Đại Kỷ Nguyên

Bị cách chức, lưu đày đến chết, vì sao Tô Đông Pha vẫn làm nên những vần thơ bất hủ?

Tô Đông Pha: (Ảnh minh họa)

Giữa chính trường nhiễu nhương thời Bắc Tống nổi bật lên một trong những đại thi hào lỗi lạc nhất của lịch sử Trung Hoa: Tô Thức.

Một cuộc đời sóng gió

Tô Thức (1037 – 1101), tự Tử Chiêm, hiệu là “Đông Pha cư sỹ” nên người đời còn gọi ông là Tô Đông Pha. Ông nổi tiếng với hồn thơ ấm áp và tinh tế, là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử.

Tô Thức sống một cuộc đời 64 năm đầy sóng gió. Dấu chân của ông đã in lên biết bao vùng đất trên khắp đất nước Trung Hoa, từ miền núi cao hiểm trở Thiểm Tây đến những vùng đất trù mật ở Tô Châu, Hàng Châu rồi miền bờ biển phía nam hoang vắng.

Tô Thức xuất thân trong một gia đình trí thức, có cha (Tô Tuân) và em trai (Tô Triệt) đều là những nhà văn, nhà thơ kì tài đương thời. Trong số “Đường – Tống bát đại gia” (8 nhà văn lớn thời Đường, Tống) thì riêng gia đình ông đã góp mặt 3 người. Mẹ ông cũng là một phụ nữ giỏi giang, dạy dỗ ông rất chu đáo. Chẳng bao lâu sau, lúc chỉ mới 19 tuổi, Tô Thức đã vượt qua kì thi tuyển quan lại cao nhất và đỗ Tiến sỹ.

Kỳ thi này là cánh cửa dẫn vào con đường công danh. Tô Thức thăng tiến và nắm giữ nhiều chức vụ trong triều đình, bao gồm Thiêm phán phủ Mi Châu và thái thú Từ Châu. Tuy vậy, việc dấn thân vào triều chính đã mang đến cho ông nhiều phiền toái. Ông vốn là người cương trực, tính tình thẳng thắn mà quan trường thời ấy vốn đầy mưu mô, thủ đoạn. Sự nghiệp chính trị của Tô Thức bởi thế trải qua rất nhiều sóng gió, thăng trầm.


“Vầng trăng sáng có tự khi nào. Nâng chén rượu lên hỏi trời cao. Chẳng biết cung điện trên chốn ấy. Đêm nay đã là đêm năm nao” (Thơ Tô Đông Pha). Ảnh: Read01

Lúc bấy giờ, nhà Tống ngày một suy yếu, khủng hoảng toàn diện vì thâm hụt ngân sách và lạm phát khó kiểm soát. Hoàng đế Thần Tông đã vời Vương An Thạch (1021 – 1086), một nhà kinh tế đồng thời là một đại thần, tiến hành cải cách.

Tuy chính sách của họ Vương rất táo bạo và tiến bộ nhưng bộ phận thừa hành, thực thi ở bên dưới lại lạm quyền, làm trái nhiều điều khiến dân chúng oán hờn. Các quý tộc bị đụng chạm quyền lợi cũng quay lưng bất mãn.

Tô Thức chính là người phản đối kế hoạch cải cách của Vương An Thạch quyết liệt nhất, cho rằng đó là hành động bất nghĩa, tranh giành lợi ích với nhân dân. Thậm chí ông còn công khai phê phán chúng trong những bài thơ của mình. Khi phe cánh của Vương An Thạch giành được quyền lực trong triều, Tô Thức trở thành cái gai trong mắt.


Tượng phục dựng chân dung Tô Đông Pha. Ảnh: Toutiao

Sau khi bị người nhà Vương An Thạch vu cáo, hãm hại, Tô Thức bị Thần Tông nghi ngờ, ghét bỏ. May nhờ có Tư Mã Quang đỡ lời, Thần Tông mới nguôi ngoai, không trị tội Tô Thức mà chỉ biếm trích ông ra Hàng Châu. Năm 1071, Tô Thức rời kinh thành lên đường tới đất trích.

Thời ấy, Hàng Châu đã nổi danh là một chốn tiên cảnh, phong thủy hữu tình, có khí hậu mát mẻ, tính tình người dân thuần hậu. Tâm hồn thi sĩ, bay bổng, lãng mạn, lại gặp cảnh đẹp nên thơ, Tô Thức tràn đầy cảm hứng văn chương. Ông đã cho ra đời những áng thơ văn tuyệt mỹ nhất của mình chính trong thời gian ở nơi này.

Nhưng Hàng Châu không phải là điểm đến cuối cùng của Tô Thức. Ông còn phải chịu thêm nhiều phen bị đối thủ hãm hại, quy tội khi quân rồi bị đày tới những vùng xa xôi, cách trở như Mật Châu, Hoàng Châu (Hồ Bắc ngày nay).


Tô Đông Pha sống cuộc đời thanh đạm bất kể khi còn đang tại chức hay khi bị lưu đày. Ảnh: Blog sina

Ở Hoàng Châu, Tô Thức sống đời rất thanh đạm, đọc sách, ngâm thơ, vẽ tranh, viết thư pháp… Ông được một người bạn xin chính quyền địa phương cấp cho chục mẫu đất ở một trang trại tên là Đông Pha (nghĩa là: dốc ở phía Đông). Từ đó người đời gọi ông là Tô Đông Pha. Ông cất nhà, trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui cảnh điền viên. Dù ngày càng trở nên bất đắc chí với chuyến lưu đày dài đằng đẵng, ông lại nảy sinh tình yêu với miền đất hẻo lánh này và dùng gần trọn thời gian để sáng tác thi ca, thư họa.

Vài năm sau (1084), Tô Thức được vua Thần Tông phục chức và vời về kinh đô giao việc chép sử. Dù vậy, sự ân xá cũng chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu sau, khi hoàng đế Triết Tông lên ngôi, tể tướng Chương Đôn (bạn thân hồi trẻ của Tô Thức) buộc tội ông phỉ báng tiên đế. Tô Thức bị cách mọi chức tước, lần thứ hai phải chịu cuộc sống lưu đày cực khổ trăm bề. Ông phải đi hơn 4500 cây số xuống Huệ Châu rồi tiếp tục bị đày ra đảo Hải Nam ở miền cực Nam hẻo lánh.

Năm 1100, vua Triết Tông băng hà ở tuổi 24. Tô Thức được ân xá, cho trở về quê cũ. Đường đi cách trở, xa xôi, lại thêm tuổi già sức yếu, Tô Đông Pha đổ bệnh. Ngày 18/7/1101, ông gọi các con lại căn dặn hậu sự, muốn được an táng ở gần nhà em trai Tô Triệt. Hôm 26, Tô Đông Pha làm bài thơ cuối cùng. Ngày 28, ông càng đau nặng, qua đời ở tuổi 64.

Di sản đáng tự hào


Thư pháp Tô Đông Pha – một bài thơ ông viết vào dịp tết Hàn thực. Ảnh: thivien.net

Tô Đông Pha giỏi cả cổ văn lẫn thơ, phú. Đến bây giờ, người ta ước tính được tổng dung lượng các tác phẩm của ông cộng lại chừng 1 triệu chữ. Trong suốt cuộc đời mình, ông làm khoảng 1700 bài thơ. Về cổ văn, Đông Pha xứng đáng là tay cự phách, hễ hạ bút là thành văn, ý tứ như mây trôi nước chảy. Người đời đọc văn của ông chỉ còn biết tấm tắc ngợi khen.

Những tác phẩm xuất sắc nhất của Tô Thức được sáng tác trong thời gian bị lưu đày. Một trong những áng thơ tuyệt bích của ông nói về trận tranh hùng lịch sử Xích Bích, khi ông có dịp thăm lại địa danh này trên hành trình của mình. Trong bài thơ này, ông miêu tả khung cảnh cuộc chiến rất sống động và rõ nét.

Người bảo đấy Tam Quốc Chu Du Xích Bích.

Đá rối mây xen

Sóng tung bờ rạn

Cuộn bốc ngàn trùng tuyết

Non sông như vẽ“.


Hàng Châu vào mùa thu. Ảnh: Pinterest

Tô Thức cũng khởi xướng lối thơ “hào phóng”, táo bạo và phá cách. Với phong cách này, Tô Thức sử dụng những từ ngữ có sức miêu tả mạnh mẽ trong một thể thức ít gò bó hơn: thể từ. Một ví dụ kinh điển là bài “Thủy điệu ca đầu”.

Người có buồn, vui, ly, hợp

Trăng có tỏ, mờ, tròn, khuyết,

Tự cổ vẹn toàn đâu

Chỉ nguyện người trường cửu

Ngàn dặm dưới trăng thâu“.

Bài thơ nói lên một sự thật rằng tất cả mọi người đều được gắn kết với nhau bởi xúc cảm bình dị. Trong văn hóa Trung Hoa, thơ Tô Thức đã mang con người lại gần nhau, bất kể không gian và thời gian.


Thịt kho Tô Đông Pha, một món ăn nổi tiếng. Ảnh: Baike

Thơ của ông vẫn được ngâm nga trong các giảng đường Trung Quốc và trích dẫn trong các tác phẩm của nhiều học giả Trung Hoa. Tên của ông thậm chí còn được dùng để đặt cho một món ăn Hoa nổi tiếng: Thịt Đông Pha.

Mặc dù cuối đời ông kết thúc trong lưu đày, các tác phẩm của Tô Thức luôn chất chứa tinh thần lạc quan và tin tưởng. Những áng thơ này đã truyền cảm hứng vào trái tim nhân dân Trung Hoa và gợi nhắc chúng ta rằng, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, luôn có chỗ cho niềm hi vọng. 

Thanh Ngọc – Hữu Bằng

Tham khảo: NTD Tiếng Việt (Youtube)

Xem thêm:

Exit mobile version