Trong chúng ta ai chưa từng sững sờ trước một cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Ai cũng ước mong ghi lại được khoảnh khắc tuyệt vời đó vào ống kính. Tuy nhiên bức ảnh có đạt hiệu quả như mong muốn không thì còn tùy vào kinh nghiệm của người cầm máy.

“Không có album ảnh du lịch đẹp nào mà không có ảnh chụp mặt trời mọc hoặc mặt trời lặn!”

Nhiều khách du lịch dường như biết rõ điều này – tuy nhiên hầu hết các bức ảnh hoàng hôn và bình minh mà tôi thấy đều khá thất vọng.

Chúng không đáng bị như vậy – vì chụp ảnh hoàng hôn và bình minh thực tế không quá khó! Dưới đây là 12 mẹo để hoàn thiện những bức ảnh thuộc loại này của bạn.

Ảnh: Tomasz Huczek

1. Đi trước một bước

Ảnh: Matthew Hahnel

Mặc dù đôi khi những bức ảnh mặt trời mọc và mặt trời lặn tuyệt vời có thể được chụp một cách tự phát mà không cần bất kỳ suy xét nào từ trước, thường xảy ra trường hợp những tấm ảnh tốt nhất là kết quả của những kế hoạch tốt. Hãy tìm ra những địa điểm có thể tốt cho chụp ảnh hoàng hôn từ một hoặc hai ngày trước ngày chụp của bạn. Hãy tìm kiếm những vị trí thú vị mà bạn không chỉ có thể nhìn thấy mặt trời lặn trong suốt hành trình của nó mà còn có cơ hội bao gồm được các yếu tố tiền cảnh và bóng đen cho những bức ảnh. Hoàng hôn chỉ diễn ra trong vòng nửa giờ hoặc lâu hơn một chút; nên bạn cần suy nghĩ về các yếu tố này từ trước khi các hiện tượng bắt đầu; nếu không bạn có thể bỏ lỡ những bức ảnh mà bạn đang theo đuổi.

Hãy tìm hiểu xem khi nào mặt trời lặn hoặc mọc và đến đó ít nhất nửa giờ trước đó; vì đoạn thời gian ngay trước hoặc ngay sau khi mặt trời mọc hay mặt trời lặn chính là những thời điểm có những điều kỳ diệu thực sự hiện ra.

Ngắm hoàng hôn. (Ảnh: Zach Dischner)

Bạn cũng nên để ý tới yếu tố thời tiết. Có rất nhiều kiểu hoàng hôn khác nhau, tạo ra rất nhiều kiểu ánh sáng và họa tiết khác nhau trên bầu trời. Bạn không nên chỉ chọn những ngày trời quang mây tạnh để chụp những bức ảnh thuộc loại này – trong khi kiểu thời tiết đó có thể tạo ra một số màu sắc rất tuyệt vời, thường thì những lúc có mây che phủ mới thực sự tạo ra sự sinh động! Ngoài ra, hãy chú ý đến những ngày có sương mù hoặc khói trong không khí; vì khi đó cũng có thể tạo ra kết quả đáng kinh ngạc.

Bạn cần suy xét trước về những thiết bị có thể cần dùng đến; bao gồm một giá đỡ máy ba chân, các ống kính với một loạt các tiêu cự khác nhau, pin dự phòng, vv

2. Chụp ở nhiều độ dài tiêu cự khác nhau

Góc rộng có thể tạo ra những bức ảnh quét được một phạm vi phong cảnh rộng nhưng nếu bạn muốn bản thân mặt trời trở thành chủ đề chính của bức ảnh thì bạn phải dùng ống kính zoom để kéo mặt trời lại gần.

Hãy nhớ rằng hình ảnh mặt trời chỉ rộng nửa độ nên khi bạn chụp nó với ống kính góc rộng, nó sẽ chỉ chiếm một phần khá nhỏ của bức ảnh. Nếu bạn muốn mặt trời thành một phần chính trong ảnh của mình, bạn cần phóng to nó lên bằng cách sử dụng loại ống kính từ 200mm trở lên. Điều này sẽ buộc bạn phải có thêm một giá đỡ ba chân cho máy ảnh!

Cũng cần lưu ý rằng khi bạn nhìn thẳng vào mặt trời dù vào thời điểm nào cũng có thể nguy hiểm, đặc biệt khi bạn nhìn qua một ống kính phóng đại thì có thể khá nguy hiểm vì khi đó mặt trời vẫn còn quá cao trên bầu trời.

Ảnh: Bobby Bong

3. Đặt bóng đen vào tiêu điểm

Như với tất cả các bức ảnh khác, ảnh hoàng hôn cũng cần có một điểm nhấn thú vị; và một trong những cách tốt nhất để thêm một hình ảnh là cố gắng kết hợp một số loại bóng đen vào ảnh. Có thể là một cái gì đó lớn như một dãy núi, một vật gì đó là một phần của môi trường, như cây cọ hoặc bến tàu hoặc thậm chí có thể là người.

Hoàng hôn phản chiếu. (Ảnh: james j8246)

Những điều tuyệt vời về ảnh bóng đen là chúng làm tăng thêm tâm trạng và bối cảnh vào một cảnh hoàng hôn hoặc bình minh. Bản thân đề tài này cũng còn nhiều đất để thảo luận.

4. Quy tắc một phần ba

Đừng quên áp dụng quy tắc một phần ba trong việc chụp ảnh bình minh và hoàng hôn của bạn. Mặc dù bạn luôn có thể phá vỡ quy tắc này nhưng nó thường là ý tưởng tốt nếu đặt các yếu tố như đường chân trời, mặt trời, bóng đen, v.v.. ra khỏi trung tâm của bức ảnh.

Thành tạo hoàng hôn. (Ảnh: Steve Corey)

5. Kỹ thuật phơi sáng

Hãy chụp ở nhiều mức độ phơi sáng khác nhau – nếu bạn để mặc cho máy ảnh của mình tự quyết định tốc độ màn trập thì có thể bạn sẽ thu được một bức ảnh không thực sự ghi lại được vẻ đẹp của ánh sáng. Thông thường, các đối tượng chụp sẽ bị thiếu sáng vì bầu trời vẫn còn khá sáng.

Thay vì dựa vào chế độ tự động của máy ảnh, hoàng hôn là thời điểm lý tưởng để chuyển máy ảnh của bạn sang chế độ ưu tiên khẩu độ hoặc tốc độ màn trập để chụp ở nhiều mức độ phơi sáng khác nhau.

Ảnh: David Clapp

Điều tuyệt vời về chụp ảnh hoàng hôn và bình minh là không có một sự phơi sáng “chuẩn”; và vì thế bạn có thể nhận được những kết quả tuyệt vời khi sử dụng nhiều cấp độ phơi sáng khác nhau. Ngoài ra, hãy nhớ rằng các mức phơi sáng khác nhau (tạo ra bởi sự phối hợp khẩu độ và tốc độ màn trập khác nhau) sẽ tạo ra nhiều kết quả khác nhau, vì vậy, nó đáng để chụp nhiều chứ không chỉ là một vài bức ảnh – điều quan trọng là phải dấn thân vào thử nghiệm.

Tôi có xu hướng chuyển sang chế độ ưu tiên màn trập và bắt đầu với tốc độ màn trập tương đối nhanh và sau đó từ từ giảm xuống các tốc độ chậm hơn.

Ảnh: MIchael Shainblum

6. Đặt khung

Một kỹ thuật khác để cố gắng có được mức phơi sáng phù hợp là ‘đặt khung’, trong đó bạn sẽ nhìn vào những gì máy ảnh gợi ý cho bạn chụp và sau đó tiến hành chụp một vài bức ảnh ở cả dưới và trên giá trị gợi ý đó. Chẳng hạn nếu máy ảnh của bạn gợi ý chụp ở tốc độ 1/60 giây và khẩu độ f / 8, bạn sẽ chụp ở 1/60s với f / 5.6 và sau đó là f / 11. Khi làm như vậy, bạn sẽ thu được một loạt ảnh ở các mức phơi sáng khác nhau, với kết quả và màu sắc hơi khác nhau. Hầu hết các máy DSLR và một số máy ảnh kỹ thuật số đơn giản đều đã tích hợp tính năng đặt khung hình này, do đó, bạn không cần phải làm điều này bằng tay – chỉ cần tìm hiểu cách sử dụng!

Ảnh: artvBwom

7. Khóa chế độ phơi sáng tự động

Một mẹo kiểm soát độ phơi sáng khác, nếu bạn không có chế độ đặt khung hoặc không có cảm giác tự tin khi sử dụng nó, là nếu máy ảnh của bạn có chức năng ‘khóa phơi sáng tự động’, cho phép bạn hướng máy ảnh của mình vào một chỗ tối hơn và khóa phơi sáng cho vị trí đó (cũng tức là bạn có thể hướng máy xuống đất ngay trước mặt bạn và khóa phơi sáng) và sau đó hướng máy ảnh vào cảnh hoàng hôn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có được một bức ảnh phơi sáng nhiều hơn.

8. Đưa máy ảnh ra khỏi chế độ cân bằng trắng tự động

Khi bạn đặt máy ảnh vào ‘Auto’ trong chế độ cân bằng trắng (white balance), bạn có nguy cơ đánh mất một số tông màu vàng ấm áp khi mặt trời mọc hoặc hoàng hôn. Thay vào đó, hãy thử chụp trong chế độ ‘Bóng mây’(‘cloudy’), hoặc ‘Bóng râm’ (‘shade’) mà thường được sử dụng trong điều kiện ánh sáng mát mẻ hơn; đồng thời điều chỉnh máy ảnh của bạn để làm mọi thứ ấm lên một chút. Thay vào đó – nếu bạn đang chụp cảnh mặt trời mọc mà lại muốn thể hiện một tâm trạng mát mẻ hơn thì bạn có thể thử nghiệm với các cài đặt cân bằng trắng khác.

Ảnh: Jake Olson Studios

9. Chân máy

Nếu bạn chụp ở những tốc độ màn trập chậm hơn và tiêu cự dài hơn thì sử dụng chân máy 3 chân hoặc một số cách khác để đảm bảo máy ảnh của bạn hoàn toàn yên tĩnh là điều cần thiết.

Ảnh: Tony Heyward

10. Lấy nét thủ công

Đôi khi, khi chụp trong điều kiện ánh sáng khắc nghiệt, một số máy ảnh có thể gặp khó khăn khi lấy nét tự động. Nếu máy ảnh của bạn rơi vào trường hợp này, hãy cân nhắc việc chuyển sang lấy nét thủ công để đảm bảo bạn có được những bức ảnh đẹp sắc nét.

Ảnh: Kerim Hadzi

11. Quan sát xung quanh bạn

Điều tuyệt vời của thời điểm hoàng hôn là nó không chỉ tạo ra màu sắc tuyệt vời trên bầu trời trước mặt bạn mà chúng còn có thể tạo ra ánh sáng vàng tuyệt đẹp mà rất tuyệt vời cho các thể loại nhiếp ảnh khác. Khi hoàng hôn buông xuống, hãy để mắt đến những cơ hội khác để chụp mọi thứ xung quanh bạn (không chỉ là trước mặt bạn). Bạn có thể tìm thấy những cơ hội tuyệt vời để chụp chân dung, chụp phong cảnh, chụp macro, v.v.. ở phía sau lưng bạn trong môi trường ngập tràn ánh sáng vàng kim.

Hoàng hôn lãng mạn. (Ảnh: rabiem22)

12. Chụp liên tục

Hoàng hôn hoặc bình minh luôn thay đổi liên tục theo thời gian và có thể tạo ra nhiều màu sắc tuyệt vời sau khi mặt trời lặn hoặc xuất hiện, vì vậy hãy duy trì chụp liên tục ở các mức phơi sáng và tiêu cự khác nhau như đã đề cập ở trên cho đến khi bạn chắc chắn rằng mọi cơ hội chụp đều đã được tận dụng.

Những tia sáng hoàng hôn. (Ảnh: Derek Finch)

Bây giờ bạn có thể vác máy đi và tự mình thử nghiệm xem các lời khuyên nói trên có hiệu quả không nhé!

Theo Darren Rowse (digital-photography-school.com)

Thiện Quang biên dịch

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||6213e5a03__