Đại Kỷ Nguyên

Bài thơ Đàn Tì Bà của Đường Thái Tông, nỗi lòng người cha tiễn biệt con gái

Đường Thái Tông được biết đến là một vị hoàng đế với tài thao lược, cầm quân và sử dụng binh pháp như thần. Một vị vua can đảm dũng mãnh. Nhưng ông còn là con người của nghệ thuật cầm kỳ thi họa. Ông đã sáng tác bài thơ Đàn Tì Bà để tiễn biệt con gái mình Văn Thành công chúa lên đường đi xứ làm dâu.

Đường Thái Tông (23 tháng 1, 599 – 10 tháng 7, 649), là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, là con thứ hai của Đường Cao Tổ Lý Uyên. Trị vì từ năm 626 đến năm 649 với niên hiệu duy nhất là Trinh Quán .

Triều đại nhà Đường dưới thời trị vì của Đường Thái Tông được đánh giá là thời kì phát triển đỉnh điểm trong lịch sử Trung Quốc. Đường Thái Tông một chính khách với trí tuệ uyên thâm, là một nhà quân sự tài bà lỗi lạc. Một nhà văn học, nghệ thuật tài năng. Ông được sử sách xưng tôn là thiên cổ nhất đế.

Đường Thái Tông. (Ảnh: Tansinh.net)

Sự ra đời của bài thơ Đàn Tì Bà

Vào mùa thu năm 638, vua Thổ Phiên là Tùng Tán Cán Bố cử sứ thần đến Trường An tiếp kiến Đường Thái Tông, ông đề nghị (sử liệu Tây Tạng viết là yêu cầu) cưới một công chúa nhà Đường và bị cự tuyệt. Do lúc đó quốc vương Thổ Cốc Hồn là Nặc Hạt Bát đến kinh đô triều kiến, sứ thần trở về tâu với Tùng Tán Cán Bố là hôn ước bị cự tuyệt là do sự can thiệp từ Thổ Cốc Hồn. Vương quốc Thổ Cốc Hồn được lập nên bởi người Azha, những người sinh sống quanh hồ Koko Nor (ngày nay trong địa phận tỉnh Thanh Hải), dọc theo con đường tơ lụa từ Trung Quốc.

Tùng Tán Cán Bố nổi giận, đem quân tấn công Thổ Cốc Hồn

Bất bình trước việc Thái Tông không chịu gả công chúa cho mình và tức giận vì cho rằng Khả hãn Thổ Cốc Hồn đã ngăn trở việc này, Tùng Tán đem 20 vạn quân đánh Thổ Cốc Hồn và vây hãm một số châu huyện nhà Đường. Thái Tông sai Hầu Quân Tập đem 5 vạn đại quân đến cứu.

Hầu Quân Tập ra quân mau lẹ, đánh thẳng vào quân Thổ Phiên, suýt bắt sống vua Thổ Phiên còn quân Thổ Phiên thua chạy tán loạn. Tùng Tán Cán Bố buộc phải lui quân, lập ra hòa ước với nhà Đường, cung tiến 5.000 lạng vàng cùng trăm món bảo vật trân quý làm vật cầu hòa và lại một lần nữa ngỏ lời muốn cưới công chúa. Thấy được thiện ý trước sau như một được cầu thân của vua Thổ Phiên, Đường Thái Tông đồng ý, đem Văn Thành công chúa gả cho vua Thổ Phiên.

Đường Thái Tông đồng ý gả Văn Thành Công chúa cho vua Thổ Phiên. (Ảnh: Pinterest.com)

Ngày biệt li tiễn con đi Đường Thái Tông đã sáng tác bài Đàn Tì Bà. Bài thơ với từ ngữ giản đơn, dung dị như tình cảm của người cha dành cho con gái. Nhưng cũng ẩn chứa biết bao nhiêu trách nhiệm và kì vọng của một người cha dành cho sứ mệnh phó thác đặt lên vai nàng công chúa Văn Thành. Nàng xuất giá mang theo mấy trăm cuốn sách về văn hóa truyền thống, tượng Phật và kinh Phật, những tác phẩm nghệ thuật cùng những thành tựu y học thuộc văn hóa của người Hán mà truyền bá, hồng truyền Phật pháp trên đất Tây Tạng. Văn Thành công chúa được mệnh danh là cây cầu nối cho hai nền văn hóa Đường – Thổ.

Bài thơ Đàn Tì Bà là lời nói nhớ nhung và nỗi buồn giấu kín của một người cha biệt li con gái

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, đàn tì bà là một nhạc cụ có từ lâu đời, nó mang theo âm sắc thuần tịnh tự nhiên, là một nhạc khí truyền thống được yêu thích nhất.

Hơn hai nghìn năm trước câu chuyện về Hán Vũ Đế gả Vương Chiêu Quân sang đất Hung Nô. Ngày tiễn biệt Chiêu Quân ngoảnh đầu về cố hương mà tấu khúc tì bà: Bình sa lạc nhạn. Bản nhạc bày tỏ nỗi lòng và sự nhung nhớ quê hương. Thoáng trong đó là nỗi tủi hận cho thân phận của mình.

Thì Đường Thái Tông tấu khúc tì bà để tiễn con gái đi sang làm dâu xứ người. Ông mang theo nỗi nhớ nhung và sự bịn rịn luyến lưu của phụ thân dành cho công chúa:

Bán nguyệt vô song ảnh, toàn hoa hữu tứ thì
Tồi tàng thiên lí thái, yểm ức kì trọng bi
Thúc tiết oanh hồng tụ, thanh âm mãn thúy duy
Sử đạn phong hưởng cấp, hoãn khúc xuyến thanh trì
Không dư quan lũng hận, nhân thử đại tương tư.

(Ảnh: Pinterest.com)

Dịch văn:

Chặng đường từ Trường An đến Thổ Phiền xa xôi hoang vắng, nửa tháng trời chẳng thấy bóng người. Dọc đường đi không thấy được hoa nở rộ bốn mùa.

Khúc đàn tì bà mà ta tấu, tiếng thanh trầm mang trong lòng nỗi nhớ thương khó lòng bày tỏ. Nhịp điệu ngắn ngủi mà âm thanh trong trẻo đẹp đẽ như sự dung mạo hoa lệ của công chúa. Quý báu hơn thảy vàng bạc châu báu.

Tiếng đàn tì bà là nỗi lòng của người cha khi buồn bã chia li con ngàn dặm trường. Nó là tiếng nói nhớ nhung và nỗi lòng buồn bã khó mà giãi bày.

Nếu Vương Chiêu Quân trong tâm tủi hận thân phận má đào phải rời cố hương làm dâu xứ lạ, thì trong bài thơ Đàn Tì Bà của Đường Thái Tông ông cũng dùng chữ hận: Không dư quan lũng hận. Chữ Hận này không mang hàm ý oán hận, mà là tâm thái tiếc nuối khi chia xa. Nỗi lòng chỉ dùng tiếng Tì bà mà giãi bày chia sẻ.

Áng thơ mộc mạc, ngôn từ bình dị như tình cảm của người cha lúc biệt li con gái. Trong ông dường như mang theo sự kì vọng. Nàng mang theo sứ mệnh hòa bình cho hai đất nước và cũng là người truyền bá đi văn hóa nghệ thuật của người Hán trên đất Tây Tạng. Người hồng dương Phật pháp ở xứ Thổ Phiên.

Trong lòng người dân của 2 đất nước luôn là hình ảnh của một nàng công chúa mẫu mực, tài sắc vẹn toàn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Đường Thái Tông ngầm coi Văn Thành công chúa thanh tao như tiếng Tì bà, sâu sắc như âm thanh của nó và truyền thống vững bền quý giá như sứ mệnh mà nàng mang theo. Từ đây có thể hiểu được tình cảm mà hoàng đế đại Đường gửi gắm ở công chúa của mình.

Tịnh Tâm

Exit mobile version