Văn hóa truyền thống Á Đông là văn hóa dạy ta học cách làm người. Muốn làm được việc, trước hết cần biết cách làm người. Học được cách làm người rồi thì mọi việc tất sẽ làm được tốt… 

Làm người hãy chính đạo ngay thẳng, làm việc hãy lỗi lạc quang minh. Mạnh Tử nói: Làm người hãy học cách “ngẩng đầu không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người”. Làm việc hay làm người, nhất định cần phải chính đại quang minh.

Sự ra đời văn hóa truyền thống Á Đông

Hầu hết các dân tộc Á Đông đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa xưa, và văn hoá Trung Hoa xưa cũng là cội nguồn cho nền văn hoá của người phương Đông. 

Dân tộc Trung Hoa xưa còn được gọi là dân tộc Hoa Hạ. Nguyên ban đầu là chỉ bộ tộc người tiền sử Hoa Tộc và Hạ Tộc được phân bố ở lưu vực sông Hoàng Hà. Hai bộ tộc lớn này được người đời sau xưng tôn là ‘ngọn nguồn của văn minh Trung Hoa’.

Trong văn minh Trung Hoa thuở ấy, Hoàng Đế chính là người đầu tiên trong “Ngũ đế”, được xưng là “Nhân văn sơ tổ” (tạm dịch: Ông tổ của văn minh con người) của dân tộc Trung Hoa.

Thời kỳ Hoàng Đế tại vị, ông bắt đầu gieo trồng lúa, đẩy mạnh sản xuất, làm ra áo và mũ, chế tạo thuyền, xe, lại thảo ra được các luật về âm nhạc, sáng lập ra y học, làm lịch… Đó là những ngành nghề mà Hoàng Đế đã khai sáng ra cho dân tộc Hoa Hạ.

“Sử Ký” ghi chép rằng, Hoàng Đế có khả năng khai sáng đủ mọi ngành nghề cho dân tộc Hoa Hạ, ấy là vì ông được Thần linh cấp cho trí huệ. Sau khi Hoàng Đế hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của mình, ông lại trở về Thiên giới.

“Tiêu chuẩn đạo đức cực cao” là đặc thù nổi bật nhất trong giai đoạn lịch sử này. Đây cũng là nguyên nhân vì sao văn hoá mà Thần truyền cấp cho con người lại vô cùng chú trọng đến đạo đức. Hay nói cách khác, “Đạo đức làm người”, “Thần” và “Văn hóa Thần truyền” có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời, chúng hòa hợp thành một thể thống nhất. 

Hoàng Đế còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế, là một vị quân chủ huyền thoại và là anh hùng văn hoá của Văn minh Trung Hoa xưa. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Vậy, đạo đức làm người là gì? 

Làm một người hiếu thuận

Hiếu đễ là yếu tố căn bản nhất giúp ta có thể làm người. Cổ nhân dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, tất cả mọi việc hành thiện đều bắt đầu từ chữ Hiếu. Một người nếu không biết hiếu kính cha mẹ, sẽ rất khó tưởng tượng họ sẽ hành xử như thế nào với người khác.  

Làm một người thiện lương 

Trong “Trụ Minh”, đại văn học gia Phương Hiểu Nhụ đời Thanh có viết: “Giao thiện nhân giả đạo đức thành, tồn thiện tâm giả gia lý ninh, vi thiện sự giả tử tôn hưng”. Tạm dịch: Kết giao với những người bạn tốt có thể giúp ta bồi dưỡng phẩm đức tốt đẹp. Trong tâm có thiện lương sẽ giúp gia đình hòa thuận an bình. Làm việc tốt sẽ làm tử tôn sau này hưng vượng. 

Trong “Đạo Đức Kinh” có thuyết: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Quy luật của đại đạo và trời đất là đều như nhau: Không có thân sơ, chỉ có thiện quả đãi thiện nhân. 

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, mỗi người khi sinh ra bản tính ai cũng đều lương thiện như nhau. Bên trong mỗi người đều có một phần thiện niệm, bởi vậy khi làm điều gì không tốt, tâm sẽ tự thấy bất an. Nếu bạn luôn hành thiện giúp đỡ người khác vô điều kiện, khi làm được một việc tâm sẽ tự thấy vui. 

Làm một người chăm chỉ 

Đây chính là phần thưởng của trời đất ban tặng. Làm việc chăm chỉ là phẩm chất căn bản cần có giúp ta có thể làm thành đại sự và lập nghiệp. Từ xưa tới nay, những người thất bại đa phần đều vì lười biếng. Thành công lớn thường tỉ lệ thuận với chăm chỉ. Đây là nền tảng tích lũy giúp tạo ra những kỳ tích.

Làm một người khoan dung

Cổ nhân thường nói: “Hữu dung nãi đại”, nghĩa là: Dung hòa rồi lớn mạnh. Sống giữa những va chạm sinh hoạt hằng ngày, hãy giữ cho mình một trái tim khoan dung, bao dung với cả những sự việc thiên hạ khó có thể chịu đựng. 

Vào thời Xuân Thu, Sở Trang Vương thắng trận và bày tiệc ăn mừng chiến thắng. Đang lúc quân thần ăn uống vui vẻ, ông cho gọi một tỳ thiếp được sủng ái là Hứa Cơ tới để kính rượu mọi người. 

Đột nhiên một cơn gió mạnh thổi qua làm ngọn nến vụt tắt, căn phòng bỗng chốc tối om om. Lúc này, một võ tướng say rượu vô ý mạo phạm Hứa Cơ. Vì sợ hãi thất kinh, người tỳ thiếp giật lấy dải lụa trên mũ của người kia xuống và kể sự tình với Sở Trang Vương. Nàng lại yêu cầu ông lập tức sai người châm nến để trừng phạt thật nặng người kia. Chẳng ngờ Sở Trang Vương không những chưa sai người châm nến, mà còn nói với mọi người: “Hôm nay uống rượu thật vui, mọi người hãy tự giật bỏ giải mũ của mình xuống coi như một trò tiêu khiển!” Các tướng lĩnh nghe vậy lấy làm lạ lắm nhưng không ai dám trái lời…

Sau khi nến được thắp trở lại, yến tiệc lại bắt đầu lại từ đầu, Trang Vương không hề truy vấn tới người đã mạo phạm ái phi của mình.

Sau này, khi Sở Trang Vương khởi binh phạt Trịnh, phó tướng Đường Giảo xung phong đảm nhận mang hơn trăm quân tinh nhuệ tiên phong mở đường, không quản vào sinh ra tử, lập được công lao hiển hách. 

Khi luận công ban thưởng, Đường Giảo từ tạ mà đáp: “Trong bữa yến tiệc lần trước, thần chính là người đã mạo phạm tới ái phi của đại vương. Nhờ ân sủng của đại vương, nên hôm nay thần nguyện được liều mình báo đáp”. Trang Vương nghe xong vô cùng xúc động. 

(Ảnh minh họa: ivsky.com)

Làm một người trung thực

Trung thực là nền tảng để lập thân, là mỹ đức tốt đẹp cần có của mỗi người. Một người không trung thực thì không nên kết giao. Muốn gánh vác việc đại sự to lớn, đầu tiên cần trung thực, thành thật không khoa trương. 

Một người không thành thật, khi lừa dối người khác cũng là đang tự lừa dối bản thân. Họ không thể chí công vô tư thật tâm tu thân dưỡng tính, lại không cách nào có được lòng tin của người khác và không thể đứng vững trong xã hội.  

Làm một người khiêm tốn 

Khiêm tốn là một bộ phận quan trọng làm nên nhân phẩm của con người. Trong “Chu Dịch” có câu: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thời nhi động”, tức là người quân tử cất giấu vũ khí, chờ thời cơ. Hàm nghĩa của lời nói này chính là: Người quân tử có tài năng và tài nghệ siêu việt hơn người bình thường, nhưng họ không khoe khoang mà chờ đến khi thời cơ thích hợp mới đem tài năng và tài nghệ ra thi triển.

Người khiêm tốn không mưu cầu danh lợi, điềm tĩnh ung dung, ôn hòa hiền hậu, yên tĩnh giống như trời đất. Họ luôn đặt mình ở vị trí thấp, nhưng không ai có thể phủ nhận sự uyên bác của họ. Người luôn khiêm tốn cho mình ở vị trí thấp, ít phóng túng, kín đáo… thì cũng giống như biển lớn, luôn đặt mình ở chỗ thấp, nhưng không ai có thể phủ nhận sự thâm sâu. 

Làm một người chính trực

Có câu: “Thân chính không sợ bóng nghiêng, chân chính không sợ giày lệch”, thân chính tâm an thì ma quỷ không dám động tới. Phẩm hạnh đoan chính thì làm người mới có ngọn nguồn, làm việc mới có kiên cường. Lòng dạ bao la như trời biển, trước sau như một, rộng rãi bao dung. 

Làm người hãy chính đạo ngay thẳng, làm việc hãy lỗi lạc quang minh. Mạnh Tử nói: “Ngưỡng bất quý vu thiên, phủ bất tạc vu nhân”, tức là: Làm người hãy học cách ngẩng đầu không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người. Làm việc hay làm người nhất định cần chính đại quang minh, xử thế ngay thẳng, không nên vụng trộm tổn hại tới lợi ích của người khác. 

Hãy học cách làm người chính trực, ngay thẳng cẩn thận. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Tĩnh vi táo quân”, ý nói tĩnh là chủ của xao động, nóng nảy. Tĩnh có thể loại bỏ được khí nóng trên thân thể người, làm mất sự nóng nảy trên cơ thể người.

Trong tác phẩm “Đại học” cũng viết: “Tĩnh rồi mới có thể an định, an định rồi thì sau mới lo nghĩ, mưu sự mà làm thành được việc”. (Nguyên văn: “Tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”). Có thể nói, tĩnh là an định, là yên ổn, là cơ sở, nền móng của suy nghĩ và làm thành việc lớn.

Lão Tử viết bộ “Đạo Đức Kinh” lưu truyền cho hậu thế. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Làm một người thủ tín 

Trong “Luận ngữ” Khổng Tử giảng: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kì hà dĩ hành chi tai?”. Tạm dịch: Người mà không đáng tin cậy, làm sao làm được việc. Xe lớn mà không có cái đòn lớn, xe nhỏ mà không có cái chốt nhỏ, làm sao dùng để đi đây?

Thủ tín là lực hấp dẫn của nhân cách có dùng bao nhiêu tiền cũng không mua được. Đường đường chính chính làm người, quang minh chính đại làm việc. Vĩnh viễn đừng bao giờ vứt bỏ sự tín nhiệm của người khác đối với bản thân mình, bởi vì khi người khác tín nhiệm ta tức là giá trị của ta đã nằm trong sự cảm nhận của người khác rồi. Thất tín là thất bại lớn nhất của đời người, thủ tín mới có thể được lòng người!

Làm một người lạc quan

Trong cuộc sống hiện đại, mười việc thì có chín việc không được như ý, không thể sự sự đều suôn sẻ. Tuy nhiên, dù gặp bao nhiêu chông gai, hay khó khăn thế nào thì hãy luôn tiến về phía trước. Tốt cũng chỉ một ngày, xấu cũng chỉ một ngày, chi bằng hãy nhìn vào khía cạnh tươi đẹp của cuộc sống, tự hài lòng với bản thân để luôn cảm thấy hạnh phúc vui vẻ. 

Tô Thức là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong “Bát đại gia Đường Tống”. Cả đời ông lang bạt kỳ hồ, vận mệnh long đong tuyệt vọng nhiều lần. Tuy nhiên, dù ở trong bất kỳ nghịch cảnh nào ông cũng không thở dài hay đổ lỗi cho bất kỳ ai. Dù ở bất cứ nơi đâu và hoàn cảnh nào, ông luôn giữ cho mình những thú vui tao nhã trong cuộc sống, như leo núi vãn cảnh, gặp vực vịnh cảnh ngâm thơ, luôn tận lực tìm ra niềm vui trong kiếp nhân sinh, bằng lòng với số mệnh. 

Làm một người đức độ 

Đức độ là nguyên tắc xử thế của cổ nhân. Trong Chu Dịch, quẻ Khôn nói rằng: Đất có tính nhu hoà, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật. (Nguyên văn: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật. Hậu đức tái vật tựu thị dĩ hậu đức khứ bao dung vạn vật. Đại địa dĩ quảng hậu chi đức, tái hàm vạn vật, dung tái vạn vật”). “Hậu đức tái vật” nghĩa là lấy đức dày mà bao dung, nâng đỡ vạn vật.

Người xưa ví Đạo của đất là thiện lương, từ bi. Đất có thể chuyên chở vạn vật, sinh mệnh, con người. Người có đức dày cũng như mặt đất bao dung, nâng đỡ tất cả. Vì đức dày nên mới có thể bao dung, dung chứa mọi sự, mọi vật.

Bậc quân tử nên noi theo trời đất, lấy đức dày mà bao dung, nâng đỡ vạn vật. Một người đức độ có thể bao dung trước mọi người, mọi vật, mọi ý kiến và sai lầm của người khác. 

Đức độ là nhân phẩm tốt nhất, thông minh nhất cần có của mỗi người. Một người có đức độ, người khác đều muốn ở cùng họ, làm bạn với họ và tin tưởng họ tuyệt đối. 

Kiên Định
Theo kknews.cc

Bạn đang đọc bài viết: “Văn hóa truyền thống: Ngẩng đầu không thẹn với Trời, cúi xuống không thẹn với người” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__