Bảo tàng Cung điện Quốc gia tại Đài Bắc tổ chức một cuộc triển lãm với chủ đề “Trăm hủy(1) Thanh cung – Triển lãm hội hoa cây hoa và bồn cảnh” để đem đến cho người xem một loại hình nghệ thuật tao nhã của người xưa.
Bảo tàng Cung điện Quốc gia tại Đài Bắc hiện cất giữ một số lượng lớn các tác phẩm mô tả bình hoa, chậu cảnh phản ánh ý tưởng sáng tạo mỹ cảm cùng sự quan sát cẩn thận của tác giả, trong đó còn hàm chứa văn hóa truyền thống cùng phong tục dân gian. Triển lãm lần này trưng bày tổng cộng 42 tác phẩm, phân thành hai phần chính để khán giả dễ theo dõi, một phần với chủ đề “hoa trong bình”, một phần là “cảnh trong bồn”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 25 tháng 12 năm 2018.
Hoa và cây cối có thể ở thổ nhưỡng tự nhiên mà sinh trưởng, cũng có thể trải qua sự chăm sóc của con người, sau đó nó được đưa vào trong nội thất để trở thành vật trang trí cho không gian gia đình. Biến cây cối thành các đối tượng thẩm mỹ hay những chủ đề nghệ thuật, ngoài những bức phác thảo cành cây, nhánh cây thường gặp, các họa gia còn đem cả bình hoa cùng chậu cảnh bốn mùa tới thể hiện.
Bình hoa bắt đầu từ triều đại nhà Đường, sử dụng trong việc thờ cúng đức Phật. Sau đó phát triển tới thời Tống và Nguyên, sự đa dạng của các loài hoa tăng lên, công nghệ trồng trọt cũng thành thục hơn cộng thêm nghề thủ công gốm sứ phát triển. Những chiếc bình hoa dần dần hình thành phong thượng. Các kỹ thuật trồng trọt, vườn tược tới thời nhà Thanh rất hưng thịnh, các văn nhân đã chú ý tới tính thẩm mỹ của hoa lá và bình, các tác phẩm lần lượt được ra đời, thúc đẩy sự tinh xảo hóa của chậu cảnh và bình hoa.
Bồn cảnh được vun trồng đều mang ý nghĩa, việc cắm hoa trong bình cũng thể hiện khí chất thanh lịch, tao nhã. Cái gọi là “nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất Như Lai” (một bông hoa là cả một thế giới, một chiếc lá là một vị Như Lai) phản ánh sức quan sát và sự cảm nhận của người nghệ sĩ.
Theo thông tin do Bảo tàng Cố cung Đài Bắc cung cấp, lựa chọn này của Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc có tổng cộng 42 tác phẩm với hy vọng khán giả sẽ đánh giá cao vẻ đẹp vạn vật, từ đó có cái nhìn sâu sắc về cách sống hài hòa với môi trường tự nhiên.
Nghệ thuật cắm hoa trong bình
Nghệ thuật cắm hoa bắt đầu với gắn liền với những nghi thức trong Phật giáo. Đa phần là hoa sen được cắm trong bình, mang những hàm ý đặc biệt về tâm linh. Trong triều đại nhà Đường, Ngũ Đại, từ cung đình ra đến ngoài dân gian, đều lưu truyền thưởng hoa trong vườn, ngắm cảnh cắm hoa tươi. Thời Tống, cắm hoa được kết hợp với thắp hương, điểm trà và treo tranh.
Đến thời Nguyên, Minh, bình hoa đã trở thành chủ đề trong hội họa, việc cắm hoa chú ý đến sự sang trọng, long thịnh, đây là một thú vui thanh nhã, dân gian thường lấy hoa và cây mang hàm ý cát tường. Cắm hoa trong bình chú trọng tỷ lệ đường cong, việc lựa chọn loại hoa cũng là một điểm quan trọng. Đời Thanh còn có đề tài “Bác cổ Thanh cung”, lấy hoa và quả cùng kết hợp trang trí, mang lại ý nghĩa giàu sang, bình an, bày tỏ những lời chúc tốt đẹp cho cuộc sống.
Văn sĩ ngồi xếp chân trên sạp nhỏ, ngâm thơ ngắm hoa, bên cạnh có một chiếc bàn, có bụi cây mây, đàn, cờ, chậu hoa. Một bức trướng lớn đằng sau, cùng với tiền cảnh tương đồng. Trong bức tranh này đã phơi bày đầy đủ: cầm, kỳ, thư họa, điểm trà, bình hoa, đây chính là một bức chân dung miêu tả chi tiết về văn sĩ cổ đại.
Chậu hoa được đặt trên những điệp thạch (trụ đá), hoa ba cành hoa mẫu đơn trong nước, màu sắc rực rỡ tươi đẹp. Hình ảnh các bông hoa nở ra rất tinh tế. Bức tranh này vốn được Tống Huy Tông, Tống Cao Tông cất giữ trong ngự phủ, được chọn từ “Lịch đại họa phúc tập sách”.
Lý Tung (khoảng 1190 – 1264), người Tiền Đường, Chiết Giang. Thuở nhỏ từng làm thợ mộc. Sau đó ông được Lý Từ Thuận nhận làm con nuôi và vào làm họa gia trong cung đình. Ông rất giỏi vẽ tranh sơn thủy, hoa cỏ.
Những giỏ mây đầy hoa cỏ mùa xuân, tượng trưng cho niềm vui mừng của năm mới. Hoa sơn trà đỏ, hoa ngạc mai xanh, thủy tiên, lạp mai và thụy hương được cắm dày đặc, tạo nên một sắc hương ngào ngạt, mang đến một cảm giác viên mãn phong phú. Hoa sơn trà làm chủ trong giỏ hoa, hai bên được bố trí và sắp xếp đầy những loại hoa khác. Hình thức bện tre của chiếc giỏ cũng rất tinh tế, mang tính tả thực cao, thiết sắc tao nhã lộng lẫy, đây là một kiệt tác giỏ cắm hoa của cung đình triều Tống.
Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu:
Bức “Ngoạn cúc đồ” – Trần Hồng Thụ, thời Minh
Cao sĩ ngồi cầm trượng, bình yên thoải mái, thứ ông ngồi lên là một thân cây lựu tạc thành, hình thế vô cùng kỳ lạ. Bình cúc được trưng bày trên tảng đá, hoa cúc cùng với lá khô héo vàng trong bình, sắc điều tao nhã, màu sắc này được các bình giả đánh giá rất cao.
Bức tranh dựa trên điển cố Đào Uyên Minh (365 – 427) từ quan về quê, tự tại đạm bạc, uống rượu thưởng cúc. Chủ đề này thường được các văn nhân vận dụng. Hoa cúc tượng trưng cho phẩm đức quân tử, nhân vật trong bức họa không chỉ đơn giản là ngồi ngắm hoa, mà còn hòa hợp cùng hoa, phản ánh một sự gần gũi của con người với thiên nhiên. Bức họa là tác phẩm của Trần Hồng Thụ (1598 – 1652) vẽ trong những năm cuối đời.
Bức “Tuế triêu đồ” – Biên Văn Tiến, thời Minh
Tết nguyên đán là ngày hội mùa xuân cho những bông hoa đua nở, những bông hoa được mang lên bàn thờ với ý nghĩa tâm linh, hình dáng của chiếc bình cũng rất đặc sắc, miệng rộng, bụng phình, trên bụng có khắc các hoa văn vân mây. Bên trong bình hoa cắm một cành mai, hoa sơn trà, thủy tiên, thiên trúc, linh chi, tùng, bách, một trái hồng trĩu xuống, ngụ ý “thập toàn thập mỹ”. Toàn bộ kết cấu được bố trí rất nghiêm ngặt, phía dưới là những nhánh hoa dạng vòng cung, lấy cành mai cao làm chủ, các cành tương ứng đối xứng nhau, gia tăng xúc cảm.
Bức “Bác cổ hoa thảo” – Trần Triệu Phương, nhà Thanh
Trần Triệu Phương, tự là Mộng Kỳ, rất giỏi vẽ hoa điểu, đến năm Quang Tự thứ 7 (1881) được phong làm quan thất phẩm, đảm nhiệm chức vụ trong cung đình suốt 20 năm. Tác phẩm này của ông cũng rất đặc sắc, một chiếc bình cao lớn miệng rộng, bên trong cắm cành tử đằng, hoa dài, lá mạn sinh, những đóa hoa tím mọc um tùm. Bên cạnh chiếc bình còn có một bể cá vàng. Tử đằng, bảo bình, cá vàng là những sự vật tượng trưng cho “Tường thụy bình an, kim ngọc mãn đường”, đây là một vật phẩm mang mục đích cát tường trong cung đình nhà Thanh.
Nghệ thuật trồng cây trong bồn
Chậu cảnh được trải qua sự chăm nom của con người, uốn nắn và bày trí theo một nghệ thuật hay ngụ ý nhất định. Triều đại nhà Đường đã phổ biến chậu cảnh trong vườn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây cối cùng kỹ thuật trồng trọt. Đến thời nhà Tống, cung đình và văn nhân chú ý hơn đến hương vị cuộc sống, lấy cây và chậu đá để tạo cảnh, mô tả một khu vườn nhỏ trong đó, thường đặt trong phòng để trang trí.
Đến thời Minh, thời Thanh, việc chế tạo chậu cảnh cùng với việc thưởng thức nó thịnh hành đạt đến mức độ chưa từng có, từ hình dáng của cây hoa cho đến những chậu đá đều rất đa dạng. Mỗi một chậu đá được chia làm nhiều loại, loại chuyên dùng với cảnh núi đá, loại chuyên dùng với cây cảnh, từ ý tưởng đó mà tái tạo thiên nhiên, mang lại mỹ cảm cùng nội hàm trong từng chậu cảnh, cũng làm tăng lên giá trị nghệ thuật thưởng thức.
Trong bức họa có một chậu thương tùng thẳng đứng, một bồn hoa hồ thạch trên bạch ngọc thạch, có đủ các loại mẫu đơn khác nhau. Các văn sĩ ngồi ngay ngắn xung quanh chiếc bàn. Lão người hầu mang cây đàn tới, bỏ chiếc hộp bọc bên ngoài. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của muôn vàn bông hoa mẫu đơn, thạch tùng, cây gồi, cây xương bồ. Các văn nhân bấy giờ rất chú ý tới tính thẩm mỹ của cuộc sống lâm viên, họ trồng rất nhiều cây cảnh để làm đẹp môi trường sống. Các đồ dùng trong bức họa cũng được sắp xếp tỉ mủ, toát lên cuộc sống của bậc quý tộc văn sĩ.
Bức họa “Tuế triêu lệ cảnh” – Trần Thư, thời Thanh
Trần Thư (1660 – 1736), tự Nam Lầu, hiệu là Thượng Nguyên Đệ Tử, về già có hiệu là Nam Lầu Lão Nhẫn, người Gia Hưng, Chiết Giang. Đây là một nữ họa gia thời kỳ Ung Chính, giỏi vẽ sơn thủy, hoa điểu.
Tác phẩm này của Trần Thư gồm có cây mai, sơn trà, trúc Nam Thiên, thủy tiên, trải qua quá trình cắt tỉa tu bổ mà được trồng trong chậu, vừa có thể kéo dài thời gian sống của hoa, lại giảm bớt việc chăm sóc hàng ngày cho từng loại cây. Bên cạnh chậu cây có trái hồng, linh chi, mang ngụ ý “Bách sự như ý”.
Một vài tác phẩm khác:
Theo sohu.com
Uyển Vân biên dịch
Ghi chú:
(1): hủy: cây cỏ