Đại Kỷ Nguyên

Nếu trở lại tuổi 21 rạng rỡ ánh ban mai, có 10 điều tôi sẽ không thể nào bỏ lỡ (P.2): Học cách hài lòng

Nếu được trở lại tuổi 21, sống những ngày thanh xuân sôi động và rực rỡ sắc màu ấy, bạn sẽ làm gì? 21 tuổi, liệu bạn có nghĩ rằng kết hôn là một việc vô cùng đúng đắn và thú vị?

Được xuất bản từ năm 1920, cho tới nay cuốn “The Business of Living” (Tạm dịch: Nhiệm vụ sống) của Frank Crane vẫn được xem như một cuốn sách quý giá bởi nó là tập hợp những chiêm nghiệm thâm sâu của ông về cuộc đời và con người. 

Hãy cùng tiếp tục theo dõi một trích đoạn từ cuốn sách để tìm cho mình một khoảng lặng, để suy ngẫm về những điều đã qua, để thay đổi những điều mình cần thay đổi và để trả lời cho mình câu hỏi: “Khi những ngày tháng ta đang sống qua đi, liệu ta có hối tiếc về điều gì?”

Tiếp theo Phần 1.

6. Nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ kết hôn

Tôi sẽ không đợi cho đến khi đủ tài chính mới lấy vợ. Tôi sẽ kết hôn ngay cả khi đang nghèo khó và kết hôn với một cô gái không giàu có như tôi. Tôi đã gặp nhiều kiểu phụ nữ khác nhau, và phần lớn những người thành công nhất là những người kết hôn khi họ trong tình trạng không khá giả về tài chính.

Bất kỳ một người trẻ 21 tuổi nào đều có cơ hội hạnh phúc, trưởng thành về đạo đức và thành công hơn nếu người đó kết hôn, khác hẳn với người chưa kết hôn.

Tôi đã kết hôn khi còn trẻ và lúc đó tôi rất nghèo. Tôi đã từng ở những nơi khó khăn, chứng kiến sự nghèo đói và những thử thách. Và tôi đã từng thành công nhiều hơn tưởng tượng nhưng không phải tất cả đều đến cùng một lúc. Tại một thời điểm, hoặc thất bại hoặc thành công. Dù vậy, tôi thấy rằng trải qua thăng trầm tốt hơn so với việc ở mãi trong một trạng thái. Người vợ thân yêu của tôi đã giúp cho mỗi niềm vui của tôi được nhân đôi và mỗi thất bại của tôi giảm đi một nửa.

Ngày nay nhiều người trẻ tuổi mắc sai lầm và kết hôn với người không phù hợp với họ, nhưng tôi nhận thấy rằng “Không cái dại nào giống cái dại nào”. Càng kết hôn muộn thì càng dễ mắc sai lầm. Những cặp vợ chồng thành công nhất trong hôn nhân là những người kết hôn khi còn trẻ và cùng nhau trưởng thành. Không chỉ là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tôi muốn nói đó là cuộc hôn nhân thành công.

Nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ kết hôn. (Ảnh dẫn theo aocuoieva.com)

7. Nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ tiết kiệm tiền

Trong thế giới này, tiền là một phương tiện giúp giải quyết những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống và tôi cũng có tiền dành dụm của riêng mình. Không ai không thể tiết kiệm được một chút tiền.

Mỗi người đều có thể sống bằng chín phần mười những gì anh ta có và tiết kiệm một phần mười còn lại. Và người nào thường xuyên không tiết kiệm tiền là người không khôn ngoan. Dù kiếm được 1000 đô la một ngày hay chỉ 1 đô la một ngày cũng đều cần tiết kiệm.

8. Nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ học nghệ thuật hài lòng

Phần lớn sự hài lòng trong cuộc sống đến từ việc những người xung quanh bạn khiến bạn hài lòng hoặc thoải mái. Do đó, thay vì muốn người khác thay đổi làm hài lòng bản thân mình, tôi sẽ hình thành thói quen và rèn luyện phong cách để làm hài lòng mọi người.

Ví dụ, tôi sẽ chú ý tới vẻ bề ngoài của mình để trông thật sạch sẽ, chỉn chu và lịch sự trong mắt mọi người. Tôi sẽ đúng giờ, bởi vì để người khác phải chờ đợi mình chính là hành động vô lễ và ích kỷ.

Nếu giọng nói của tôi khiến người khác không được thoải mái hoặc khiến ai đó giật mình, tôi sẽ luyện tập cho đến khi âm điệu trở nên dễ nghe. Tôi sẽ nói chậm. Tôi sẽ không lầm bầm, mà sẽ học cách nói chuyện sao cho rõ ràng, rành mạch và lưu lại sự ấm áp trong lòng người.

Tôi sẽ học nghệ thuật giao tiếp. Tôi sẽ trang bị cho bản thân mình khả năng giao tiếp với cả những người cáu bẳn nhất, nhàm chán nhất. Bí mật của việc trở thành nhà ngoại giao tốt chính là quan tâm tới người khác một cách chân thành, không ích kỷ. Hãy thực hành nhiều hơn để có thể làm được điều này. Hơn thế nữa, giao tiếp tốt nằm ở việc khích lệ người khác nói chứ không phải chỉ mình bạn thao thao nói.

Tôi sẽ không tranh cãi. Tôi chưa bao giờ thấy một người nào trong cuộc đời tôi từng bị thuyết phục bởi lập luận. Thảo luận thì được nhưng không tranh cãi. Sự khác biệt chính là: trong cuộc thảo luận bạn đang tìm kiếm sự thật, còn trong lập luận bạn muốn chứng minh rằng bạn là đúng.

Do đó, trong thảo luận, bạn thành tâm muốn biết quan điểm của người khác, và bạn lắng nghe họ nói. Ngược lại, trong tranh cãi, bạn không quan tâm đến ý kiến của ai cả, bạn muốn mọi người nghe bạn, vì vậy khi nói chuyện, bạn chỉ đơn giản nghĩ đến những gì bạn sẽ nói ngay khi bạn có cơ hội.

Nói khái quát hơn chính là tôi sẽ học cách nghĩ tới người khác, đặt mình là họ chứ không yêu cầu họ phải là mình.

Nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ học nghệ thuật hài lòng. (Ảnh dẫn theo antra.edu.vn)

9. Nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ xác định, ngay cả khi không thể trở thành một ai cả, tôi vẫn sẽ luôn là một con người dũng khí

Dũng khí dường như là một từ rất khó định nghĩa, thậm chí hoàn toàn không định nghĩa được. Nhưng tất cả chúng ta đều biết dũng khí nghĩa là gì.

Dũng khí là phẩm chất của một con người dù thua nhưng không cay cú, có thể thất bại mà không than vãn, thay vào đó họ sẽ mỉm cười và làm lại một lần nữa. Ở những con người dũng khí, hào hứng và can đảm của họ không phụ thuộc vào thành công hay thất bại. Họ luôn dũng cảm và ngọt ngào ngay cả trong thất bại.

Hầu hết mọi người đều là người bỏ cuộc. Họ đạt đến giới hạn của họ. Họ tưởng rằng đấy là sự cố gắng hết mức có thể.

Nhưng người vượt trội lên điều này mới là một người dũng khí. Bạn không thể dồn anh ta vào chân tường. Bởi anh ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Trong từ điển của anh ấy không có chữ “thất bại”, bởi thực chất thất bại là điều chúng ta tự tạo ra cho mình. Và anh ấy không bao giờ than vãn.

10. Nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ tu dưỡng tâm tính của mình

Thượng Đế, Nghĩa vụ, Cái chết và Trách nhiệm đạo đức là những sự thật to lớn mà không có sinh mệnh nào có thể nằm ngoài chúng. Đó cũng mãi mãi là những điều bí ẩn trên đường đời của mỗi người. Anh ta phải tự mình đưa ra câu trả lời cho những bí ấn này ở một mức độ nào đó.

Có thể độc giả muốn biết tôi đã trả lời như thế nào. Rất đơn giản thôi.

Tôi tôn trọng tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng của nhân loại. Và điểm chung của họ chính là dạy bạn cần trung thực, thuần khiết, không ích kỷ, kính trọng, dũng cảm, trung thành.

Những điều được răn dạy này có thể coi là Mẫu số chung vĩ đại của tất cả các tôn giáo.

Mẫu số chung ấy là tôn giáo của tôi. Đó là những gì qua năm mươi năm suy nghĩ và trải nghiệm khiến tôi nhận ra. Giờ đây tôi mới hiểu lời của ngài Emerson khi ông viết rằng “tất cả những người đàn ông tốt chính là một tôn giáo”.

Có thể diễn đạt theo một cách giản đơn, dễ hiểu hơn điều này nghĩa là gì? Chỉ có duy nhất “một điều cần thiết”, chứ không phải “cẩn thận và lo lắng về quá nhiều thứ”. Điều cần thiết đó chính là hãy làm đúng.

Nếu bạn đã làm sai, cách tốt nhất và duy nhất để sửa chữa là hãy ngừng làm sai để bắt đầu làm đúng. Nếu bạn chọn cách vẫn giữ lấy điều sai đó, lấy cái sai làm chỗ neo đậu trong những cơn bão tố, làm ngôi sao chỉ đường trong những đêm tối mù mịt, bạn sẽ luôn sống với kẻ thù lớn nhất của đời mình là nỗi sợ hãi.

Tôi là thuyền trưởng con thuyền tâm hồn tôi. (Ảnh dẫn theo par.mihanblog.com)

Có một bài thơ của William Ernest Henley mà đối với tôi đây là lời tuyên bố tinh thần vĩ đại nhất dưới bất kỳ ngôn ngữ nào:

“Khi bóng tối bao trùm lên tôi,
Màu đen sâu hun hút từ cực này sang cực khác,
Tôi thầm cảm ơn dù Chúa Trời có thể là ai
Cho tâm hồn không bị khuất phục của tôi.
Ở trong sự gian khó
Tôi đã không cau mày hay khóc thành tiếng
Khi phải giành giật cơ hội
Tôi thà đổ máu chứ không khuất phục.
Bất kể cánh cửa chật hẹp thế nào
Những hình phạt ra sao
Tôi là chủ nhân của định mệnh tôi
Tôi là thuyền trưởng con thuyền tâm hồn tôi”

(Tạm dịch)

Tôi muốn nhắc lại rằng không phải tôi đưa ra những lời khuyên để các bạn trẻ 21 tuổi làm theo tôi. Tôi đã không làm tất cả những điều này, thậm chí đã làm rất khác chúng. Tôi ước gì mình đã làm theo đúng như vậy. Tôi muốn nói rằng nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ làm như tất cả những điều tôi đã chỉ ra. Hoặc có lẽ tôi sẽ không.

Tôi có thể tự làm trầy xước chân, đốt ngón tay, thực hiện các thí nghiệm ngớ ngẩn chỉ để chứng minh rằng tôi là một ngoại lệ cho tất cả các quy tắc, và biết một chút nhiều hơn tất cả những cha ông thời xưa.

Vậy đừng để những người trẻ tuổi nản lòng nếu người đó trót phạm những điều điên rồ. Vì rất có thể từ sai lầm, từ những điều tưởng chừng như làm trò cười cho thiên hạ ấy, sẽ xuất hiện sự khôn ngoan đặc biệt. Và tất cả những điều đó hữu ích cho cuộc sống của một con người hơn bất kỳ sự khôn ngoan nào mà họ có thể nhận được từ những nhà hiền triết hay sách vở.

Đừng để những người trẻ tuổi nản lòng nếu người đó trót phạm những điều điên rồ. (Ảnh dẫn theo guu.vn)

Trong những điều đã viết tôi không cố gắng để chỉ ra nghệ thuật thăng tiến hay đạt được những vị trí giàu có, điều mà dường như vốn định nghĩa nên thành công. Tuy nhiên điều mà tôi nói chính là về thành công. Bởi thành công có hai loại, bên ngoài và bên trong, hay chính là thấy rõ ra bên ngoài và thực thụ từ bên trong.

Thành công bên ngoài có thể phụ thuộc vào những gì bạn có, nhưng nó phụ thuộc nhiều hơn vào sự may mắn. Đó là một trò chơi cờ bạc, nên thật khó để đánh giá giá trị của người thành công theo cách này. Thành công bên trong và thực sự, trái lại, không phải là một chuyện tình cờ, mà chắc chắn như bất kỳ luật tự nhiên nào.

Bất kỳ người nào tuân theo quy luật của cuộc sống như cách các doanh nhân thành đạt tuân theo cẩn thận những quy luật trong kinh doanh sẽ đạt đến sự tự tin và thành công bên trong. Đó là vương miện hạnh phúc nhất của cuộc đời, chắc chắn như là các ngôi sao đang di chuyển trên bầu trời của họ.

Vì thế, nếu tôi 21 tuổi, tôi sẽ học về nghệ thuật sống. Biết số học và địa lý, kế toán và tất cả các vấn đề thực tế là tốt, nhưng sẽ còn tốt hơn khi biết sống thế nào, biết làm thế nào để sử dụng những ngày bạn có cho đến ngày cuối cùng bạn cảm thấy toại nguyện, làm thế nào để sống cuộc đời của bạn để bạn cảm thấy nó thực sự giá trị. Như một câu danh ngôn đã từng chỉ ra “học làm người trước, học việc sau”.

Thu Trang – Ngọc Tâm

Xem thêm:

Exit mobile version