Trước người vợ không nói lý lẽ, nếu chồng chỉ chăm chăm dạy dỗ, nói đạo lý, đó chẳng phải là khởi đầu cho sóng gió gia đình hay sao?
Nếu thật sự yêu bằng tình yêu bao dung, anh sẽ không bao giờ phòng vệ trước mặt cô, chấp nhận việc cô không nói lý lẽ, cố chấp, bướng bỉnh. Bởi vì yêu nên anh mới từ bi với tính cách ngang ngạnh, hay giận dỗi vô cớ của cô. Bởi vì yêu nên giữa lý lẽ và tình cảm, anh vẫn chọn bao dung cô cả đời.
Bản tự thuật của một người chồng kiểu mẫu
Hôm qua tôi chơi cờ với vợ, sau 5 bước đi, tôi thắng. Mặt vợ tôi căng ra, đôi môi phụng phịu, quả quyết rằng quân Mã của cô ấy có thể đi theo hình chữ điền, bởi vì đó là “ngựa ngàn dặm”. Tôi nhịn!
Cô ấy nói quân Sỹ có thể lùi bước, bởi vì Sỹ là một người lính đặc biệt. Tôi nhịn! Không ngờ đi được hai bước, cô ấy lại nhất định đòi phải để Tượng được qua sông. Tôi vẫn nhịn!
Quá đáng nhất là khi cô ấy nói Pháo có thể làm quân ngăn cờ, hơn nữa cách hai con cờ cũng có thể ăn. Cô ấy giải thích: “Bởi lẽ nó là một khẩu pháo phòng không”. Tôi lại nhịn!
Điều không thể chịu đựng được nhất là quân Xe của cô ấy lại có thể quay đầu, cô ấy còn nhất định cãi cố rằng: “Có chiếc xe nào không thể quay đầu cơ chứ?”. Tất nhiên, tôi vẫn nhịn!
Những thứ “vô lý đùng đùng” này tôi đều nhẫn nhịn hết, tiếp tục ván cờ. Ấy vậy mà cuối cùng, cô ấy mặc nhiên lấy quân Sỹ của tôi để giết quân Tướng của tôi, còn nói đó là gián điệp ẩn mình nhiều năm, bây giờ đã có cơ hội hoạt động?!
Cuối cùng cô ấy thắng đậm, vừa cười vui vẻ vừa đi lau nhà, rửa bát, nấu cơm. Đến bữa cơm cô ấy còn rót cho tôi một ly rượu đặc biệt, buổi tối khi đi ngủ tôi vẫn thấy cô ấy nở nụ cười hạnh phúc trên môi.
Tôi nhận ra một thứ, gọi là “đạo lý của lang quân”:
Ở nhà, đừng bao giờ cãi lý với vợ.
Không cần tranh luận, chỉ cần gia đình ấm êm, vạn sự hòa hợp.
Kiểm soát cảm xúc là điều quan trọng nhất.
Giao tiếp được với nhau là nền tảng của hạnh phúc.
Quy tắc là những thứ đã chết, chỉ có người vẫn còn sống.
Những gã đàn ông nói lý lẽ với vợ là những kẻ có vấn đề trầm trọng về IQ.
Nhà là nơi nói lời yêu thương chứ không phải là nơi nói đạo lý.
Bạn đã từng trải qua những chuyện như thế này hay chưa?
Khi tranh luận với phụ nữ, chỉ cần bạn cao giọng một chút thôi thì ngay lúc này, lý do ban đầu khiến đôi bên cãi vã đã không còn quan trọng nữa. Bởi vì, ngay sau đó câu chuyện của bạn sẽ trở thành: “Anh dám quát em, anh thử quát em một câu nữa xem?”.
Tôi hoàn toàn tán thành câu nói: “Trong tình cảm, 99% nguyên nhân của những cuộc cãi vã là vì người đàn ông không biết cách nói chuyện”.
Cô ấy kể với bạn về chuyện bị chèn ép ở văn phòng, bạn chưa tỏ ra cảm thông hay an ủi cô ấy mà đã nói: “Làm việc thì ở đâu cũng thế, đừng quá so bì với người ta”.
Cô ấy vui mừng khoe với bạn chiếc túi đắt tiền mà cô ấy vừa mua. Bạn đến nhìn cũng chẳng thèm nhìn, còn nhắc cô ấy nên ủng hộ các sản phẩm trong nước.
Cô ấy thận trọng ghé vào tai bạn, hỏi nhỏ rằng cô ấy có mập không. Bạn thành thật trả lời: “Có đấy, em nên giảm cân đi”.
Câu nói cắt vào tim, không lựa lời mà nói thì thật khó tránh khỏi cãi nhau.
Vậy đáp án là gì?
Khi cô ấy đang tức giận điều gì đó và phàn nàn với bạn, bạn cần phải đứng cùng chiều với cô ấy, đồng tình với cô ấy. Đạo lý có ai mà không hiểu, chỉ là khi nóng giận con người ta thường quên đi những điều đó. Lúc này bạn chỉ cần đợi cơn giận kia qua đi rồi giải thích cho cô ấy hiểu mọi vấn đề. Đạo lý thì vẫn phải nói, nhưng quan trọng là ta phải đặt mình vào vị trí người khác mà cảm nhận và nhẫn nại, thực tâm muốn tốt cho ái nhân, thì sẽ tự biết lời nào nên nói, và lúc nào nên nói.
Khi cô ấy khoe với bạn về bộ quần áo mới hay bộ đồ nữ trang mà cô ấy vừa mua, bạn hãy khen cô ấy xinh đẹp. Lời ngọt ngào êm tai sẽ khiến cô ấy hạnh phúc, từ đó sẽ càng ngày càng dịu dàng và duyên dáng hơn.
Khi cô ấy giả vờ tự ti về bản thân, nói mình vừa đen vừa xấu, vừa lùn vừa mập… bạn chớ vội tán thành. Tôi có một người bạn, chỉ vì khuyên bạn gái đến phòng tập gym mà cả hai liền chia tay, lý do thật “ngớ ngẩn” nhưng đó là sự thực. Bạn thử nghĩ xem, chỉ cần tế nhị một chút, tâm trạng của cô ấy sẽ tốt hơn, sẽ tỏ ra dịu dàng và ấm áp hơn. Như thế có phải một lời tế nhị hơn vạn lời đạo lý không đúng lúc hay không?
Nói lý mà không từ bi thì bằng xúc phạm người khác
Tôi thường hay gặp những cặp tình nhân cãi nhau trên xe buýt hoặc trong công viên. Mỗi lần nhìn thấy cảnh này, tôi muốn chạy đến nói với người đàn ông kia rằng: Cô ấy cần một cái ôm ấm áp, còn cậu thì ở đây nói đạo lý với cô ấy.
Phụ nữ luôn thích giữ thể diện, họ sẽ cảm thấy mất mặt khi có người la hét họ ở những nơi công cộng. Đúng vậy, phụ nữ cần một người yêu họ, chứ không phải một thầy giáo dạy họ đạo lý làm người.
Rất nhiều cuộc cãi vã trên thực tế không có đúng sai, thứ phụ nữ cần không phải là được nghe lý lẽ, mà thái độ của đối phương.
Trong chuyện tình cảm, tranh luận là cả một quá trình cân nhắc “nên” và “không nên”, thắng thua không quan trọng, yêu hay không yêu mới là quan trọng.
Học cách nhận thua còn quan trọng hơn nói lý lẽ
Anh là một nhà hùng biện có tiếng, lời nói của anh sắc bén, hóm hỉnh và luôn khiến người khác phải khâm phục vì những luận điểm không thể thuyết phục hơn. Ấy thế mà, ở nhà anh lại là một kẻ bại trận.
Bởi vì, lần nào cãi nhau với vợ, anh cũng thua!
Một lần anh và vợ đi dạo phố, vợ anh nhìn thấy một chiếc túi hàng hiệu rất đẹp, nhưng vì nó quá đắt nên anh đã cố khuyên vợ đừng mua. Anh dùng rất nhiều số liệu và dữ liệu để chứng minh rằng: Chiếc túi này có giá quá cao không phù hợp với tình hình tài chính và thu nhập của gia đình.
Nhưng vợ anh không hề bị lay động, cô nhìn chồng rồi nói: “Vậy những thứ đạo lý kia quan trọng, hay em quan trọng?”. Một câu nói ấy đã khiến anh không thốt nên lời.
Vì sao trong các cuộc cãi vã, đàn ông luôn là bên thua cuộc? Bởi vì đàn ông luôn cố gắng nói đạo lý.
Nhưng với phụ nữ, lúc đó đạo lý không còn là đạo lý, mà là để che đậy. Việc che đậy là khởi đầu của sự lừa dối. “Anh không muốn mua cho em chiếc túi xách cũng đồng nghĩa với việc anh không yêu em”.
Vì thế, mặc dù đã kết hôn nhiều năm, nhưng trong tất cả các cuộc tranh cãi anh chưa từng thắng lấy một lần.
Bạn đang nghĩ anh ấy là “kẻ thất bại” phải không? Không hẳn vậy!
Anh từng nói rằng: Những người đàn ông chịu lép vế trong các cuộc tranh luận, bề ngoài là thua rồi, nhưng ngược lại cũng có thể gọi là đã thắng.
“Thắng” là như thế nào?
Đó là một thứ tình cảm đơn thuần, trong sáng, là tình yêu không bao giờ che đậy, là trái tim không bao giờ ngụy trang. Bởi vì, dù là người đàn ông nhận thua hay người phụ nữ không nói đạo lý, tất cả mọi hành xử của họ đều xuất phát từ tình yêu.
Bởi vì yêu không điều kiện, mà anh loại bỏ tất cả mọi phòng bị trước mắt em, chấp nhận việc em không nói lý lẽ, cố chấp, bướng bỉnh.
Bởi vì yêu không điều kiện, nên anh luôn bao dung tất cả mọi tật xấu của em, sẵn sàng nhận tất cả lỗi về mình.
Người ta nói rằng hôn nhân là một ván cờ. Vậy khi bạn đã lựa chọn tiến vào hôn nhân, thì hãy sẵn sàng “nhận thua” một ván cờ…
Ngọc Linh
Theo Apollo