Trước sự uy hiếp của Thiên triều phương Bắc, các sứ thần Đại Việt đã ung dung bình thản đối đáp, thể hiện trí tuệ và dũng khí của nhà Nho nước Nam.
Thám Hoa Nguyễn Đăng Cảo
Nguyễn Đăng Cảo là người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du. Năm 28 tuổi ông đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (tức Thám hoa) khoa thi Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (năm 1646) thời Lê Chân Tông. Do khoa thi này không lấy Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) và Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn) nên ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ khoa này. Về sau ông lại đỗ đầu khoa Đông các và làm quan Đông các Đại học sĩ (1659).
Nguyễn Đăng Cảo được bổ chức Đông các Đại học sĩ, nhưng sau đó bị bãi chức. Vì ông là người cương trực, không theo thói đời nên bị nhiều kẻ ghen ghét, vì thế mà không được trọng dụng. Nhưng tài năng của ông đã đóng góp rất nhiều cho quốc gia trong những lần đối đáp với sứ giả cũng như hoàng đế nhà Thanh.
Đối đáp với sứ thần Mãn Thanh
Trong khoảng 10 năm từ 1688 đến 1697, nhà Thanh đã nhiều lần lấn chiếm biên giới nước ta. Một lần, Đăng Cảo vâng mệnh vua lên biên giới gặp sứ nhà Thanh. Tại Lạng Sơn, sứ thần nhà Thanh ra câu đối rằng:
“Chim vào trong gió, ăn hết sâu rồi hoá phượng.”
(“Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hoá phượng.”)
Đây là câu đối chiết tự: chữ “Phong” (風) bỏ bộ “Trùng” (虫) thêm bộ “Điểu” (鳥) thì thành chữ “Phượng” (鳳). Mục đích của sứ nhà Thanh là để ướm thử xem nước Nam có nhân tài hay không. Chữ Phong nghĩa là gió, nhưng cũng có thể hiểu là văn phong hay phong hóa. Hàm ý vế đối ra là văn hóa An Nam lụn bại, cần được nhà Thanh đem quân sang dẹp, bắt sâu bọ thì mới tốt lên (hóa Phượng), cũng ngầm nói rằng người đánh dẹp nước Nam sẽ có cơ hội thành danh.
Đăng Cảo liền đối rằng:
“Người ở cạnh núi, đục bỏ đá để thành tiên.”
(“Nhân cư nham, dị khí thạch dĩ thành tiên.”)
Câu đối lại rất chuẩn, cũng theo lối chiết tự: chữ “Nhân” (人) đứng bên cạnh chữ “Nham” (岩) nghĩa là núi cao, bỏ chữ “Thạch” (石) thành chữ “Tiên” (仙). Nguyễn Đăng Cảo đem “Tiên” đối với “Phượng”, ý nói dòng dõi người Việt là cao quý (con Rồng cháu Tiên), chỉ cần bỏ đi những thứ vô dụng (đục bỏ đá) thì sẽ đắc Đạo. Tiên hay Phượng đều không phải ở phàm trần, hà cớ gì mà phải xâm phạm nhau?
Chỉ với một câu đối, Nguyễn Đăng Cảo đã góp phần chấm dứt họa binh đao của hai nước. Thật khâm phục thay!
Đối đáp với vua Khang Hy
Nhà Thanh lúc này mới thống nhất Trung Hoa và rất hùng mạnh. Họ muốn áp đặt văn hóa Mãn Thanh lên các nước chư hầu.
Nhưng bản thân các vị vua Đại Việt cũng coi mình là Thiên tử trị vì phương Nam, là người kế thừa chính thống của Hoa Hạ sau khi nhà Minh diệt vong, nên phục sức hay điển lễ đều giữ theo lệ cũ chứ không tuân theo nhà Mãn Thanh.
Năm 1653, vua Thanh lại ép nước ta phải cắt tóc kiểu đuôi sam của dân tộc Mãn, vua Lê lúng túng không biết làm sao bèn sai sứ thần là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo sang thương lượng.
Nguyễn Đăng Cảo bèn viết bài biểu “Giải chư hầu” dâng lên hoàng đế nhà Thanh. Đọc bài biểu thấy lý luận mạch lạc và phản bác hợp lý, vua Thanh vời ông vào kiến giá.
Tại sân rồng, vua Thanh đưa ra vế đối và nói rằng nếu đối được sẽ bãi bỏ lệnh ấy. Vế ra là:
“Con chó già rụng hết lông còn hướng ra sân sủa trăng”.
(“Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền phệ nguyệt.”)
Nguyễn Đăng Cảo đối lại:
“Chú ếch nhỏ cổ ngắn, ngồi dưới đáy giếng kêu trời.”
(“Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh đề khuy thiên.”)
Vua Thanh biết sứ thần An Nam có ý nói mình là ếch ngồi đáy giếng, nhưng vế đối niêm luật chặt chẽ không thể bắt bẻ được và vì “vua không nói chơi” nên ông đành phải giữ lời, hạ lệnh bãi bỏ việc cắt tóc đuôi sam cho người Việt.
Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo
Nguyễn Đăng Đạo là một trong số rất ít Trạng nguyên làm quan tới chức tể tướng thời Lê trung hưng. Ông là cháu của Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, còn gọi là Trạng Bịu, nổi tiếng tài năng thông minh từ nhỏ.
Câu đối chung đúc cả tạo hóa và con người, xứng đáng lưỡng quốc Trạng Nguyên
Năm 1697, Nguyễn Đăng Đạo được cử làm chánh sứ cùng Nguyễn Thế Bá, Đặng Đình Tường, Nhữ Tiến Hiền sang nhà Thanh xin trả lại ba động. Trước những lập luận và chứng cứ pháp lý không thể chối cãi, quan lại nhà Thanh đều bị thuyết phục. Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hy vẫn không đồng ý vì sợ Đại Việt sẽ lấn lướt đòi thêm. Trong những ngày đi sứ, ông tỏ rõ vị thế Đại Việt, và nhiều lần xuất sắc vượt qua câu hỏi “thử tài” nơi đất khách.
Có lần, các sứ giả cùng triều đình nhà Thanh đi dạo trong vườn thượng uyển dịp đầu xuân. Phong cảnh gió mát trăng thanh vô cùng đẹp và mát mẻ. vua Thanh nhân đó tâm tình vui vẻ, thi hứng tràn đầy nên ra vế đối:
“Đêm xuân trăng gió, trăng thêm sắc cho hoa, gió đưa hương hoa, hương cùng sắc, sắc cùng hương, hương hương sắc sắc suốt đêm xuân, khách tương tư nhớ khách tương tư.”
(“Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc, phong tống hoa hương, hương tùy sắc, sắc tùy hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách tưởng tương tư khách.”)
Một vế đối không chỉ đầy chất thơ mà còn có cả hình ảnh sinh động luyến láy bởi những âm điệu trầm bổng giàu nhạc điệu, tạo nên hình ảnh vô cùng thanh nhã thoát tục. Có câu “văn chính là người”, câu đối này chí ít cũng là của một người nắm đại quyền thiên hạ. Vì nó dùng hình ảnh của gió xuân, làn gió đẹp đem sức sống của đất trời sau mùa đông lạnh giá, tô vẽ thêm nét đẹp của giang sơn, thật không hổ danh thời ‘Khang Hy thịnh thế’.
Đặc biệt câu cuối “tương tư khách tưởng tương tư khách” là dạng chơi chữ. Tương tư có nghĩa là cả hai cùng nhớ về nhau. Nhưng “nhớ” thế nào mới là đẹp nhất? Chữ “Tương” (相) thêm bộ “Tâm” trong chữ “Tư” (思) thành chữ “Tưởng” (想), nghĩa là nhớ với trái tim, một hình ảnh khắc ghi trong tim, vô cùng sâu sắc. Nhìn cảnh nhớ người mà khắc trong tim, là nỗi nhớ rất nên thơ.
Mùa xuân cũng là mùa vạn vật sinh chồi nảy lộc, mùa của tình yêu. Câu đối toàn là hương và sắc, tác động vào cảm giác, thị giác, khứu giác của người đối. Dẫu tràn đầy tình ý nhưng cách thể hiện lại vô cùng thanh thoát, ý nhị. Nó thể hiện đẳng cấp chữ nghĩa cũng như cảnh giới tinh thần khoáng đạt của người ra nên rất khó đối lại.
Còn một sự trùng hợp nữa, sau mùa xuân là mùa hạ, mùa vạn vật phát triển mạnh mẽ, câu đối trên cũng có thể là lời tiên tri cho sự giàu mạnh vững bền của triều đại nhà Thanh. Vì từ thời Khang Hy cho đến Càn Long được gọi là “Khang Càn thịnh thế”, kéo dài hơn trăm năm.
Sứ giả Triều Tiên đối trước:
“Mai trúc lầu tùng, mai trồi lá đẹp, trúc nảy cành xinh, cành liền lá, lá liền cành, lá lá cành cành sát lầu tùng, người hữu tình hiểu người hữu tình.”
(“Tùng viện trúc mai, mai sinh long diệp, trúc hóa long chi, chi ty diệp, diệp ty chi, diệp diệp chi chi liên trùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân.”)
Ý tại ngôn ngoại. Sứ thần viết câu đối này cũng là người rất giỏi. Tùng, trúc, mai tượng trưng cho quân tử. Tùng viện là viện có trồng cây tùng, ý nói gốc rễ văn hóa thâm sâu bền vững qua thời gian. Gió mùa xuân thổi qua làm cho trúc và mai bừng sức sống đâm chồi nẩy lộc (“long diệp”, “long chi”). Ý nói là tuy Triều Tiên còn khó khăn (như mai trúc vừa qua mùa đông) nhưng vẫn là dòng dõi tôn quý, phát triển từ văn hóa Nho gia chính tông. Người Triều Tiên lấy Nho giáo làm gốc mà phát triển lên, đoàn kết với nhau nên ngày càng hùng mạnh (“lá lá cành cành sát lầu tùng”). Người Triều Tiên nhờ có tình yêu nước mà thông hiểu lòng nhau (“người hữu tình hiểu người hữu tình”).
Xét về lịch sử thì sau khi nhà Thanh đánh bại Triều Tiên (1636), thì nước này trải qua muôn vàn khó khăn. Vị sứ giả này qua lời thơ đã thể hiện là một bậc lương thần phò trợ cho quốc gia. Thật đáng kính thay. Nhưng xét về tâm cảnh ý cảnh thì câu này thua khá xa cảnh giới của câu trên. Nó không có sự giao hòa giữa cảnh, tình, và người.
Sứ giả Đại Việt là Đăng Đạo đối như sau:
“Ngày hạ đàn thơ, thơ ngụ tình ta, đàn hòa tính ta, tính hòa tình, tình hòa tính, tính tính tình tình nhàn ngày hạ, bạn tri âm biết bạn tri âm.”
(“Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm thích ngã tính, tính viên tình, tình viên tính, tính tính tình tình thư hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân.”)
Ngày hè đánh đàn ngâm thơ, đó là hai thú vui tinh thần tao nhã của bậc quân tử. Đánh đàn ngày hạ lấy từ tích “Ngu cầm”, tức là đàn của vua Thuấn. Theo truyền thuyết, vua Thuấn làm chiếc đàn 5 dây, ca bài Nam Phong. Trong khúc hát Nam Phong có câu “gió Nam hoà ấm có thể giải được sự oán hận của dân, gió Nam hợp thời có thể làm cho dân ta thêm nhiều của cải”. Tương truyền vua Thuấn chỉ ngồi gảy khúc Nam Phong mà nhân dân an cư lạc nghiệp, xã hội thanh bình. Đó chính là “vô vi nhi trị” – đẳng cấp cao nhất trong thuật trị quốc của Thánh nhân. Khúc Nam Phong (gió Nam) cũng có ý nói nước Nam đang thanh bình thịnh trị như thời đó. Còn nói về ngâm thơ, chữ “thi” trong “Thi Kinh” là để chỉ những tác phẩm dùng để giáo hóa dân chúng, từ đó nói lên nền tảng văn hóa sâu dày của Đại Việt.
Cũng trùng hợp là thời điểm này nước Nam thời Lê Trịnh sau cuộc chiến cuối cùng năm 1672 đã ký hòa ước và có một khoản thời gian thanh bình trong hơn 100 năm, đúng với hàm ý “Ngày hạ đàn thơ” của câu đối này.
Trong thơ đã sẵn chứa tình, đàn hòa cùng tâm tính, cả đàn thơ hòa cùng tâm tính và sự yên bình của ngày hạ mà trôi qua trong êm đềm. Đó cũng là sự êm đềm với nội tâm thanh tĩnh của bậc túc nho: “lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ”.
Trong Luận Ngữ có ghi lại cuộc nói chuyện giữa Khổng Tử và học trò như sau:
Tăng Điểm nói: vào độ cuối xuân sẽ “cùng các chàng trai trẻ năm sáu người, thiếu niên sáu bảy cậu, tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đền Vu Vũ, vừa hát ca vừa quay về”.
Phu Tử than rằng: “Ta cũng muốn như Điểm vậy”.
Nhà Nho nhắc tới việc hóng mát hát ca cũng là để nói rằng công thành danh toại. “Hóng mát” là tâm giao cảm với trời đất, “tiêu dao đàn hát” là cách xử thế theo giáo lý Khổng Mạnh. Làm quan là làm lợi cho thiên hạ, không màng danh lợi. Khi công thành lập tức thân thoái. Vì thế mà “thư hạ nhật” cũng là chỉ sự nghiệp đạt đến độ “công danh đã được hợp về nhàn” (Nguyễn Trãi). Quả nhiên, Nguyễn Đăng Đạo về sau được phong là “Lưỡng Quốc trạng nguyên” và danh cao lộc hậu cho đến cuối đời.
Người tri âm nghĩa là không cần nói một lời nào mà vẫn có thể hiểu lòng nhau, vì đàn và thơ đã viên dung với tình tự và tâm hồn người, hòa với đất trời mà ngấm vào tâm can, chỉ có thể yên lặng mà thưởng thức. Như Bá Nha lắng nghe Tử Kỳ gảy đàn, nghe tiếng mà hiểu được lòng. Ý là Đăng Cảo hiểu được tâm tình của hoàng đế Đại Thanh, cả hai đồng điệu về tâm hồn khi cảm thụ cái đẹp của tạo hóa. Chẳng phải chỉ có bậc tri âm thì mới hiểu được khách tương tư hay sao? Không phong ông làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên thì còn ai xứng đáng hơn đây?
Năm 1718, Đăng Đạo về hưu và mất vào một năm sau đó. Vua Lê Dụ Tông ban tặng 4 chữ vàng “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”, treo tại nhà thờ ông ở thôn Hoài Thượng. Dân làng cũng thờ ông làm thành hoàng làng.
Năm 1999, lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được xây dựng lại tại nghĩa trang ven thành phố Bắc Ninh. Hai bên mộ có đôi câu đối:
“Tiến sĩ làm thượng thư thiên hạ có
Trạng nguyên làm tể tướng trên đời không.”
(“Tiến sĩ thượng thư thiên hạ hữu
Trạng nguyên tể tướng thế gian vô.”)
Lời kết:
Xưa có câu:
“Văn quan cầm bút an thiên hạ
Võ tướng đề đao định thái bình”
An thiên hạ không phải là chỉ đơn giản cầm bút mà thôi, mà phải đạt đến tiêu chuẩn của nhà Nho chân chính. Phải có cốt khí, có tiết tháo cứng cỏi, đạo đức thanh sạch mới có thể đem ngọn bút của mình mà trên thì phò vua, dưới thì giáo hóa dân chúng. Các bậc Nho gia tuy không ra trận cầm quân mà chỉnh trị triều đình trên dưới ngay ngắn, giúp vua giữ đạo minh quân. Chỉ một bài thơ, một câu đối mà hóa giải binh đao, kẻ thù nghe tiếng mà không dám xâm phạm, khi cần thiết vẫn có thể xả thân đổ máu để bảo vệ quốc gia, vì lý tưởng của mình mà không bao giờ cúi đầu, để sử xanh vẫn lưu lại ngàn đời…
Tĩnh Thủy