Đại Kỷ Nguyên

Cảm âm ca khúc ‘Ru em từng ngón xuân nồng’ của Trịnh Công Sơn

Nhạc Trịnh dễ nghe dễ thấm dễ đi vào lòng người nhưng lời không dễ lý giải. “Ru em từng ngón xuân nồng” là một ca khúc rất đáng yêu mà cũng khá thách đố với những ca từ mang tính hình tượng và ẩn dụ. Tác giả bài viết xin được mạn phép lý giải một chút ca khúc này theo nhận thức mang tính cá nhân.

Ca khúc này có lời ca đẹp và êm ái, mang tới một nỗi buồn dịu nhẹ, giai điệu chậm đều đúng như một lời ru ngủ. Những ngón tay của nàng thiếu nữ như những búp măng trỗi dậy mạnh mẽ trong thanh khí của mùa xuân. Cái đẹp xuyên thời gian và không gian như thế trải dài qua biết bao lịch sử thăng trầm, xóa nhòa đi mọi khổ đau, buồn tủi.

Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên,
dáng em trôi dài, trôi mãi trôi trên ngàn năm.

Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài, trôi mãi trôi trên ngàn năm. (Ảnh: topsimages.com)

Mùa xuân là mùa bắt đầu của một chu kỳ sống mới, cây cối nảy lộc đâm chồi, hoa nở ngát hương, con người như trẻ lại, hăm hở thực hiện những kế hoạch tới tương lai.

Nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để nhìn lại một năm đã qua, không chỉ là để xem lại những thành tích mà còn là nhìn lại những lỗi lầm; ở một khía cạnh nhất định, không phải tiền bạc mang lại cho ta hạnh phúc mà chính là những lỗi lầm đã ngăn cản ta đến với hạnh phúc đích thực; ăn năn là một cách để không lặp lại những lỗi lầm mà ta đã phạm phải; đây há chẳng phải cũng là làm mới lại chính mình và hướng tới hạnh phúc đích thực hay sao?

Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ
Tay em kết nụ nuôi trọn một đời, nuôi một đời người.
Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi

Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ, tay em kết nụ nuôi trọn một đời, nuôi một đời người. (Ảnh: roses.vn)

Ăn năn chính là hối lỗi, là một hoạt động tinh thần của người đi đạo, mùa xuân chính là thể hiện cho một năm mới, ăn năn để gột rửa tội lỗi đã phạm phải trong năm qua, để bắt đầu một chu kỳ mới trong sạch thanh tịnh. Hơn nữa, nếu biết sám hối và không tiếp tục phạm tội thì tội lỗi cũ sẽ được gột rửa, sinh mệnh sẽ tiếp tục gặp may mắn và trường tồn.

Tài năng âm nhạc của Trịnh Công Sơn được cộng với cảnh giới đạo đức cao hơn bình thường. Lời nhắn nhủ của ông là ngụ ý cho toàn bộ tiến trình của sinh mệnh trong kiếp luân hồi, không chỉ là cho một kiếp người trong hiện tại, nên ý tứ cứ bềnh bồng, mênh mang, cụ thể nhưng lại không thực tế, như mượn lời của sinh mệnh cao cấp nào đó mà nhắn nhủ con người, hay bày tỏ tâm tình dưới vai một người anh đã chín chắn nhắc nhở một người em gái còn ngây thơ, khờ dại.

Ăn năn chính là hối lỗi, là một hoạt động tinh thần của người đi đạo… (Ảnh: missviet.com.vn)

Dưới mắt những sinh mệnh cao cấp trong vũ trụ thì con người sống ở nơi trần thế không phải là để hưởng niềm hạnh phúc thực sự; rất nhiều nỗi buồn, rất nhiều nỗi khổ do con người tự gây ra cho chính mình, nếu không tỉnh ngộ thì cho dù được sống tới ngàn năm vẫn chỉ là bơi hoài bơi mãi trong sông buồn bể khổ mà thôi. Niềm hạnh phúc thực sự chỉ dành cho những sinh mệnh nào có thể quay trở về nguồn cội ở nơi tiên giới.

Ru mãi ngàn năm, dòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm.

Ru mãi ngàn năm, dòng tóc em buồn, bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm. (Ảnh: imagenesmy.com)

Tại sao ở đây luôn là lời ru ngàn năm mà không phải lời ru trăm năm? Trong mắt những người ngộ đạo (Trịnh Công Sơn có những hiểu biết sâu sắc về Phật giáo và Công giáo), trăm năm cõi người là cực kỳ ngắn ngủi, chớp mắt trôi qua, không thể đại diện cho một giá trị trường tồn như tinh thần của con người.

Đời người chỉ hữu hạn trong vòng trăm năm, nhưng sinh mệnh trong kiếp luân hồi có thể kéo dài tới ngàn năm. Chẳng phải ước mơ về một đời sống vĩnh cửu vẫn luôn ở trong tiềm thức và đi cùng với cuộc sống thực tại của mỗi con người chúng ta đó sao?

Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên,
dáng em trôi dài, trôi mãi trôi trên ngàn năm.

Con người dù giản dị và yếu đuối trong trời đất bao la này, với chỉ những ngón tay gầy guộc và những phiến môi mềm, nhưng con người tồn tại cùng vũ trụ và còn góp phần xây đắp nên vũ trụ. Con người còn là một tạo vật đẹp đẽ không thể thiếu của bàn tay tạo hóa.

Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm.
Trên mùa lá xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm

Trên mùa lá xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm. (Ảnh: rosestudio.com.vn)

Nhưng mà trong mùa xuân tươi đẹp thế sao lại cứ phải ru ngủ con người? Phải chăng con người trong cả đời sống của mình luôn tranh đấu vì lợi ích cho bản thân, nên đôi bàn tay tuy đẹp đẽ nhưng đã tạo nghiệp sâu dày? Nghiệp này quay trở lại sẽ hóa thành mọi tai ương bất hạnh cho tương lai của người đó. Như vậy lời ru ngủ ở đây không phải là ru cho ngủ thật, cho quên đi cuộc sống, mà là phải cho đôi tay nghỉ, phải bớt đi những việc làm xấu và tranh giành đấu đá ở cuộc đời, ngõ hầu mong chờ một tương lai tốt đẹp.

Lời ru đó sẽ còn mãi như một lời giáo huấn – con người không bao giờ được quên mình phải sống theo các nguyên tắc đạo đức thì mới có được tương lai tốt đẹp.

Còn lời ru mãi, vang vọng một trời.
Mùa xanh lá vội, ru em miệt mài

Cuộc sống là một chuyến đi cần mẫn, không ngừng nghỉ. Cuộc sống nơi trần gian âu cũng chỉ là một khoảnh khắc vô thường đi qua cõi tạm mà thôi. “Mùa xanh lá vội”: cuộc đời ở trần thế dù tươi đẹp đến mấy thì cũng rất ngắn ngủi, được mất của cuộc đời này đến lúc cuối đời nhìn lại mới thấy cũng chỉ là hư vô, mọi người đều cần phải tìm được con đường đi đúng đắn cho mình.

Xuân, hạ, thu, đông quay vòng, âu cũng giống như hành trình Sinh – lão – bệnh – tử của một đời người, ai có thể đảo ngược? Lại nghe da diết một câu kết:

Còn lời ru mãi, còn lời ru này
Ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai.

Còn lời ru mãi, còn lời ru này, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai. (Ảnh: Pinterest)

Con người muốn giải thoát khỏi bể khổ ngàn năm, chỉ có một cách duy nhất là đi tìm một cách sống cao thượng hơn cho mình, vượt khỏi những suy tư toan tính của người thường; đây chính là Đạo mà Đạo gia nhìn nhận và cũng chính là Pháp mà Phật gia nhìn nhận, có thể đưa con người từ nơi tối khổ đến bến bờ hạnh phúc.

Việc lớn của mỗi đời người nên chăng là đi tìm cho mình một đạo pháp và một minh sư chân chính – tầm đạo mà đi lên – để không bị uổng phí một kiếp sống con người; chỉ khi đó mùa xuân của cuộc đời ta mới thực sự là ngàn năm vĩnh cửu.

Việc lớn của mỗi đời người nên chăng là đi tìm cho mình một đạo pháp và một minh sư chân chính… (Ảnh: rosestudio.com.vn)

Về phần thể hiện ca khúc, Hồng Nhung hát bài hát này với một sự đằm thắm khác lạ và mới mẻ, dường như truyền thêm cho bài hát một ngọn lửa yêu thương bên cạnh tình cảm trìu mến vốn có thường thấy trong các phiên bản trước của ca khúc. Cách hát ngân nga của cô làm cho giấc ngủ ngàn năm dường như lại dài dài thêm nữa. Nhưng không hiểu sao, cứ khi bài hát của họ Trịnh được Hồng Nhung trình bày thì thấy nỗi buồn trong bài hát lại được giảm nhẹ đi khá nhiều. Có phải vì những nỗi buồn mà danh ca này trải nghiệm trong thực tế còn quá nông so với những nỗi buồn mà nhạc sĩ họ Trịnh đã phải trải qua trong cuộc đời sáng tác của ông?!.

Ca sĩ Tuấn Ngọc với độ rung rất đặc trưng và đặc biệt của dây thanh của anh phù hợp một cách kỳ lạ với bài hát ru này. Nghe anh hát ru, thính giả vừa muốn ngủ thiếp đi để được chìm vào những giấc mơ đẹp, vừa muốn tỉnh táo để không bỏ sót một âm trầm, âm cao hay sự luyến láy nào của anh dành cho bài hát. Nội dung bài hát dường như trở nên không còn quá quan trọng khi nghe Tuấn Ngọc trình bày; tâm tình của thính giả dành cho giọng ca của anh đã quá sâu đậm.

Tiếng ru của ca sĩ Lệ Quyên theo phong cách thính phòng lại mãnh liệt như tiếng sóng biển, ầm ào vỗ bờ không ngớt. Nhưng biển cũng có những lúc rất yên bình và sâu lắng, và lời ru của chị cũng vậy, có những lúc nhẹ nhàng đến độ chỉ như cơn gió thoảng. Trình bày của Lệ Quyên vì thế tạo cảm xúc mạnh cho thính giả; có bạn nghe nhạc trên mạng đã bình luận: “Lệ Quyên hát như muốn cấu xé, thổn thức coi mình như là nhân vật hát để thoả sức buồn của nhạc Trịnh và để truyền được cái buồn đó”.

Nếu Lệ Quyên hát bài này như tiếng sóng biển thì Khánh Ly hát nó như một con thuyền; người nghe như được nằm trên một con thuyền đang lướt sóng mà thưởng thức, có cảm giác thật “vô tiền khoáng hậu”, trôi mãi trôi hoài, mặc kệ đời sống trên bờ đang biến loạn ra sao. Sự trau chuốt trong giọng ca của Khánh Ly đã đạt đến độ “nhuần nhuyễn tự nhiên như trời đất”. Vì vậy có thính giả đã chia sẻ: “Đã nghe bài hát này rất nhiều lần với vài ca sĩ khác; Xưa có nay có, nhưng có thể nói chỉ có mỗi danh ca Khánh Ly hát bài này là vô đối thủ, độc nhất vô nhị từ xưa cho tới mãi mãi về sau”. Phiên bản sớm nhất của ca khúc “Ru em từng ngón xuân nồng” được thấy ở Album Quán Văn năm 1967.

Tiếng hát khàn khàn liêu trai của ca sĩ Cẩm Vân như bứt ta ra khỏi hiện tại, đưa ta về với một thế giới xa xưa, đong đầy hoài niệm quá khứ. Trong cách hát của chị ta cũng thấy hiện lên một tiếng ru quê hương vang vọng đầy da diết.

Nghe nhạc Trịnh để tìm tòi và phát hiện, âu cũng là một thú chơi tao nhã, khó tìm được ở các ca khúc thông thường. Lòng ta chợt chùng xuống, hòa vào cùng không khí thanh tao mang mang của những ngày đầu xuân.

Hoài Ân

Exit mobile version