Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật chữ nghĩa của người Việt xưa (P2)

Tiếng Việt giàu và đẹp, những câu đối chữ của cha ông ta đã thể hiện tài hoa tuyệt đỉnh và trí tuệ uyên bác của người xưa.

Uy Viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ

Hậu thế gọi ông là Uy Viễn tướng quân. Đỗ đạt muộn, mãi đến năm 1819 lúc 42 tuổi ông mới thi đậu Giải nguyên và bắt đầu một sự nghiệp lẫy lừng. Tuy từng trải qua cảnh nghèo khổ, nhưng Nguyễn Công Trứ luôn giữ vững tinh thần lạc quan và ý chí cứng cỏi của một nhà Nho truyền thống. Hậu thế vẫn còn ghi nhớ về ông qua những giai thoại thuở hàn vi với nhiều câu đối Hán Nôm vô cùng tuyệt diệu.

Những câu đối Tết nghèo

Nguyễn Công Trứ lận đận số quan trường, mãi đến 42 tuổi mới thi đỗ làm quan. Trước đó ông phải sống trong cảnh vô cùng nghèo khó. Tuy vậy, cảnh nghèo chỉ càng làm ý chí của ông mạnh mẽ hơn. Ông đã dùng tài thơ của mình ghi lại những ngày năm mới khốn khổ một cách rất lạc quan.

Ví dụ như:

“Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái
Nhà ba gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.”

Bầu lăn chiêng là vì không có rượu. “Chiêng” đối với “trống” ở câu dưới thật chỉnh. Cái bầu rượu không đối với gian nhà cũng… trống không, quả là một cái Tết rất nghèo!

Ngày xưa, câu đối Tết dán trên cửa thường là Ngũ phúc lâm môn và Tam dương khai thái.

“Ngũ phúc lâm môn” (năm điều phúc vào cửa): Thọ (sống lâu), Phú (giàu sang), Khang ninh (bình an, khỏe mạnh), Du hiếu đức (ham làm việc phước đức), Khảo chung mệnh (sống trọn tuổi Trời cho).

“Tam dương khai thái”: Theo Kinh Dịch, ba hào dương (ba vạch liền) mở ra quẻ Thái tượng trưng cho mùa xuân tốt lành. Các điều may mắn ấy thường viết trong khung cảnh năm mới sung túc đầy đủ, nay Nguyễn Công Trứ đem viết chung với bầu rượu không và gian nhà trống thì quả là xưa nay hiếm vậy.

Ngay như ông Phúc có ngang nhà Nguyễn Công Trứ chắc cũng phải một phen phát hoảng:

“Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.”

Ba mươi sáu cái xuân xanh rồi nhưng vẫn nghèo và chưa đỗ đạt, cái Tết ấy của nam nhi đại trượng phu quả thật không phải dễ dàng gì. Nhưng ông vẫn luôn lạc quan:

“Chị em ơi! Ba mươi sáu tuổi rồi. Khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.
Trời đất nhẽ! Gắng một phen này nữa. Xếp cung, kiếm, cầm thư vào một gánh, làm sao nổi tiếng trượng phu kềnh.”

Chân dung cụ Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: baoxaydung.com)

Câu thơ đáp lời Tả quân Lê Văn Duyệt

Tương truyền, một lần có việc đi xa, trời rét, Nguyễn Công Trứ vào quán nước bên đường nghỉ chân. Gặp lúc đại binh của Tả quân Lê Văn Duyệt đi tập về, mọi người sợ hãi nép vào một góc, riêng ông vẫn đắp chiếu nằm trên ổ rơm ngủ. Quân lính đánh thức ông dậy, Lê Văn Duyệt thấy ông là học trò nho nhã, liền bảo ông thử vịnh cảnh “nằm ổ rơm đắp chiếu”, nếu hay sẽ được tha. Ông ứng khẩu đọc:

“Ba vạn anh hùng đè xuống dưới
Chín tầng thiên tử đội lên trên.”

Câu thơ vừa tả thực vừa ẩn dụ đầy khẩu khí. “Ba vạn anh hùng” là miêu tả ổ rơm (ý nói là anh hùng rơm!), “Chín lần thiên tử” vừa chỉ nhà vua, vừa chỉ chiếc chiếu (trùng âm với chữ chiếu trong chiếu chỉ của nhà vua, người hay được xưng là bậc “cửu trùng”).

Khẩu khí là tâm, là bản chất sâu kín của một người. Dù có che đậy giỏi thế nào thì đôi khi thông qua khẩu khí ta có thể biết được đó là người tốt hay xấu, sang hay hèn, còn có thể tiên tri về vận mệnh của một người.

Câu thơ ứng khẩu trên mang khẩu khí của Nguyễn Công Trứ, cũng đã tiên tri về tương lai ông sau này. Đó sẽ là một cuộc đời oanh liệt, mang quân đánh dẹp anh hùng khắp thiên hạ (ba vạn anh hùng đè xuống dưới), lập nên công lao to lớn và trở thành bậc đại thần sát bên ngai rồng của hoàng đế. Cả đời dù thăng trầm nhưng vẫn một lòng trung thành làm hết trách nhiệm của một tôi trung (thiên tử đội lên trên).  

Câu đối viết cho chùa ở làng nghề thợ rèn

Có làng nghề rèn dao vừa làm xong ngôi chùa làng. Dân đến xin Nguyễn Công Trứ câu đối để khắc vào cổng chùa. Ông đã cầm bút viết hai chữ lớn “Sắc Không” vào một tờ giấy đỏ. Trên một tờ khác, ông viết hai chữ “Không Sắc”, bảo dân làng ấy đem về khắc vào hai cái bảng như hai cái khánh, có chạm rồng phụng sơn son thếp vàng, treo lên hai đầu trụ.

Hai câu đối trên chuẩn ý nhưng lại khá hài hước về mặt chữ nghĩa. Nó cho thấy cụ Thượng Trứ là một người hay chơi chữ và rất hóm hỉnh:

“Sắc không – Không sắc” đúng là câu đối treo ở chùa, đọc bằng chữ Hán là nói về nội dung triết lý nhà Phật. Hai chữ “Sắc”, “Không“ bắt nguồn từ câu: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Nghe vừa đơn giản lại có vẻ thâm sâu.

Nhưng nếu đọc câu trên theo lối Nôm thì lại là: “Sắc không không sắc”, nghe như câu hỏi của người đi mua dao đối đáp với anh thợ rèn: “Dao có sắc không? Không sắc” thể hiện tài tình cái nghề của làng vậy.

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Nghệ thuật dùng ngôn từ có lẽ là trời ưu ái dành cho phái nữ. Các danh sĩ bên trên tuy có tiếng nhưng lại không để lại nhiều giai thoại thách thức hậu thế như nữ sĩ họ Đoàn. Bà là nữ sĩ nổi tiếng Việt Nam thời Lê trung hưng, vẹn toàn cả tài lẫn sắc, cùng các nữ sĩ khác như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Ánh. Giai thoại về bà còn là về những vế đối chơi chữ tuyệt cú mà cho đến nay bao văn nhân tài tử các đời vẫn rất khó mà đối cho chỉnh. Và lẽ đương nhiên là các nam tài tử đương thời cũng phải bó tay mà phục tài.

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. (Ảnh minh họa: tinmoi24.vn)

Câu đối trêu Trạng Quỳnh

Tuy nổi danh là người hay chữ, mưu trí nhưng Trạng Quỳnh vẫn không phải là đệ nhất về khoản chữ nghĩa. Ông cũng phải chịu thua vài lần khi đối diện với Đoàn Thị Điểm.

Có một lần, Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm nhìn thấy nhau từ hai cửa sổ đối diện, Đoàn Thị Điểm ngẫu hứng bèn ra một vế đối:

“Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.”

Vế ra rất oái oăm, “song song” là ”hai cửa sổ”. Mà chữ “song song” lại có rất nhiều nghĩa. Nó có thể dùng như từ Hán Việt mà cũng có thể dùng như từ thuần Việt. Nó có nghĩa sóng đôi, ngang bằng nhau, vừa có nghĩa được thông suốt. Mà câu đối dùng đến hai cặp chữ “song song” thì biết hiểu thế nào cho đúng?

Độc đáo hơn, nếu ngắt nhịp giữa “ngồi trong” và “cửa sổ song song” lại có thể hiểu theo một cách khác, là hai lần cửa, hoặc hai cửa sổ cùng nằm trên hướng nhìn (hai người không ngồi gần nhau). Gặp phải một vế đối quá hóc búa cỡ này, Trạng Quỳnh bí quá không đối được đành giả bộ tảng lờ, bỏ đi ra chỗ khác.

Câu đối lúc gói nem

Lại một lần khác, lúc giáp tết Nguyên Đán trời mưa rả rích, Đoàn Thị Điểm ngồi gói nem. Trông thấy Trạng Quỳnh đội mưa đi mua rượu về, bà bảo muốn nhắm nem thì ngồi xuống cùng gói với mình. Quỳnh trả lời: “Chả thích nem, chỉ thích giò”.

Đoàn Thị Điểm liền ra một vế đối:

“Trời mưa đất Thịt trơn như Mỡ, Dò đến hàng Nem, Chả muốn ăn.”

Câu đối cũng rất lắt léo dùng toàn chữ: Thịt, Mỡ, Dò (đồng âm với “Giò”), Nem, Chả là danh từ chỉ thức ăn. Câu đối tầm cỡ này khiến Trạng Quỳnh lại một lần nữa bế tắc.

Câu đối trên phố Mía

Lần khác, Đoàn Thị Điểm đi lên phố Mía ở Sơn Tây thì gặp ngay Trạng Quỳnh cũng đang ở đó. Bà lại ra vế đối:

“Lên phố Mía, gặp cô hàng Mật, cầm tay Kẹo lại hỏi thăm Đường.”

Trong câu này có bốn từ: Mía, Mật, Kẹo, Đường, đều chỉ những đồ ngọt cũng có thể dùng như danh từ chỉ địa danh khiến Trạng Quỳnh một lần nữa bó tay. Ngoài ra, vế ra còn khó ở chỗ thứ tự dùng từ là theo đúng trình tự của các sản phẩm làm ra từ cây Mía như Mật, Kẹo và Đường.

Bảng nhãn Vũ Duy Thanh

Dân gian gọi ông là “Trạng Bồng”, vì ông đỗ thủ khoa triều Nguyễn tương đương với Trạng nguyên thời Đại Việt. Ông còn được xem là người chế tạo tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, gọi là hỏa công thủy chiến.

Sinh ra trong một gia đình nho học, Vũ Duy Thanh nổi tiếng là thần đồng ngay từ nhỏ. Ông có tư chất thông minh, chỉ cần xem sách qua một lượt là nhớ, lại có tài ứng đối mẫn tiệp. Ở vùng quê Yên Khánh còn lưu truyền nhiều giai thoại về ông lúc nhỏ, điển hình là câu chuyện đối đáp giữa ông với một vị quan phủ trong vùng.

Câu đối tiên tri về khoa cử

Ngày ấy, Vũ Duy Thanh vẫn còn đi học trên con đê sông Đáy. Gặp năm nước sông lên cao, tri phủ Yên Khánh về đốc dân hộ đê, quân lính thấy Vũ Duy Thanh đi ngang qua đó bèn bắt phải xuống khiêng đất. Ông xin miễn lấy cớ là thư sinh. Quan tri phủ nói: “Nếu thực là học trò giỏi, giải được câu đối sau ta sẽ cho qua”. Câu ra là:

“Quan thị đắp đê Kim Bồng, chắn hồng thủy cho dân được cậy.”

Vế đối ra khá lắt léo với dụng ý dùng từ đồng âm chỉ địa danh cũng là bốn thứ quả: thị, hồng, bồng, cậy. Vũ Duy Thanh nghĩ một chút liền đối đáp ngay:

“Nhà Nho đỗ khoa bảng nhãn, quyết tranh khôi thì chí mới cam.”

Câu đối lại cũng dùng từ đồng âm có bốn thứ quả: nho, nhãn, chanh (tranh), cam. Tuy chỉ ngẫu nhiên ra về đối nhưng không ngờ về sau ông đỗ bảng nhãn thật. Câu đối này lập tức được coi như “sấm thi” báo trước vận mệnh của Vũ Duy Thanh.

Câu đối với quan tri phủ

Một lần khác, quan phủ đi chợ Chàng (nay thuộc xã Khánh Cư, Yên Khánh) gặp Vũ Duy Thanh, muốn thử tài cậu học trò lần nữa nên liền ra vế đối. Vế ra là:

“Đi một thôi, đến chợ Chàng, vắt chân ngóe, ăn thịt ếch, có trả tiền, thế mới ương.”

Vế đối toàn các con vật: chẫu chàng, ngóe, ếch, ễnh ương và có hàm ý giễu cợt Vũ Duy Thanh tính khí ương bướng. Ông liền đối ngay:

“Học Nam Kinh, thi trường phượng, đỗ bảng rồng, làm quận công, cuốc lấy bạc, nhanh như cắt”.

Vế đối lại cũng dùng các con vật: phượng, rồng, công, cuốc, cắt, ngoài ra còn có hàm ý rằng quan phủ ăn tiền của dân nhanh như cắt…

***

Trên đây là những giai thoại về câu đối chữ của các bậc học giả, tài nhân. Phần tiếp theo, mời quý độc giả đón đọc các câu chuyện về tài nghệ ứng đối của sứ giả nước Nam khiến triều đình Bắc quốc phải nể phục.

(Còn nữa)

Tĩnh Thủy

Exit mobile version