Năm Mậu Tuất – năm của những chú chó đáng yêu, thông minh, trung thành và dung cảm. Ta có thể dễ dàng bắt gặp sự ngợi ca những đức tính quý báu của loài chó trong hầu hết các tác phẩm văn chương, nghệ thuật, cho đến văn hóa đời thực từ Đông sang Tây.
Ví như trong nét văn hóa và tâm linh của một số dân tộc, chó được tạc tượng thờ cúng tại các đền miếu. Trong văn hóa Á Đông chó được xếp vào 12 con giáp ở vị trí thứ 11 với chi Tuất và là một trong những con linh vật vật thuộc lục súc.
Còn trong quan niệm người Việt thì chó là loài vật mang đến may mắn, thuận lợi và niềm vui với ví von “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Rất nhiều nơi trên thế giới, chó còn được trân trọng nâng niu như một người bạn trung thành, một người thân quan trọng trong đời sống của họ.
Một số danh sĩ nổi tiếng cũng từng có những cảm nhận về loài chó như thế này.
Nhà văn Trung Quốc Trương Hiền Lượng: “Con không chê mẹ xấu” ngày nay chỉ sợ không còn nhiều nữa, ngược lại “Chó không chê nhà nghèo” lại là chân lý mà khắp mọi nơi trên thế giới này đều biết đến”
“Hai mươi năm trước lần đầu tiên ra nước ngoài, đến Bắc Âu làm một cuộc phỏng vấn, tôi nghe người Thụy Điển nói rằng, ở Trung Quốc, vợ chồng và con cái là một gia đình, còn ở Thụy Điển một người và chú chó của người đó cũng là một tổ hợp gia đình.
Ở Thụy Điển, chó cũng là một thành viên trong gia đình, lúc đó nghe thấy chuyện này tôi cảm thấy vô cùng mới mẻ, vì vậy khi về nước đã lập tức viết bài về câu chuyện đó. Thực ra xã hội này đã ngày càng là “Thế vị niên lai bạc tự sa” (Tình người chỉ mỏng như một tấm lụa). Ví như người vợ chê chồng vô năng, người chồng thay lòng đổi dạ mà ly hôn, hoặc giả con cái chê bai gia đình nghèo khó mà rời khỏi nhà hay con cái sợ mất mặt mà không dám gọi cha mẹ trước mặt bạn học. Nhưng từ trước đến nay lại chưa từng nghe nói chú chó nào oán trách chủ của mình không bón cơm cho nó mà bỏ nhà ra đi.
“Con không chê mẹ xấu” ngày nay chỉ sợ không còn nhiều nữa, ngược lại “Chó không chê nhà nghèo” lại là chân lý mà khắp mọi nơi trên thế giới này đều biết đến. Xác thực chó, ngựa, trâu, gà, dê… là những động vật đầu tiên mà con người thuần dưỡng. Nhưng chỉ có chó là tạo ra tình cảm gia đình với con người.
Chó và chủ của nó có một loại tình cảm thân thiết không bị phá vỡ, cho dù cho nó ăn những thức ăn ngon nhất, nó cũng sẽ cố chấp muốn chạy về nhà. Chó so với vợ chồng con cái còn muốn thân thiết hơn, mối quan hệ gia đình với chó còn vững chắc hơn cả quan hệ họ hàng. Cách so sánh này của người Thụy Điển chúng ta có thể hiểu được.
Ngày nay, thế sự lạnh bạc, lòng người dễ đổi, nhưng chó vẫn luôn trung thành nhất nhất. Vì vậy, những người thích chó mới càng ngày càng nhiều”.
Nhà sinh vật học Châu Kiện Nhân: “Chó là bạn của con người, chúng đã cùng chúng ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử”
“Khắp nơi trên thế giới này đều nuôi chó, bởi vì chó có rất nhiều tác dụng. Thợ săn bắt buộc phải nuôi chó, bởi vì chó giúp họ nhận ra con mồi, bắt được con mồi. Ngoài ra, chó còn giúp thợ săn cảnh báo các mối nguy hiểm đến gần, tránh khỏi nguy hiểm.
Người dân tộc Eskimo bắt chó kéo xe tuyết, có một số nơi lại hướng dẫn chó bắt cá. Chú chó sẽ lùa cá vào nơi nước cạn sau đó vồ bắt lấy chúng. Trong thời kỳ chiến tranh, đội cứu hộ cũng sẽ nuôi chó, những chú chó này sẽ giúp họ đi tìm kiếm thương binh, ngoài ra vẫn còn rất nhiều công dụng khác.
Bề ngoài của một chú chó không xinh đẹp, tiếng kêu cũng không hay, nhưng từ xưa đến nay, chỉ cần là nơi có con người sinh sống thì đều có nuôi chó, cho thấy có rất nhiều nguyên nhân.
Chó là bạn của con người, chúng đã cùng chúng ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử. Cho dù ở nơi đâu chỉ cần là nơi có con người sinh sống thì đều có hình bóng của những chú chó. Cũng giống như lá và cây, không thể tách rời, luôn luôn tồn tại bên nhau”.
Văn sĩ Trung Hoa Lão Xá: “Chó đã không có gì ăn còn thường bị con người đánh đập, nhưng chúng vẫn luôn phục vụ cho con người”
“Những chú chó ở Trung Quốc chỉ sợ là những chú chó xấu xí và đáng thương nhất trên thế giới này. “Xấu xí” không phải là vì hình thể của loài chó, mà nó có liên quan mật thiết với “đáng thương”. Bởi vì cho dù chú chó có hình dạng như thế nào, nhưng chỉ cần nuôi dưỡng cẩn thận và cho ăn đầy đủ chúng vẫn sẽ mập mập tròn tròn vô cùng đáng yêu.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một quốc gia nghèo khó, người không đủ ăn thì nói chi đến cho chó ăn. Vì vậy mà chó ở Trung Quốc mới xấu xí nhất là bởi vì chúng thường phải nhịn đói, ốm đến mức như một chiếc lá.
Mỗi khi nhìn thấy những chú chó bị bỏ rơi phải tìm kiếm đồ ăn thừa trên đường, tôi lại muốn rơi nước mắt. Tôi không phải là một người giàu thương cảm, động một chút là khóc lóc, nhưng khi nhìn sự đáng thương của chúng cũng giống như nhìn thấy sự nghèo khổ của người dân. Người Trung Quốc thường nói họ có của ăn của để, vậy xin hãy nhìn lại chó của mình.
Chó đã không có gì ăn còn thường bị con người đánh đập, nhưng chúng vẫn luôn phục vụ cho con người. Cho dù đói đến mức chỉ còn da bọc xương, cho dù bị đá, bị đánh chúng vẫn sẽ trung thành giữ nhà cho chủ nhân, chưa từng từ bỏ chủ nhân nghèo khổ.
Loại động vật như vậy thật đáng được chúng ta khen ngợi, những từ như trung thành, nghĩa khí, an phận, dũng cảm… đều có thể nói về chó. Tuy nhiên, tôi lấy làm khó hiểu vì sao người Trung Quốc lại mắng những kẻ Hán gian và tiểu nhân là chó, giống như chó là một loài động vật đáng ghét, không trung thành cũng không nghĩa khí. Tôi cảm thấy thật oan ức cho loài chó.
Người phải giàu thì chó mèo mới mập nổi, nếu người còn ăn không no thì nói gì đến chó. Cho dù như vậy, chó vẫn giữ tròn bổn phận và nhiệm vụ của mình và không chê nhà nghèo, quả thật là một điều vô cùng đáng quý, đáng được khen ngợi”.
Giáo sư Quý Diên Lâm: Chó dù già và không có gì ăn sẽ chết đói nó vẫn canh cửa cho chủ nhà quá cố của mình
“Khi tôi rời khỏi ngôi nhà cũ nát, nhìn thấy một chú chó già đang nằm ngay cửa, nó dường như biết tôi muốn rời khỏi, vì vậy vẫy đuôi và không ngừng dụi vào đùi tôi. Tôi lập tức rơi nước mắt vì biết có thể sẽ vĩnh biệt nó mãi mãi, tôi và nó sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, cho nên tôi ngồi xuống ôm lấy nó, hôn nó. Tôi thật sự muốn ôm nó về Tế Nam nhưng đây là chuyện không thể nào làm được, cũng chỉ có thể vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn nó mà âm thầm nuốt nước mắt vào bụng.
Cho đến nay đã hơn bảy mươi năm nhưng tôi vẫn luôn nhớ về chú chó già nua ấy. Đã không còn ai ở đó, nó mỗi ngày phải đi tìm đồ ăn, cứ như vậy có thể tìm được bao lâu đây? Tôi tin rằng nó sẽ không bao giờ rời khỏi cửa nhà ấy, tôi thường nghĩ rốt cuộc nó sẽ nằm ở đó được bao lâu, hoặc có lẽ nó sẽ sớm chết vì đói, và sẽ chết tại cánh cửa mà nó chưa từng rời xa kia.
Từ trước tới giờ tôi không tin vào luân hồi hay kiếp sau gì cả, nhưng bây giờ tôi muốn tin tưởng một lần. Tôi đã chín mươi tuổi rồi, cuộc đời cũng sắp đến hồi kết, đợi khi chết đi, cho dù là trên trời hay dưới địa ngục tôi vẫn muốn tìm lại mẹ mình và cả chú chó già năm ấy”.
(Đây là một bài viết của giáo sư Quý Diên Lâm, năm đó ông phải đi học xa. Hơn ba ngàn đêm chỉ có chú chó già làm bạn với mẹ ông, nó mỗi ngày đều nằm ở bờ rào, trước cửa giữ nhà và trông coi chủ nhân. Đến khi người mẹ qua đời, Quý Diên Lâm một mình rời khỏi cố hương, để lại chú chó già vẫn nằm nơi đó, kiên trì và chờ đợi).
Diễn viên Chu Đào: “Quan hệ giữa chó với chủ nhân cũng giống như mối quan hệ hôn nhân trong thời cổ đại, một khi đã kết hôn sẽ không bao giờ có ý định ly hôn. Một đời ở bên nhau, không phản bội, không lừa gạt cũng không hoài nghi”.
“Ngày nay, rất nhiều người biết đến Chó ngao Tây Tạng, hơn nữa loài chó này ngày nay vô cùng đắt giá. Giá của một con Ngao Tây Tạng cũng vài chục tỉ, tính ra còn đắt hơn cả giá của con người. Nếu như loài chó này có ý thức, vậy chúng sẽ nghĩ như thế nào?
Trong quá khứ, loài chó này chỉ là một loài động vật có hình dáng to lớn, sống trên thảo nguyên và nhận biết được nguy hiểm bốn phía. Có thể nhịn đói chịu lạnh, tính tình dũng mãnh, cô độc tịch mịch. Loài chó này làm bạn với những người chăn nuôi, bảo hộ cho vật nuôi, không để cho đám sói hung ác có cơ hội, chỉ cần ăn một chút da xương đã thỏa mãn, cho dù bị thương cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ. Loài chó này cũng là niềm tự hào của người Tây Tạng.
Ngày nay rất nhiều người mua chó Ngao Tây Tạng nhưng lại để nó ở Giang Nam ấm áp, nơi phồn hoa đô thị. Ở nơi này không nghe thấy tiếng chó sói, có chăng chỉ là tiếng nhạc du dương. Thức ăn của nó cũng biến thành thịt bò, sữa bò, hoặc tim, gan của dê, nơi ở cũng là nơi cao sang, có điều hòa, máy lạnh. Ngoài ra, phương tiện đi lại của nó cũng vô cùng sang trọng, quý phái. Ba ngày đi làm đẹp, năm ngày đi mát xa, chó Ngao Tây Tạng thật sự có thể vui vẻ sao?
Con người có nhiều mặt, chó cũng như vậy. Cũng giống như Husky, Golden Retriever, chó Ngao Tây Tạng cũng trở thành thú cưng của con người. Nhưng có một số loài chó thật sự không thể làm thú cưng, bởi vì bản chất của chúng cuồng dã, chúng không thể sống trong nhà cao cửa rộng, mà phải là thảo nguyên mênh mông rộng lớn như chó Ngao Tây Tạng. Con người có lúc nên tôn trọng chó, tôn trọng bản chất của chúng.
Quan hệ giữa chó với chủ nhân cũng giống như mối quan hệ hôn nhân trong thời cổ đại, một khi đã kết hôn sẽ không bao giờ có ý định ly hôn. Một đời ở bên nhau, không phản bội, không lừa gạt cũng không hoài nghi. Con người nguyện ý tiếp xúc với chó là vì chó chưa từng lừa gạt chúng ta, cũng không phản bội chúng ta. Cuộc sống cho dù như thế nào nó cũng sẽ không rời không xa chúng ta, luôn ở bên cạnh chúng ta”.
Ngoài ra còn có rất nhiều nhà danh nhân Phương Tây dành lời hoa mỹ để ca ngợi cho chó, ví dụ như:
Nhà văn Mark Twain:
“Nếu như bạn nhận nuôi một chú chó đói khát và đáng thương, vuốt ve nó, nó sẽ không cắn bạn. Đây là điều khác biệt lớn nhất giữa chó và người. Chó hiểu được tri ân phải báo đáp, nhưng con người có khi sẽ lấy oán báo ân. Về mặt này, chó có uy tín hơn nhiều so với con người”.
Đạo diễn Ridley Scott
Có đôi lúc, tôi tìm hiểu nguyên nhân chân chính vì sao tuổi thọ của chó lại ngắn như vậy. Tôi nghĩ rằng đó là vì chúng thông cảm với nhân loại, bởi vì nếu như chúng ta làm bạn với một chú chó mười mấy, hai mươi năm, một khi nó chết đi chúng ta sẽ phải đau khổ đến nhường nào. Vì vậy, nếu như tuổi thọ của chó nhiều gấp hai lần, đây sẽ là chuyện vô cùng nan giải.
Trong bộ phim “Mountains May Depart”, chồng con của nữ chính luôn ở nước ngoài, làm bạn với bà chỉ có một chú chó. Chú chó này cùng nhau chia sẽ cô đơn và tịch mịch với nữ chính. Theo năm tháng dài đằng đẵng, chú chó dần dần trở thành người thân, là máu thịt của bà, một khi chết đi chính là vĩnh biệt, cuộc chia ly này sẽ mang đến vô vàn đau thương và nước mắt. Mười năm có thể chịu đựng được nhưng nếu như lại lâu hơn nữa thì nỗi đau này sẽ càng ăn sâu vào cốt tủy.
Nhà thơ Byron:
“Khen ngợi những chú chó đã chết ở vùng đất này. Lúc còn sống xinh đẹp nhưng không hư vinh, cường tráng nhưng không ngạo mạn, dũng cảm nhưng không hung tàn. Những chú chó này có đầy đủ những phẩm đức tốt của con người nhưng lại không tồn tại khuyết điểm mà con người có”. Nếu đoạn văn này khắc trên xương cốt của con người thì không có bất kỳ ý nghĩa nào, nhưng nếu khắc trên xương cốt của một chú chó vậy nó sẽ trở thành một lời cảm tạ công bằng”.
Byron là một lãng tử, nhưng đối với chó lại có đánh giá cao như vậy, thật sự hiếm có. Giống như lời của ông nói, chó có tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người nhưng lại không có khuyết điểm mà con người có. Điều này khiến cho con người biểu dương, cũng khiến cho con người cảm thấy xấu hổ.
Dù cho cuộc sống vật chất ngày một hiện đại, phồn hoa, nhân phẩm của con người cũng vì thế mà có thể thay đổi, nhưng phẩm chất trung thành của loài chó thì không bao giờ thay đổi. Năm Mậu Tuất thêm một lần nữa chúng ta được nhìn lại, suy ngẫm và học hỏi phẩm chất quý của những chú cho đáng yêu này.
Theo soundofhope
Khải Phong biên dịch