Đại Kỷ Nguyên

Nét chữ nết người: Rèn chữ là luyện tâm, nét bút thể hiện tính cách

Người xưa có câu “Nét chữ nết người” quả không sai. Chữ viết ngoài việc dùng làm thông điệp truyền tải thông tin còn biểu hiện ra trạng thái nội tâm của một người, do đó rèn chữ cũng như rèn người.

Việc đọc vị tính cách của một người thông qua nét chữ viết tay của người đó chính là một bộ môn khoa học, hay còn gọi là “Thư bút học”. Đây là ngành học về chữ viết, được áp dụng để phân tích nhân phẩm, tính cách, khả năng của một người thông qua chữ viết của họ. Ngoài ra, trong lĩnh vực y học, có thể áp dụng thư bút học vào việc chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh tình của bệnh nhân.

Chúng ta thường ký tên trên thư từ và văn bản, mà không ngờ rằng bút tích có thể hiện thị ra tính cách của một người. Nhưng, bút tích chung quy lại là sự hình thành hậu thiên. Nét chữ của người viết là dựa trên sự khác nhau như là tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, v.v. được tạo nên mà thành.

Từ nét chữ của một người chúng ta có thể phân tích tính cách của người này. Giả dụ như một người có tính cách vững vàng thì từng ly từng nét đều thể hiện ra sự sạch sẽ gọn gàng, ngay ngắn cứng rắn; mà người có tính cách yếu mềm, thì dáng chữ lại phần nhiều giống như vô lực, yếu nhược.

Nhà văn học Tây Hán nước ta – Dương Hùng nói rằng: “Chữ cũng là tâm người viết. Tâm vẽ ra hình mà có thể phân biệt được người chính hay tà”.

Chữ cũng là tâm người viết. (Ảnh: vitetquenha.com)

Hiện nay ở phương Tây, việc phân tích nét bút đã thâm nhập vào các ngành các nghề, như tuyển dụng, lên lớp học cao hơn, chọn nghề nghiệp, giám định tư pháp v.v. các phương diện đều có thể xem dấu tích của nó.

Các nhà tâm lý học bút ký còn cho rằng giữa nét chữ và sức khỏe tâm lý cũng có thể hiện sự liên quan với nhau. Họ thông qua phân tích độ nghiêng, độ yếu mạnh, kiểu chữ và kết cấu chữ, khoảng trống giữa các nét trong từ và khoảng cách giữa các chữ, phong cách chữ ký, v.v. mà phán đoán ra chuẩn xác vấn đề về phương diện tâm lý của người viết.

Mối tương quan giữa chữ viết và tính cách con người

Nghiên cứu bút tích học người ta phân thành 7 loại lớn:

– Lực nén của nét chữ phản ánh năng lượng thân thể và tinh thần của người viết.

– Phương thức kết cấu chữ viết đại biểu thái độ của người viết đối diện với thế giới bên ngoài.

– Nét chữ to nhỏ là phản ánh ý thức của bản thân.

– Ngay cả trình độ bút pháp cũng phản ánh tính hài hòa của tư duy và hành vi.

– Phương hướng chữ và hàng chữ là phản ánh tính tự chủ của con người và quan hệ xã hội.

– Sự nhanh chậm của tốc độ viết và sự hiểu biết của con người có quan hệ với nhau.

– Bố cục của toàn bộ bài viết phản ánh thái độ và phương thức nắm bắt của người viết đối với thế giới bên ngoài.

Dưới đây là một số mối tương quan giữa chữ viết và tính cách trong khi thể hiện chữ viết tay trên văn bản mà bạn có thể chiêm nghiệm:

1. Kích thước

Nếu bạn viết chữ lớn thì bạn là người dễ gần, sống có định hướng, thẳng thắn và thích được người khác chú ý. Điều này cũng có nghĩa bạn là một người cầu tiến và tự tin. Nếu bạn viết chữ vừa thì bạn là người giỏi sắp xếp và dễ thích nghi. Còn nếu bạn viết chữ nhỏ thì bạn là người hay e thẹn, sống khép kín, siêng năng và tỉ mỉ.

2. Khoảng cách

Nếu khoảng cách giữa các chữ viết rộng thì bạn là người yêu thích sự tự do, không thích sự choáng ngợp hoặc đám đông. Ngược lại, nếu khoảng cách giữa các chữ hẹp thì bạn lại không thể chịu được việc phải ở một mình, bạn ưa thích sự ồn ào và náo nhiệt.

Khoảng cách giữa các chữ viết rộng thì bạn là người yêu thích sự tự do, không thích sự choáng ngợp hoặc đám đông. (Ảnh: youtube.com)

3. Cách nhấn chữ

Nếu bạn nhấn chữ mạnh thì bạn là người luôn giữ giao ước và nói chuyện một cách nghiêm túc. Ngoài ra, nếu bạn nhấn chữ rất đậm sẽ biểu thị sự bồn chồn và bạn là người có xu hướng phản kháng lại sự phê bình một cách nhanh chóng.

Nếu bạn nhấn chữ nhẹ thì bạn thuộc tuýp người nhạy cảm, dễ dàng bộc lộ cảm xúc. Nhưng xét về khía cạnh y học, việc này cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể có một sức khỏe không tốt.

4. Cách đánh dấu chữ “i”

Nếu bạn đánh dấu chữ “i” quá cao thì bạn là người có trí tưởng tượng phong phú. Nếu bạn đánh dấu nghiêng qua bên trái chữ “i” thì bạn là người hay chần chừ. Ngược lại, nếu bạn đánh dấu nghiêng qua bên phải chữ “i” thì bạn vạch ra định hướng cụ thể, rõ ràng, bạn cũng là người có óc tổ chức và dứt khoát trong hành động, lời nói.

Ngoài ra, bạn sẽ là người có xu hướng quan trọng hóa vấn đề hoặc không giữ được bình tĩnh nếu bạn đánh dấu chéo nhỏ lên chữ “i”. Hoặc, bạn là người hay mơ mộng với nét tính cách trẻ con nếu bạn đánh dấu vòng tròn lên chữ “i”.

5. Chữ ký

Nếu chữ ký của bạn loằng ngoằng như vẽ giun vẽ dế trên giấy khiến không ai có thể dịch ra nổi, thì bạn đích thị là người khó hiểu, thích sống một mình. Còn ngược lại, chữ ký của bạn rõ ràng và dễ đọc, thì bạn là mẫu người tự tin, thoải mái thể hiện bản thân mình.

6. Độ nghiêng

Nếu chữ viết của bạn thường nghiêng sang trái, thì bạn là người có xu hướng thích sự riêng tư. Ngược lại, nếu chữ viết của bạn nghiêng sang phải, thì bạn là người có xu hướng hòa đồng và thích làm việc với những con người mới/môi trường mới. Với trường hợp chữ bạn viết thẳng, thì bạn thường không biểu lộ cảm xúc ra ngoài nhiều, bạn cũng là người khá logic và thực tế.

7. Cách gạch ngang trong chữ “t”

Gạch ngang trên đỉnh chữ “t” biểu thị bạn là một người có nhiều tham vọng, lòng tự trọng cao và lạc quan. Nếu gạch ngang được đặt giữa chữ “t” thì bạn là người tự tin và cảm thấy thoải mái với chính mình.

Nếu đường gạch ngang quá dài chứng tỏ bạn là người kiên quyết và hăng hái. Tuy nhiên bạn cũng là mẫu người khá bướng bỉnh. Ngược lại, nếu đường gạch ngang quá ngắn thể hiện bạn là người thiếu kiên quyết, và đôi khi khá lười biếng nữa.

8. Cách móc chữ “l”

Bụng chữ “l” của bạn nhỏ tí xíu, lép xẹp thì bạn đích thị là người nghiêm khắc với bản thân, và điều này thường khiến bạn căng thẳng. Ngược lại, bụng chữ “l” rộng cũng sẽ tỷ lệ thuận với sự rộng rãi của bạn, bạn còn là người dễ dàng thể hiện bản thân.

Nhìn chữ viết chúng ta có thể đoán ra tính cách của một người. (Ảnh minh hoa: quora.com)

9. Cách viết đuôi chữ “y”

Các móc đuôi chữ “y” thường sẽ bật bí về tính cách của bạn. Nếu bạn móc một cái đuôi rộng, nghĩa là bạn đã có một vòng tròn lớn bạn bè xung quanh. Trong khi đó, nếu bạn móc một cái đuôi “mảnh mai” cho biết rằng bạn khá kỹ tính trong việc chọn lọc và gần gũi với bạn bè.

Ngoài ra, một nét móc ngắn có nghĩa là bạn có xu hướng thích quanh quẩn ở nhà, trong khi một nét móc dài lại thể hiện rằng bạn là một tín hiệu thích chủ nghĩa “xê dịch”.

10. Hình dáng chữ viết

Bạn là người có đầu óc sáng tạo và thiên hướng nghệ thuật nếu chữ viết của bạn có hình dáng tròn tròn. Trong khi đó, những người viết chữ dáng nhọn sẽ là những người có tính cách quyết liệt, sôi nổi và thông minh, hiếu kỳ.

11. Tốc độ viết

Bạn sẽ là người thiếu kiên nhẫn và không thích trì hoãn những công việc gây tốn thời gian nếu có xu hướng viết chữ nhanh. Ngược lại, nếu viết chậm chứng tỏ bạn là người có óc tổ chức tốt, ngăn nắp và độc lập.

12. Chữ viết phát hiện nói dối

Khi những chữ cái được viết dính sát lại, đi lệch khỏi hàng hoặc khác biệt hơn so với những phần chữ khác thì có thể là một dấu hiệu để nhận biết rằng ai đó đang nói dối. Không cần nhìn mặt, nhìn chữ thôi cũng đủ “bắt thóp” nhau rồi nhé!

Tầm quan trọng của luyện chữ viết

Tuy chữ viết là một nét đẹp truyền thống, nhưng ngày nay hầu như việc “rèn chữ” được xem như hình ảnh “hoài cổ” bởi tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Khi cuộc sống hiện đại có nhiều công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc viết lách, soạn thảo văn bản, nhiều người trong chúng ta thậm chí còn nói đùa rằng “cầm bút thấy run tay” vì đã quá lâu rồi, chúng ta quen bấm bàn phím máy tính, bàn phím điện thoại thay vì cầm một cây bút và “nắn nót” những dòng chữ. Trường hợp chủ yếu khiến chúng ta phải dùng bút ở thời đại hôm nay có lẽ là ký tên vào các loại giấy tờ.

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt xưa có câu: “Nét chữ nết người”, họ xem việc luyện chữ rất quan trọng và ý nghĩa trong việc xây dựng hình thành nhân cách con người.

Một số nhà khoa học cho rằng việc viết tay sẽ đưa lại cho trẻ nhỏ những lợi ích ở hệ thần kinh. Giáo sư Virginia Berninger của trường Đại học Washington (Mỹ) cho rằng việc viết tay sẽ kích thích trí não, giúp trẻ tập trung sâu hơn vào ngôn ngữ viết. Một nghiên cứu hồi năm 2012 đối với 15 trẻ nhỏ cho thấy việc viết tay giúp các trẻ đọc thông viết thạo nhanh hơn, vững hơn.

Nhiều người cũng cho rằng việc luyện chữ đẹp sẽ góp phần đưa lại những kỹ năng liên quan tới việc tạo ra cái đẹp, đòi hỏi sự khéo léo của những ngón tay.

Khôi phục văn hóa luyện chữ luyện người bằng niềm đam mê thư pháp

Giờ đây, nghệ thuật khắc chữ lên phiến đá đã trở nên xa lạ, nghệ thuật chấm ngòi bút vào lọ mực cũng trở nên “cổ lỗ”, hầu như chẳng còn ai dùng máy đánh chữ nữa… Cùng với nền văn minh hiện đại, luôn có những thứ bị bỏ lại gây nhiều tiếc nuối cho những thế hệ đã từng quen thuộc với nó. Những giá trị văn hóa mà chúng ta từng gửi gắm vào nét chữ viết tay cũng đang dần thay đổi trong thời đại mới, một sự thay đổi khác biệt hẳn so với hàng ngàn năm lịch sử viết lách của loài người trước đây.

Tuy nhiên bên cạnh đó, tại Việt Nam cũng có một phong trào rất hay, được đông đảo bạn trẻ yêu mến, đó chính là các câu lạc bộ thư pháp mọc lên khắp mọi nơi từ thành thị cho đến nông thôn. Các bạn trẻ hầu như yêu thích dùng cọ lông họa chữ để tạo nên những tác phẩm đẹp mắt cho riêng mình. Đây là loại hình giải trí thư giãn độc đáo mang lại nhiều lợi ích về tinh thần cho con người thay vì mải mê lướt điện thoại, mạng xã hội, chơi game…

Một buổi sinh hoạt của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ thư pháp trẻ Dak Lak. (Ảnh: baodaklak.vn)

Thư pháp là một loại hình nghệ thuật cao quý có tính phô diễn khí phách của con người. Nó bày tỏ được tâm thái, cảm quan của người viết, là nghệ thuật đạt mỹ cảm của con người, hướng đến nhân sinh quan với những giá trị đạo đức và mỹ học.

Khi thưởng thức những bức tranh bằng chữ người ta cảm thấy rất nhiều điều thú vị từ nội tâm, bởi vì nó không chỉ truyền tải được thông tin nhân văn, mà còn tạo cho con người một sự thu hút trong cách họa chữ. Khi chính tay mình viết thư pháp, lại càng có điều kiện chiêm nghiệm những thú vui trong bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Bởi luyện chữ cũng chính là luyện Tâm, “vì con tim vui mà múa bút”. Khi tâm tập trung, nét chữ theo tay mà xuất hiện và tâm sẽ hiện trong chữ.

Mỗi tác phẩm thư pháp là một sự thể nghiệm về sức mạnh nội tâm của con người. Rèn thư pháp có thể giúp khơi dậy những tình cảm trong sáng lành mạnh, loại bỏ những suy nghĩ vẫn vơ và nhỏ nhen, khiến cho tâm hồn được rộng mở. Đây là loại hình vừa nâng cao năng lực thẩm mỹ vừa tạo hiệu quả trong rèn luyện tâm tình, tu thân dưỡng tính.

Vì chữ viết có thể phản ánh nội tâm con người, nên việc rèn chữ là một nét đẹp truyền thống cần được duy trì và phát huy song song với việc ứng dụng công nghệ trong công việc đời sống. Và việc rèn thư pháp cũng rất hay, do đó cần tạo điều kiện nhiều hơn để các bạn trẻ có cơ hội hòa nhập vào giá trị văn hóa truyền thống này, để hình thành nhân cách vững vàng khi bước vào đời thay vì dán mắt vào thế giới ảo như mạng xã hội, game, tránh xa các hệ lụy không mong muốn như tình hình bạo lực học đường, tự kỷ, cận thị… hiện nay.

Nhã Thanh

Exit mobile version