Đại Kỷ Nguyên

Ngày nhỏ có một đạo sỹ kỳ lạ tới nhà tôi, khi rời đi nói 2 câu không sao hiểu được…

Năm nay tôi 81 tuổi. Câu chuyện mà tôi sắp kể là chuyện cũ do tôi đích thân trải nghiệm…

Nhà mẹ đẻ tôi ở vùng núi phía Nam của tỉnh Tế Nam. 70 năm trước khi tôi còn bé xíu, tôi vẫn nhớ trong nhà mình có một người tu Đạo. Ông ngoài 40 tuổi, trạc tuổi cha tôi. Ông rất lương thiện, thường xưng em với những người cùng trang lứa. Ông gọi cha mẹ tôi là anh chị, còn gọi tôi là cô gái nhỏ.

Những khi công việc đồng áng bận rộn, ông lại giúp tôi làm việc nhà. Lúc rảnh rỗi ông ra ngoài hành nghề y thuật, hóa duyên. Tối trở về nhà nhưng ông không thắp đèn, không ai biết ông làm gì trong phòng. Ông thường nói những lời kỳ lạ mà chúng tôi không sao hiểu được. Cha tôi thường nói ông là một người đặc biệt.

Một hôm bầu trời vô cùng trong xanh, nhưng ông lại không cho mọi người trong nhà ra ngoài

Năm đó tôi 12 tuổi, tôi có ấn tượng sâu sắc nhất về một vài chuyện có liên quan tới ông. Một hôm bầu trời vô cùng trong xanh, nhưng ông lại không cho mọi người trong nhà tôi ra ngoài. Ông cũng không giải thích vì sao như vậy. Phải đến gần trưa đột nhiên trời trở gió, tức khắc những cơn cuồng phong từ tứ phía ập tới, cuốn theo đất đá cuồn cuộn mù mịt. Những cây đại thụ bị nhổ bật rễ, cành cây tan tác rơi nghiêng ngả. Nhà bị bật nóc, giơ tay ra trước mặt cũng không thể nhìn rõ những ngón tay của chính mình. Khoảng một tiếng sau, trời mới dần dần sáng sủa trở lại và ánh mặt trời bắt đầu ló ra. Vị đạo sỹ nói: “Nếu gặp phải cơn cuồng phong này thì con người sẽ mắc bệnh nặng và bị lột mấy lớp da. Nghiêm trọng thì ngay cả tính mệnh cũng không thể giữ được”.

 

Điềm ứng trong cơn bão, con người sẽ mắc bệnh nặng và bị lột mấy lớp da. Nghiêm trọng thì ngay cả tính mệnh cũng không thể giữ được. (Ảnh: Pinterest)

Vị đạo sỹ nhìn thấy trước cơn mưa

Năm ấy trời đại hạn hán. Sau 3 ngày Tam Phục đầu tiên trời mới đổ mưa. Người trong thôn đều tranh thủ ra đồng trồng hoa màu, nhưng vị đạo sỹ này lại không cho chúng tôi làm gì cả. Hóa ra 3 ngày sau có một trận mưa còn lớn hơn, dẫu có trồng thì cũng phí công vô ích, cũng sẽ bị mưa cuốn đi hết. Sau khi trận mưa lớn qua đi, đất vẫn còn rất ẩm thì ông lại thúc giục nhà tôi: “Hãy sớm đi trồng cây, đừng để lỡ mất thời vụ. Nếu không thì hoa màu sẽ chẳng thể nào nảy mầm được”.

“Vào ngày đại hỷ của nhà ta, cháu có thể mời Sư phụ của mình đến uống ly rượu mừng được không ạ?”

Một lần khác chú tôi kết hôn. Vị đạo sỹ đã thương lượng với ông nội tôi rằng: “Vào ngày đại hỷ của nhà ta, cháu có thể mời Sư phụ của mình đến uống ly rượu mừng được không ạ?”. Ông nội tôi nói: “Cậu đến ở nhà ta đã bao nhiêu năm nay, ta cũng chưa từng gặp mặt Sư phụ của cậu. Hãy mau mời ông ấy đến đây!”. Đến ngày cử hành hôn lễ, mãi cho đến khi khách khứa đều đã ra về, người trong nhà cũng không nhìn thấy bóng dáng Sư phụ của ông. Ông nội tôi bèn hỏi vị đạo sỹ rằng: “Sao cậu không mời Sư phụ đến?”. Vị đạo sỹ nói: “Sư phụ cháu đã đến từ sớm rồi, chỉ là người bình thường không thể nhìn thấy ông ấy mà thôi”.

“Nếu trong nhà có việc cần em giúp thì hãy thắp một nén hương và gọi tên em”

Vài năm sau, vị đạo sỹ nói với cha mẹ tôi rằng: “Em phải đi rồi, em không thể ở lại đây tu hành nữa. Nếu trong nhà có việc cần em giúp thì hãy thắp một nén hương và gọi tên em”. Người nhà tôi bán tín bán nghi.

Lại một năm qua đi, sau lưng bố tôi mọc một cái u ác tính, đã tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng vẫn không khỏi. Lúc này mọi người mới nghĩ tới lời vị đạo sỹ nọ: “Thắp một nén hương và gọi tên em, em sẽ đến…”. Nhưng rốt cuộc thì ông ấy cũng chỉ là một con người, sao có thể linh nghiệm như vậy được? Người nhà tôi cũng chẳng để tâm lo nghĩ được nhiều như vậy, cứ thử xem sao.

Buổi tối bà nội tôi thắp một nén hương giữa sân và gọi tên vị đạo sỹ mau trở về. Lúc đó đang là ngày đông rét buốt, khi trời còn chưa sáng đã nghe có tiếng gõ cửa. Mở cửa ra chỉ thấy vị đạo sỹ mồ hôi mồ kê nhễ nhại, áo bông cũng ướt sũng mồ hôi. Câu đầu tiên ông hỏi là trong nhà đã xảy ra đại sự gì? Mẹ tôi bèn kể về bệnh tình của cha. Ông nhìn vào cái u ác tính của cha và nói: “Không có gì nghiêm trọng cả, cũng dễ thôi mà”. Sau đó ông khoét cái u ác tính đi và đắp thuốc lên. Hôm sau, cha tôi đã có thể trở dậy.

Em phải đi rồi, em không thể ở lại đây tu hành nữa. Nếu trong nhà có việc cần em giúp thì hãy thắp một nén hương và gọi tên em. (Ảnh: 500px.com)

Phút giây bùi ngùi từ biệt và lời dặn dò khiến mặt người biến sắc

Trong bữa cơm ông nói với cha mẹ tôi rằng: “Sau này anh chị đừng thắp hương cho em nữa. Em không thể chịu được cái lễ lớn cả một bó hương như vậy đâu”. Khi sắp rời đi cha tôi hỏi khi nào thì ông quay về thăm mọi người? Vị đạo sỹ nói: “Đợi đến khi trên núi xây nhà lầu, nước trong giếng tràn vào nhà, đui đèn chúc xuống dưới, núi còn lại nửa bên, người sau khi chết không ai chôn cất thì em sẽ về thăm mọi người. Lúc đó sẽ có những biến động bất ngờ, e rằng có thể gặp được anh chị hay không còn rất khó nói”.

Cha tôi nghe xong mặt liền biến sắc. Nói rằng người chết không ai chôn, đây chẳng phải là một đại tai nạn tại nhân gian hay sao? Sau nhiều lần người nhà gặng hỏi vị đạo sỹ mới nói rằng: “Trên mặt có ấn nhìn không thấy, ấn xóa sạch rồi nạn mới qua”. Ông nói xong bèn đi mất và không bao giờ trở lại nữa. Cả nhà tôi đều khắc ghi những lời này, nhưng khó có thể hiểu được ngụ ý trong đó.

70 năm sau, bốn điều trước ông nói đều lần lượt ứng nghiệm một cách kỳ lạ, hai điều sau vẫn nằm sâu trong sự bí ẩn

Tới giờ, sau 70 năm, bốn điều trước đây ông nói đều trở thành hiện thực. Giờ đây trên núi, dưới núi đều xây nhà tầng nhà gác. Nước trong giếng cũng tràn vào nhà. Bởi lẽ bây giờ người ta dùng nước máy, trước kia phải ra giếng gánh nước về uống. Đui đèn chúc xuống là chỉ đèn điện. Trước kia đều dùng đèn dầu nên đui đèn hướng lên trên. Vùng chúng tôi là vùng núi, nhưng lại bị khai thác quá mức và không hoàn chỉnh, thế nên chỉ còn lại nửa bên là vì vậy.

Nhà cửa bây giờ đã mọc san sát, ngọn núi cũng bị xẻ mất một nửa, nước từ trong giếng đã tràn vào trong nhà. (Ảnh: Pngtree.org)

Duy chỉ có câu “Người chết không ai chôn cất” vẫn chưa ứng nghiệm. Còn câu: “Trên mặt có ấn nhìn không thấy, ấn xóa sạch rồi nạn mới qua” thì dẫu vò đầu bứt tai mọi người cũng không đoán biết được liệu có chính xác hay không.

Xưa có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Con người cũng như vậy, những điều nghe thấy, những điều nhìn thấy, những điều cảm thấy đều sẽ trở thành một phần trong tâm hồn chúng ta. Dấu ấn mà vị đạo sỹ kia nhắc tới phải chăng cũng vô hình như tâm hồn mỗi người? Ắt hẳn đó là những điều không tốt, đi ngược lại với luân lý của đất trời, đi ngược lại với sự tôn kính Thần Phật.

Vậy nên khi kiếp nạn đến con người mới phải tự mình gánh chịu hậu quả do mình gây ra, mà không được các vị thần linh bảo hộ. Phải chăng chỉ có tu tâm dưỡng tính, luôn đứng về cái Thiện mới có thể xóa sạch dấu ấn đó?

Theo NTDTV
Nhã Văn biên dịch

Exit mobile version