Trong kinh văn Phật giáo gốc bằng chữ Pali cổ có nhiều chỗ nhắc đến một người họ Bà-sa. Một lần người này đến hỏi Phật: “Gautama tôn kính, Chủ thể tự ngã (cái tôi) có tồn tại hay không?”
Phật im lặng không trả lời.
“Vậy là, thưa Gautama tôn kính, bản ngã không tồn tại đúng không?”
Phật vẫn im lặng.
Trong thời đại của Phật có nhiều người giống như người họ Bà-sa, khi tranh luận với nhau thường hay bàn đến vấn đề thuộc Hình nhi thượng học (những vấn đề rất uyên áo cao viễn). Trong đó có 10 vấn đề Hình nhi thượng nổi tiếng như sau:
Vấn đề liên quan đến vũ trụ
- Vũ trụ có vĩnh hằng?
- Vũ trụ không vĩnh hằng?
- Vũ trụ có giới hạn?
- Vũ trụ không có giới hạn?
Vấn đề tâm lý học
- Thân và Tâm là thống nhất?
- Thân và Tâm tách biệt nhau?
Vấn đề giới hạn của giác ngộ
- Có sự sống sau khi chết?
- Chết là hết?
- Vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết?
- Tại sao lại vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết?
Phật không hứng thú với những vấn đề Hình nhi thượng học này, vì thế mỗi khi có người nhắc đến thì Phật chỉ im lặng.
Lý do Phật im lặng
Tại sao Phật không trả lời những vấn đề Hinh nhi thượng này?
Trước tiên, những vấn đề này không quan hệ mấy với những giáo huấn của Phật. Trong giáo lý Phật giáo thời kỳ đầu, Phật thường chỉ quan tâm bàn về Tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã). Phật từng nói: “Tì khưu, Pháp mà ta giảng chỉ có hai vấn đề: khổ và khổ”. Loài người tràn ngập đau khổ, nhiệm vụ của chúng ta chính là giải thoát khỏi đau khổ, ta bàn những Pháp này vì hữu dụng, có quan hệ với tu luyện thân tâm, bỏ tâm đố kỵ cố chấp, đạt đến sự thanh tịnh của niết bàn. Đây là lý do khiến ta giảng những Pháp này…”. Trong mười vấn đề Hình nhi thượng trên thì bốn vấn đề đầu là về vũ trụ luận, không liên hệ nhiều đến giáo huấn của Phật. Vấn đề thế giới vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn hay vô hạn không giúp gì cho mục đích thoát khổ của loài người.
Hai vấn đề còn lại liên quan đến thân và tâm. Theo giáo huấn của Phật thì Chư pháp vô ngã là một trong Tam pháp ấn. Quan niệm “vô ngã” mới là điểm quan trọng mà Phật quan tâm, vì thế câu hỏi Thân và Tâm có thống nhất với nhau hay không, đối với Phật cũng là vấn đề xa xôi phức tạp, không đáng bận tâm. Sau cùng chỉ còn vài vấn đề liên quan đến mức độ giác ngộ. Điều này chỉ có thể thông qua tu hành để ngộ chứng mà thôi. Đối với người bình thường, cho dù Phật có giải thích cho họ thì họ cũng khó mà cảm nhận được cảnh giới siêu việt này. Vì những vấn đề Hình nhi thượng nêu trên không liên quan gì nhiều đến cái gốc tu luyện Thân và Tâm, nó không thể giúp người ta bỏ tâm cố chấp, ganh ghét, đạt được sự thanh tịnh của cõi niết bàn nên Phật không trả lời những câu hỏi này. Có thể hiểu mỗi khi có người hỏi về những vấn đề trên thì Phật chỉ im lặng.
Những vấn đề làm con người mất phương hướng
Kỳ thực, những vấn đề Hình nhi thượng học sẽ làm người ta bị mất phương hướng.
Một bữa nọ, tì khưu Man Đồng Tử đang ngồi tĩnh tọa thì bất ngờ đứng lên đi đến bên Phật, sau khi hành lễ xong liền ngồi xuống và nói: “Thích Ca, con đang ngồi tĩnh tọa thì bất ngờ xuất hiện ý niệm: có mười vấn đề xưa nay con chưa được nghe ngài giải thích tường tận. Mỗi khi có người hỏi ngài những vấn đề này thì chỉ thấy ngài gác qua một bên, giữ thái độ im lặng. Con không thích cách làm này. Thưa Thích Ca, nếu nay ngài giải thích rõ cho con thì con sẽ tiếp tục tu hành; còn nếu Thích Ca vẫn tiếp tục giữ im lặng, con sẽ không còn niềm tin và không tu hành nữa. Nếu Thích Ca biết thế gian này là vĩnh hằng thì xin hãy giải thích cho con hiểu. Nếu vũ trụ không vĩnh hằng thì cũng cho con hiểu tại sao lại như thế? Còn nếu ngài không biết thì cứ nói: Ta không biết.”
Phật nói: “Con thật u tối! Ban đầu con xuất gia tu hành có phải là để hiểu những vấn đề hình nhi thượng này không? Khi con theo ta tu hành ta có nói sẽ trả lời những vấn đề này cho con không?”
Man Đồng Tử thưa: “Thưa Thích Ca, không có ạ!”
Phật: “Con chưa tìm được câu trả lời thì đã chết rồi. Man Đồng Tử, giả sử có người bị thương vì tên độc, bạn thân của anh ta đưa anh ta đi thầy thuốc. Giả sử người đó nói: Tôi không muốn rút tên độc này ra nếu chưa biết ai đã bắn tôi, anh ta là đẳng cấp Kshatriya, Bà la môn, hay Vaishya Sudras; thân thể anh ta là cao, thấp, hay trung bình; da anh ta là đen, trắng, nâu hay vàng; anh ta đến từ thành phố hay làng quê nào. Tôi không muốn nhổ tên độc ra nếu chưa thấy cây cung bắn tôi như thế nào; mũi tên thuộc loại vật liệu gì… Man Đồng Tử, người này sẽ chết trước khi có thể biết được câu trả lời. Tương tự, nếu có người nói rằng họ sẽ không tiếp tục đi theo ta tu hành nếu ta không trả lời rõ ràng vấn đề vĩnh hằng của vũ trụ, người này chưa được biết câu trả lời thì đã chết rồi.” Do đời người ngắn ngủi, nếu suốt ngày băn khoăn vì những vấn đề Hình nhi thượng học này thì cuối cùng sẽ bị lạc đường, không đạt được kết quả gì.
Ngôn ngữ của con người hữu hạn
Thêm nữa, do tính hữu hạn của ngôn ngữ nên chúng ta không thể hy vọng hiểu hết vấn đề mà chỉ nhờ vào biểu đạt của ngôn ngữ được.
Ngôn ngữ là do con người tạo ra để biểu đạt cảm quan, tâm hồn cũng như như vật mà con người được trải nghiệm… Nó để biểu đạt những sự vật mà chúng ta hiểu rõ cùng những ký hiệu tư duy. Nó bị giới hạn trong thời gian, không gian và pháp duyên khởi, ngôn ngữ không thể vượt qua được phạm vi này.
Nói cách khác, con người chỉ có thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt sự kiện trong phạm vi cho phép của không gian, thời gian và pháp duyên khởi. Nhiều khi ngôn ngữ của con người thậm chí không thể diễn đạt được chính xác sự vật thường ngày. Ví dụ như kinh nghiệm cho chúng ta biết, nhiều khi chúng ta có một loại cảm xúc nào đó mà không biết dùng ngôn ngữ nào để diễn tả được. Vì thế ngôn ngữ của con người không phải vạn năng, nó bị giới hạn trong phạm vi nhất định. Trong phương diện hiểu biết chân lý, ngôn ngữ càng không dễ dàng cho chúng ta biết được sai lầm. Vì chân lý tuyệt đối (ví dụ niết bàn) thì có tính vượt thời gian, không gian và định luật duyên khởi, chúng ta chỉ có thể cảm nhận nó nhưng sẽ bế tắc nếu muốn dùng ngôn ngữ biểu đạt nó.
Giống như trong ngôn ngữ của cá, nó không thể hình dung được thế nào là đất liền. Con rùa kể với con cá rằng nó vừa từ đất liền trở về. Cá nói: “Ý của bạn là đi bơi chứ gì?” Con rùa liền giải thích cho con cá rằng, đất liền thì cứng nên không bơi trong đó được, chỉ đi bộ được thôi. Nhưng con cá vẫn không thể hình dung được và cho rằng đất liền cũng là thể lỏng, giống như cái hồ mà nó đang sống có sóng và bơi lội ở trên mặt sóng được. Tương tự, trong hệ thống từ vựng của những người bình thường không thể tìm được từ ngữ thích hợp để diễn tả niết bàn. Nhưng hiện nay rất nhiều người đã dùng những từ ngữ đẹp đẽ nhất để hình dung về niết bàn, nhiều người vắt óc suy nghĩ để kể lại cảnh giới kỳ diệu sau khi Phật qua đời. Kết quả như trong «Kinh lăng già» ghi, kẻ độn câu nệ vào chữ nghĩa ngôn từ cũng giống như con voi sa lầy vào vũng bùn, không thể tự thoát ra được.
Cuối cùng, phương pháp mà Phật dùng để giáo hóa chúng sinh là Tùy cơ thuyết pháp. Phật không phải cái máy vi tính, bất cứ ai hỏi gì cũng chỉ biết máy móc trả lời. Ngài là người thầy chú trọng hiệu quả thực tế, tràn đầy lòng từ bi và sáng suốt, ngài không trả lời để khoe khoang vốn tri thức của mình mà chỉ muốn giúp đỡ người hỏi đi vào con đường chính giác. Khi thuyết pháp với bất kỳ ai ngài đều luôn chú ý đến trình độ, khuynh hướng, bản chất, tính cách và năng lực hiểu vấn đề của người đó.
Theo Phật, có bốn loại vấn đề:
- Loại vấn đề thẳng thắn, rõ ràng (không liên quan đến Hình nhi thượng học) cần trả lời trực diện vào vấn đề. Ví dụ nguyên nhân của khổ là gì?
- Loại vấn đề cần phân tích để giải đáp, ví dụ Phật theo Chủ nghĩa duy tâm hay Chủ nghĩa duy vật?
- Loại vấn đề phải trả lời bằng cách hỏi lại.
- Loại vấn đề trả lời bằng cách im lặng. Ví dụ những câu hỏi về Hình nhi thượng học, Phật chỉ im lặng.
Vì thế, khi người họ Bà-sa hỏi Phật có Chủ thể tự ngã (cái tôi) hay không, Phật chỉ im lặng. Sự im lặng của Phật tác động đến người họ Bà-sa mạnh mẽ hơn bất cứ ngôn ngữ nào. Phật vừa trí tuệ lại giàu lòng trắc ẩn nên luôn “hao tâm tổn huyết”, quan tâm sâu sắc đối với những vấn đề người cầu Pháp băn khoăn.
Có thể có người sẽ hỏi, vậy cuối cùng thì Phật có trả lời được những vấn đề Hình nhi thượng trên không? Tạm thời chúng ta cũng chưa biết được như thế nào, nhưng có một điểm có thể khẳng định là những gì Phật biết chắc chắn nhiều hơn rất nhiều so với những gì ngài đã nói.
Một lần Phật nhặt mấy chiếc lá đặt vào lòng bàn tay rồi hỏi các đệ tử: “Các tì khưu này! Số lá cây trong tay ta nhiều hay số lá cây trong rừng ở đây nhiều?”
“Thích Ca, trong tay thầy chỉ có vài cái lá, còn lá trong rừng cây nhiều không thể đếm được.”
“Đúng thế, Pháp mà ta biết giống như lá trong rừng cây, còn Pháp mà ta giảng với các đệ tử chỉ như lá trong tay đây, vì thế Pháp ta chưa giảng còn rất nhiều! Tại sao ta chưa thể giảng cho các đệ tử những Pháp này? Vì các đệ tử không có chỗ dùng, không phải con đường đến niết bàn. Đây là nguyên nhân vì sao còn nhiều thứ ta không thể bàn đến cùng các đệ tử.”
Học giả Phật học nổi tiếng Jayatilleak từng nói: “Nhiều vấn đề Phật không trả lời không phải vì ngài không biết, là vì giới hạn của ngôn ngữ khiến Phật không thể dùng ngôn ngữ bình thường để giảng ra được.”
Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: