Thời Đức Phật còn tại thế, có một ông lão có năm người con trai, nhưng không ai nguyện ý chăm sóc phụng dưỡng ông lão lúc tuổi già. Không còn cách nào khác, ông đành phải đi khắp đầu đường xó chợ để xin ăn. Ông cảm thấy cuộc đời tràn đầy đau khổ, cũng oán hận những đứa con bất hiếu, đồng thời thấy bất lực đối với vận mệnh bi thảm lúc cuối đời của mình.

Một ngày kia, khi gặp được Đức Phật, ông lão liền hỏi: “Kính thưa Đức Phật từ bi vĩ đại, Ngài có cách nào có thể thay đổi vận mệnh bất hạnh của lão hay không?“. Đức Phật liền hỏi ông: “Ông có biết cảm ân không?“. Ông lão trả lời: “Lão đây không biết thế nào gọi là cảm ân, kính mong Đức Phật từ bi chỉ rõ bến mê“.

Đức Phật chỉ vào cây gậy ông lão đang cầm trên tay, nói: “Trong lòng ông có thấy cảm ân đối với cây gậy mà ông đang cầm trên tay này hay không?“. Ông lão nghe xong câu nói này, nghĩ ngợi rồi nói: “Lão đương nhiên là có thấy! Lão ra ngoài xin ăn, mỗi khi gặp phải chó dữ, nó là cây gậy đuổi đánh chó của lão. Những lúc bước đi trên con đường gồ ghề, lên đèo xuống dốc, nó giống như là cánh tay mang đến an toàn cho lão. Những lúc lão đây mệt mỏi, thì sẽ gối đầu lên nó mà ngủ, nó là chỗ dựa hạnh phúc của lão. Vậy nên, đối với cây gậy này, lão đây thật sự mang ơn rất nhiều, thật không cách nào biểu đạt hết được nỗi cảm kích trong lòng“.

Đức Phật liền vui vẻ khen ngợi rằng: “Thiện tai! Thiện tai! Thế thì từ hôm nay trở đi, mỗi ngày ông hãy cứ mang theo cây gậy này, không ngừng nói câu cảm ân, cứ như vậy cho đến một thời gian nhất định, vận mệnh của ông sẽ tự thay đổi!“.

Ảnh qua: thegioiphatphap.com

Ông lão nghe theo lời dạy của Đức Phật, tin tưởng không chút nghi ngờ, từ đó về sau ông ngày nào cũng đều nói cảm ân. Không chỉ nói cảm ân với cây gậy, mà ông cũng nói tiếng cảm ân với hết thảy những người thiện tâm bố thí cho ông. Cuối cùng cho đến những người xấu ác đã làm tổn thương ông, dối gạt ông, ông cũng đều nói tiếng cảm ân họ trong tâm. Cảm ân khiến cho lòng ông không còn chút tâm oán hận nào nữa, mà chỉ có cảm ân trong tâm. Cứ thế lâu dần, ông dần dần đã đạt đến được cảnh giới tâm trí thanh tịnh , dứt bỏ mọi ý niệm trần tục, gọi là “Tam muội cảm ân”.

Một ngày kia, Đức Phật lại giảng kinh. Ông lão nghĩ thầm: “Mình hôm nay đạt được cảnh giới hạnh phúc an vui như vậy, đây đều là nhờ ơn Đức Phật ban cho, mình phải đi cảm tạ Ngài mới được!” Thế là ông bèn đi nghe Đức Phật giảng kinh thuyết Pháp. Đức Phật trông thấy ông đến, bèn nói với đại chúng rằng: “Hôm nay tôi sẽ thỉnh mời một ông lão tu hành đến thuyết giảng về Tam muội cảm ân của ông ấy cho mọi người“.

Đức Phật bèn mời ông bước lên đài, mời ông giảng rõ câu chuyện cảm ân của ông. Vừa khéo ngày hôm đó, năm người con trai của ông lão cũng đến nghe giảng ở bên dưới. Họ nghe thấy người cha của mình giảng đối với một cây gậy cũng đều nên chân thành cảm ân, huống chi là những thứ khác! Càng huống là đối với cha mẹ đã ban mạng sống cho mình, nếu như đều không biết cảm báo ân đức, người như vậy quả thật là cầm thú cũng không bằng!

Bởi loài quạ đều biết phụng dưỡng cha mẹ, dê con cũng biết quỳ xuống cảm ân khi bú mớm. Thế là, năm người con này lương tâm trỗi dậy, hiếu tâm khởi phát. Nghe giảng kinh xong, họ đều tranh nhau chạy lên trên bục tỏ ý muốn phụng dưỡng cha mình.

Lúc này, Đức Phật nói với ông lão rằng: “Vận mệnh của ông bây giờ đã được thay đổi rồi! Một người nếu biết ôm giữ lòng cảm ân, người đó sẽ có được mọi thứ. Một người nếu không có lòng cảm ân, thì người đó sẽ không có được gì cả“.

Ảnh qua: vuonhoaphatgiao.com

Đức Phật chỉ giảng báo ân, không giảng báo oán. Người khác nếu có ân huệ với mình, mọi lúc đều nên nghĩ: “Nhận ân của người một giọt nước, nên lấy thùng nước mà báo ân”. Còn người khác nếu có oán thù với mình, thì hãy mau chóng quên đi, bản thân không nên đau đáu ghi hận trong tâm. Bởi lợi người cuối cùng cũng là lợi mình, hại người sau cùng cũng là làm hại chính mình.

Hãy cảm kích người đã làm tổn thương bạn bởi người đó đã giúp ma luyện ý chí cho bạn.

Hãy cảm kích người đã dối gạt bạn bởi người đó đã tăng thêm hiểu biết cho bạn.

Hãy cảm kích người đã đánh đập bạn bởi người đó đã giúp bạn tiêu trừ nghiệp chướng.

Hãy cảm kích người đã bỏ rơi bạn bởi người đó đã dạy bạn nên phải tự lập.

Hãy cảm kích người đã làm bạn vấp ngã bởi anh ta giúp tăng thêm trí huệ bình tĩnh cho bạn.

Cuối cùng, hãy cảm ân tất cả những người đã thành tựu niềm tin kiên định cho bạn.

Theo cocomy
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm: