Khung cảnh buôn bán nhộn nhịp ở chợ Sa Pa, những dinh thự của người Pháp, các thiếu niên địa phương múa khèn… là loạt ảnh tư liệu quý về Sa Pa thập niên 1920 do người Pháp thực hiện.
Đôi nét về Sa Pa-Lào Cai thời Pháp thuộc
Năm 1903, trong chuyến đi thực tế ở Lào Cai để lập bản đồ, đoàn trắc địa của Sở Địa lý Đông Dương đã phát hiện ra một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và khí hậu dễ chịu trên cao nguyên Sa Pa. Ý tưởng biến nơi đây thành nơi nghỉ dưỡng được hình thành. Tuy nhiên ý tưởng này đến năm 1909 mới được đề xuất bởi Công sứ tỉnh Lào Cai Toures.
- Từ 1910 đến 1920, đã có 6 toà nhà được xây dựng.
- Năm 1920-1930, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, 3 khách sạn (Fansipan, Vaumousse, Morellon) và 28 ngôi nhà được xây dựng.
- Năm 1930-1940, 26 biệt thự, 1 nhà thờ và khách sạn Métropole được xây dựng.
- Năm 1940-1943, 8 biệt thự và 10 toà nhà được hoàn thành. Ngoài các công trình lớn, cho đến 1943 có rất nhiều công trình nhỏ khác.
Cùng với việc xây dựng các công trình trên, người Pháp đã hoàn thiện hệ thống cung cấp điện, nước cho khu vực này. Hiện nay, công trình thuỷ điện Cát Cát vẫn còn hoạt động, cung cấp nước cho thị trấn Sa Pa. Thời kỳ đó, người Pháp có mục tiêu xây dựng một “kinh đô nghỉ dưỡng” thực sự tại đây.
Bộ ảnh ấn tượng về Sa Pa – Lào Cai thập niên 1920
Cảnh quan:
Trong bài “Khu nghỉ dưỡng” của Hautefeuille trên tạp chí Đông Dương năm 1910 có đoạn viết “Tôi hoàn toàn bị quyến rũ ngay từ chuyến đi Sa Pa lần đầu tiên. Con đường dẫn đến Sa Pa chạy qua khu vực có phong cảnh tuyệt đẹp. Hai phần ba quãng đường xuyên rừng với vẻ đẹp hiếm thấy… Thung lũng giữa dãy Phanxipăng và cao nguyên Sa Pa (còn gọi là cao nguyên Lồ Suối Tủng) đẹp như thể thung lũng của dãy Pyrenees ở Tây Ban Nha…”. Cảnh đẹp Sa Pa đã thu hút rất nhiều người Pháp đến đây.
Cảnh họp chợ:
Sapa nằm ở điểm nút, trung tâm của các hướng bản làng. Đây là ngã ba của các con đường từ các khu bản làng nằm trong các thung lũng ở phía Bắc như Tả Giàng Phình, Bản Khoang đổ về các bản làng phía Nam như Bản Hồ, Suối Thầu, Tả Van, Lao Chải đi lên. Trong cả một vùng rộng lớn, chỗ nào thuận tiện nhất cho hầu hết mọi vùng tập trung về trao đổi hàng hóa, thì ở đó sẽ xuất hiện chợ. Đây là lí do giải thích cho việc Sapa là nơi họp chợ mà không phải là ở những vùng xung quanh khác.
Các vũ công chơi khèn: nét đặc trưng của người dân tộc thiểu số
Mỗi lần đi chợ, nếu như con gái H’Mông thích sà vào những hàng bày bán váy xòe hoa, đồ trang sức diêm dúa thì con trai H’Mông lại bận bịu bên những sạp khèn.
Chiếc khèn khá phức tạp, gồm có ba bộ phận: cán tức ống thổi, thân tức nơi để gắn đút các ống khèn và dĩ nhiên cuối cùng là ống khèn. Cán được làm bằng gỗ vót tròn, trên nhỏ dưới to, và ở đầu nhỏ quấn lá đồng làm đầu ống thổi, từ đây lui xuống chừng 40 – 60 cm là chỗ thân khèn, được đục sáu lỗ chia làm ba hàng để đút sáu ống khèn là sáu đốt trúc ngắn dài khác nhau và cũng được đục lỗ đặt lưỡi gà tạo nên các âm vực, mỗi ống một âm vực, và các lỗ trên đó cũng góp phần giúp âm thanh được đa dạng.
Không chỉ thổi khèn, con trai H’Mông còn múa khèn, động tác rất thành thạo gồm nhảy chéo chân, xoay quanh, vờn khèn, đi giật lùi, lăn lộn… ước chừng hơn 30 động tác.
Theo: Lịch sử Việt Nam qua ảnh
Bạn đang đọc bài viết: “Bộ ảnh ấn tượng về Sa Pa – Lào Cai thập niên 1920” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |
Clip ý nghĩa:
Trí huệ người xưa: Nói là một năng lực, nhưng im lặng mới là cách hành xử của bậc cao nhân