợ mà đẩy đưa. Từ xưa đến nay, Nhân – Quả là quy luật tuần hoàn của tạo hoá, là lẽ công bằng cho vạn sự vạn vật trên thế gian này.

Theo Soundofhope
Tác giả: Vương Thiện Nhân
Thuận An biên dịch

Exit mobile version