Có những bộ nhạc cụ có thanh âm gần với giọng hát con người, có những bộ nhạc cụ tựa như tiếng nói của bà mẹ thiên nhiên… Những màu sắc mỹ lệ của nhạc cụ cổ điển quả thực giúp chúng ta hiểu sâu sắc vẻ đẹp vĩnh hằng của âm nhạc kinh điển…

Số lượng và chủng loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng

Qua quá trình lâu dài, số lượng và chủng loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng có thể thay đổi, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo bốn bộ nhạc khí chính: Bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ. Ngoài ra còn một số nhạc cụ có thể bổ sung như piano, đàn Harp (đàn hạc cầm), ghi-ta, saxophone… 

Dưới đây là hình ảnh cụ thể về nhạc cụ và vị trí của các nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng:

Một buổi biểu diễn giao hưởng luôn có các quy luật sắp xếp cụ thể các bè nhạc cụ theo thứ tự: Nhạc trưởng, bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng, bộ gõ, và một số nhạc cụ bổ sung khác. (Kích vào ảnh để phóng to).

Conductor (nhạc trưởng) – linh hồn của dàn giao hưởng

Có thể nói, nhắc đến giao hưởng, trước tiên phải kể đến nhạc trưởng. Nhạc trưởng đóng vai trò vô cùng trọng yếu trong thành công của một bản giao hưởng, có vai trò chỉ huy dàn nhạc, giữ nhịp độ và điều tiết các bè nhạc cụ, truyền cảm xúc lớn mạnh đến nhạc công…

Ở giai đoạn chuẩn bị, công việc của nhạc trưởng mang tính cá nhân. Nhạc trưởng ghi nhớ, tiếp nhận từng bản nhạc, hiểu rõ hòa âm, bản chất âm nhạc của tác phẩm. Sau đó, nhạc trưởng chỉ huy việc tập luyện và tổng duyệt cùng các nhạc công.

Khi biểu diễn, nhạc trưởng là người chỉ huy toàn bộ dàn nhạc. Qua các động tác, nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc về nhịp độ, giúp các nhạc cụ vào đúng thứ tự, chỉ dẫn về sắc thái mà các nhạc cụ cần biểu đạt trong mối tương quan với các nhạc cụ khác,…

Nhạc trưởng và dàn nhạc giao hưởng của Đoàn nghệ thuật Shen-Yun – NewYork  – Hoa Kỳ (Ảnh: Shenyun.com – Kích vào ảnh để phóng to).

Với nhạc trưởng, đôi tay được xem là nhạc cụ quyền năng

Tay phải của nhạc trưởng thường nắm giữa chiếc đũa chỉ huy (baton), tùy thuộc vào số chỉ nhịp của bản nhạc mà nhạc trưởng sẽ thể hiện các hình nhịp khác nhau. Tay trái của nhạc trưởng ngoài chức năng điều khiển về nhịp như tay phải, nó còn có vai trò chính là biểu lộ “nhạc cảm” của người chỉ huy.

Người chỉ huy phải nhìn và nghe được tốt, phải có phản xạ nhanh và có tố chất truyền tải cảm xúc của mình đến các nhạc công. Nếu không có khả năng này anh ta sẽ không thể điều khiển và dẫn dắt dàn nhạc, chỉ đơn thuần là người đánh nhịp thay máy.

Trong một dàn nhạc nhỏ thính phòng, một nhạc công có thể kiêm nhiệm vai trò nhạc trưởng. Nhưng điều này không xảy ra với dàn nhạc giao hưởng lớn. Trong lĩnh vực nhạc kịch, thỉnh thoảng người ta sẽ cần đến 2 nhạc trưởng – để chỉ đạo phần hát của ca sĩ, hợp xướng và chỉ đạo phần dàn nhạc.

Một bản nhạc mà bất cứ nghệ sĩ violin tài danh nào đều phải thử sức: Gypsy airs. Op 20 hay còn gọi là Vũ khúc Di gan, một tuyệt phẩm của Pablo de Sarasate, do nghệ sĩ Fiona Cheng cùng dàn nhạc giao hưởng ShenYun Symphony Orchestra trình bày:

Strings (đàn dây) chiếm phần lớn dàn nhạc và chơi phần giai điệu chính

Bộ đàn dây và được xếp ngay trước nhạc trưởng. Chúng cũng chơi phần lớn giai điệu chính của tác phẩm và là bộ duy nhất có thể tự đảm nhận toàn bộ hòa thanh.

Bộ dây giữ vai trò quan trọng, gần như then chốt trong dàn nhạc giao hưởng, được sử dụng thường xuyên trong suốt tác phẩm. Các nhạc cụ bộ dây có kỹ thuật phong phú, âm sắc đồng nhất, hài hòa và có sự thống nhất chặt chẽ. Khác với bộ đồng và bộ gỗ, câu nhạc không quá dài bởi phụ thuộc hơi thổi của nhạc công, thời gian diễn tấu của bộ dây không bị hạn chế.

Âm vực rộng, ngoài phần đảm nhận giai điệu, bộ dây còn đảm nhiệm phần hòa âm, là bộ duy nhất trong dàn nhạc có thể tự đảm nhận toàn bộ hòa thanh mà không cần sự hỗ trợ của các bộ khác. Trong tổng phổ, bộ dây đặt nằm dưới cùng, xem như làm nền cho toàn bộ dàn nhạc.

Âm sắc của các toàn bộ các nhạc khí trong bộ dây có tính đồng chất, hài hoà một cách tuyệt mỹ. Toàn bộ các nhạc khí là một sự nối tiếp ăn ý, từ những nốt thấp nhất đến nốt cao nhất. Do đó, trong trường hợp diễn một câu nhạc có tầm cữ rộng rãi, việc chuyển giao từ nhạc khí trầm lên nhạc khí cao, hay ngược lại, đều có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Bộ dây diễn cảm rất nhạy, biểu hiện các loại sắc thái, cường độ mạnh nhẹ đều tốt, thích hợp với đủ các loại tình cảm từ nhẹ nhàng, uyển chuyển đến những xúc động đột biến, quyết liệt, hùng mạnh. Âm thanh của bộ dây nói chung rất gần với âm thanh của giọng hát, có tính chất xướng ca, ấm áp, mềm mại, du dương, có tiếng ngân rung rất gợi cảm.

Các nhạc cụ bộ dây có cấu tạo tương tự nhau, chỉ khác nhau về kích cỡ. Âm thanh được phát bằng cách dùng vĩ (archet) tác động vào dây. Riêng đàn Harp (đàn hạc cầm) là nhạc khí bổ sung nhưng đôi khi cũng được xếp vào bộ dây).

Các nhạc cụ thuộc bộ dây: Vi-ô-lông; Vi-ô-la; Vi-ô-lông-xen; Công-tra-bát (Ảnh: Internet – Kích vào ảnh để phóng to).

Violin (Vi-ô-lông) có âm khu cao nhất, thường được đảm nhận giai điệu chính

Trong bộ dây, violon có ưu thế nhất về mặt kỹ thuật, khả năng biểu diễn mọi sắc thái, tình cảm. Có âm khu cao nhất, violon thường được đảm nhận giai điệu. Các violon được chia thành hay nhóm: violon I và violon II.

+ Nhóm violon I: Dùng để đi giai điệu với mọi tốc độ. Violon I đảm nhiệm giai điệu một cách độc lập, vững vàng với âm chất thuần nhất. Cũng có thể phối hợp violon I với viola, violoncelle đi đồng âm hoặc cách quảng 8. Phối hợp với nhạc cụ bộ gỗ như flute, hautbois, clarinette đồng âm hay cách quảng 8 làm dịu tiếng kèn gỗ. Đôi khi, violon I cũng kết hợp với kèn cor (kèn Pháp).

+ Nhóm violon II: Dùng đi bè hòa âm, có tính chất phụ họa. Violon II có thể kết hợp với các nhạc khí cùng bộ, cả violon I, để đi các âm hình hòa âm, tiết tấu.Trong một số đoạn, có thể chỉ có một violon độc tấu hoặc vài violon cùng diễn tấu. Cách này cho phép người chơi violon sử dụng được hết các kỹ xảo tinh tế mà toàn bộ khối không thể phát huy được. Thủ pháp này cũng tạo sự tương phản giữa tập thể dàn nhạc và âm thanh đơn độc của riêng một cây đàn, tạo xúc cảm cho người nghe.

Viola (Vi-ô-la) giữ vai trò phụ họa, dùng chơi các âm hình, làm đầy đủ cho các bè hòa âm

Viola có hình dáng, cấu trúc tương tự violon, nhưng kích thước lớn hơn. Mọi thủ pháp của violon có thể sử dụng cho viola, nhưng kém linh hoạt hơn. Âm thanh của viola trầm và tối hơn violon. Với một giai điệu du dương, nếu vĩ (archet) kéo hết và rung ngân sẽ có một âm sắc giống violoncelle. Ngược lại, nếu không rung, archet kéo nhẹ, phớt, thì âm thanh giống basson.

Trong dàn nhạc, vai trò của viola mờ nhạt hơn violon. Chức năng chính của viola là cầu nối giữa violon và violoncelle, giữ vai trò phụ họa, dùng chơi các âm hình, làm đầy đủ cho các bè hòa âm. Đôi lúc đi giai điệu chính một mình hoặc kết hợp với haubois, clarinette, basson, đi đồng âm hay cách quảng 8. Viola có tính trang trí màu sắc.

Hòa tấu 4 nhạc cụ bộ dây (Ảnh: Internet – Kích vào ảnh để phóng to).

Cello/Violoncelle (Xel-lô, Vi-ô-lông-xen) có chức năng làm bè trầm cho bộ dây

Violoncelle kích thước lớn hơn hẳn viola và có chân chống để đặt đứng khi diễn tấu. Trong bộ dây, violoncelle có vị trí quan trọng gần bằng violon và âm sắc cũng gần violon hơn là viola. Ưu thế của violoncelle là âm sắc trầm gần giọng hát nam tính, diễn cảm sâu sắc và phong phú về kỹ thuật.

Trong dàn nhạc, violoncelle có chức năng làm bè trầm cho bộ dây, kết hợp với contrebasse. Violoncelle có thể độc tấu ở âm khu trầm, kết hợp với viola ở âm khu trung hay cùng violon II ở bè giữa và với violon I chơi giai điệu chính ở âm vực cao. Ngoài ra violoncelle còn có thể kết hợp với cor, basson đi đồng âm hoặc cách quãng 8.

Contrabasse/Doublebass (Công-tra-bát) chơi giai điệu chậm rãi hoặc làm bè trầm cho cả dàn nhạc

Contrebasse là khí nhạc có kích thước lớn nhất và âm thanh trầm nhất trong bộ dây. Vai trò của contrebasse chủ yếu làm bè trầm cho cả dàn nhạc. Đi bè trầm, contrebasse không cần nhạc cụ khác hỗ trợ. Contrebasse cũng thường kết hợp với violoncelle cách 1 quãng 8 hoặc các nhạc khí trầm của bộ khác. Đi giai điệu, contrebasse chơi những giai điệu chậm rãi, nghiêm trang hoặc có màu sắc tối tăm, đe dọa, nhiều kịch tính.

Trên đây là những nét khái quát về các nhạc cụ bộ dây trong một dàn nhạc giao hưởng nói chung. Tuy nhiên có thể có vài thay đổi nhỏ, chẳng hạn trong các kèn có thể tăng giảm số lượng, thêm bớt nhạc cụ nào đó tùy thuộc vào sáng tác của nhạc sĩ. Một số nhạc trưởng lại phân bố dàn dây hơi khác: đổi chỗ hai bè cello và contrabass với bè violin II. Ở các phần tiếp theo chúng tôi sẽ đề cập đến các bộ còn lại trong dàn giao hưởng như bộ kèn gỗ – bộ gõ…

Đặc biệt Đoàn giao hưởng Shen Yun ở NewYork – Hoa Kỳ đã đưa 2 loại đàn dây cổ điển của Trung Hoa và dàn nhạc, là vua của các loại nhạc cụ – Đàn tỳ bà; và nhạc cụ có lịch sử lâu đời nhất (khoảng 4.000 năm) – đàn nhị hay còn gọi là đàn nhị hồ, mang đến hòa âm kết hợp tinh hoa Âu – Á độc đáo:

Kỳ Văn 

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||db57215da__