Nếu nói đến tiệc âm thanh sang trọng tinh tế, có lẽ đây chính là bữa tiệc tuyệt vời nhất mà người nghệ sĩ dành tặng cho thính giả: những thanh âm quý phái, êm dịu, nồng nàn, khoáng đạt, bao la… Chúng ta hãy tìm hiểu về nó…
Trong dàn giao hưởng, Woodwind (Bộ kèn gỗ) chơi các đoạn giai điệu hoặc thêm bè cho giai điệu chính và giữ màu sắc, hòa âm, tiết tấu cho dàn nhạc. Bộ gỗ thưởng cho người nghe những thanh âm vừa dịu dàng, trong suốt, mềm mại, nhiều chất thơ, có khi hơn xa xăm, huyền bí, thần tiên, có khi nhẹ nhàng trong sáng, trầm ấm, có khi lại đầy chất kỷ niệm của miền quê thôn dã.
Vũ điệu thiên nga, tác phẩm kinh điển – Tchaikovsky:
Nhóm ngũ tấu FANTASIA của Việt Nam chơi bài nhạc nền này:
Các nhạc cụ bộ gỗ được chia thành bốn nhóm: Sáo tây (flute), Kèn Ô-boa (hautbois), Kèn Cla-ri-nét (clarinette) và Kèn Pha-gốt (basson). Đặc điểm của bộ gỗ là không đồng nhất, tuy ở cùng một nhóm nhưng các nhạc khi lại có sự khác biệt về âm vực. Những thành viên của “gia đình nhà gỗ” đều có thể diễn tấu giai điệu một cách độc lập, với âm sắc riêng biệt.
Xét tổng thể, âm vực của bộ gỗ lớn hơn các bộ khác. Piccolo (Sáo kim/Sáo nhỏ) là nhạc khí cao nhất, trong khi đó, bassoon lại là nhạc khí trầm nhất của dàn nhạc. Các nhạc khí của bộ đều có thể diễn tấu giai điệu một cách độc lập với âm sắc riêng.
Trong các tác phẩm chúng làm nhiệm vụ chơi các đoạn giai điệu chính hoặc thêm bè cho giai điệu chính trong các đoạn nhất định và giữ màu sắc, hòa âm, tiết tấu cho dàn nhạc trong các đoạn còn lại. Không được như bộ dây, câu nhạc khó kéo dài bởi sự phụ thuộc vào hơi của người thổi.
Flute (Sáo tây) nhẹ nhàng xa xăm gợi khoáng đạt bao la
Âm thanh của Flute dịu dàng, trong suốt, mềm mại, nhiều chất thơ, có khi hơn xa xăm, huyền bí, thần tiên, có khi nhẹ nhàng trong sáng, dễ gợi một cảm giác khoan khoái, khoáng đạt của nông thôn. Trong dàn nhạc, Flute giữ chức năng đệm, tuy nhiên đôi khi Flute lại độc tấu một nét giai điệu với âm chất thuần khiết, không pha trộn với bất cứ loại nhạc khí nào tạo một cảm giác bao la hơn.
Chú ý là sáo tây hiện tại thường được chế tạo bằng kim loại, tuy nhiên do tổ tiên của nó là sáo gỗ nên vẫn được xếp vào bộ kèn gỗ.
Tiếng sáo quê hương Văn Chung, sáo đi giai điệu, dàn giao hưởng VN
Ngoài ra, trong nhóm flute còn có sự xuất hiện của cậu bé sáo kim (piccolo), hay còn gọi sáo nhỏ (petite flute). Đây là nhạc khí cao nhất trong dàn nhạc giao hưởng, âm thanh tươi sang và càng lên cao càng chói càng sắc, mạnh, hơi mảnh do vậy rất ít khi người ta cho Piccolo đi độc lập, thường là phải bổ sung thêm một thứ nhạc khí nữa đi cùng cho tiếng chắc hơn và ít khi xuất hiện trong các dàn nhạc nhỏ.
Hautbois (Ô-boa) khoan thai duyên dáng gọi nhớ nhung
Hautbois có âm sắc giọng mũi, biểu hiện nội tâm, có tính ca xướng. Ở âm vực trầm, hautbois thô đặc, âm vực cao thì âm sắc chói, gần tiếng chim, lên quá cao tốn hơi, căng thẳng, không tự nhiên. Ở âm vực giữa, hautbois ngọt ngào, sử dụng dễ dàng các sắc thái. Câu nhạc cho hautbois có thể khá dài nhưng kém linh động so với flute.
Trong dàn nhạc, hautbois dùng để chơi những giai điệu khoan thai, duyên dáng, gợi nhớ nhung, đôi khi hài hước, châm chọc. Hautbois được kết hợp với flute, clarinette, basson để đi đồng âm. Kết hợp với bộ dây, âm sắc hautbois sẽ mượt mà mềm mại hơn.
Clarinet (Cla-ri-net) chất âm trong trẻo du dương, mệnh danh “vua kèn gỗ”
Trong dàn nhạc, thường có 3 loại: Clarinette giọng Si giáng, giọng La và giọng Đô, loại giọng Đô ít được sử dụng hơn. Tính chất của Clarinette giọng Si giáng tươi tắn, sáng đẹp, âm hưởng nhịêt tình, lóng lánh, được nhiều người dùng Clarinette ưa thích, còn âm sắc của Clarinette giọng La ấm áp, ngọt ngào, dịu dàng, mềm mại hay được dùng nhất trong nhạc thính phòng.
Ở âm vực trầm: Âm thanh của Clarinette khẩn trương, kịch tính, đặc và tương đối đẹp, tính chất hơi lạnh. Ở âm vực giữa: âm thanh trong trẻo giàu tình cảm. Ở âm vực cao: Tính chất giọng nữ cao, rất đẹp, ít tốn hơi. Đây là âm vực đẹp nhất và dễ sử dụng nhất của Clarinette, người ta hay độc tấu ở âm vực này, thích hợp với mọi loại sắc thái khác nhau. Âm vực cực cao: Rất vang, thường dùng ở sắc thái mạnh, và dùng trong trường hợp cả dàn nhạc toàn tấu.
Câu chuyện lên và xuống – Nghệ sỹ LEE HIN độc tấu Clarinet:
Clarinette còn là một trong những loại nhạc khí có thể khống chế cường độ rất tốt, có thể thay đổi từ mạnh sang nhẹ hay ngược lại rất nhạy, ít có thứ khác bì kịp, các loại kèn gỗ khác thường thua xa Clarinette về mặt này. Do âm thanh rất đẹp và hay, nên cla-ri-nét còn được mệnh danh là “vua kèn gỗ”. Trong bộ gỗ nó chơi bè cao thứ ba.
Bassoon (Bát-xông, Pha-gốt) rung cảm, âm trầm nhất của cả dàn nhạc
Âm thanh gợi kịch tính, hoặc cũng có tính chất châm biếm, hài hước do âm sắc ít nhiều có pha giọng mũi. Âm sắc phần nào có tính chất trung tính (Neutre) nhưng rất đồng nhất, dễ phối hợp với các nhạc khí khác dù ở bộ gỗ, bộ dây, thậm chí cả với bộ đồng. Kèn Fagott là thành viên cố định của dàn nhạc giao hưởng dù ở bất dàn nhạc lớn hay nhỏ.
Tuy hình dáng cồng kềnh, nhưng Fagott là một loại kèn rất linh hoạt, có thể dùng lướt rất nhanh các kiểu chạy rải hợp âm. Nói chung có thể sử dụng tốc độ nhanh cho kèn, tất nhiên không linh hoạt được bằng Clarinette và Flute. Trong dàn nhạc giao hưởng, âm thanh của kèn Fagott cùng phối hợp với các nhạc khí trầm khác, thường làm nền cơ bản cho toàn bộ. Âm sắc châm biếm, đôi khi hài hước của kèn Fagott có thể dùng rất đạt trong các vở nhạc kịch hài (Opera Buffa) của Ý. Ngược lại Fagott cũng có thể diễn tả những nét đau thương, xót xa, ngậm ngùi hoặc nhịêt tình rung cảm sâu sắc.
Trong dàn nhạc, chúng ta thường gặp kèn Fagott đi cùng bè với đàn Cello làm nền trầm cho bộ dây và bộ gỗ, hoặc cũng có thể phối hợp với Cello lẫn đàn Contrebasse. Cũng có khi người ta phối hợp âm sắc giữa kèn Ôboa và Fagott hay Clarinette và Fagott để chơi giai điệu, nhất là việc phối hợp với Clarinette làm cho bè giai điệu rất ấm và rõ nét.
Trên đây là những nét khái quát về các nhạc cụ trong bộ gỗ của dàn nhạc giao hưởng. Tuy nhiên có thể có vài thay đổi nhỏ, chẳng hạn trong các kèn có thể tăng giảm số lượng, thêm bớt nhạc cụ nào đó tùy thuộc vào sáng tác của nhạc sĩ. Có dàn nhạc lại bổ sung các nhạc cụ dây cổ điển phương Đông như đàn tỳ bà hay đàn nhị trong biên chế dàn nhạc của mình.
Một ví dụ về tăng số lượng bộ gỗ, thay vì bộ dây chiếm đa số như thường lệ (Hồ thiên nga Tchaikovsky)
Dàn nhạc giao hưởng ShenYun – Mỹ thêm đàn nhị hồ và đàn tỳ bà trong biên chế dàn nhạc giao hưởng:
Kỳ Văn