Những ca khúc của Trịnh được hát, được yêu, được nhớ vì chúng gắn liền với buồn – vui, sự đẹp đẽ – đau thương của cuộc sống. Ca khúc ‘Rừng xưa đã khép’ được Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1964, ca khúc này được sáng tác trong mỗi nhân duyên lớn giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly.
Trước khi gặp Trịnh Công Sơn, Khánh Ly vẫn còn là một giọng ca chưa được nhiều người biết đến với cái tên Lệ Mai, một ca sĩ phòng trà tại Đà Lạt.
Nhưng cuộc đời đã sắp đặt để cô gặp được Trịnh Công Sơn và nhạc của ông. Người nhạc sĩ trẻ thính tai và tinh mắt lúc đó đã không thể bỏ qua cô ca sĩ đang hát tại phòng trà Tulipe Rouge ở thành phố ngàn thông. Trịnh Công Sơn từng kể: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly”.
Ta nhớ rằng thời điểm đó Trịnh Công Sơn đang dạy học ở Bảo Lộc, xứ sở của núi rừng, còn TP Đà Lạt nơi Khánh Ly biểu diễn hàng đêm cũng là TP nằm lọt giữa bạt ngàn thông reo. Hình ảnh của những cánh rừng do đó đã đi vào bài hát này một cách rất tự nhiên. Có thể trong lần đầu xem Khánh Ly hát, Trịnh Công Sơn đã nhận ra ở cô ca sĩ trẻ này một nét buồn kỳ lạ nào đó khó lý giải, nên ông mới nói rằng:
Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô
Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa
Nỗi buồn này tuy mơ hồ những ông cảm thấy nó rất bao la và dàn trải, chứ không phải là nỗi buồn trong chốc lát hoặc sẽ qua mau. Thế nên ta mới thấy ông đã nhắc đi nhắc lại và tô đậm thêm nỗi buồn đó, như thể muốn qua đó mà thôi thúc thêm tâm tư của bản thân mình, tự đặt cho mình một trách nhiệm chia sẻ, cứu vớt cô ca sĩ trẻ khỏi nỗi buồn mãi đeo bám kia; ông đã nói với cô một lời khẳng định:
Mùa xuân đã đến em hãy quay về
Rừng xưa đã khép em hãy ra đi
Ông thực sự muốn đem đến cho cô một sự thay đổi, ông muốn làm một người nâng đỡ cô. “Mùa xuân” kia chính là ông, người không muốn cô tiếp tục ở lại trong khu rừng u tối đó nữa.
Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào
Sau này khi nghe Khánh Ly tâm sự lại thì mọi người cũng rõ ra rằng tại thời điểm đó cô gái đang sống trong hoàn cảnh rất cô đơn, cô từ lâu đã thiếu sự chăm sóc của một người cha, bơ vơ giữa cuộc đời.
Rừng thu lá úa em vẫn chưa về
Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ
Cách xưng hô cao ngạo của Trịnh Công Sơn trong bài hát này dường như cũng cho thấy Trịnh Công Sơn muốn sắm vai một người anh, một người cha, một người bảo hộ tinh thần cho Khánh Ly, chứ không phải là làm một người tình.
Ông cũng cảm nhận rõ ràng được sự cô đơn của người ca sĩ trẻ, mà đối với ông như một người thân từ kiếp trước; sự cô đơn đó càng lạnh lẽo hơn trong một khung cảnh chuyển mùa của rừng núi xứ cao nguyên vốn đã lạnh lẽo nay còn buốt giá hơn.
Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây
Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào
Bản thân Khánh Ly cũng đã nói: “Tôi coi ông như một người cha”, mặc dù khi đó Trịnh Công Sơn vẫn còn rất trẻ. Những năm sau này, khi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã nổi tiếng và có duyên gặp lại nhau, hơn nữa còn được sắp xếp để ngủ trên hai chiếc giường đặt gần nhau trong cùng một căn phòng, Khánh Ly đã kể trong một cuộc phỏng vấn: “Nhìn ông ngủ rất đẹp, rất là đẹp! Khi đó tôi hoàn toàn có thể đặt lên trán ông một nụ hôn, như một người con hôn cha, hay như một người em gái hôn người anh trai của mình, hoàn toàn có thể được chứ. Nhưng tôi đã không làm như vậy; tôi chỉ lẳng lặng ngắm ông rồi đi…”.
Trịnh Công Sơn đã mang lại cho Khánh Ly một sự nghiệp lẫy lừng, một đời sống tinh thần phong phú, một tình cảm thân thiết như với người ruột thịt, rất xứng để so sánh với tình cảm của một người cha yêu thương con nhất mực. Tình cảm của Khánh Ly dành cho Trịnh Công Sơn cũng không khác gì của một người con gái dành cho người cha mà mình luôn yêu thương và kính trọng; khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, Khánh Ly đã nói rằng: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”.
Kể từ ngày đầu gặp gỡ, ông đã làm trọn lời hứa với cô trong suốt quãng đời còn lại:
Ta vẫn mong em về đây cho đời bày cuộc vui
Trịnh Công Sơn đã thực sự bày ra cho ông và Khánh Ly một “cuộc vui âm nhạc” lớn; “cuộc vui” đó của người nhạc sĩ tài hoa và người ca sĩ như thế đã là trọn vẹn; chẳng những mang đến mùa xuân và niềm vui dài lâu cho cuộc đời của hai nghệ sĩ mà còn mang đến niềm vui cho biết bao nhiêu cuộc đời và tâm hồn của người Việt chúng ta.
Mùa xuân đã đến em hãy quay về
Rừng xưa đã khép em hãy ra đi
Rừng xưa đã khép và nỗi buồn của Khánh Ly cũng đã khép lại từ thuở đó; cô đã cùng với âm nhạc của Trịnh Công Sơn bay bổng khắp bốn phương, thoát khỏi khu rừng u tối và lạnh lẽo.
Ca sĩ Mỹ Linh thể hiện đậm mạnh khía cạnh u buồn của bài hát; nghe phần trình bày của cô, ta không thấy một tia hy vọng mong manh nào toát lên từ âm hưởng. Tinh thần thật sự của bài hát do đó đã bị thiếu đi ít nhiều; nếu cô đã có thể thể hiện vào đó thêm một chút xíu vui thôi, một tia sáng nhỏ của hy vọng thôi, thì phần trình diễn của cô đã trở nên hoàn hảo hơn.
Tài tử Phạm Ngọc Lân có một màn đệm ghi ta tuyệt vời cho phần độc diễn của ông, trong sáng và tha thiết. Tuy nhiên, một số sự “phá nốt” nhỏ của ông đã không làm tăng thêm giá trị cho ca khúc này.
Nỗi buồn trong phần trình bày của Khánh Ly rất rõ ràng nhưng không quá bi sầu ủ dột; chỉ như một lời tâm sự rất nhẹ nhàng, có chút thương cảm, da diết, giống như lời ru, và đầy thuyết phục. Đây thực ra cũng là một sự khác biệt của chính Khánh Ly so với những bài hát khác của Trịnh Công Sơn mà cô thể hiện.
Chúng ta sống trong cuộc đời này, ai cũng có những nỗi buồn không tên mà khó có thể nói ra được rõ ràng. Nhưng chúng ta có quyền giữ cho mình một niềm hy vọng để đi tiếp, vì biết đâu ở cuối khu rừng tối kia sẽ mở ra ánh sáng rực rỡ của một vườn hoa xuân đang chờ đợi chúng ta bước sang.
Hoài Ân