Ngày nay khi việc lựa chọn giới tính cho thai nhi và những hệ lụy đau lòng như nạo phá thai, mất cân bằng giới tính dẫn tới tệ nạn xã hội…đang khiến mọi người đều cảm thấy lo ngại, thì câu hỏi “sinh con để làm gì” và “làm phụ nữ có thật sự khổ?” lại chính là câu trả lời cho nhận thức đúng đắn hơn.
Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN (UNFPA), tỷ lệ giới tính của trẻ em sơ sinh bình thường dao động từ 102 – 106 bé trai/100 bé gái. Đó là mức cân bằng của tự nhiên, và khi có nhiều bé trai được sinh ra hơn so với bé gái thì đó là dấu hiệu của sự lựa chọn giới tính. Vào năm 2016, tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn đang ở mức chênh lệch khá lớn 112,2 bé trai/100 bé gái (theo điều tra biến động dân số 2016). Dự báo xấu nhất đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3 – 4,3 triệu đàn ông. Và ở quốc gia hàng xóm, Trung Quốc, ước tính trong 3 thập kỷ tới sẽ có 30 triệu đàn ông không thể lấy được vợ.
Hiểu sai về vai trò của người nam và người nữ trong gia đình, xã hội và tự nhiên
Người ta vẫn luôn mặc định rằng ở nhiều quốc gia châu Á, tư tưởng Nho giáo truyền thống nối dõi tông đường, “trọng nam khinh nữ” đã nảy sinh ra tâm lý thích sinh con trai của người dân. Thậm chí mong muốn còn trở nên cực đoan như: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” – sinh được một con trai là được xem là có con, có sinh 10 con gái thì cũng như không. Thật ra câu “trọng nam khinh nữ” không có ý coi thường người phụ nữ, nó bắt nguồn từ cụm từ “Nam tôn nữ ti” trong Kinh Dịch. Trong đó “Tôn” là cao, “Ti” là thấp. Là hai từ chỉ vị trí cao thấp. “Thiên Tôn Địa Ti” là để diễn tả ý nghĩa “Trời ở trên Đất ở dưới, Trời cao Đất thấp”, là một cách dùng để miêu tả trạng thái tự nhiên. Nam nữ cũng như hai mặt của một bàn tay, cái trên, cái dưới nhưng bàn tay không thể thiếu mặt nào và mỗi mặt có một chức năng, nhiệm vụ riêng mà không thể thay thế cho nhau được.
Làm một người đàn ông – tạo vật đặc biệt của tự nhiên, nếu muốn hợp với “Đạo”, nhất thiết phải giống như Trời. Cao vang công chính (ở địa thế trên cao, âm thanh vang rộng công bằng chính trực). Làm một người phụ nữ – tạo vật đặc biệt của tự nhiên, nếu muốn hợp với “Đạo”, nhất định phải giống như Đất, to lớn khiêm nhường, bao dung, lấy đức dày chở muôn vật, vô tư vô oán.
Ở Nhật Bản, một đất nước thực hành Nho giáo trong nhiều mặt của đời sống, cứ 3 người phụ nữ thì có 1 người muốn ở nhà làm bà nội trợ. Cũng như nam giới Nhật Bản, họ đều được hưởng một nền giáo dục tiên tiến và văn minh. Vậy điều gì đã làm cho người phụ nữ Nhật tự nguyện lựa chọn trở thành người đứng sau các đức ông chồng, thay vì có thể ra ngoài xã hội cáng đáng một công việc với mức thu nhập tốt hơn? Xã hội Nhật công nhận việc nội trợ vất vả và đòi hỏi kỹ năng, kiến thức như bất kỳ nghề nghiệp nào và bà nội trợ cũng có lương. Có thể nói rằng, Nhật Bản trở thành một trong những nền văn minh tiên tiến nhất trên thế giới ngày nay cũng có những đóng góp tận tụy âm thầm của hàng triệu bà nội trợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình Nhật Bản vì thế luôn được đề cao, tôn trọng. Nếu người phụ nữ lựa chọn việc làm đúng thiên chức của mình và người đàn ông cũng vậy thì gia đình và xã hội sẽ đều được lợi.
Vậy thì vì sao phụ nữ Việt Nam lại khổ? Đó là bởi vì người phụ nữ hiện đại vừa phải lo cho gia đình, vừa phải đi làm kiếm tiền. Chính cái gọi là “bình đẳng nam nữ” nên đi làm kiếm tiền được cho là việc đương nhiên của cả người đàn ông lẫn người phụ nữ. Và cũng chính vì thế, khi người phụ nữ phải gánh thêm toàn bộ công việc nội trợ, thì hiển nhiên người phụ nữ đang phải hy sinh quá nhiều.
Vậy nên việc hiểu sai vai trò của người nam và nữ trong đời sống đã nảy sinh quan niệm lệch lạc, khiến người ta cảm thương cho thân phận người phụ nữ. Cùng với sự giới hạn về số con được phép sinh nên họ muốn lựa chọn giới tính cho con mình, cũng là để mong cho chúng đỡ phải khổ. Đó hoàn toàn là từ việc hiểu sai về sự hòa hợp của tự nhiên, âm dương đều có an bài vị trí của mình.
Trong gia đình, nam nhân chính trực cao thượng, nữ nhân nhã nhặn khiêm hòa, khoan dung, thì gia đình không có một lý do nào dẫn tới sự bất hòa hay bất bình đẳng. Ở trong xã hội cũng như vậy, người phụ nữ cũng tự nhiên có được địa vị tương ứng và sẽ không có sự kỳ thị, coi thường.
Và khi xã hội coi trọng người phụ nữ, sẽ có những sự bảo đảm, bảo vệ nhất định dành cho họ chứ không phải người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông. Ví dụ như ở Nhật thì người phụ nữ ở nhà làm nội trợ cũng được trích lương của chồng trả thẳng vào tài khoản riêng của mình. Họ sẽ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông như ở những quốc gia không có chế độ này.
Giới tính không làm ai đó khổ hơn, mà là việc họ không thể vững vàng trước định kiến của xã hội, tất cả đều là do giáo dục mà thành. Cách con gái bạn nhìn nhận tiếp thu những cái mới như thế nào, cách cảm nhận thế giới và sống trong nó như thế nào cũng là từ giáo dục mà ra. Bậc làm cha mẹ nên cố gắng làm tốt nhất điều đó có thể, giáo dục con thành người phụ nữ biết tìm kiếm và tạo ra hạnh phúc cho bản thân mình và hơn cả là cho những người khác nữa.
Đặt trách nhiệm khiến bố mẹ hạnh phúc, an toàn lên vai con cái
Bên cạnh đó, mong mỏi sinh con trai các nước châu Á còn xuất phát từ quan niệm con trai sẽ là nơi nương tựa của cha mẹ lúc về già và “con gái là con người ta”, “con rể là khách”. Đồng thời gia đình cần nhân lực khỏe mạnh để làm kinh tế tốt hơn cũng là yếu tố quan trọng đối với những vùng nông thôn, vùng biển hay ở các khu vực có nghề khai khoáng, lâm nghiệp…
Trong cuộc đời một con người, khi còn nhỏ tuổi và lúc về già là những thời điểm con người ta cần tới sự chăm sóc của người khác nhất. Do đó mới có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Đặc biệt tại những nơi phúc lợi xã hội chưa hoàn thiện thì phần lớn thế hệ già đều phải dựa vào con cái và coi đó là trách nhiệm báo đáp của chúng.
Trái với Việt Nam, Trung Quốc, mặc dù cũng phải đối mặt với sự chênh lệch giới tính trong xã hội nhưng hầu hết người dân Anh Quốc lại thể hiện khao khát có một đứa…con gái. Theo giáo sư Stephen Wilkinson thuộc Đại học Lancaster: “Rất nhiều ông bố, bà mẹ có mối quan hệ đặc biệt chỉ với những đứa trẻ thuộc giới tính này chứ không phải giới tính kia. Những người phụ nữ đã có vài đứa con trai rất mong muốn có thêm một cô con gái để có thể thể hiện cảm xúc của mình. Theo họ thì mối quan hệ giữa mẹ – con gái khác hơn hẳn với con trai. Những cảm xúc yêu thương với con gái sẽ mạnh mẽ hơn nhiều”.
Hơn nữa các bé gái thường ít có khả năng dính vào những vấn đề phiền toái trong quá trình trưởng thành hơn các cậu con trai, như việc sa vào những tội ác như băng đảng, đánh nhau, hút hít…Ở các quốc gia phát triển, con gái ngày nay không còn là gánh nặng tài chính nữa, họ có khả năng kiếm tiền như đàn ông và hoàn toàn có thể tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Hơn nữa ở Anh thì con gái sẽ là người chăm sóc cha mẹ lúc về già. “Tất nhiên, tôi sẽ chăm sóc bố mẹ khi họ già yếu. Tôi có anh trai, nhưng họ thì được việc gì chứ?”, một nữ sinh viên đã chia sẻ như vậy.
Có thể thấy dù quan niệm về người phụ nữ và nam giới có khác nhau ở phương Đông và phương Tây, nhưng họ đều có xu hướng ưu tiên một giới tính nào đó hơn cho con cái mình. Người ta sinh con, phần nhiều lý do là để có chỗ dựa lúc về già, là của để dành, là tương lai của mình, là nơi chia sẻ ngọt bùi trong cuộc sống, hay thậm chí thực dụng hơn là để có lực lượng lao động cho gia đình. Vì thế nó đã đi kèm với lợi ích và mong mỏi của họ, thế thì việc gì mà không lựa chọn giới tính cho con nếu có thể. Tùy theo quan niệm về giới tính nào có lợi hơn mà họ lựa chọn sinh con trai hay con gái. Đó là một sự truy cầu cho lợi ích bản thân sau này, kèm với trách nhiệm nặng nề đặt lên vai đứa trẻ.
Người ta thích có con này con nọ là bởi vì họ đã đặt kỳ vọng vào đứa trẻ, họ gán cho chúng nhiệm vụ và mong mỏi phải trở thành như thế này như thế kia. Con gái thì sẽ tình cảm, sẽ là nơi nương tựa khi về già, tâm sự khi vui buồn… Con trai thì sẽ là trụ cột, chăm lo đỡ đần những việc nặng cho bố mẹ… Nếu không vì sự suy tính cho tương lai thì người làm bố làm mẹ đã không đặt nặng vấn đề giới tính của con mình.
Chẳng nhẽ chúng ta sinh con ra là để giúp làm việc nhà, kiếm tiền, mua vui lúc mình già cả, làm y tá lúc mình ko thể tự chăm lo cho bản thân và để có người chống gậy lúc mình từ giã cõi đời sao? (lúc đó, việc bị muối mặt hay mát lòng mát dạ hình như chả còn ý nghĩa gì nữa). Con cái không phải tài sản thuộc sở hữu bố mẹ, cũng không phải cục đất sét để chúng ta nhào nhặn. Chúng ta càng không có năng lực có thể quết định cuộc đời ai đó mặc dù đó là con cái của mình.
Chúng ta không đủ dũng cảm để dậy con cách đứng thẳng trong xã hội phân biệt nam nữ.
Chúng ta không đủ kiến thức để dậy con làm người tốt đáng chân trọng hơn làm người cứ phải nghe định kiến xã hội mà sống.
Chúng ta không đủ mạnh mẽ để làm ngơ những lời nhận xét vô tình rằng mình không biết đẻ, rằng con mình sẽ khổ, mình sẽ khổ.
Chúng ta cũng không đủ tự tin rằng sẽ nuôi dậy một con người biết hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh, thay vì đó lại nghĩ giới tính có thể khiến họ đỡ khổ hơn.
Và cuối cùng, đa số chúng ta không thể an nhiên tự tại với cuộc sống của mình mà lại đặt trách nhiệm phải khiến mình hạnh phúc và thoải mái lên vai những đứa con, thế nên chúng ta mới ước mơ giới tính cho chúng.
Việc lựa chọn giới tính khi sinh là làm trái với tự nhiên. Mà điều gì làm mất sự cân bằng của tự nhiên của sự vận hành hay còn gọi là Đạo của Trời Đất thì sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Tuy nhiên cũng có những người mẹ sinh con ra là để nuôi dưỡng những con người mới cho xã hội, vì thế chúng trước hết phải là người tốt. Nếu xuất phát điểm là vì mong con sẽ báo đáp mình, họ sẽ nuôi con để trở thành người thành đạt, giỏi giang theo tiêu chuẩn của xã hội. Nếu xuất phát điểm là vì có trách nhiệm với cộng đồng, họ sẽ nuôi dạy con trở thành người tốt.
Khi bạn luôn cố gắng nuôi dưỡng con mình thành người tốt mà không có đòi hỏi, áp đặt nào cho con, thì chắc chắn trong tương lai cá nhân có đạo đức đó sẽ không thể cư xử không tốt với bố mẹ mình. Còn khi bạn có quá nhiều kỳ vọng và áp lực, không có gì đảm bảo rằng con bạn sẽ không lớn lên trong sự oán trách hoặc căng thẳng, lệch lạc trong nhận thức. Chưa kể chúng sẽ tự xa rời bạn để đi tìm tự do cho mình. Nếu có buộc phải làm tròn chữ Hiếu, cũng là không chân thành và tự nguyện.
Bạn không thể buộc con phải báo đáp công ơn nuôi dậy của mình, nhưng bạn có thể khiến con bạn muốn được báo đáp mình. Hãy lựa chọn hạnh phúc tự tại từ chính bản thân mình, sự dũng cảm đối diện với mọi thành kiến, sự nghiêm túc trong việc giáo dục một con người và tình yêu thương không điều kiện với con cái, thay vì lựa chọn giới tính cho chúng.
Thu Hiền
Xem thêm: