Tác phẩm “Ung thân vương đề thư đường thâm cư đồ bình” gồm 12 bức phú, được vẽ hoàn toàn trên lụa, dài 184 cm, rộng 98 cm. Bức phú đặt làm bức bình phong tại thư đường (phòng đọc sách) của Viên Minh Viên, là khu vườn hoàng đế Khang Hy ban tặng cho hoàng tử thứ 4 Dận Chân, Đầu tiên khu vườn có tên “Lũ nguyệt khai vân”, sau đó lấy pháp danh của Dận Chân là “Viên Minh cư sĩ” để đặt cho khu vườn này…
Dận Chân hết mực yêu quý khu vườn, nơi có phong cảnh được bài trí như tại Giang Nam, là một Giang Nam thu nhỏ trong cung điện; ông từng ngồi vịnh 12 bài thơ ngợi ca phong cảnh khu vườn. Ông đặc biệt thích những kiệt tác nghệ thuật được sáng tác bởi nhóm họa gia cung đình, vì thế ông đã hạ chỉ cho các họa sĩ cung đình vẽ một bức họa dài, còn gọi là cuốn họa, làm thành một bức bình phong, để đặt trong thư phòng của khu vườn.
Trong bức phú sử dụng phương pháp vẽ truyền thống, đồng thời kết hợp một vài kỹ xảo Tây phương, ví dụ phương pháp tả thực và đặc điểm không gian ba chiều của hội họa Tây phương. Cảnh trí trong bức phú là những cảnh trong thư phòng tại Viên Minh Viên, bao gồm cả những đồ vật dụng tại đây. Nội dung thể hiện những sinh hoạt tao nhã hàng ngày của những nữ sĩ quý tộc hoàng cung nhàn rỗi, ví dụ như thưởng thức trà, thưởng điệp (ngắm bướm), trầm ngâm, đọc sách, thưởng hoa…Các hình dáng cùng dung mạo của họ đoan trang xinh đẹp. cử chỉ yên tĩnh thanh nhàn, khí chất nho nhã tươi đẹp. Những hoạt động khác nhau đi với những cảnh quan bài trí khác nhau, kết hợp sự trưng bày đồ vật tạo nên ý tưởng tuyệt diệu, sắc thái hài hòa, thích hợp để làm nổi bật đặc điểm và chủ đề của nhân vật. Từ bức phú có thể thấy được trình độ nghệ thuật của bàn tay tác giả.
Bức phú còn tái hiện cách bài trí cùng những đồ dùng trong thời Khang Hy, Ung Chính, cùng cách ăn uống của các nữ sĩ quý tộc, kiểu tóc, hay các loại đồ trang sức mà họ dùng. Với cách sử dụng màu sắc tươi tắn, tao nhã, kết cấu rõ ràng, cho người xem quay về thế giới Thanh cung ung dung hoa quý, tinh mỹ nho nhã khi thưởng thức vẻ đẹp thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật này.
Đọc sách
Nữ sĩ tay cầm quyển sách cuộn một nửa, vẻ trầm ngâm. Trên tường có một bức tranh sơn thủy, phía dưới là một dạng thư pháp biểu ngữ, mô phỏng theo thư pháp của Tống thi nhân: “Anh đào khẩu tiểu liễu yêu chi, tà ỷ xuân phong bán lại thì. Nhất chủng tâm tình phí tiêu khiển, tương biên dục triển hựu ngưng tư” (Cành anh đào vắt eo, nghiêng mình lả lướt theo gió xuân, một phút tâm tình hao phí, mở tập ra nhìn rồi lại tương tư). Bức tranh cũng mượn điểm này mà vẽ ra ý. Phía trên bàn bên dưới bài thư pháp cũng có một bức tranh phong thủy, ngoài ra còn bày vài cuốn sách, bình hoa, trang sách trên tay đang mở là “Kim lũ từ” của Đỗ Thu Nương nhà Đường. Phía sau là cánh cửa sổ tròn, nhìn ra ngoài có vài cây trúc, chính là ẩn ý về khí chất của nhân vật chính.
Trên đầu của nữ sĩ choàng một chiếc khăn lụa mỏng, mặt bên có một đồ trang sức với hoa văn hết sức đặc thù trong thời Ngụy Tấn, cũng dùng để cố định chiếc khăn lụa. Thời kỳ nhà Minh, Thanh các phụ nữ quý phái thường dùng trang sức có hoa văn như thế này.
“Ỷ môn” – Dựa cửa
Một vị nữ sĩ xinh đẹp đang dựa vào cửa vườn và thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp ở sân trong; phía trước có những chậu cây đầy hoa phong lan, hoa hồng và những loài hoa khác. Những chậu cây được đặt trên những núi gỗ giả, bên cạnh bụi trúc với lá xanh rậm rạp. phía bên trong lộ ra một góc thềm cao của ngôi nhà, chiếc rèm cửa xanh lam được cuốn lên lộ ra đôi ghế khảm nạm sơn kim, bãi cỏ xanh từ chỗ người nữ sĩ chạy đến phía ngôi nhà, khiến người xem cảm nhận được một nét xuân yên tĩnh.
Trên đầu của vị nữ sĩ là chiếc trâm với hoa văn dáng con dơi cùng chữ thọ. Khi nhìn kĩ vào phần áo màu nâu nhạt ta có thể thấy được hoa văn chữ vạn (卍), núi và biển. Những hoa văn này mang ý nghĩa phúc thọ, như ý, phúc như núi cao, thọ như nước biển.
“Phùng y” – May áo
Người nữ sĩ xinh đẹp ngồi ngay ngắn trước chiếc bàn khảm nạm sơn kim, màu đen của chiếc bàn làm nổi bật chiếc áo màu đỏ đang được may. Những ngón tay nhẹ nhàng khâu, đôi mắt nhỏ, tựa hồ như đang có điều gì trăn trở. Kĩ năng may vá là một trong “tứ đức” của người phụ nữ cổ đại, họ cần phải tu dưỡng đạo đức, học cách nói chuyện cẩn thận hợp lễ, thạo những kỹ thuật may vá cần thiết và luôn phải giữ được cử chỉ đoan trang, dung mạo yên tĩnh thanh nhàn.
Tiền cảnh là một chậu sen cao, tượng trưng cho lòng tự trọng cao quý của người phụ nữ, bên ngoài cửa sổ có một con dơi màu đỏ đang bay lượn trong ánh trăng, quanh bụi trúc xanh, đem lễ nghĩa viên minh, ẩn ý hồng phúc tới.
Nhìn vào phần tóc của sĩ nữ, đây là một kiểu chải đầu với độ phồng đồng đều, sau đó xoắn bện đan với nhau, lấy kẹp tóc để cố định lại. Kiểu tóc này gần giống búi tóc cao, được giữ cố định, trông khá duyên dáng và gọn gàng. Đây là một kiểu tóc phổ biến của những phi tần hay những phụ nữ trung lưu được lưu lại từ thời nhà Minh. Đến thời nhà Thanh thì càng thịnh hành hơn.
“Trì biểu” – Cầm đồng hồ
Bàn tay của người phụ nữ cầm một chiếc đồng hồ, ngồi trên chiếc ghế sơn kim màu đỏ, trên tường treo một bức thư pháp của thư họa gia thời Minh. Nhân vật có hình dáng thanh khiết, dịu dành mềm mại. Trên bàn trưng bày một tập sách cùng với bình hoa cúc. Bên cạnh bức thư pháp còn có một ống sáo màu đỏ. Bên dưới cửa số, có đặt một quả cầu thiên văn của Tây phương, điều này cho thấy nữ sĩ có tri thức cao và hiểu lễ nghĩa, thông hiểu âm luật. Cũng chỉ ra một điều rằng, những khoa học và máy móc và chế phẩm Tây phương thời này đã tiến vào Thanh cung, được người trong hoàng gia vô cùng yêu thích và học tập. Nhìn ngoài cửa sổ là những cây trúc tiêu điều, trong khi bình hoa trong phòng lại nở rộ, cho thấy rằng hơi lạnh của mùa thu đã đến.
Trên đầu của sĩ nữ vẫn là một tấm khăn lụa hình vuông quen thuộc, và trang sức để giữ khăn. Vào thời Minh, các cô gái thường sử dụng khăn màu đen để đội đầu, đến thời Thanh thì không còn bị giới hạn màu sắc nữa.
Những đồ vật được sử dụng bút pháp tả thực, chân thực đến không ngờ
Hoa tai
Vòng đeo tay
Đồ gốm sứ
Công nghệ gốm sứ thời Ung Chính đạt tiêu chuẩn rất cao, hình dáng tinh mỹ ngay ngắn, men đều và nhuận, màu sắc thuần khiết. Đồ gốm sứ thời ấy nhất là men sứ đỏ đươc nung đốt trong nhiệt độ 800℃; nung ở nhiệt độ này mới có được màu sắc cùng độ bóng kiều diễm. Tất cả những đồ dùng này đều được những họa sĩ cung đình đưa vào trong bức tranh. Có thể nói, chỉ cần nhìn vào toàn bức phú, ta có thể nhìn thấy Thanh triều trong quá khứ một cách rõ nét và sâu sắc, từ những đồ dùng nhỏ nhắn, tâm tình con người, cho đến quang cảnh bài trí trong hoàng cung.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch