Đại Kỷ Nguyên

Bà ơi, lưng bà còng xuống như bông lúa nếp đã chín

Vài nét sơ lược về tác giả: Nhà văn, nhà thơ Bùi Thị Biên Linh (bút danh Bùi Thị Sóng Biển khi còn nhỏ) sáng tác văn thơ từ khi còn nhỏ, chị là thành viên nhóm “Búp trên cành” –nhóm những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật trong hệ đào tạo đầu tiên của cả nước từ năm 1976-1980. Từ năm 11 tuổi chị đã có các tác phẩm đăng trên các báo Thiếu niên tiền phong, báo văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam. Truyện thơ của chị được đọc trên đài phát thanh, chương trình thiếu nhi của đài tiếng nói Việt Nam từ thời ấy.

Chị làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình văn học, tập thơ ‘Ý nghĩ ban mai’ của chị được nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam xuất bản. Các tác phẩm của chị cũng được giới thiệu nhiều trên các báo: Người Hà Nội, Sinh viên Việt Nam, được in trong tuyển tập “Bạn thơ quê hương”… Chị cũng nhận vô số giải thưởng thơ và truyện trong suốt cuộc đời văn chương của mình

Văn thơ của chị hiền dịu, nữ tính, hết sức dung dị, đúng chất quê hương mộc mạc sâu lắng.

Bà của cháu

Tính bà tôi vẫn thế, lúc nào cũng hiền hậu và thường kể chuyện ngày xưa cho bọn tôi nghe. Từ ngày về với bà, tôi được biết thêm bao nhiêu chuyện, có chuyện chỉ riêng bà biết thôi.

Bà bảo ngày còn trẻ, tóc bà dài và xanh lắm phải quấn lên mấy vòng khăn mới hết, cả làng ai cũng khen, thế mà bây giờ tóc bà bạc trắng. Lưng bà còng xuống như bông lúa nếp khi đã chín. Má bà hóp lại, nhăn nheo.

Trời mưa rào, tôi mang quả bí đỏ ra hiên nhà gọt để chuẩn bị nấu chè. Thịt bí đỏ lựng, thơm thơm ngọt ngọt. (Bí này nấu với đậu xanh, thêm ít đường nữa thì phải biết là ngọt, bà ăn chắc ngon lắm đấy) –Tôi nghĩ thầm như vậy, càn bà, bà lấy những bộ quần áo của chị em tôi ra vá. Nhìn quanh chẳng thấy đứa nào, bà giơ cái kim lên gần mắt và đưa sợi chỉ gần, bà xâu mãi mà chẳng được.

Tôi vội chạy vào đỡ lấy sợi chỉ xâu kim cho bà. Đã có lần tôi thấy bà Tâm (cũng già bằng bà tôi) đeo kính trắng ngồi khâu. Bà Tâm khâu nhàn lắm. A, tôi nghĩ ra rồi, lát nữa tôi sẽ bổ cái ống tiết kiệm lấy tiền gửi bác Lai mua cho bà đôi kính trắng như của bà Tâm. Số tiền ấy chắc đủ mua kính đấy vì cái ống khá nặng rồi.

(Ảnh: Pinterest.com)

Bà tôi thường kể, bà trồng cây ổi Bo trước cửa nhà đúng vào dịp sinh nhật tôi. Thế mà năm nay cây đã cao vượt đầu tôi rồi.

Khi những cơn mưa rào đầu mua hè đến là ổi bắt đầu chín. Tôi trèo lên cây hái những quả chín, mềm nhất đem về. Tôi gọt vỏ và cắt ra từng miếng nhỏ mời bà. Yêu tôi, bà cầm lấy một miếng đưa lên mồm tóm tém. Nhưng rồi bà gọi tôi lại đưa đĩa ổi cho tôi.

– Bà không ăn được ổi đâu, các cháu ăn cũng như bà ăn rồi

Đi đâu về, có quà là bà dành dụm cho chúng tôi, từ quả chuối tiêu vàng ửng đến chùm nhãn cùi mọng nước. Đi lễ chùa hay đi ăn giỗ đâu về, bà lại dành phần cho tôi một nắm xôi nếp nấu với đậu xanh, giữa nắm có một miếng thịt gà hay một miếng giò béo nhẫy… Bà đi ăn cỗ ở đâu là y như chị em chúng tôi đều có phần. Chưa bao giờ chúng tôi mừng hụt cả. Sống xa mẹ, chúng tôi càng được bà chiều chuộng hơn.

Bỗng một hôm, tôi nhận được tin bố đã hy sinh, đó là ngày đau đớn nhất đời tôi. Hôm ấy, bà khóc rất lâu, bà gọi tên bố tên đến khan tiếng. Những ngày sau, bà ít nói và thỉnh thoảng tôi lại thấy mắt bà ngấn nước. Giá cứ như mọi lần tôi đã khóc theo bà, nhưng hôm nay tôi không dám khóc vì sợ bà càng buồn thêm.

– Bà ơi, bà đừng khóc nữa, bố cháu mất đi thì đã có chúng cháu lớn rồi.

Bà ôm tôi vào lòng, vuốt tóc tôi nhưng bà không nói.

Từ ngày bố tôi mất, bà cứ gọi chúng tôi bằng con, chẳng hiểu sao, tôi cứ thích bà gọi mình như thế. Cũng từ ngày bố mất, chúng tôi càng yêu bà hơn, chị em tôi phân công nhau mỗi đứa làm một việc giúp bà. Đứa xâu kim, vá áo, đứa cho gà ăn, tưới rau đỡ bà.

Hôm nay tôi lại thấy bà đấm lưng. Tôi lại gần thì thầm với bà:

– Bà ơi, bà vất vả nhiều rồi, từ nay, bà cứ để chúng cháu nấu cơm cho bà nhé.

Bà tôi cười nhìn âu yếm:

– Thôi cứ để bà thổi, bà còn khỏe, con cứ học đi cho giỏi là bà mừng rồi…

(Ảnh: Pinterest.com)

Bà tôi cười rất hiền đưa bàn tay vuốt tóc tôi, tôi bỗng nghĩ cũng bàn tay ấy những năm xưa bà đã từng vuốt tóc bố tôi và bây giờ lại đến lượt tôi.

Tôi chỉ muốn học thật giỏi để được nhìn thấy bà tôi cười vui mãi mãi.

Bùi Thị Biên Linh

Ngày 23-6-1977
(13 tuổi, Đông La, Đông Hưng, Thái Bình)

Exit mobile version