Đại Kỷ Nguyên

Bộ tứ tấu đàn dây số 14 của Beethoven, tác phẩm khiến Schubert phải thốt lên “Sau này, chúng ta còn lại gì để viết?”

String Quartet No. 14 in C♯ minor, Op. 131 là bộ tứ tấu đàn dây số 14 cung Đô thăng thứ Opus 131 được Ludwig van Beethoven hoàn thành vào năm 1826. Tác phẩm này được dành tặng Nam tước Joseph von Stutterheim.

Những bộ tứ thời kỳ cuối là những tác phẩm yêu thích của Beethoven. Trong một trích dẫn khi nhận xét với một người bạn, ông nói rằng ông tìm thấy “một cách viết mới và cảm ơn Chúa, ít thiếu trí tưởng tượng hơn trước”. Người ta nói rằng khi nghe một màn trình diễn của bộ tứ này, Schubert đã nhận xét, “Sau này, chúng ta còn lại gì để viết?” Robert Schumann nói rằng bộ tứ này và Op. 127 có một “sự vĩ đại mà không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Chúng dường như đứng trên ranh giới cực đoan của tất cả những gì đã đạt được bởi nghệ thuật và trí tưởng tượng của con người.”

String Quartet No. 14 in C♯ minor, Op. 131 gồm 7 chương được chơi mà không nghỉ, với thời lượng cho toàn bộ tác phẩm khoảng 40 phút.

Chương 1: Adagio ma non troppo e molto espressivo C♯ minor Chương 2: Allegro molto vivace D major 6/8
Chương 3: Allegro moderato – Adagio B minor 4/4
Chương 4: Andante ma non troppo e molto cantabile – Più mosso – Andante moderato e lusinghiero – Adagio – Allegretto – Adagio, ma non troppo e semplice – Allegretto A major 2/4
Chương 5: Presto E major
Chương 6: Adagio quasi un poco andante G♯ minor 3/4
Chương 7: Allegro C♯ minor

Clip là trọn vẹn tác phẩm biểu diễn bởi nhóm tứ tấu Quatuor Mosaïques gồm 4 nghệ sỹ: Erich Höbarth, Andrea Bischof, Anita Mitterer, Christophe Coin:

Chương 1 vang trên cung nhạc Đô thăng thứ với nhịp C bổ đôi, tốc độ chậm Adagio ma non troppo e molto espressivo ngập tràn những rung cảm thăng hoa của tâm hồn. Phải nói rằng đây là một chương nhạc gợi lên sự thiêng liêng sâu thẳm của cuộc sống, mà những dòng chảy cảm xúc của nó như có thể vẽ mãi những không gian tình yêu bất tận. Trong đó sự lãng mạn của nó không phải là sự trào dâng bồng bột của tuổi trẻ, mà là sự trào dâng của trí tuệ nội tâm.

Chương 2 mặc dù đã đổi sang nhịp 6/8, tốc độ nhanh Allegro molto vivace, và vang trên cung nhạc Rê trưởng, nhưng toàn bộ những mạch nguồn thiêng liêng của cảm xúc vẫn được giữ trọn vẹn, mà đổi sang một sự lạc quan ngọt ngào và vô cùng lãng mạn. Thưởng thức tác phẩm của ông có lẽ thính giả sẽ quên đi luôn ranh giới của những chương nhạc, bởi sự thả hồn, bởi những giấc mơ mênh mông cao vút đang đến trong hồn.

Chương 3 là chương nhạc ngắn nhất tác phẩm, thời lượng chỉ 42 giây, nhưng lại chứa đựng những câu nhạc chuyển mình tuyệt đẹp, đặc biệt là câu nhạc lượn sóng phiêu bồng lả lướt của violon. Mà tất cả chỉ cho thính giả thấy niềm yêu, sự thanh thảnh và sự lãng mạn luôn trào dâng. Chương nhạc vang trên cung Si thứ với nhịp 4/4, tốc độ chậm Adagio.

Ảnh minh họa: Pixabay

Chương 4 vang trên cung nhạc La trưởng với nhịp 2/4 và tốc độ co dãn, chuyển phức tạp vô cùng tinh tế (Andante ma non troppo e molto cantabile – Più mosso – Andante moderato e lusinghiero – Adagio – Allegretto – Adagio, ma non troppo e semplice – Allegretto). Và thông qua chương nhạc tuyệt vời này, thính giả có thể thấy lại trái tim tâm hồn trẻ trung bất tử của Beethoven khi những điệp khúc vui xuất hiện đi kèm với sự hiền dịu vô tư lãng mạn.

Chương 5 chuyển sang cung nhạc Mi trưởng rất tươi vui trên nhịp C bổ đôi, tốc độ nhanh Presto tạo nên điểm nhấn sáng bừng cho cả tác phẩm. Chương nhạc bộc lộ tình yêu và niềm lạc quan cuộc sống mạnh mẽ nhưng dịu dàng trong sáng, đặc biệt mỗi khi dàn tứ tấu búng vào dây bật lên những âm thanh tinh khôi.

Chương 6 tiếp tục vang cung nhạc mới, cung nhạc SOl thăng thứ, nhịp 3/4 tốc độ chậm Adagio quasi un poco andante G♯ minor với thời lượng ngắn, có lẽ mục đích tạo chỗ nghỉ, chiều sâu cho sự thăng hoa cảm xúc, đồng thời gây sự so sánh trạng thái tương phản mạnh mẽ. Vừa là tương phản với chương trước, lại vừa tương phản với chương sau.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827)

Ludwig van Beethoven là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như: Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight)Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring)Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Exit mobile version