Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật tinh tuý ẩn bên trong những chiếc quạt xếp

Vẻ đẹp và sự quyến rũ tiềm ẩn của chiếc quạt gấp Trung Quốc

Ảnh: Lovepik.

Từng được coi là biểu tượng của đế quốc quyền lực trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, những chiếc quạt xếp đã dần dần nổi lên từ vật thuộc sở hữu độc quyền của giới thượng lưu để trở thành món đồ phổ biến trong triều đại nhà Minh (1368 – 1644).

Vào thời điểm đó, quạt xếp là một món phụ kiện không thể thiếu của giới trí thức, văn nhân. quạt xếp trở thành biểu tượng cho một lối sống thanh tao và tinh tế. Trên chiếc quạt xếp, các nghệ nhân thoả sức phô diễn kỹ năng nghệ thuật của họ, từ thư pháp cho đến tranh vẽ.

Nguồn gốc của những chiếc quạt hiện vẫn còn đang là đề tài gây khá nhiều tranh luận trong giới học thuật. Một số học giả tin rằng loại hình nghệ thuật này từ rất lâu đã xuất hiện ở Trung Quốc, có thể là trong thời Nam Bắc triều (420 – 589). Nhưng một số khác khẳng định rằng chúng có nguồn gốc từ Nhật Bản và truyền vào Trung Quốc vào những năm đầu của triều Bắc Tống (960 – 1127). 

Dù vậy, đến thời nhà Minh, những chiếc quạt xếp này nhanh chóng trở nên phổ biến trong cả cung đình lẫn dân gian. Chúng được coi là biểu tượng của giới trí thức và lối sống thanh lịch. Vào cuối triều đại nhà Thanh (1644 – 1912), những chiếc quạt xếp đã được trang trí hết sức tinh tế và lên đến đỉnh cao của nghệ thuật. Những chiếc quạt xếp tranh thư pháp mạ vàng cuối đời nhà Thanh có thân quạt được làm bằng một loại giấy được phủ một chất màu làm bằng bột vàng và keo, được gọi là “bùn vàng”. Những chiếc quạt loại này thường có ba màu vàng là “vàng tiêu chuẩn”, “vàng chùa” và “vàng rơm”. 

“Vàng tiêu chuẩn” là tên của màu vàng gốc. “Vàng chùa” là một màu vàng đậm hơn do có đồng trong chất màu, và “vàng rơm” là một màu vàng nhạt vì có thêm 20% bạc trong hỗn hợp chất màu. Bề mặt “bùn vàng” của thân quạt, trong khi tạo cảm giác xa hoa và lộng lẫy cho quạt, nhưng cũng khiến cho việc đưa mực và chất màu lên nó trở nên khó khăn hơn.

Việc trang trí chiếc quạt xếp bằng vài dòng thư pháp hay một bức vẽ cảnh sắc non nước rồi tặng chúng cho những người bạn thân như một món quà đã trở thành một trào lưu lúc bấy giờ. Điều này đặc biệt phổ biến ở vùng Giang Nam, lưu vực sông Dương Tử, nơi có đông đảo văn nhân, nghệ sĩ. 

Vào thời Dân quốc (1912 – 1949), quạt xếp tiếp tục là biểu tượng của tình tri kỷ. Chúng đã trở thành một món đồ lưu niệm có giá trị truyền thống cao. Sự đa dạng trong vật liệu, hình dạng và cách trang trí phản ánh một nền văn hóa cổ xưa đầy phong phú và có giá trị cốt lõi sâu sắc dù cho hình thức của quạt đã bị thay đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Rất nhiều loại vật liệu có thể được sử dụng để làm sườn quạt như: tre, gỗ đàn hương, gỗ mun, mai rùa, ngà voi và xương động vật…, trong số đó tre là phổ biến nhất. Việc sử dụng các vật liệu quý không chỉ làm tăng vẻ đẹp cho những chiếc quạt này mà còn làm giá trị của chúng trở nên đắt đỏ hơn. 

Ảnh minh họa: Wikimedia Commons.

Vào cuối triều đại nhà Thanh và đầu thời kỳ Dân quốc, phần đầu của quạt xếp đã bắt đầu xuất hiện nhiều hình dạng khác nhau như hình vuông, tròn, phẳng, đuôi én, hình bầu dục, hoặc là đầu nhọn.

Nghề làm quạt thủ công ở Trung Quốc cổ đại chủ yếu được các hộ gia đình lưu truyền, phát triển với quy mô nhỏ. Họ thường mở một cửa hàng nhỏ ở phía trước ngôi nhà của họ và một xưởng gia công ở phía sau. Thành phố Hàng Châu là nơi chứng kiến ​​sự nở rộ đặc biệt mạnh mẽ của thứ nghề thủ công này vào thời Nam Tống (1127 – 1279). 

Một chiếc quạt cổ đời nhà Minh (ảnh: Google Art & Culture).

Vào giữa triều đại nhà Minh, những chiếc quạt xếp với tranh vẽ và dòng chữ thư pháp đã đạt đến thời hoàng kim. Với phong cách tự nhiên, mới mẻ và sống động, nó đã trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn vương quốc Trung Hoa. Sở hữu cho mình một chiếc quạt xếp mang đầy sự thanh cao và tinh tế của một nghệ nhân nổi tiếng chính là một niềm tự hào của nhiều người thời đó.

Ở thời Trung Quốc cổ đại, các nhà văn và nghệ sĩ có một sở thích đặc biệt: viết hoặc vẽ lên những món đồ ưa thích của mình một vài dòng thư pháp, hoặc một bức hoạ nhỏ. Khi các có trong tay những chiếc quạt xếp như thế này, các văn nhân lập tức biến chúng trở thành những kỷ vật, thậm chí là báu vật thấm đượm tinh hoa truyền thống. Ban đầu, các bức tranh và chữ viết xuất hiện trên mặt giấy của chiếc quạt chỉ mang tính chất trang trí. Nhưng sau đó, qua những năm tháng dài đằng đẵng, chiếc quạt được coi như một “hoá thạch sống”, lưu giữ nét tinh hoa của nghệ thuật thời cổ đại cho thế hệ sau.

Nga Mi
Theo The BL

Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

Exit mobile version