Ở tập 10 của Tây Du Ký, ta được chứng kiến tài trí và sự tinh thông ba lần đánh bại Bạch Cốt Tinh của Ngộ Không. Nhưng ở đây cũng mang theo nỗi sầu mà một ca khúc được sử dụng trong phim đã lột tả được sự khổ tâm của Ngộ Không khi bị Đường Tăng đuổi đi.
“Thổi không tan được nỗi sầu này” là một ca khúc nói lên nỗi u buồn trong tâm của Tôn Ngộ Không khi những nỗ lực của Ngộ Không trong hành trình phò trợ Đường Tăng dường như không đủ để làm minh chứng cho niềm tin và hiểu nhau giữa các đồ đệ hay giữa Đường Tăng với Ngộ Không.
Ca khúc được thể hiện bởi giọng ca Uất Quân Kiếm, với chất giọng trong sáng, tình cảm đã nói lên được tâm trạng bịn rịn khi bất ngờ phải chia ly giữa bốn thầy trò Đường Tăng. Và sâu thẳm trong tâm Ngộ Không là sự chân chính và trong sáng trong những việc mình đã làm nhưng khó có ai có thể hiểu. Hơn hết trong tâm là sự trăn trở, lo lắng ai sẽ đảm nhiệm phò tá Đường Tăng sau khi mình rời đi.
“Thổi không tan được nỗi sầu này” trải đầy những nỗi niềm khó ai có thể hiểu của Ngộ Không
Ở tập phim này có sự xuất hiện của Bạch Cốt Tinh, là nhân vật xuất hiện trong hồi 27 Tây Du Ký:
Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng,
Đường Tăng nhiều phen đuổi Ngộ Không.
Bạch Cốt Tinh là yêu quái ở động Bạch Hổ, nguyên là bộ xương khô trắng thành tinh.
Lần đầu tiên Bạch Cốt Tinh biến thành một cô thôn nữ. Ả muốn bắt Đường Tăng về ăn thịt nhưng không ngờ lại không thể tiếp cận được thầy trò Tam Tạng bởi Ngộ Không như tính toán được trước sự xuất hiện của yêu ma mà vẽ một vòng tròn bằng gậy như ý, và căn dặn không được ra khỏi vòng đó.
Bạch Cốt Tinh dùng sắc mê hoặc Đường Tăng nhưng không thành, biết được dục vọng ham ăn của Trư Bát Giới, ả ta dùng đồ ăn để dẫn dụ họ rời khỏi vòng tròn đó. Khi mục đích sắp đạt được, yêu quái định ăn thịt Đường Tăng thì Ngộ Không xuất hiện, vung một gậy đập chết. Đường Tăng tức giận liền niệm chú Ngộ Không. Linh hồn là Bạch Cốt Tinh rời khỏi thân xác cô thôn nữ và bay đi.
Yêu quái thoát chết, lần thứ hai biến thành một bà cụ già đi tìm con. Lần này Tôn Ngộ Không chẳng nói một lời, rút gậy sắt ra đánh chết yêu quái, lại bị Đường Tăng niệm chú nhức đầu. Linh hồn là Bạch Cốt Tinh lại rời khỏi thân xác bà cụ bay đi mất.
Bạch Cốt Tinh lại dùng phép giải thây thoát chết, lần thứ ba biến thành một ông già đang lạy Phật.
Sau khi bị Ngộ Không đánh chết, linh hồn vẫn tiếp tục thoát khỏi thân xác.
Tôn Ngộ Không phân trần với Đường Tăng rằng đó là yêu quái, trên bộ xương có khắc bốn chữ: Bạch Cốt phu nhân nghĩa là “bà phu nhân xương trắng”. Nhưng Đường Tăng vẫn không tin và nhất quyết viết giấy mực đuổi Ngộ Không về Hoa Quả Sơn.
Ngộ Không mang trong tâm sự oan ức mà không thể giãi bày được, bởi trong 3 đồ đệ của Đường Tăng, chỉ có duy nhất Ngộ Không là có thể phân biệt được thật giả, và phát hiện được đâu là yêu ma quỷ quái nhờ đã luyện được “hỏa nhãn kim tinh” (mắt lửa ngươi vàng).
Ngộ Không ba lần ra tay đều nhìn thấy tận gốc đó là yêu quái giả dạng, nhưng 3 thầy trò Tam Tạng lại không tin, bởi vậy họ không thể lý giải được hành động của Ngộ Không.
Trong tâm của Tôn lại cảm thấy hụt hẫng và đau khổ khi sư phụ và huynh đệ không những không coi trọng công lao của Ngộ Không mà còn trách mắng.
Khi Đường Tăng quyết định viết giấy dứt tình mà đuổi Ngộ Không đi, trong tâm Ngộ Không mang đầy nỗi lo lắng ai sẽ là người phò tá Đường Tăng. Nỗi lo đó làm cho bước chân của Ngộ Không ngập ngừng không muốn đi, nhưng rồi câu nói phũ phàng của Tam Tạng: “Chẳng lẽ Bát Giới và Ngộ Tĩnh không diệt được yêu ma?” làm Ngộ Không hiểu được sư phụ đã dứt tình với mình.
Trong tâm như sự quyến luyến bịn rịn, lúc này đây mới biết ân tình sâu đậm, nhưng vẫn phải bước chân đi.
Bài hát là sự lột tả sâu sắc nhất tâm trạng của Ngộ Không trong cái cảnh bỏ thì thương, vấn vương cũng chẳng đặng được Uất Quân Kiếm thể hiện rất trọn vẹn. Nỗi buồn nặng ân, nặng nghĩa tình đè nén chẳng nguôi ngoai.
Nội hàm của tập phim khiến hậu nhân thêm chút ngẫm suy
Bạch Cốt Tinh là biểu tượng cho thân xác phàm của con người. Con người vì nó mà khơi dậy bản năng dục vọng. Bạch Cốt Tinh cũng sử dụng dục vọng mạnh mẽ của Bát Giới mà dẫn dụ được thầy trò Đường Tăng ra khỏi cái vòng tròn mà Ngộ Không đã vẽ, vòng tròn đó biểu tượng cho giới luật, cho sự khống chế câu thúc bởi những tiêu chuẩn của một con người. Với người tu luyện vòng tròn đó chính là những tiêu chuẩn bất di bất dịch mà người tu phải chiểu theo.
Ba lần Bạch Cốt Tinh biến hóa lần lượt đại biểu cho Tình – ái – dục của một con người. Ngộ Không đã đánh chết toàn bộ nó, biểu lộ rằng trên đường đời chúng ta nhất định phải khống chế vững tình, ái, dục của bản thân, chớ để nó trở thành chướng ngại ngăn trở chặng đường tiến bước của chính ta.
Trư Bát Giới vì nuông chiều cho cái thân xác phàm mà thân thể khơi dậy bản năng dục vọng, vậy nên Trư Bát Giới luôn đem lòng đố kị, ghen ghét với Ngộ Không. Vì đó mà ở tập này, Bát Giới bắt đầu ly gián, khiến con người thất lạc mất nội tâm của mình, ngọn lửa giận đốt cháy khiến Đường Tăng bị che mất lí trí mà đuổi Ngộ Không đi.
Câu chuyện của bốn thầy trò Đường Tăng vẫn được người đời xem là câu chuyện của người tu luyện. Nếu nhìn về góc độ độc lập của mỗi cá thể thì Ngộ Không, Bát Giới, Ngộ Tĩnh đều là những đồ đệ phò tá Tam Tạng đi thỉnh chân kinh. Họ chính là đang đi trên con đường tu luyện, hoàn thành sứ mệnh mà gây dựng uy đức bản thân đồng thời viên mãn quả vị. Nhưng trong tâm Bát Giới luôn còn tồn tại sự đố kị, ghen ghét, bài xích và chỉ mong đợi cơ hội hạ bệ Ngộ Không. Tâm tật đố ấy khiến chính Bát Giới khổ tâm, phiền não. Và vì sự hẹp hòi ấy mà dẫn tới gián cách rồi phá hoại mối quan hệ tốt đẹp của thầy trò Đường Tăng. Chính vì thế mà Bát Giới là người duy nhất không đắc được quả vị của mình.
Đố kị, ganh ghét là một tâm mà có sự phá hoại rất lớn. Với người có tồn tại loại tâm này, thì nó phá hủy đi sự yên bình thanh thản trong tâm của người đó, nó xúi giục con người xuất những ác niệm để rồi làm những việc bất hảo. Rồi chính họ phải sống trong sự khó chịu, trong dày vò mà nó gây ra. Vậy người mang tâm tâm đố kị, ganh ghét với người thì quả thực là đáng thương. Bởi chính trong thẳm sâu của tâm họ chẳng có chút nào yên bình.
Sa Tăng là một nhân vật siêng năng, cần mẫn, nhưng tính cách ba phải, không dám đấu tranh chống lại những thói xấu do sư huynh mình là Trư Bát Giới gây ra. Tại hồi 27, khi Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh bị Bát Giới gièm pha, Sa Tăng dù biết lẽ phải thuộc về Ngộ Không nhưng vẫn không dám can ngăn Tam Tạng, rốt cuộc Ngộ Không bị đuổi về Hoa Quả Sơn.
Tại sao lại có sự im lặng đó, phải chăng tác giả muốn phản ánh một sự tình về vấn đề tu khẩu trong giới tu luyện? Họ coi rằng tu khẩu có nghĩa là không nói, thấy chuyện bất bình cũng không nói, thấy người tốt phải chịu hàm oan cũng không nói. Phải chăng là lời lên tiếng cho lối suy tưởng cực đoan. Người tu luyện chân chính không phải là để tu xuất tâm từ bi hay sao? Thấy chúng sinh khổ mà thương. Mặc dù tu luyện chân chính không quản việc thế gian, nhưng khi gặp phải chuyện bất dung thứ, thì lời nói của họ chính là lấy lại công đạo, là lời của đạo lý.
Chính sự im lặng đó của Ngộ Tĩnh mà ở hồi 31, khi Bát Giới đến mời Ngộ Không đi cứu sư phụ, gặp lại Sa Tăng, Ngộ Không mới nói với Sa Tăng rằng:
‘‘Cái chú sa ni này! Lúc sư phụ niệm chú khẩn cô nhi, sao chú không nói giúp tôi một câu? Chỉ rặt khua môi múa mép! Bảo vệ sư phụ, sao không sang phương Tây đi, còn ngồi đây làm gì?’’.
Phải thừa nhận rằng, Tây Du Kí là một tác phẩm đáng phải xem nhiều lần trong đời. Bởi ở đó ẩn chứa những nội hàm vô cùng thâm sâu. Nó hoàn toàn không phải chỉ đơn thuần là tác phẩm về những thần thông phép màu thu hút trẻ nhỏ, mà nó còn là sự suy ngẫm cho những ai đang bước trên con đường tu hành hay cả những người đang đi tìm đạo lý ở đời.
Mời quý độc giả cùng thưởng thức ca khúc “Thổi không tan được nỗi sầu này”:
Tịnh Tâm