Thính giả Việt ngữ có lẽ đã từng nghe hoặc nghe nói đến hai ca khúc có cùng một tên: “Chiếc lá cuối cùng”. Thực ra đây là hai tình khúc có số phận hoàn toàn khác nhau. “Chiếc lá cuối cùng” của nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác năm 1972 tại Sài gòn đã quá nổi tiếng và quen thuộc với mọi người, còn “Chiếc lá cuối cùng” của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác năm 1955 tại Hà Nội thì có thân phận kín đáo hơn, còn ít được người nghe biết đến.
Quay lại về một chiều thu Hà Nội rất xa xưa, vẫn những con đường cổ, những hàng cây to rợp bóng, bao nhiêu chục năm rồi mà như vẫn đâu đây, như mới xảy ra thôi, bỗng vang lên giai điệu Boston dìu dặt, phảng phất một nỗi buồn man mác
Hà Nội chiều nay, trời lên mây trắng
Chiếc lá cuối cùng rơi xuống chân em
Những chiếc lá vàng cuối cùng sắp lìa cành. Hai người yêu đi bên nhau cũng sắp chia tay. Hóa ra những con đường hoa sữa Hà Nội đã làm chứng cho biết bao mối tình đã đi qua
Tôi đi bên người, người đi bên tôi
Sao đôi tâm hồn đã quá xa xôi
Trên những con đường tỏa hương hoa sữa
Em đã nói gì, quá khứ tương lai
Người yêu trong mắt chàng cũng như chiếc lá thu rời cành, chỉ còn thấp thoáng, sẽ ra đi cùng với mùa thu, chỉ còn là kỷ niệm
Bóng dáng em về thấp thoáng đâu đây
Chiếc lá cuối cùng là của em đó
Em hãy giữ gìn, trước lúc chia tay
Chất thơ trong tình khúc “Chiếc lá cuối cùng” của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn rất đậm đà, rất trong trẻo, một chút nắng làm ấm lên cả mùa đông, tiếng gọi của tình yêu có phần da diết, có phần chơi vơi, lại có phần hoang mang như tiếng gọi đò nơi sông vắng:
Em thời xa, em có biết không?
Khi mùa đông đưa nắng qua sông
Để tình yêu giữa nước mênh mông gọi đò.
Tâm hồn lãng mạn bay bổng của người nghệ sĩ lồng trong câu hát, người đang yêu như chìm đắm trong mây trời hạnh phúc, đôi chân như không còn trên mặt đất. Chàng lại đủ tỉnh táo để nhận ra làn mây kia vẫn vô tình vô tình trôi, vẫn không thể chia đôi niềm hạnh phúc với chàng, nhưng nét khờ khạo của tuổi trẻ bồng bột trong tình yêu đã khiến chàng để lộ thân phận của nàng cho thính giả, nếu đây là một “bật mí” cố ý, tình yêu của chàng đối với nàng ca sĩ kia phải mãnh liệt đến chừng nào, bão tố dư luận nào có là gì!. Khúc hát này đi qua lòng người chắc chắn sẽ để lại một dư âm xao xác:
Trăng sao trên trời còn khi chia đôi
Nhưng tiếng ca nàng còn lắng trong tôi
Tôi ngước lên trời gọi mây hạnh phúc
Mây vẫn âm thầm lãng đãng mây trôi.
Ca khúc “Chiếc lá cuối cùng” này không có số phận may mắn như nhiều ca khúc khác của ông viết về tình yêu và mùa thu. Mãi đến năm 1986, hơn 30 năm sau khi ra đời nó mới được đưa ra với công chúng bởi những người con của cố nhạc sĩ. Ngay cả đến vị trí của nó trong danh sách ca khúc của Đoàn Chuẩn cũng như nói lên số phận buồn của ca khúc; nó cùng với ít nhất 3 ca khúc khác sáng tác cùng năm bị xếp vào tập “Bài ca bị xé”.
Vì sao lại có một tập bài hát với tên gọi kỳ lạ như vậy? Quay ngược thời gian về những năm 1950 đó của giữa thế kỷ 20; Đoàn Chuẩn đã có vợ con đề huề nhưng lại trót yêu một ca sĩ nổi tiếng Hà thành khi đó là Thanh Hằng. Tình yêu này không phải là đơn phương khi chàng viết tặng nàng tới 6 ca khúc lãng mạn. Khi vợ ông tìm đến nói chuyện với nữ ca sĩ kia, bà đã được trao lại các bản nhạc mà Đoàn Chuẩn đã viết tặng người yêu. Có lẽ vì vậy mà đã có một danh sách các “bài ca bị xé”. Nhưng may mắn là hôn nhân của ông vẫn “hoàn toàn lành lặn”. Có lẽ ông đã yêu chỉ để có chất liệu cho sáng tác mà thôi; hay có thể nói ngược lại như thế này không: ông đã sáng tác chỉ khi có tình yêu làm chất liệu?
Giai điệu của “Chiếc lá cuối cùng” nghe như tiếng sóng biển dâng trào, nhưng không dữ dội như đang trong cơn bão, mà đằm thắm như lúc bão đã tan, chỉ còn thấy dư âm vang vọng.
Vợ của cố nhạc sĩ, khi xưa từng nói: “Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế? Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông”.
Ca khúc cũng là một lời tự sự của bản thân nhạc sĩ. Ông biết rằng một tình yêu ngoài hôn nhân sẽ không thể bền lâu, ông gọi đó là một “mối tình trót lỡ không tên”, nhưng ông vẫn cứ yêu, bởi vì chất nghệ sĩ trong ông quá đậm mất rồi, ông vẫn muốn Hà thành cổ kính làm chứng cho ông, cho “lâu đài tình ái” trong tim người nghệ sĩ:
Hà Nội chiều nay còn như in bóng
Dấu vết lâu đài trên cát anh xây
Lời tựa của chính tác giả cho ca khúc đã giải đáp cho tất cả:
“Em còn nhớ không? Chiều chia tay cuối cùng lúc tàn thu trên quãng đường Trần Hưng Đạo, tỏa hương hoa sữa thơm lừng và lòng chúng ta thì cay đắng vô cùng … Chiếc lá cuối cùng là của em đó. Em hãy giữ gìn trước lúc chia tay.” Thu 1955.
Giờ đây chúng ta hãy bỏ qua chuyện cũ, hãy cùng hòa mình vào âm nhạc và lời ca của ông, để cùng nhau cảm thụ một tài hoa âm nhạc Đoàn Chuẩn, để “chiếc lá cuối cùng” của ông không bao giờ mục nát dưới gót thế nhân.
Chiếc lá cuối cùng với phần thể hiện của ca sĩ Quỳnh Lan:
Chiếc lá cuối cùng do ca sĩ Lê Dung thể hiện:
Chiếc Lá Cuối Cùng do ca sĩ Ngọc Quy thể hiện:
Hoài Ân