Phương Đông cổ đại là nơi xuất hiện rất nhiều thợ thủ công lành nghề, ý tưởng của họ khiến những thế hệ ngày nay xem cũng vẫn cảm thấy mới mẻ độc đáo.

Ví như Lỗ Ban chế tạo một vật có thể giúp người ta bay, là một con chim gỗ có thể ngồi lên trên, tương tự như máy bay hiện nay vậy. Có thể thấy giấc mơ bay vào vũ trụ của con người đã tồn tại từ thời xa xưa. Trương Hoành chế tạo một máy đo địa chấn, nếu như phát sinh động đất thì con rồng trên chiếc máy này sẽ nhả ra một viên đồng. Bắc Tề Lan Vương Cao Tường cũng từng chế tạo một người đất, dưới hình dạng một vũ công nam nhân người Hồ. Khi trong tâm Lan Vương muốn thúc rượu người khác, thì vũ công người Hồ này sẽ giúp ông bưng chén rượu cho người đó, đứng ở trước mặt khách và chắp tay mời rượu. Cho đến bây giờ người ta vẫn không thể biết được nguyên lý chế tạo người đất mời rượu này của Lan Vương là gì.

Những tư tưởng kỳ diệu kiểu này luôn không ngừng được phát triển qua các triều đại, lưu lại một truyền kỳ đấy màu sắc cho lịch sử. Các tác phẩm kỹ nghệ thời ấy trải qua bao thời gian đến nay khó mà còn được diện mạo như trước; người ta chỉ có thể thông qua những văn tự được lưu lại, vừa xem vừa giật mình kinh ngạc về kỹ thuật thời ấy. Bài viết này xin được giới thiệu một số thợ thủ công nổi danh thông qua các công trình của họ, nhằm mang lại cho người xem một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về sự khéo léo, tinh tế trong kỹ thuật của các triều đại Trung Hoa cổ xưa.

Mô hình máy đo địa chấn thời xưa, hiện nằm tại Bảo tàng Quôc lập Khoa học Tự Nhiên Đài Trung

Bàn trang điểm và xe ngựa của nhà vua với chế tác tuyệt diệu

Trong những năm đầu của hoàng đế Đường Huyền Tông triều đại nhà Đường, hoàng cung muốn sửa lại toàn bộ xe ngựa của vua, đã tìm đến một người giỏi về chế tạo các khí vật cho xe ngựa của quân đội – đó là Mã Đãi Phong.

Hoàng cung Đại Đường có xe chỉ nam, xe trống (ghi chép được chặng đường đi) cùng với “tương phong điểu” (đánh dấu hướng gió), những thứ này đều được Mã Đãi Phong thiết kế rất tinh tế, hơn nữa xe ngựa cũng được tân trang và thiết kế lại, so với tiền nhân thì còn tinh xảo hơn nữa.

Xe trống (Ảnh: blog.sina)
Chỉ nam của xe – một loại đồ dùng trên xe ngựa dùng để xác định phương hướng (Ảnh: blog.sina)

Trong hoàng cung, bàn trang điểm là đồ dùng thiết yếu của các phi tần. Mã Đại Phong chính là người đã thiết kế bàn trang điểm cho hoàng hậu. Dưới con mắt của người hiện đại, nó đúng là một thứ đồ vật tuyệt tác.

Ở giữa bàn trang điểm có một đài gương, dưới đài gương chia làm hai tầng tủ, đều có cửa mở. Khi hoàng hậu muốn trang điểm, chỉ cần mở một cửa của hộp thì các cánh tủ và hộp khác cũng đều được mở ra theo, bên trong còn có hình bàn tay phụ nữ nâng lên đồ vật như trâm cài, lược hay phấn.

Những đồ trang điểm đều có người gỗ dâng lên cho hoàng hậu. Mỗi lần đưa xong đồ, người gỗ sẽ tự động thu về và đóng lại trong hộp. Đây là một bàn trang điểm rất xa hoa, phía trên còn có những hoa văn bằng vàng kim, bạc trắng rât đặc sắc. Quần áo người gỗ cũng được thiết kế tỉ mỉ tinh xảo.

Sử dụng kỹ nghệ tinh xảo để làm các đồ vật cho hoàng gia

Trong thời cổ đại, mỗi khi hoàng đế đi ra ngoài, sẽ có một đội quân bảo vệ lớn đi theo, thể hiện sự uy nghi và vị thế của thiên tử. Mã Đãi Phong được vua Đường Huyền Tông đích thân phong làm người chuyên chế các đồ dùng phục trang cho đội quân này.

Đội quân nghi thức hoàng cung cổ đại – “Đại giá lỗ bộ đồ thư” (Bắc Tống)

Mã Đại Phong thường dâng tấu lên hoàng thượng, thỉnh cầu hoàng thượng cho mình chế tạo những đồ vật thông minh, Huyền Tông hoàng đế chuẩn tấu. Những đồ vật này đều được dùng bạc trắng chế tạo thành. Chẳng hạn Ụ rượu có những bộ máy tinh vi vận hành bên trong. Ụ rượu có thể mở ra từ mọi phía; không khí có thể đi xuyên qua nó. Các bộ phận bên trong được hoạt động nhờ gió. Rượu ở bên ngoài ụ rượu, như một dòng suối chảy, có thể dùng ly để lấy rượu. Bộ máy phía dưới ụ rượu dùng để kiểm soát lượng rượu, nó tùy vào mọi người muốn uống bao nhiêu mà đóng lại, mức độ tinh xảo đến độ làm người ta khiếp sợ.

Những thứ tinh xảo này sau khi chế xong, Mã Đãi Phong sẽ bẩm báo với hoàng đế Đường Huyền Tông. Nhưng vì triều chính rất bận, Huyền Tông thường không có thời gian triệu kiến Đãi Phong. Khi Mã Đãi Phong cần gì, Huyền Tông đều phái người đưa cho ông đầy đủ, chỉ là trước sau chưa hề trao cho ông một chức quan gì. Mã Đãi Phong cảm thấy khá xấu hổ vì điều này. Ông luôn oán tránh mình do thời vận không đủ hay do những tác phẩm của mình không được tốt, nên sau một thời gian ở trong cung ông đã lui về ẩn cư tại núi Tây Hà.

Cốc rượu bằng sừng tê giác được mạ vàng trong thời Đường. Đây là một khí vật thường dùng trong thời cổ đại

Thiết kế tinh xảo ngàn năm có một – Núi rượu

Về sau, Mã Đãi Phong và một người là Thôi Ấp Linh Lý Kình đã cùng nhau chế tạo ra một đồ vật lý thú khác là núi rượu. Họ chế tạo một miếng gỗ trên chiếc mâm, chiếc mâm này có đường kính bốn thước, phía dưới có một con rùa lớn nâng chiếc mâm, tất cả máy móc đều nằm trong bụng rùa.

Núi rượu cao ba thước, núi non trùng điệp, vô cùng diễm lệ. Giữa núi có một khoảng không, đủ đế chứa ba đấu rượu. Vây quanh núi là những hồ rượu, ngoài hồ là những núi nhỏ vây quanh. Trong hồ rượu có hoa sen, dùng sắt mà uốn thành.

Trên dãy núi còn có một tòa lầu, cửa của các tòa lầu sẽ tự động mở ra. Hai bên sườn núi đều có rồng, thân rồng ẩn trong núi, đầu thò ra ngoài. Miệng rồng phun ra rượu. Phía dưới đầu rồng có một đóa hoa sen, trên đóa hoa đặt một ly rượu. Người uống có thể đặt ly vào đây để lấy rượu.

Điều làm người ta phải kinh ngạc là cổ nhân không hề có điện năng hay những công cụ hiện đại hóa, hoàn toàn dùng đôi tay, mà có thể tạo ra được những cỗ máy tuyệt diệu. Từ ý tưởng, thiết kế, đo lường đến lựa chọn chất liệu, trí tuệ của con người đem tất cả dung hợp vào chung một chỗ. Mã Đãi Phong với sự tưởng tượng và kỹ nghệ của mình, như thể xuyên thấu thời gian và không gian, hiển lộ trí tuệ tuyệt vời của bậc tiền nhân.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch