Đại Kỷ Nguyên

Nạn mà con người gặp phải là do đâu?

Trước đây, trong ngôi chùa ở Tương Dương có một vị tăng nhân thông hiểu đạo lý sinh sống. Vị tăng nhân này từng kể rõ ràng, chi tiết rất nhiều chuyện nhân quả báo ứng cho mọi người cũng là để cảnh tỉnh mọi người, tránh làm điều ác.

Một lần, ông kể chuyện thời thế những năm cuối triều đại nhà Minh cho nhiều người nghe. Những người này nghe xong đều lắc đầu nói rằng: “Đây là số kiếp do Thượng Thiên an bài, khó tránh được!”

Nhưng vị tăng nhân này lại không đồng ý với lời kết luận của những người ấy. Ông nói: “Theo bần tăng thấy, kiếp nạn này chính là do bản thân con người tạo thành. Thượng Thiên không bao giờ “vô duyên vô cớ” giáng họa cho con người đâu. Những năm cuối triều đại nhà Minh, tình cảnh giết chóc, gian dâm, cướp giật vô cùng bi thảm. Cho dù là Hoàng Sào của triều Đường, tạo phản gây ra cảnh “máu chảy đầu rơi” trải khắp ba nghìn dặm cũng không bằng được thảm cảnh này của triều nhà Minh.

Suy ngẫm về nghiệp nhân quả, từ giữa triều nhà Minh về sau này, quan lại nơi nơi đều tham lam bạo ngược, thân sĩ hoành hành ngang tàng. Cả một đất nước được bao trùm bởi xảo trá, gian ác, giả dối, xảo quyệt, phẩm hạnh đạo đức xấu xa, đồi bại, không từ một thủ đoạn nào.

Từ bên dưới mà xét, dân chúng đã vô cùng căm phẫn, oán giận trong lòng. Còn từ bên trên mà xét thì điều đó đã khơi dậy sự phẫn nộ trên Thiên Thượng. Sự oán giận ấy được tích lũy trong hơn một trăm năm, đến lúc bộc phát ra thì ai có thể ngăn cản được? Hơn nữa, bần tăng còn biết, trong kiếp nạn ấy thường thường chỉ  những kẻ hung ác mới bị, sao có thể nói là số kiếp được?”

(Ảnh minh họa)

Mọi người nghe xong, ai nấy đều trầm lặng. Cả bầu không khí lúc ấy như ngừng lại. Một lát sau, vị tăng nhân lại kể tiếp câu chuyện. Ông nói: “Tôi còn nhớ rõ hồi ấy, một nhóm cướp đã bắt được cô gái của một dân thường, rồi trói lại, vừa uống rượu vừa mua vui, còn bắt người nhà hầu hạ… Những cảnh tượng ấy khiến cho rất nhiều người nhìn thấy phải than oán mãi không thôi.”

Trong số những người ngồi nghe vị tăng nhân kể chuyện, có một người vô cùng giàu có. Ông ta vốn không tin nhân quả, nên vừa nghe xong thì trong lòng cảm thấy vô cùng bất mãn, liền nói: “Trên thế giới này, cá lớn nuốt cá bé, thú dữ ăn thịt loài thú yếu hơn, vì sao Thần linh không tức giận, phẫn nộ? Chỉ có con người hành ác thì Thần linh mới phẫn nộ? Ta không tin những lời ông nói!”

Vị tăng nhân nói: “Cá và chim là con vật, chẳng lẽ ngài coi con người cũng bằng con vật sao?”

Người giàu có này nghe xong, không nói gì, tức giận, phẩy tay áo bỏ đi.

Ngày hôm sau, người giàu có này tập hợp một số người tìm đến ngôi chùa mà vị tăng nhân tá túc để làm nhục ông. Không ngờ, vị tăng nhân này đã thu xếp hành ly rời đi rồi.

Người ta chỉ thấy trên vách đá có hai mươi chữ, viết rằng: “Nhĩ dã bất tất ngôn, ngã dã bất tất thuyết, lâu hạ tịch vô nhân, lâu thượng hữu minh nguyệt.” (Tạm dịch: Ta không cần phải nói, ngươi cũng không cần phải nói, dưới lầu không bóng người, trên lầu có trăng sáng!”

Về sau, người ta mới hiểu được những dòng chữ này của vị tăng nhân là ám chỉ người giàu có kia đã từng làm rất nhiều việc xấu xa, gian ác, nhưng không có người nào biết rõ cả.

Không bao lâu sau, người giàu có này cũng rơi vào cảnh “cửa tan nhà nát” , “đoạn tử tuyệt tôn”. Đây cũng chính là điều mà mọi người thường nói là, người không tin báo ứng, tất sẽ phải chịu báo ứng.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version