Đại Kỷ Nguyên

Nghe chuyện Lạt-ma kể, nghệ sĩ Nga bất ngờ thanh tỉnh

Câu chuyện ngụ ngôn này được nghệ sĩ nổi tiếng người Nga Vladimir Vysotsky (1938-1980) tình cờ nghe được từ một Lạt ma Tây Tạng với tựa đề là "Điều ác nhỏ”. (Fotolia)

Câu chuyện ngụ ngôn này được nghệ sĩ nổi tiếng người Nga Vladimir Vysotsky (1938-1980) tình cờ nghe được từ một Lạt ma Tây Tạng với tựa đề là “Điều ác nhỏ”. Câu chuyện kể về một thương nhân không bao giờ uống rượu, vì một lần phá giới, đã biến một sai lầm nhỏ thành một tội lỗi lớn…

Cách đây rất lâu, có một thương nhân đi làm ăn xa nhà. Một ngày nọ, tuyết đột nhiên rơi dày đặc, nhìn đâu cũng là một màn tuyết trắng mênh mông. Nhìn thế giới trắng xóa trước mắt, không có mặt trời, rất khó phân biệt được đông tây bắc nam, lại cô độc một mình, chàng thương nhân đã lạc lối trong tuyết trắng.

Càng đi, chàng thương nhân càng cảm thấy lạnh lẽo, càng đi càng liên tưởng đến sự ấm áp của gia đình, nơi chàng có một người vợ xinh đẹp và những đứa con đáng yêu, tất cả đều đang chờ đợi chàng trở về.

Chàng mơ đến khung cảnh được ôm con ngồi bên bếp lửa đêm cùng vợ, tận hưởng sự yên bình. Tuy nhiên, khi từ trong huyễn mộng trở về hiện thực, chàng không thể thoát khỏi sự giam cầm của cái lạnh. Chàng hét lên, quỳ xuống đất, cầu xin Thượng Đế thương xót đưa bản thân ra khỏi con đường lạc lối.

Lúc này, một con quạ bỗng kêu lên âm thanh quỷ dị, phất qua đỉnh đầu vị thương nhân. Chàng quỳ xuống đất, bất lực. Chàng đã bị lạc, không thể tìm được đường về nhà. Bởi vì phải chịu đựng cái lạnh thấu xương, ý thức của chàng cũng các lúc càng mất phương hướng.

Lúc này, thế giới trắng xóa bên ngoài tựa như phản chiếu tâm linh của chàng. Đây là nỗi tuyệt vọng của một người lạc đường. Cảnh vật xung quanh rơi vào im lặng chết chóc và quỷ dị.

Đột nhiên có tiếng bước chân trên tuyết, từ xa có một người phụ nữ xinh đẹp đi tới, vẻ yêu mị của cô nàng trên nền tuyết trắng càng tỏ ra ranh mãnh.

Doanh nhân nghe thấy tiếng giẫm tuyết, phát ra âm thanh yếu ớt: “Này, cứu tôi với. Cô có nghe thấy tiếng kêu của tôi không? Xin hãy cứu tôi.”

Người phụ nữ quỳ xuống nói với chàng thương nhân: “Nhà tôi cách đây không xa, tôi có thể giúp anh, nhưng anh cần phải làm một việc cho tôi.”

Người đàn ông háo hức hỏi: “Tôi có thể làm bất cứ điều gì cô muốn, miễn là nó cứu được tôi.”

Người phụ nữ nói: “Tôi sẽ cho anh vào ngôi nhà nhỏ của tôi. Nhưng đổi lại, anh phải thỏa mãn những yêu cầu của tôi.”

Người đàn ông không hề suy nghĩ, vội vàng nói: “Được, được.”

Thế là người phụ nữ dẫn chàng thương nhân vào căn nhà nhỏ của mình, nơi có một bếp lò đang cháy khiến cả căn nhà trở nên ấm áp.

Người đàn ông toàn thân run rẩy, vừa bước vào nhà liền vội vàng đến bên bếp lửa, nóng lòng muốn sưởi ấm.

Người phụ nữ cúi đầu nhìn người đàn ông đang ngồi xổm trước bếp lò rồi nói: “Đổi lại, anh phải chọn một trong ba việc này để hoàn thành. Thứ nhất, ngủ chung giường với tôi; Thứ hai, uống rượu cùng tôi; Thứ ba, đi đến chuồng cừu và giết một con cừu để ăn tối.”

Thương nhân hỏi: “Cô rốt cuộc là ai?”

Cô gái lạnh lùng nói: “Anh không cần biết tôi là ai, trong ba vấn đề này, anh chọn cái nào?”

Thương nhân nói: “Tôi không thể ngủ với cô. Tôi đã có vợ con ở nhà. Tôi cũng không chọn rượu. Tôi không bao giờ uống rượu. Còn lại gì?”

Người phụ nữ đưa cho chàng một chiếc rìu, yêu cầu đi giết cừu.

Thương nhân đến chuồng cừu, thấy ở đó chỉ có một con cừu nhỏ. Nhìn ánh mắt đáng thương của con cừu nhỏ, chàng thực sự không thể làm gì được. Từ bé đến lớn, chàng chưa bao giờ dám giết những động vật nhỏ. Vì thế chàng dừng lại, xoay người rời đi.

Thương nhân quay trở lại túp lều và nói với người phụ nữ: “Tôi không thể tự mình giết cừu. Tôi nghĩ tốt hơn là nên phá giới này, đi uống rượu với cô.”

Không chung thủy với vợ và giết cừu là nhiệm vụ bất khả thi đối với thương nhân này, chàng đơn giản là không thể làm được điều đó. Chàng ngồi xuống bàn ăn, cầm ly rượu lên và uống cùng người phụ nữ.

Lúc đầu, chàng thương nhân nghĩ: uống rượu chỉ là một tội nhỏ, không thể nào lớn hơn việc lừa dối vợ và giết một con cừu.

Khi rượu được rót hết cốc này đến cốc khác, đôi mắt của thương nhân càng lúc càng mờ đi. Đầu óc tỉnh táo và ý định bảo vệ ban đầu của chàng đã hoàn toàn bị rượu đánh bại, chàng say khướt và không còn tự chủ được nữa.

Lúc này nữ nhân mới lộ ra vẻ yêu nghiệt, nói: “Tôi muốn đi ngủ rồi.” Cô ta xoay người đi về phía giường.

Nhìn người phụ nữ quay lưng bỏ đi, thương nhân say khướt đi theo cô nàng, cuối cùng ngã xuống giường thực hiện hành vi không chung thủy với vợ. Dưới ảnh hưởng của rượu, anh chàng cũng trở nên tàn nhẫn, giơ rìu lên và đi thẳng đến chuồng cừu, theo sau là tiếng kêu của đàn cừu.

Bản tính của thương nhân không ác, anh chàng lúc tỉnh táo không muốn trở thành kẻ phản bội vợ hay kẻ giết cừu, không ngờ, chỉ vì một lần vi phạm giới cấm, mất đi lý tính mà phạm phải hết sai lầm này đến sai lầm khác.

***

Vysotsky từng mắc chứng nghiện rượu lâu năm. Ngày hôm đó, ông vô tình nghe được câu chuyện này do Lạt ma kể lại, từ đó ông cố gắng bỏ rượu, rất lâu không đụng đến rượu nữa. Trong thời kỳ giới rượu, sự nghiệp của ông bất ngờ thăng hoa, xuất hiện một “thời kỳ thanh tỉnh” vàng son huyền thoại.

Ông dành gần như toàn bộ sức lực của mình cho việc viết kịch bản, viết lời, sáng tác nhạc, đóng phim và còn giành được huy chương quốc gia. Câu chuyện ngụ ngôn ngắn ngủi này đã vô tình thấm vào trái tim Vysotsky. Trên cơ sở từ bỏ rượu, thanh tỉnh bảo vệ lương tri của mình, ông đã bất ngờ đột phá nút thắt của sự sáng tạo, mở ra thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. 

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version