Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn đều có đức khiêm tốn. Triệu Xa thời Tần là một trong những tướng lĩnh khiêm tốn như vậy.
Cuối thời Chiến Quốc, nước Tần ngày càng lớn mạnh, thường xuyên mở rộng thế lực sang các nước xung quanh. Năm 270 TCN, nước Tần phái 20 vạn quân đánh nước Hàn, bao vây nước Triệu. Trong tình thế nguy ngập, nước Hàn phái sứ thần đến nước Triệu cầu chi viện. Triệu Huệ Văn vương lệnh cho Đại tướng Triệu Xa phái 5 vạn quân đến ứng cứu.
Triệu Xa là một danh tướng, nổi tiếng ngang với Liêm Pha. Ông là người khiêm tốn, thận trọng, mỗi khi nhàn rỗi lại đi xin người khác chỉ dạy binh pháp, khi tác chiến thì dũng cảm xông lên đầu. Ngoài ra Triệu Xa cũng chịu khó nghiên cứu mưu lược, biết lắng nghe ý kiến thuộc cấp.
Một hôm đang bàn bạc kế sách tấn công bất ngờ kẻ địch thì có một binh sĩ tên Hứa Sử nói có việc hệ trọng muốn bẩm báo. Triệu Xa cho thị vệ gọi binh sĩ Hứa Sử vào. Anh ta thưa: “Quân ta tuy đến trước mặt quân Tần khiến chúng bất ngờ chưa kịp phòng bị, hiện đang rất hoang mang. Nhưng quân Tần xưa nay nhiều quỷ kế, chúng có thể thừa lúc quân ta vừa đến mà lập tức tấn công. Mong tướng quân thận trọng”. Triệu Xa nghe xong liền nói: “Đúng, ngươi nói rất có lý!”.
Triệu Xa liền lập tức cho quân binh phòng bị cẩn thận. Đêm hôm đó, tướng Hồ Thương của quân Tần quả nhiên dẫn quân đến đánh lén quân Triệu. Nhưng quân Triệu đã có chuẩn bị, toàn trại đốt lửa đỏ rực hăng hái phản kích. Binh sĩ quân Tần thấy thế bất lợi liền ào ào bỏ chạy.
Ngày hôm sau, trong lúc Triệu Xa đang xử lý việc quân thì lại có người xin cầu kiến, khi vào không ai khác vẫn là Hứa Sử. Anh ta lại tấu với Triệu Xa: “Trong binh pháp có nói quân chiếm được nơi địa lợi mới hy vọng đánh thắng. Thuộc hạ quan sát kỹ địa hình quanh đây, nơi cao nhất và hiểm nhất là núi phía bắc nhưng quân Tần lại không chiếm giữ. Chúng ta nên nhanh chóng đi chiếm giữ. Từ nơi đó có thể quan sát rõ ràng, uy hiếp quân Tần”.
Triệu Xa nghe xong liền hỏi ý kiến các cấp dưới có đồng tình với kiến nghị của Hứa Sử không, khi mọi người đồng lòng ông liền lập tức phái 10 ngàn quân chiếm giữ núi phía Bắc, chuẩn bị chu đáo phương án tấn công, quân lính đứng trên núi vẫy cờ hô vang, khí thế hừng hực để uy hiếp quân Tần.
Tướng Hồ Thương của quân Tần ngẩng đầu lên nhìn thì nổi trận lôi đình, vội dẫn quân Tần đánh lên núi phía bắc. Lúc này Triệu Xa dẫn đại quân từ dưới đánh lên, quân Triệu trên đỉnh núi cũng dũng mãnh đánh xuống, hai mũi đánh kẹp khiến quân Tần đại bại bỏ chạy. Triệu Xa thừa thắng xông lên đuổi quân Tần ra khỏi nước Hàn và nước Triệu.
Triệu Xa chiến thắng trở về lại Hàm Đan. Huệ Văn vương lập tức phong Triệu Xa là “Mã phục quân”, địa vị sánh ngang Tướng quốc Lạn Tương Như và Đại tướng Liêm Pha. Huệ Văn vương khen Triệu Xa: “Triệu tướng quân đường xa tiến quân, lấy ít thắng nhiều, đuổi được quân Tần hùng mạnh, thật khổ cực mà lập công lao to lớn!”.
Triệu Xa khiên tốn thưa: “Thần có khổ cực gì? Nếu không có các tướng sĩ đồng lòng trợ lực, anh dũng chiến đấu, không thể đánh lui được quân Tần hùng mạnh. Thần xin đặc biệt tiến cử một binh sĩ tên Hứa Sử, cậu ta hai lần đưa kiến nghị xuất sắc. Thần làm theo kiến nghị của người này nên mới có thể giành được thắng lợi”.
Huệ Văn vương nói: “Triệu tướng quân cũng không nên quá nhún nhường. Nhờ tướng quân khiêm tốn mới sẵn lòng tiếp thu ý kiến thuộc cấp, có thể lấy yếu thắng mạnh, đánh bại quân Tần. Còn Hứa Sử sẽ được ban thưởng xứng đáng, ta đặc cách đề bạt cậu ta giữ chức Quốc úy!” (Quốc úy là một chức quan quân sự cao cấp).
Đại Kỷ Nguyên bàn:
Chính đức tính khiêm tốn đã giúp Triệu Xa thành công trên chiến trường. Thử hỏi nếu Triệu Xa không khiêm nhường nghe ý kiến của thuộc cấp, coi thường địch thì sẽ ra sao? Rất có thể ông và đại quân đã bị đánh úp và đại bại trong trận phục kích.
Khi được khen thưởng thì ông không ỷ công ngạo mạn, lại khiêm tốn không dám nhận công lao mà tiến cử thuộc cấp. Càng khiêm tốn ông càng được Huệ Văn Vương kính trọng, tin tưởng giao trọng trách.
Cổ nhân có câu “Đại trí nhược ngu“, càng là người tài trí thì càng nên tỏ ra khiêm tốn. Khi khiêm tốn, ta mới có thể học hỏi cái hay từ người khác và có được cơ hội trưởng thành. Khiêm tốn là một loại trí huệ thật sự, cũng chính là sự thông minh được ẩn giấu đi mà không để lộ ra ngoài.
Xưa nay lịch sử vẫn lưu danh những bậc anh hùng tài ba nhưng khiêm nhường, được hậu thế vô cùng kính trọng. Trong văn hóa truyền thống đức tính khiêm tốn là một trong những mỹ đức, cũng như cảnh giới mà bậc quân tử hướng đến.
Chân Tâm