Đại Kỷ Nguyên

Cảm âm ca khúc ‘Chuyển bến’ của Đoàn Chuẩn: đời lãng tử, có vui gì đâu em hỡi, anh ra đi, em cũng đừng đợi chờ

Nhiều người trong chúng ta chắc chắn đã tình cờ hay chủ ý nghe bài hát này nhiều lần, nhưng có ai từng một lần từng băn khoăn về số phận của các nhân vật trong bài hát. Một sự “chuyển bến’ quá đột ngột, quá mau chóng, con thuyền sao không ở lại nơi đây, đã ra đi rồi có tìm được chăng những bến bờ mơ ước? Người ở lại cùng với bến là ai? Hãy cùng nghe lại một lần nữa ca khúc bất hủ “Chuyển bến” của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn để cùng cảm nhận

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thời trẻ (trái) và khi đã về già (phải) (Ảnh: 24h.com.vn)

Đoàn Chuẩn nổi tiếng với những ca khúc trữ tình lãng mạn. Thời gian sáng tác thể loại này của ông khá ngắn ngủi (trong khoảng 1948 – 1956) nhưng đã để lại cho đời những ca khúc bất hủ: Thu quyến rũ, Chuyển bến, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều…

Bài hát Chuyển bến ra đời khoảng năm 1951 -1952, như một lời tự sự của một đấng nam nhi, trong bối cảnh đất nước còn đang trong chiến tranh, tâm người còn đang hoang mang vô định chưa biết đi theo hướng nào, như một “con thuyền không bến”, muốn tìm một nơi đậu đỗ an lành.

Giai điệu bài hát du dương nhè nhẹ, buồn man mác, da diết, mà không bi lụy, Có độ rung, độ âm vang, ngân nga, phù hợp với tâm trạng của nhân vật: Trăn trở khi quyết định chia ly, quyết ra đi tìm chân trời mới.

Chàng trai chia tay người yêu bịn rịn trong một khung cảnh trong sáng, lãng mạn mà nghiêm túc

Còn đêm nay nữa ta ngồi với nhau, ngước mắt trông trời
Ngày mai ta đã xa rồi, tình tan vỡ chìm trong lãng quên

Cuộc chia tay nằm trong khung cảnh một ráng trời màu tím. Đây là một ráng trời đặc biệt vì nó hiếm, không nhiều như những ráng hồng, ráng đỏ, ráng vàng mà ta thường hay gặp. Cuộc chia ly như thế này cũng là hiếm và đặc biệt; đời người có được bao nhiêu lần như thế?! Một cuộc ra đi không hẹn ngày trở lại. Được biết Đoàn Chuẩn cũng đặc biệt thích màu tím, vì đó cũng là màu áo của người ông yêu, của mối tình đầu. Màu tím cũng là màu của chung thủy, mà lại xuất hiện trong lúc chia ly, cũng là một thủ pháp nghệ thuật lạ mà Đoàn Chuẩn sử dụng.

Chiều nay sao dâng nhanh mầu tím
Và mây bay theo nhau về bến

Các ca sĩ đã trình bày thành công bài hát này phải kể đến Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Sĩ Phú, và gần đây là Ánh Tuyết, Tấn Minh. Ta nghe thấy trong lời ca của họ âm thanh da diết, hơi buồn mà không ủy mị. Sau nốt nhạc cuối cùng, giai điệu bài hát như còn ngân nga mãi bên tai.

Chuyển biến – ca sĩ Tuấn Ngọc:

Nghệ thuật trong ca khúc của Đoàn Chuẩn có thể nói là “nghệ thuật kép”, vì bên cạnh giai điệu mượt mà thì ngay cả câu từ trong lời bài hát đơn thuần cũng đã chứa đựng yếu tố nghệ thuật tinh tế, được chọn lọc kỹ càng. Có tác giả đã phân tích rằng: “Đoàn Chuẩn có tiếng nói khác: Ông phát ngôn trên tư cách nghệ sĩ, đưa tác phẩm nghệ thuật đến một quần chúng nghệ thuật, trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ”.

Thuyền cắm tay sào từ cuối thu
Ngoài kia sông nước như đón chờ

Hình tượng con thuyền trong thơ ca, dường như đã có một lịch sử lâu đời. Đoàn Chuẩn dùng hình tượng con thuyền để nói về bản thân mình; hình tượng những con thuyền trên bến vắng như thế đã xuất hiện nhiều trong thơ thơ ca xưa:

Thuyền đi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

(Ca dao)

Và trong cả thơ của người cùng thời với ông:

Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt
(Lời kỹ nữ, 1939)

Hình tượng những con thuyền trên bến vắng như thế đã xuất hiện nhiều trong thơ ca xưa (Ảnh: hopamviet.vn)

Mối tình của người nam thời đó hay được ví như chiếc thuyền, người nữ như bến đợi. Đoàn Chuẩn được người biết đến như một “tay lãng tử”; ông là người đào hoa, tuy chung thủy với vợ con nhưng con thuyền với tâm hồn nghệ sĩ đậm đặc như ông vẫn có nhiều mối tình nơi “bến lạ”.

Tìm hướng cho lòng tìm bến Mơ?
Từ nay xa cách rồi bến xưa

Ca khúc của Đoàn Chuẩn có độ phủ rộng, tính tượng trưng cao, phù hợp với tâm trạng của nhiều người, nhất là những người phải đi xa khỏi quê hương, bản quán, nên được nhiều người hát, nhiều người thích, nhiều người nhớ.

Nhưng mà, từ trước tới nay, nghe bài hát này ta vẫn có đôi chút trăn trở: nhạc và lời hay và cuốn hút như vậy, sao vẫn có một chút gì thiêu thiếu, chưa tròn vành? Ta băn khoăn không biết vì sao nhân vật chính lại phải quyết bỏ người yêu mà ra đi. Có phải là do ý chí người trai quá rộng lớn, “nam nhi chi chí” không gì cản nổi:

Thuyền ơi sao mê say nhiều quá
Đường mê khôn ai ngăn cản lối

Lời bài hát dường như không gợi ý gì cho ta về một lý do thực sự thuyết phục. Ở đó chỉ có sự chia tay nghẹn ngào nhưng kiên quyết, không có nước lùi. Quyết định ra đi của chàng trai như một dấu chấm hỏi, như một ô đố chữ cần giải đáp. May thay, đây không phải là ẩn đố mà vĩnh viễn chẳng có câu trả lời.

Chuyển bến – ca sĩ Mộc Lan:

Sự thật là, lời của bài hát mà đã được phổ biến và quen thuộc với thính giả qua gần nửa thế kỷ chỉ là lời 1 của bài hát do nhà Tinh Hoa xuất bản. Bước ngoặt và cũng là đáp án thật sự cho sự chia ly này đã có rất rõ ràng trong lời 2, mới được tiết lộ vào năm 2001 dưới hình thức bản nhạc viết tay của chính tác giả để lại, do những người thân của tác giả. Hơn nữa trên bản nhạc còn có một “lời bạt” dưới dạng thơ mà chỉ cần đọc nó cũng đã hiểu được phần nào bối cảnh của bài hát.

Em ơi, lá có rơi ngoài muôn ngả
Thì chung quy, cũng về đất thân yêu
Anh phong sương, mưa nắng đã hoen nhiều
Đời lãng tử, có vui gì đâu em hỡi
Anh ra đi, em cũng đừng chờ đợi
Mai anh về, kia nữa, hoặc chẳng bao giờ

Đặc sắc hơn nữa, trong lời 2 của bài hát còn có lời đáp trả quyết định ra đi của chàng trai từ cô gái là người yêu bị bỏ rơi của nhân vật:

Cuộc vui sao tránh lúc tàn hỡi Anh?
Lá đã xa cành
Đường đi muôn lối thôi đành
Tình tan vỡ chờ nhau kiếp sau

Khi hai người yêu nhau phải chia tay nhau, nếu như còn hẹn nhau kiếp sau, thì đó chắc chắn phải là một tình yêu cực kỳ mãnh liệt, nhưng oái oăm là hoàn cảnh cuộc đời bắt buộc họ phải chia tay khi chưa thực sự muốn rời xa nhau, nhưng cũng lại biết rằng đời này không thể nào tái hợp lại một lần nữa, nên mới “hẹn nhau kiếp sau”. Thông thường thì khi đã “hết duyên” là chia tay, rồi “đường ai nấy đi”. Nếu anh ả còn hẹn nhau kiếp sau, nghĩa là duyên tình này về thực chất vẫn chưa thể cắt, chưa thể dứt hoàn toàn. Lại nói vui: mọi người hay nói “đi cắt tiền duyên”, chắc là kiếp trước ai đó đã từng thề thốt như vậy với ai, nên kiếp này mới long đong mãi, không thể yêu người khác. Thiết nghĩ, vậy kiếp này ta nên yêu in ít thôi để kiếp sau đỡ long đong.

“Chuyển bến” với 2 lời đầy đủ đã được cover lại bởi ca sĩ Tâm Hảo, và hòa âm của nhạc sĩ Thanh Trang năm 2011, đem lại cho thính giả một cái nhìn hoàn toàn mới đối với ca khúc bất hủ này.

Chuyển bến – ca sĩ Tâm Hảo:

Lời 2:

Đào phai, cho lan hương nở cánh
Tình phai, cho ai kia chuyển bến
Gặp nữa, chi bằng lảng tránh nhau
Gặp nhau thêm cũng không bớt sầu

Gửi em, khăn châle yêu mầu tím
Gửi em, phong thư xưa thầm kín
Gửi những cung đàn, còn Trái Tim?
Làm sao anh dứt được? Tới Em.

Cuộc vui sao tránh lúc tàn hỡi Anh?
Lá đã xa cành
Đường đi muôn lối thôi đành
Tình tan vỡ chờ nhau kiếp sau

Rồi đây, khi đi qua đường cũ
Đường xưa gây hương yêu mầu nhớ
Một lớp tro tàn phủ Ái Ân
Để cho em khóc thầm nhớ Anh!

Không hiểu vì lý do gì mà lời 2 đã không được phổ biến ngay từ đầu. Có thể do tác giả thay đổi ý vào phút cuối và không muốn công bố, có thể là do nhà xuất bản, hoặc một lý do gì khác. Nhưng điều may mắn là, bản viết tay gốc của cố nhạc sĩ đã được người thân của ông giữ lại nguyên vẹn, nên ô chữ này hôm nay mới được giải đáp trọn vẹn.

Hoài Ân

(Ghi chú: nhạc sĩ Đoàn Đính, con trai cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã xác nhận là cha ông viết cả 2 lời ở cùng một thời điểm, theo nghiên cứu của tác giả Phan Anh Dũng, Virginia, USA)

Exit mobile version