Đại Kỷ Nguyên

Mục đích cao cả của nghệ thuật là ca ngợi các vị Thần

Mục đích cao cả của nghệ thuật là ca ngợi các vị Thần

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trong nghệ thuật đương đại, bất kể là thơ ca, hội hoạ hay vũ đạo, hiếm có tác phẩm nào vượt qua được thách thức của thời gian và chứa đựng những giá trị tinh thần với nội hàm uyên thâm sâu sắc.

Vấn đề này đặt ra một câu hỏi: Điều gì đã ngăn cản sức sáng tạo của các nghệ sĩ đương đại? Phải chăng là do sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ?

Khi đi sâu vào nghệ thuật cổ điển, người ta đã tìm ra sự tương đồng của tất cả các loại hình nghệ thuật, đó chính là vinh danh và dâng lời ca ngợi đối với Thiên Chúa và Thượng Đế.

Nghệ thuật đỉnh cao thời hoàng kim

Thời kỳ hưng thịnh nhất của nghệ thuật được cho là thời Phục Hưng khi mà kỹ năng và sức mạnh của nghệ thuật đạt tới đỉnh cao, với trung tâm khi ấy là thành Rome – thành phố của các Giáo hoàng, nhà thờ, cung điện và các bức danh hoạ vĩ đại. Đằng sau tác phẩm nghệ thuật thời kỳ này, người ta dễ dàng nhận ra những câu chuyện Thần thoại Hy Lạp quen thuộc và các câu chuyện trong Kinh Thánh, như Thiên Chúa tạo ra nhân loại, Moses rẽ nước ở Biển Đỏ và Chúa Jesus chịu tội thay cho con người. 

Bức tranh về câu chuyện Prometheus đánh cắp lửa từ cỗ xe của Thần Mặt Trời cho con người (năm 1814) (Tranh vẽ của họa sĩ Giuseppe Collignon, Wikipedia).

Văn học châu Âu thời kỳ này có rất nhiều tác phẩm thơ vĩ đại, như “Bản trường ca Hy Lạp” của Homer, “Thiên đường đã mất” của Milton, “Thần khúc” của Dante, và “Đấng cứu thế Messiah” của Klopstock… Tất cả đã cho khán giả hiểu được tinh thần kính ngưỡng Thiên Chúa của tác giả. Ví như “Thần khúc” của Dante là một tác phẩm nói về vũ trụ quan của đức tin Kitô giáo, người dân châu Âu nói chung và người Ý nói riêng đã đặc biệt bày tỏ niềm tự hào và thành kính. Nhiều người Ý có thể đọc các trích đoạn của “Thần khúc” và họ coi nhà thơ là cha đẻ của ngôn ngữ và văn học Ý. 

Ở phương Đông, những tác phẩm điêu khắc tinh xảo và hoành tráng nhất được tìm thấy trong hang đá Long Môn, nơi có hơn 100.000 bức tượng Phật. Nó mở rộng tới 2.345 hang động và có tới 43 ngôi đền được trang trí với hơn 2.800 chữ khắc. 1000 bức tượng Phật được tạc bằng ngọc toạ trên đỉnh đồi Trường Thọ tại cung điện Mùa Hè và tượng Lạc Sơn Đại Phật nằm trên núi Lạc Sơn là bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới.

Lạc Sơn Đại Phật (Ảnh: Ariel Steiner/Wikimedia)

Trên toàn thế giới, những thành tựu nghệ thuật và kiến trúc tuyệt vời được tìm thấy trong các ngôi chùa treo trên núi Hằng Sơn ở Trung Quốc, những ngôi đền cổ tại Ấn Độ và Thái Lan và các nhà thờ Hồi giáo ở Trung Đông. Tất cả đều được tạo ra để con người có thể nhận thức về các vị Thần. 

Tại sao các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đều ca ngợi đức tin vào Thần?

Tín ngưỡng tâm linh truyền thống mang trong mình những giá trị đạo đức phổ quát của nhân loại. Các đặc tính nghệ thuật của người nghệ sĩ được quyết định bởi giá trị đạo đức của họ. Để thể hiện đầy đủ tinh thần và linh hồn của một tác phẩm, đó có thể là hội họa, điêu khắc, âm nhạc hay vũ điệu, thì người nghệ sĩ phải có một trái tim thuần khiết. Nếu tâm hồn của người nghệ sĩ không thuần khiết, thì tác phẩm của họ chỉ là một màn trình diễn kỹ thuật, chứ không còn là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. 

Bức “Chúa Trời tạo ra Adam” của Michelangelo (Ảnh: Wikipedia).

Trong văn hoá truyền thống, đạo đức quán thâu trong tất cả các ngành nghề. Ngay cả trên học đường, người học trò xưa luôn được yêu cầu điều hoà hơi thở và làm dịu tâm trí trước khi học. Khi tâm thái bình hoà và tĩnh tại, một cá nhân có thể coi nhẹ những ham muốn trần tục, nuôi dưỡng từ tâm và thực hiện các công việc với trí tuệ thuần tịnh nhất. Chỉ khi ấy, họ mới có thể đạt được các tiêu chuẩn cao nhất trong tác phẩm của mình, đặc biệt là những gì liên quan tới nghệ thuật. 

Khi quan sát và chiêm ngưỡng một tác phẩm, khán giả có thể cảm nhận được những giá trị tinh thần trong nội tâm của người nghệ sĩ. Do đó, một tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn giản là thứ đánh dấu một thành tựu, mà là sự đóng góp những giá trị tuyệt vời nhất cho cộng đồng: lan toả lòng từ bi và sự an bình trong nội tâm, có ích cho người khác. Đây là nghệ thuật chân chính được nhân loại tôn vinh và trân trọng. 

Nếu nghệ thuật được được tạo ra để phục vụ cho xã hội, để làm tăng sức mạnh của sự chính trực và trung thực, thì người nghệ sĩ nên trở lại với tín ngưỡng truyền thống và lời dạy của các Thánh nhân. Nó nên được hội tụ từ những giá trị đạo đức trong văn hoá để kết nối nhân loại với Thần linh. Một tác phẩm hoàn hảo cần có sức mạnh để nâng đỡ con người từ trong nội tâm, đưa loài người đến gần với con đường trở về Thiên đường.

Người xưa tin rằng mỗi một nền văn hoá là một món quà quý giá được ban tặng bởi Thiên thượng, mỗi nền văn minh luôn bắt đầu với sự dẫn dắt của các vị Thần. Trong văn hoá của nhân loại, điều cốt lõi nhất vẫn là văn hoá ca ngợi các vị Thần và nghệ thuật là công cụ mạnh mẽ nhất để thể hiện mối liên hệ đó. 

Theo Iona McCombie Smith, The BL
Thiên Cầm biên dịch

Video: Đi đến tận cùng dân tộc ta sẽ gặp được nhân loại

Exit mobile version