Người ta thường nói: Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt nhưng không biết lòng. Thử ngọc phải đốt 3 ngày, phân biệt gỗ tốt phải chờ 7 năm.
Xưa nay, hiểu rõ một người là chuyện không hề dễ dàng. Nhưng nếu chú ý 4 điểm này, thì về cơ bản ta đã có thể hiểu rõ được bản chất thực sự của một người.
Thứ nhất: Lựa chọn khi phải đối mặt với lợi ích
Khi đối mặt với lợi ích thiết thân, nhiều người sẽ phá bỏ lớp ngụy trang của mình, lúc này có thể nhìn thấy rõ nhất bản chất của một con người.
Nếu một người vì lợi ích riêng của mình mà sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, không cần tình thân, coi thường đạo đức nghề nghiệp thì bạn có dám tin tưởng họ?
Ngược lại, nếu một người đối mặt với lợi ích mà không từ bỏ nguyên tắc của bản thân, vẫn tuân thủ đạo đức và coi trọng tình người thì đó tuyệt đối sẽ không phải là kẻ tiểu nhân chỉ biết lợi cho bản thân mình.
Thứ hai: Cách đối xử với những người có địa vị thấp hơn
Với người giỏi hơn mình không tự ti, với người kém hơn mình không kiêu ngạo, đây mới là nhân cách của những người lương thiện. Một người mà với người trên thì tâng bốc, với người dưới thì tỏ ra khinh thường thì ắt là kém tu dưỡng.
Một người có đạo đức, có giáo dục thì đối với bất kỳ ai cũng đều tôn trọng. Cho dù là giao tiếp, qua lại với người có địa vị xã hội thấp cũng không hề tỏ ra là kẻ bề trên. Càng đáng quý hơn nữa là những người vẫn có thể duy trì sự chính trực khi đối mặt với quyền lực.
Nhìn chung, người ta thường dễ nảy sinh tâm lý kẻ bề trên khi đối diện với những người kém hơn mình. Nhưng chỉ cần mở rộng tấm lòng, đồng cảm với kẻ dưới, thấu hiểu người ở trên bằng sự tôn trọng, khoan dung thì điều bạn nhận lại cũng chính là khoan dung và tôn trọng.
Thứ ba: Thái độ đối với bố mẹ
Chúng ta thường rất nhẹ nhàng, ôn nhu, lịch sự với người dưng nhưng lại dễ dàng nổi nóng với người nhà. Về mặt tâm lý học mà nói, đây cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng người không thể bao dung ngay cả những người thân bên cạnh thì liệu đó có phải là người mà bạn đáng ngưỡng mộ?
Trong “Luận Ngữ” có kể lại một chuyện như sau:
Tử Hạ hỏi về hiếu thuận. Khổng Tử viết: “Con cái có thể giữ được nét mặt an hoà, vui vẻ là điều khó nhất. Khi có việc phải làm, người trẻ làm thay, khi có đồ ăn thức uống, người lớn tuổi ăn trước, lẽ nào như vậy chưa thể được coi là Hiếu ư?”.
Cư xử với người già, khó nhất chính là thái độ, quan trọng nhất chính là hiếu đức, tiền bạc tuyệt nhiên không phải là ưu tiên hàng đầu. Đừng tức giận với cha mẹ một cách vô cớ, hãy để những ngày tháng tuổi già của họ trôi đi trong niềm hạnh phúc.
Đối với những người thân xung quanh, nói chuyện đừng giận dữ, không kiêu ngạo, không thờ ơ, có lịch sự và lễ phép. Làm được điều này ấy đều là những người có gia giáo, có trách nhiệm và luôn biết nghĩ cho người khác.
Thứ tư: Khi đối mặt với lời hứa
Khi đối mặt với lời hứa là lúc người ta để lộ nhân phẩm và đức tính của mình. Một người không bao giờ vi phạm lời hứa của mình là một người thực sự đáng tin cậy.
Một người luôn thất hứa, nói xong để đó, đánh trống bỏ dùi chính là người không có chính kiến, lập trường và tất nhiên rất dễ thay lòng đổi dạ. Người không trung thực, không giữ lời hứa chẳng khác nào như chiếc xe không có bánh, mãi chẳng thể tiến xa.
Chữ tín là phẩm chất đạo đức cơ bản nhất của con người.
Ngọc Linh
Theo Secretchina