Ngày xửa ngày xưa, có một chàng nông dân tên Vương Nhị Mao, cậu luôn lấy việc giúp người làm vui nên rất nhiệt tình giúp đỡ mọi người, không bao giờ so đo thiệt hơn, là một người tốt hiếm gặp.
Ngày thanh minh, Nhị Mao và người dân trong làng cùng lên núi tảo mộ vào buổi sáng sớm. Bỗng nhiên cậu thấy một bà lão tóc bạc trắng, chân bó bột đang ngồi than thở dưới chân núi, bà hy vọng có một người nào đó có thể cõng bà lên núi. Thanh minh mưa phùn lất phất, đường lên núi không dễ đi, vừa dốc lại vừa lắm bùn đất. Bình thường tự mình đi lên đã khó, huống hồ là cõng theo một người trên lưng. Mọi người đi qua đều từ chối, chỉ có Nhị Mao nguyện ý cõng bà cụ.
Bà tỏ vẻ vui mừng, rồi cụ vịn lên lưng Nhị Mao, Nhị Mao giật mình vì cậu không nghĩ bà cụ lại nặng như vậy. Nhưng cậu không nói một lời nào mà cứ cắn răng chịu nặng, bước từng bước lên núi.
Đi được một giờ đồng hồ, bà cụ vẫn không nói gì đến chuyện muốn xuống, lại thêm một tiếng đồng hồ nữa, Nhị Mao mệt quá nên hỏi: “Bà ơi, bà muốn đến đâu tảo mộ ạ?” Bà cụ cười nói: “Cháu không cần phải hỏi, đến nơi rồi ta sẽ nói với cháu.” Nhị Mao liền không hỏi nữa, cậu há mồm thở rồi tiếp tục cõng cụ bà lên núi.
Lại đi thêm một giờ đồng hồ nữa, cuối cùng hai người cũng đã đến một ngôi mộ trên đỉnh núi, bà cụ nói: “Chính là chỗ này.” Vương Nhị Mao vội vàng thả bà cụ xuống, rồi cậu ngồi đó không nói năng gì. Cụ già thấy lạ bèn hỏi: “Sao cháu không về đi?” Nhị Mao vừa nghĩ vừa nói: “Lên núi cụ còn cần cháu cõng, chả lẽ cụ lại tự xuống núi được?” Bà cụ chưa kịp trả lời thì Nhị Mao lại nói tiếp để bà không phải lo lắng: “Không sao đâu ạ, cụ cứ tảo mộ đi, khi nào xong cháu sẽ cõng cụ xuống núi.”
Cụ bà nghe vậy, thì ha ha cười: “Cháu còn phải về tảo mộ nữa mà, cả lên cả xuống cũng mất mấy giờ đồng hồ, chân cháu có chịu được mỏi không?” Nhị Mao vỗ ngực tự tin: “Dạ không sao ạ, cháu là thanh niên mà.” Bà cụ lại nói: “Nhưng ta chỉ nhờ cháu cõng lên, ta đâu có nhờ cháu cõng xuống.”
Vương Nhị Mao tỏ vẻ không hiểu, lại tưởng bà nói vậy vì khách sáo nên vẫn quyết định chờ bà cụ để đưa bà xuống núi. Cuối cùng, bà đành phải nói với Nhị Mao sự thật rằng bà là mẹ của Thần Núi. Sáng nay cụ bà và thần núi đã đánh cược rằng nếu có ai đó cõng bà lên núi thì bà sẽ thắng, và cũng chứng minh rằng trong thôn vẫn còn người tốt, và bà sẽ cho thôn làng được mưa thuận gió hòa.
Vương Nhị Mao nghe xong thì nổi hết cả gai gà, sau khi lấy lại tinh thần, anh không định đợi thêm nữa. Đang đúng lúc quay người đi thì mẹ Thần Núi gọi cậu lại: “Cháu à, cảm ơn cháu đã cõng ta lên núi, ta muốn tặng cháu một vật này.” Bà nói xong lấy từ trong ống tay áo ra một bọc vải rồi biến thành một làn khói và bay đi mất.
Nhị Mao về đến nhà, mở bọc vải ra thì thấy có một bó măng khô, bên trong tấm vải còn viết: “Thanh minh ăn canh măng, chân đỡ mỏi đỡ đau.” Nhị Mao lấy một chút măng ngâm với nước nóng, một lát sau ngửi thấy mùi thơm bay tứ phía, khi nấu chín ăn rất vừa miệng.
Ngày hôm sau, mọi người lên núi tảo mộ về ai ai cũng tứ chi đau nhức, chỉ có mình Nhị Mao vẫn đi bộ phăng phăng. Vì là người lương thiện tốt bụng lại không tham lam, nên cậu mang măng khô chia cho mọi người. Biết được hiệu quả của măng khô, nhà nhà đều phơi măng, và đến ngày thanh minh hàng năm, nhà nào cũng nấu một nồi canh măng, hy vọng mọi người trong gia đình ai ăn rồi cũng chắc xương, khỏe mạnh.
Thiếu Kỳ
Xem thêm: